Trong thời gian du học, mình có được mời viết một truyện ngắn cho một quyển sách. Quyển sách đã ra một thời gian và thể theo yêu cầu của những bạn không thể mua sách, mình xin copy lại truyện ngắn của mình.
Thời gian ở Úc thì dài, sách thì có giới hạn chữ, nên hầu hết chi tiết được tổng hợp, pha trộn vào nhau. Mọi chuyện trong đó đều đã xảy ra thật, chỉ không phải ở đó, không phải người đó... Hãy coi truyện là hư cấu, nếu có thể. Cảm ơn các bạn.
_______________

Ồ, chuyện du học! Có gì để nói về du học? Những thứ tích cực và tốt đẹp nhiều người đã nói cả. Và những chuyện như đăng ký trường lớp thì tôi lại càng không phải đề cập, vì những người đi du học Úc đã quá, quá nhiều, còn tôi lại chỉ là một kẻ bình thường trong số vô vàn những du học sinh kia. Bản thân việc du học, đối với tôi, chẳng có gì đặc biệt. Vậy hãy nói về những thứ tôi cho rằng chỉ có thể nói khi ta nói về du học. Ấy là sự cô đơn bản thân không nhận ra, và những người đồng hương xa lạ. Biết đâu có gì mới mẻ chăng?

“Dạ, đây đúng là Hội An. Ồ, sao ngài biết? Ngài đã đến đó rồi? Còn đây là vịnh Hạ Long. Vâng, ngoài đời nó cũng đúng như vậy, rất đẹp. Đã lâu tôi chưa tới đó… Vâng, còn đây là áo dài ạ…”
Quản lý Ph., tầm ba mươi, hớn hở vui chỉ cho từng khách hàng những bức tranh mới được trưng lên trong phòng ăn đằng sau. Sáu giờ chiều, hai chiếc đèn đường vừa bật, leo lét trắng. Trong nhà hàng, những chiếc đèn lồng và hàng dây gấp đỏ đã được bật lên, đón chờ những vị khách đầu tiên. Cánh cửa leng keng kêu. Khách vào.
“Từ giờ đây sẽ là Quán Hai. Đây là B11,” chị bảo tôi, tay chỉ vào chiếc bàn đầu tiên, “còn từ đây đến đây là B21 đến B23, kia là B31 đến B33. Em hiểu chưa?”
“Dạ, em hiểu rồi.”
“Hiểu rồi thì đi làm đi, đứng mà trả treo à?”
Và công việc ba năm của tôi ở Úc bắt đầu như vậy.
Mà, có lẽ như vậy cũng hơi vội? Để tôi bắt đầu lại.
Tôi đến Úc thật ra để du học chứ không phải để làm. Đối với tôi việc đi học mới là chủ yếu, việc làm thêm chỉ là bán thời gian. Ấy là trên giấy tờ ghi vậy. Nhưng sang bên này rồi, nhà thì cũng chẳng giàu có gì cho cam, nên cũng cứ vừa học vừa làm, tiền làm đắp được vào tiền học bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Thế nên, ba năm ở đây tôi làm đều. Còn bản thân việc du học, tức là việc trường lớp của tôi, thì tôi chẳng thấy có chút nào đáng nói cả. Tôi học ngành truyền thông và học đến hai năm thì tôi biết mình không thích ngành truyền thông. Rồi tôi tốt nghiệp ngành truyền thông. Bằng khá. Hết chuyện du học.
Quay trở lại câu chuyện về công việc, câu chuyện mà tôi nghĩ rằng có gì đó để nói hơn.
Thật ra, “công việc” đã bắt đầu từ hai ngày trước, tức là mười tiếng làm chia đều cho hai ca. Trên danh nghĩa, hai ca đó là những ngày “thử việc”, làm không lương. Điều này đương nhiên trái luật lao động Úc. Và cũng đương nhiên, không ai quan tâm, kể cả chủ hay lũ du học sinh chúng tôi.
