Hôm rồi đi nhà sách, mình ghé vào gian best-sellers của một cửa hàng. Mình chọn ngẫu nhiên một quyển sách được xếp đều trên kệ ngay trước tầm mắt. Có thể đây là cuốn bán chạy nhất trong những đầu sách bán chạy. Lật ra xem qua tiêu đề các chương thì vô tình mình đọc được một đoạn có nội dung đại loại như: "Kể từ hôm nay, đừng buồn phiền nữa mà hãy cười lên. Cho dù gặp phải chuyện gì đi nữa thì cũng đừng tự làm khổ mình, dù xảy ra chuyện rắc rối thế nào đi nữa cũng chẳng cần phải đau lòng..."
Khi một người cảm thấy buồn rầu thì những lời khuyên như “Buồn làm gì, vui lên đi” thật sự nghe khá hời hợt. Trước đây mình cũng từng dùng những câu tương tự vậy để an ủi người khác, nhưng khi trải qua chuyện buồn mình mới nhận ra đó là những lời động viên vô nghĩa. Sở dĩ bảo một người “hãy vui lên” cũng giống như hỏi một người vừa lạc mất món đồ rằng lần cuối cùng thấy nó là ở đâu. Nếu câu hỏi này được trả lời thì món đồ kia đã chẳng bị mất.
okay


Có vô vàn lý do dẫn đến buồn: buồn vì không có ai thấu hiểu, buồn vì cô đơn, buồn vì mất việc, buồn vì thất tình đến...buồn vì không lý do gì cả?! Hầu hết mọi người thường có xu hướng chối bỏ nỗi buồn và nhanh chóng tìm đến niềm vui để khoả lấp. Với mình, buồn là một điều vô cùng bình thường, thậm chí còn rất cần thiết trong cuộc sống.
Mình nhớ trong phim Inside Out, khi những cảm xúc của nhân vật Riley được hình tượng hoá thành Vui (Joy), Buồn (Sadness), Giận dữ (Anger), Chảnh choẹ (Disgust) và Sợ hãi (Fear). Trong suốt tuổi thơ, Vui là "chỉ huy" trung tâm điều khiển cảm xúc giúp Riley luôn thấy vui vẻ và hạnh phúc khi những cảm xúc khác chỉ là "phụ tá". Sự thay đổi nơi ở buộc Riley phải thích nghi với môi trường mới. 
Buồn tưởng chừng nhạt nhoà trong một đứa trẻ sôi nổi như Riley nhưng qua quá trình trưởng thành đã trở thành bạn song hành với Vui. Vui có thể mang đến cho Riley tất cả cảm xúc tích cực nhưng chỉ có một thứ không làm được; đó là đồng cảm. Khi thấy Buồn an ủi Bing Bong (người bạn tưởng tượng của Riley) thì Vui cảm thấy khó hiểu và hỏi làm thế nào Buồn có thể làm được điều ấy. 
Đôi lúc quá mải miết chạy theo niềm vui mà người ta quên mất những giá trị nỗi buồn mang lại. Ai cũng mong muốn có cuộc sống hạnh phúc, nhưng chẳng phải thiếu đi nỗi buồn thì cũng không thể cảm nhận trọn vẹn niềm vui sao?
giphy


Có một sự thật là những sắc thái cảm xúc luôn tồn tại để bổ sung cho nhau. Nỗi buồn đôi khi giống như một tờ giấy note nhắc nhở mình những gì đã xảy ra, để quý trọng những gì trong quá khứ đã làm nên bản thân hiện tại.
Nỗi buồn còn tăng khả năng thấu hiểu trong mỗi người. Chỉ khi mất đi người thân mình mới cảm nhận được nỗi đau của đứa bạn mồ côi cả bố lẫn mẹ trong một tai nạn giao thông lúc mới 12 tuổi. Chỉ khi từng bị cô lập mình mới hiểu cảm giác lạc lõng của những đứa trẻ là nạn nhân của bắt nạt học đường. Chỉ khi chia tay mình mới hiểu tại sao người ta lại sợ xa cách.
Có người chỉ cần một ngày hay một tháng để vượt qua nỗi buồn, có người lại mất lâu hơn mới có thể bước tiếp. Chúng ta hoàn toàn có quyền đau buồn. Nhưng cũng nên nhớ rằng trái đất sẽ không vì bất kỳ ai mà ngừng quay.
Tuy nhiên, cần nhận biết rõ giữa nỗi buồn thông thường và trầm cảm. Nếu buồn bực kéo dài quá lâu kèm theo những thay đổi về thể chất thì nên tìm đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh và các chuyên gia tâm lý.