Đó chỉ là một trong những vô vàn “quy luật” của hầu hết nhà hàng Việt ở Úc. Mỗi nhà hàng đều là một sinh thể với đời sống và quy luật riêng. Nhà hàng Ý chắc chắn sẽ khác nhà hàng Ấn khác nhà hàng Hy Lạp khác nhà hàng Nepal khác nhà hàng Tàu. Nhưng, tôi tự nghĩ, nhà hàng Việt luôn có nét đặc biệt hơn hẳn. Họ không đến sớm và thảnh thơi như người Hy Lạp. Họ không có thế mạnh đặc trưng của người Ý. Họ chắc chắn không phải một cộng đồng đoàn kết như người Trung. Họ… Tôi nghĩ, nhà hàng Việt ở Úc là biểu tượng của hỗn loạn những nét văn hoá, định kiến cũ từ một quốc gia đã mất, và, đối ngược với đó, một vùng đất mới và những con người mới. Tất cả xáo động của vài ba thế hệ bất đắc dĩ đến đây, rồi lại liên tục đối mặt với những con người từ vùng đất quê hương cũ nhưng với góc nhìn khác đã tạo nên lộn xộn nhiều quy luật ngầm như vậy. Đáng ngạc nhiên thay, những quy luật và đời sống đó lại tổng hoà thành một sinh thể thống nhất, một tự sự tổng hợp, có lẽ hao hao giống chuồng cọp tập thể Kim Liên, cứ đan đan cài vào nhau, mãi chẳng sập.
Nơi tôi làm là một nhà hàng như thế. Một trong những nhà hàng cổ nhất tại thành phố Brisbane, sở hữu bởi gia đình lớn trong cộng đồng người Việt tại đây. Nhưng trông từ ngoài vào, chẳng có gì giống vậy. Đó chỉ là hai quán ăn vàng vọt cũ nằm cạnh con dốc đầy những thùng rác trong khu dân cư phía Tây.
Chẳng có gì đặc biệt nếu đối với khách: Nó được trang trí như mọi quán Á khác, với nâu sồng những chiếc bàn gỗ và ghế dựa không cùng loại nặng trịch, chân đế cao su mòn hẳn đi, rít lên két két mỗi khi kéo mạnh. Vào những ngày hè khô ran nắng, đàn ruồi từ thùng rác bên cạnh lững thững bay, đậu trên những đĩa sốt. Sẽ chẳng ai quan tâm đâu, vì với giá như vậy thì chẳng đòi hỏi gì hơn. Còn nếu không thích ở bên ngoài? Họ có thể vào Quán Một, hay bếp Việt, với mười bốn cái bàn sạch sẽ cùng những ống đũa đã dọn sẵn từ sớm. Hoặc là vào Quán Hai, bếp Tàu, tận dụng phần kho cũ, mới toanh, mát lạnh điều hòa cùng những chiếc bàn dài và những bức tranh sơn dầu về thắng cảnh Việt Nam. Hình như gian này mới mở nên nhà hàng thuê thêm nhân viên? Cũng đâu có gì quan trọng. Tất nhiên dù quán mới hay cũ, họ cũng sẽ được phục vụ chu đáo nhất có thể, và đương nhiên được gọi đồ từ cả hai quán. Với mức giá đó, họ sẽ chẳng phàn nàn.
Đấy có lẽ là tất cả những gì những vị khách có thể biết về quán. Nửa năm đầu, tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi từng cho rằng, mình chỉ chỉ cần tuân thủ đúng những quy luật cho bản thân, chẳng cần quan tâm tới những sinh thể riêng kia. Ấy là những quy luật cho một thằng bồi bàn.
Có lẽ tôi nên nói về những kẻ bồi bàn trước. Chúng tôi là ai?
Chúng tôi chẳng là ai cả. Trước hết, chúng tôi là những sinh viên du học, đi làm nơi đất khách. Nhưng danh tính đó đã bị tước bỏ ngay khi mặc lên đồng phục của quán. Chuyện đi du học chẳng mấy khi được nhắc lại trừ vài câu móc mỉa từ những người trong bếp và những anh chị có PR (Permanent Resident) mỗi khi chúng tôi làm sai gì đó: “Không sao con ạ, mấy cái việc này, ở nhà mình toàn có người giúp việc làm hộ, con không quen là phải rồi!”.
Giữa bối cảnh ấy, chúng tôi khép kín hơn và ít nói về chuyện cá nhân. Chúng tôi cũng không thật sự là nhân viên. Nhân viên phải là chị Ph. quản lý, thẻ xanh mới lấy một năm nhưng làm việc tại quán đã hơn một thập kỷ, xưng với bác chủ quán là má con. Còn chúng tôi là những kẻ có thể thay thế ngay lập tức. Chỉ cần nghe đúng lệnh, làm đúng việc và đi về. Hàng tuần và hàng tuần và hàng tuần, sự tồn tại, sự “cống hiến” của những sinh viên làm bán thời gian cho một nhà hàng như thế này là bao lâu? Hàng tuần và hàng tuần, một năm hay hai năm, lớp bồi bàn này cũng biến mất, được thay thế bởi những lứa sinh viên khác. Khoảng thời gian đó chẳng thấm vào đâu với một nhà hàng đã gần nửa thế kỉ. Với những người bồi bàn khác, chúng tôi không có tự sự. Với chủ quán và nhân viên trong bếp, chúng tôi là người lạ, những người đến từ một vùng đất họ đã vượt thoát. Sự tồn tại của bọn tôi - nếu vẫn so sánh nhà hàng như một sinh thể - trở nên tiệm cận với những loài vi trùng hội sinh, nhỏ bé, dễ bị thay thế và không quan trọng với bất kì ai ngoài bản thân chúng tôi.
Quy luật vô hình đó đã ám ảnh tôi suốt thời gian đầu. Này nhé: Bạn có thể mệt đến chết sau những tiết học hay vừa qua khỏi một trận sốt nặng, sáng nay máu mũi vẫn ồng ộc chảy. Bạn lết đến quán ăn với tâm trạng tồi tệ và cơ thể mỏi rã, tưởng chừng không thể bắt đầu một ca làm năm tiếng. Nhưng, khi mặc lên chiếc áo đồng phục, thắt chặt cái tạp dề lại, tay vớ lấy quyển sổ và cánh cửa lại leng keng kêu những tiếng đầu tiên, bạn thấy… ổn. Thản nhiên, bạn thấy ổn. Bước chân bạn vững chãi nhanh, đôi tay bạn chẳng còn ngại nóng và tâm trí bạn đóng chặt lại với mọi suy tưởng. Thì đúng, cái áo, cái tạp dề làm gì biết mệt. Và ai sẽ nghe bạn nói, nếu không phải những từ “dạ vâng”, “chắc chắn rồi” hay “order này bị lỗi”?
Nhưng… Chúng tôi còn có thể làm gì với thực tế đó đây? Thực tế là tôi cần tiền. Nếu bán được danh tính khoảng hai, ba mươi tiếng một tuần để đổi lại một chỗ dựa tài chính tương đối ổn định, thì hãy cứ vậy đi. Hãy sống và cứ sống.
Tôi chỉ thay đổi suy nghĩ đó sau hơn nửa năm làm việc. Ấy là khi tôi gặp bà H.
Bà lão người Á đến vào cuối ca, lom khom lê những bước mệt nhọc, ấn mình vào chiếc bàn đơn xa và tối nhất. Thu lu giữa góc khuất của một đêm thứ hai vắng khách, mắt bà nhíu lại khi đưa chiếc menu ép plastic cáu bẩn lên gần mũi. Bà ngồi đó một hồi lâu.
“Chào bà, tôi có thể giúp gì?” - Tôi hỏi bằng tiếng Anh khi lại gần.
“V…Vietnamese? Go alone, eating” – Người đàn bà lắp bắp đáp bằng thứ tiếng Anh chắp vá.
“Y… I mean, vâng, cháu là người Việt Nam.”
“Cháu cho bác hỏi với, món này và món này khác nhau chỗ nào?” Bà cụ chỉ tay vào hai món cơm tấm, chỉ hơn thua một đồng.
“Dạ…”
Chất giọng thanh, cao và Bắc khiến tôi ngạc nhiên. Người lớn tuổi gốc Bắc ở Úc không hề nhiều, vì lý do hiển nhiên, và một người giọng đặc Hà Nội thế này lại càng hiếm. Vị khách có vẻ cũng cùng cảm nhận, và, lần đầu tiên nhìn lên, bà hỏi một câu khiến tôi rùng mình.
“Cậu cũng người Hà Nội à?”
“D…Dạ vâng, cháu ngoài Hà Nội.” Tôi ậm ừ trả lời. Tôi lấy order cho bà – món rẻ hơn – rồi đi vội sang chỗ khác. Tôi biết nói gì đây? Rằng bà vừa nhắc tôi về một nguồn gốc mà tôi luôn nhớ đến, một tự sự đã đóng chặt trong những suy tưởng khép kín? Một tiếng chung trong muôn vàn tiếng riêng, như tiếng của chính bà nội tôi? Ca làm vẫn còn và cánh cửa lại reo. Tôi chẳng nói thêm lời nào, nhưng cứ nghĩ về góc bàn tranh tối tranh sáng cùng bà cụ già ốm yếu đó mãi.
Lần thứ hai bà tới tôi mới biết tên bà. Bà H. Bà bảo tôi gọi bằng cô. Từ đó, bà H. là cô H. Lần này, cô gọi một bán phở bò. Ăn được vài miếng, cô với tôi lại gần rồi rỉ tai:
“Món này dở quá, cháu nhỉ?”
“Vâng, nó không đúng vị lắm. Người Nam làm mà.” Tôi bật cười. Tôi kéo cái ghế ra để ngồi đối diện với bà. Hôm đó, lần đầu tiên, tôi xin nghỉ sớm.
Như Hà Nội, cuộc nói chuyện bắt đầu từ những con phố. Trước cô ở cuối Cửa Đông còn tôi thì ở Hàng Buồm. “Giờ chẳng còn người Tàu nào ở đó đâu cô,” tôi bật cười. Cô ngậm ngùi. Những câu chuyện không đầu không đuôi.
Trước bảy nhăm, cô học Lý Thường Kiệt, sau đó học lên nhạc viện.
Ngôi nhà bên ngoài quán ăn. Nhìn trông hơi giống khuôn mặt.
“Hồi năm 65, cô…cô vào Nam, lấy chồng trong đó, rồi quãng độ mấy năm sau thì di cư… chuyển sang bên New Zealand”. – Cô nói vấp, rồi mau chóng sửa như tránh điều gì phạm huý, rồi tự dưng im lặng.
“Chắc cô sang với con cháu nhỉ? Vậy là đỡ nhất, trẻ học tiếng Anh đỡ hơn… Mà Nhạc viện giờ rộng lắm cô ạ. Trước cô học khoa gì thế, thanh nhạc hả cô?”
“À à, cô học Dương cầm. Cháu có biết Đặng Thái Sơn không? Thằng Sơn trước học kém cô một khoá đấy! Cả thằng Đỗ Hồng Quân nữa.”
Cô vui hơn khi nói về Hà Nội những năm tháng xưa, những chuyện cũ ở Nhạc viện. “Thằng Quân nó chuyển qua khoa sáng tác, không học dương cầm nữa”. ‘Thằng’ Sơn thì từ đầu đã khác khoa, chỉ học chung các môn phụ. Thỉnh thoảng, cả khoa vẫn đến nhà “nó” để tập đàn. Hồi đó mỗi mẹ Sơn, bà Liên, là có piano sẵn để tập. Nhà họ ở Kỳ Đồng…
Và hàng chục những chuyện tầm phào khác, chia nhỏ ra những buổi nói chuyện cuối ca. Lúc đầu rụt rè, nhưng cô càng nói càng hăng, mà vẫn móm mém nhai, cơm canh rơi vãi lung tung hết cả. Tôi nhìn ra chỗ khác. Sau này tôi mới biết, cô trông cháu cho con, nhưng nhiều hôm đau bụng quá, không nấu cơm được nên tự đến đây ăn. “Nhà hàng này dở thật”. Cô cười. Tôi cũng cười. Vậy là tôi có người bạn đầu tiên.
Được một thời gian, cô không đến nữa. Chẳng bao giờ cô đến nữa. Tôi cũng rụt rè không hỏi những bạn làm ca khác. Với họ, cô chỉ là bà già khùng người Bắc. Nhưng ngoài kia còn biết bao nhiêu bà già khùng như thế? Những người phụ nữ khắc khổ, lầm lũi, sống tận đáy ở xứ xa. Những người vì ốm quá, không tự nấu ăn được nên mới bấm bụng ăn tiệm. Ăn một mình. Chẳng có gì thê thảm buồn hơn là bất đắc dĩ ăn một mình! Mà những người cô đơn thường “thấy” nhau chăng? Hay vì chúng tôi đều là người Hà Nội? Tôi không nhớ. Có khi là lòng thương hại. Có khi là tò mò. Tôi cũng không biết thứ gì đã bẻ gập cả con người được như thế. Ôi, điều gì đã biến một người Hà Nội kiểu mẫu thành một bà già lúc nào cũng cúi đầu sợ sệt, vừa ăn vừa nói, cơm canh lấm lem hết? Điều gì đã khiến cô H. không trở thành một nghệ sĩ dương cầm? Hàng mấy mươi năm qua đã có bao cuộc bể dâu trong đời cô, trong đời những con người ở đây?
Tôi không bao giờ trả lời được những câu hỏi về cô H. Nhưng từ đó trong tôi, có gì như là thay đổi.
Nếu tôi thật sự không có câu chuyện cho riêng mình, nếu việc làm bồi bàn là phải giấu đi hết những tự sự…tại sao tôi không dành thời gian đó để lắng nghe người khác, để biết được những câu chuyện của họ? Tôi từng nghĩ ai cũng sẽ giống mình, ai cũng cố giấu câu chuyện của bản thân đi, nhưng nào có phải thế. Ấy chỉ là bản thân tôi nhìn người khác từ góc nhìn của tôi mà thôi! Từ khi gặp cô H., tôi đã nghĩ như vậy.
Như hai ông bà cụ, ngày nào cũng đưa cháu đến. Họ sẽ gọi một đĩa dimsum và một phần cơm trắng cho cháu ăn trước. Họ tip thật nhiều nếu ai đó – thường là tôi – gọi ngay hai món kia khi họ vừa đi qua cửa. Con cái họ đều thành công lắm, họ nói, nhưng thật ít về nhà. Bà cụ thì thấp khớp còn ông cụ lại ham vui, nên hai ông bà cứ quen đi ăn hàng. “Hàng này ngon và ấm áp” – họ bảo. Tôi cười.
Hoặc một bà cô trung tuổi, tóc dài quá eo, highlight bạc phía trán. Cô Eleanor, sau tôi biết vậy, thích ăn phở gà rán và thường ghé qua quán mỗi chiều sau hội chợ, chỗ cô bán những giỏ hoa thật to. Cô hay đọc vài quyển sách về kinh tế trong lúc chờ phở và sẽ nói vài chuyện phiếm. Có bữa, cô say lắm và chẳng chịu về. Khi tôi đưa cô ra cửa, thì cô nói:
“Có biết tại sao tôi lại chọn một quán Việt để ăn không?”
Tôi không trả lời.
“Bố tôi…. Bố tôi từng tham chiến ở Việt Nam. Chúng tôi đều tưởng ông đã chết. Nhưng, hình như ông vẫn còn sống, và có cuộc sống mới ở đâu đó. Tôi chỉ biết điều đó mãi về sau. Có ngày, cậu biết không…” Eleanor nấc một tiếng, hơi thở đầy mùi vang.
“Vâng.” Tôi xoa xoa lưng cho Eleanor.
“Có ngày, họ gõ cửa, khuyên tôi quyên góp cho những nạn nhân chiến tranh ở Úc. Họ kể về chiến tranh… Về chiến tranh, và những mất mát. Tôi… Tôi phải đóng cửa lại trước mặt họ. Tôi còn biết làm gì nữa đây? Tôi, chính tôi lại không hiểu chiến tranh đau thương thế nào và cướp của người ta những gì sao? Tôi chính là nạn nhân chiến tranh đây này, sao họ không giúp tôi? Sao họ không giúp tôi?” Giọng Eleanor ậc lên trong hàng nước mắt.
“Cậu biết không, ông từng bảo ông thích ăn đồ Việt lắm…”
Mấy ngày sau, cô trở lại, mọi sự như bình thường. Quán vắng, bật Johnny Cash. Cô vỗ đùi nói, ngày xưa từng xem Cash diễn ở đây này. Và trong lúc Cash hát bài Ring of Fire thì cô đang ăn một vòng hành tây chiên (onion ring) nóng bỏng, cháy cả miệng. “Đúng là ‘A Ring of Fire’”. Chúng tôi cười cùng nhau.
Và những vị khách khác. Hai đồng nghiệp, một nam một nữ, làm bảo hiểm ở toà nhà bên cạnh, trưa nào cũng đến ăn. Người đàn ông lớn tuổi, tay đeo nhẫn, luôn vuốt tóc cô gái trẻ rất tình. Mối quan hệ giữa họ là gì? Tôi chẳng rõ và cũng chẳng thể tọc mạch. Tương tự với nhiều khách khác. Những gia đình lộn xộn trẻ nhỏ, những đám bạn cao hứng đến đây chỉ gọi món rẻ nhất. Có cặp đôi mới cưới và những người vừa ly hôn. Có vài ông bà già đi thật xa để thăm con cháu. Có lũ trẻ ngày nào cũng đến lấy takeaway cho bố mẹ…
A, nhưng một quán ăn nào chỉ có những câu chuyện buồn buồn. Đó chỉ là vài khoảng thời gian thừa, những lúc để tôi sống như một con người, hấp thụ câu chuyện của người khác. Chủ yếu là thời gian làm việc. Những việc nặng hẳn hoi.
Cái khác biệt khi làm việc ở một quán ăn là không bao giờ lường trước được điều gì. Làm bồi bàn khi vắng khách thì chưa nói, nhưng khi đông khách thì… dễ đến mười mạng cùng làm một lúc cũng không tải nổi! Bạn đang pha cốc cafe cho khách, thì, RENG, một vị khách mới đòi tính tiền. RENG! Một vị khách nữa đòi xếp chỗ. RENG! Bà Sally, có bàn đặt lúc tám rưỡi tối, đang bực mình ở bên ngoài! Bạn nhờ một đồng nghiệp đi giúp. Không có ai rảnh cả. Họ đều đã ở trong bếp hoặc đang lấy những order khác. Bạn quậy rối cốc cafe trong khi, RENG, một món nữa trong bếp đã xong. Và trên tay bạn, bên trái là một bát cơm tấm bì sườn chả trứng không lấy mỡ hành còn bên phải là cốc cafe. Cafe bàn 14, cơm bàn A. Cafe 14 cơm A. Cafe bàn… cốc cafe đã sóng ra ngoài quá nửa. Nước mắm từ bát cơm tấm đang rỉ ra ngón cái bạn, chạy dọc xuống lòng bàn tay. RENG! Một bàn mới lại vào, có hai đứa trẻ con, sẽ phải xếp chúng ở đâu đây. Bàn 7 ngay dưới điều hoà, quá lạnh. Bàn 8 chưa dọn xong. Bạn mỉm cười. “Mời cả nhà vào bàn 9”. RENG! Cafe ở bàn nào ấy nhỉ?
Đó là những ngày cuối tuần khá thường. Có hôm đến bốn, năm mươi khách vào trong nửa tiếng. Đến đêm, chúng tôi vật ra ngay khi có thể. Chỉ đến lúc đấy, những phần mệt mỏi thể xác như một con người mới ập trở vào như những cú thụi khắp người. Thế mà nào đã xong! Sàn nhà, mau mau lau sàn nhà để còn đón chuyến bus lúc 10 giờ 30!
Mà những hôm vắng kì thực cũng chả vui vẻ gì. Tâm trí những đứa làm ngoài chúng tôi căng như dây đàn. Khi những order chậm đến, bà chủ sẽ ló đầu ra từ phòng bếp hầm hập nóng, nhăn mặt và ra lệnh:
“Ng., you đi thay những miếng mút ở chân ghế đi. Mấy cái cũ sờn tróc hết cả, khách người ta lại complain đó. L., Jesus, đừng có bấm điện thoại nữa! Khách vô thì sao? Ra cửa đứng vẫy khách chớ!”. Chị ngừng một chút như để nghĩ ra thêm mệnh lệnh gì đó, rồi chỉ tay xuống con dốc để xe, “sang bên quán Tàu, bảo thằng M. lớn xuống dưới kiểm tra mấy cái garbage bag xem thế nào. Ruồi quá khách nó không vô.”
“Dạ vâng, em hiểu rồi”.
Thật sai lầm khi chống đối lại những “thánh chỉ” đó. Đúng hơn, bản thân từ “vắng” cũng là một từ phạm huý rồi. Một lần, có em K. mới vào làm, vui vẻ nhỡ mồm:
“Quán vắng vui thế nhỉ.”
“Ồ, vui hả con? Con vui là bác cũng vui rồi.” Mẹ chủ quán nhẹ nhàng đáp, tay vẫn liên tục gói những viên hoành thánh trên mặt bàn dài trống trải.
Mấy ngày sau K. bị đuổi.
Thật ra, những chuyện như đuổi nhân viên mà mệnh lệnh đến trực tiếp từ những “khai quốc công thần” bên trong nhà bếp như vậy là hiếm. Tôi đã nói, trong nhà bếp có những quy luật riêng, tách biệt hẳn với phòng ăn, và quả thực đứng từ bên này thì chẳng thể nào xét đoán được câu chuyện của họ.
Ấy thế mà tôi lại được đứng từ cả hai bên, dù bất đắc dĩ.
Sau hai năm làm việc, tôi về nước một thời gian ngắn. Khi trở lại thì việc bên ngoài đã kín chỗ, chỉ thiếu mỗi vị trí rửa bát. Chị Ph. nói, cứ làm thử một hai tháng rồi đứa nào nghỉ chị chuyển cho ra ngoài. “Còn không muốn làm thì thôi”. Tôi nhấm nhẳng đành nhận.
Phòng bếp đã nóng một thì khu rửa bát nóng mười. Nó nằm đằng sau, khuất cạnh phòng kho với ba bồn nước lớn và một cái máy rửa bát khổng lồ. Có cây quạt công nghiệp, lúc nào cũng bật mức to nhất, nhưng hút toàn khí nóng hầm hập nên cũng như không.
Rửa bát vất vả gấp đôi bồi bàn nhưng cũng đỡ phải nghĩ nhiều quá nửa. Cái khó nhất, cũng như khi làm bên ngoài, là những lúc đông khách. Chuẩn bị là vô nghĩa khi có đến 40, 50 thập cẩm các loại bát, cốc, tô, dao dĩa cùng vào một lúc. Lúc đấy đến đi vệ sinh còn khó, vì cứ đi xong vào lại là hàng chồng bát cứ xếp đầy chật lên nhau, có những bãi sốt hay bãi nôn ai bỏ thừa đang tràn ra trong cái cốc để ngang nào đó.
Nhưng tôi chẳng muốn dông dài về quy trình rửa bát. Tôi cũng chẳng muốn nói về những hậu quả của nó, rằng thì mà là sau đó tôi bị đau lưng kinh niên và tay tôi cứ tróc vảy hằng ngày thế nào. Như người rửa bát trước, một kẻ may mắn đã thoát khỏi đây và kê cái công việc lao khổ này lên vai tôi từng bảo: “Đéo ai quan tâm đến thằng rửa bát, lói nhanh cho ló vuông.”
Câu chuyện nằm ở những người còn lại cơ. Những câu chuyện trong một quán ăn Việt ở Úc.

Nếu vẫn so sánh một nhà hàng như một sinh thể, thì có thể hiểu mối tương quan giữa nhà bếp và nhà ăn như bộ não và cơ thể, the mind and the body. Hai thế giới này chỉ cách nhau một cánh cửa dơi. Nhưng, ngược lại với bên ngoài mát lạnh, thơm đượm, ánh sáng rực rỡ vàng, ai cũng cười nói và cư xử bặt thiệp, bạn đẩy cánh cửa dơi kia và bước vào, ấy đã là một thế giới khác. Một thế giới của sự bát nháo cho cả năm giác quan. Đầu tiên, một luồng khí nóng sẽ phả vào mặt bạn cùng vô thiên lủng những mùi. Mùi chiên, mùi rán, mùi phở bò và nước luộc gà. Rồi những chiếc bát bỏng rẫy và những hộp thịt đông đá, những cái đĩa nhơ nhớp dầu. Dưới hai bóng đèn leo lét trắng ở đầu và cuối căn phòng trần thấp là lầm rầm tiếng cãi nhau, tiếng kiểm tra order và xèo xèo tiếng chảo chiên. Một thế giới của bộ não với cách vận hành bí ẩn riêng của nó mà chỉ đứng từ một phía thì không thể xét đoán hết được.
Như bà cụ nhỏ bé, chỉ làm những việc chuẩn bị không tên thấp thoáng ở góc bếp kia. Nếu là khách hay là nhân viên mới, người này sẽ chẳng có gì đặc biệt ngoài một bà già gàn dở, chống Cộng quyết liệt một cách gàn dở. Nhưng đó chính là mẹ của chủ quán, một lão bà bà đích thực.
Bà cụ năm nay đã ngoài 70 nhưng vẫn còn xuân lắm. Bà vẫn làm tóc (một kiểu tóc xù cầu kì), đánh son (đỏ đậm) và ai ai trong quán, như một quy luật ngầm, cũng gọi bà là “bác” xưng “con”, có lẽ trừ chị Ph. ra. Nói vậy, nhưng ngoài tuổi tác ra, thật chẳng chi tiết nào khiến bác trông khác biệt những nhân viên còn lại ở đây, thậm chí còn chăm hơn tất thảy: bao giờ bác cũng là người đến sớm nhất và về muộn nhất, ở lại làm những công việc kì cọ không tên.
Ấy thế mà, bác không những là chủ của cửa hàng này mà còn là chủ của khoảng năm nhà hàng khắp thành phố Brisbane. Nói về cộng đồng người Việt thế hệ đầu ở đây thì bác là một trong những người quyền lực nhất, và cũng, theo một lẽ nào đó, hấp dẫn nhất. Thỉnh thoảng vẫn có những ông cụ lại gặp, chỉ để thấy mặt bác. Bác ít khi tiếp họ. Với những ông cụ lỗ mãng chạy xộc vào nhà bếp thì bác chỉ tiếp chuyện qua qua rồi lấy cớ khách đông mà khéo léo đuổi về.
Cho đến một ngày gần cuối ca. Quản lý Ph. vào trong, rỉ tai bác, “ông K. đến rồi ạ”, thì bác mới thở dài, chuẩn bị một nồi nước sôi, làm bát phở đặc biệt kiểu Nam nhưng không có sách. Trong lúc chờ, bác rút ví lấy ra $50 và bảo quản lý, khi nào đồ ăn ra thì hãy đưa kèm.
Chờ ở ngoài là một ông cụ người Úc, to béo, đầu trọc, quần áo rách bụi đội mũ lưỡi trai cờ Việt Nam Cộng hoà. Chị Ph. ra ngoài, ngồi thấp xuống bên ông cụ, nói rành rọt từng tiếng vào tai:
“Bác, bác T. gửi,” rồi đặt vào tay ông lão tờ tiền cùng bát phở.
Ông già mỉm cười ngô nghê, thôi không hỏi bác nữa, đút số tiền vào túi và ăn bát phở thật chậm. Đầu ông cúi gằm vào bát, thi thoảng ông lén nhổ vài miếng thịt ra tay. Một vài lần khác, tôi để ý, bác cũng làm những việc như vậy.
Thoạt đầu, tôi không chú ý lắm đến ông già đó và cũng chẳng có thời gian để bắt chuyện. Chỉ hôm đi về rất muộn, tôi mới thấy ông già vẫn ngồi ở bến xe bus, gà gật. Người ông lờm lợm hôi mùi thuốc. Ông giật mình khi thấy tôi ngồi xuống. Một thoáng, ông bắt chuyện:
“Cậu đang về?”
“Vâng. Tôi đợi xe bus.”
“Ồ… Vậy à… Đồ ăn của quán cậu ngon thật đấy.”
“Vâng. Tôi cảm ơn.”
“Tôi sẽ trở lại vào tuần sau.”
“Vâng.”
Im lặng một lúc. Xe bus chưa tới. Ông đằng hắng, giọng khàn khàn khô.
“Cậu là người Việt Nam?”
“Vâng.”
“Này, cậu biết không, tôi cũng từng đến Việt Nam rồi…”
“Ồ.” Tôi nhướn mày. “Ông đến từ bao giờ vậy?”
“Lâu lắm, lắm rồi. Tôi không nhớ nổi nữa… Đó là một bãi biển…” Lão chỉnh lại tư thế ngồi cho ngay ngắn. Nửa khuôn mặt tròn láng o chìm vào trong bóng tối. Tôi tưởng lão đã ngủ. Lần này, tôi là người đánh động.
“Tôi đoán nhé, Cam Ranh?”
“Hmmm.”
“Nha Trang?
Ông choàng tỉnh.

“Đúng, đúng. Chính nó. Biển xanh lắm và nắng thì vàng. Thời tiết cũng đẹp nữa…” Những ngón tay béo mầm nhè nhẹ gõ lên tay ghế, nửa khuôn mặt phía sáng của lão dịu hẳn đi, bao nét nghèo khổ, toan tính của dân vô gia cư thoáng chốc mờ dần như gột đi lớp mặt nạ, lộ ra sự vui vẻ hào sảng của quá khứ.
“Hồi đó nhé, tôi có quen cô gái này. Cũng người Việt Nam, như cậu ấy. Cô ấy xinh lắm. Cô ấy tên là gì nhỉ?” Ông ngừng lại một lúc, gãi gãi tai. “Nien à? Hay là Xuoan? Tôi không nhớ nữa. Nhưng cô ấy xinh đẹp lắm. Giúp đỡ bọn tôi rất nhiều. Nhiều lắm… Cô ấy…là một người phụ nữ thật tốt…”
 
Những câu nói cuối chìm dần trong sự yên tĩnh của màn đêm. Xa xa, chiếc xe bus đã tới. Tôi đặt tay lên vai ông. Ông giật mình.
“Cậu biết không? Tôi sẽ tới thăm cô ấy. Tuần sau. Tôi sẽ trở lại vào tuần sau. Nha Trang ấy. Nha Trang…”
Tôi còn gặp ông vài lần nữa. Ông Bob, tứ cố vô thân khi trở về từ Việt Nam. Giờ ông sống lang ở đâu không ai biết. Ông cũng không thích nói về hiện tại mà chỉ nhắc về những ký ức xưa cũ, như Việt Nam như Nha Trang như người phụ nữ ông vẫn nhớ về. Tôi không biết giữa bác và ông có quan hệ gì, và cũng chẳng tiện hỏi.

Về sau, từ rời rạc những mẩu chuyện khi bác không chửi Việt Nam, không chửi Mỹ, không xay thịt, tôi biết được rằng, bác là con một nhà tư sản ở Hà Nội, sau chạy vào Nha Trang, rồi Sài Gòn, rồi sau biến cố năm 1975 thì chuyển hẳn qua bên này. Bác ghét Việt Nam và ghét cả Mỹ nữa “vì chúng nó bỏ rơi mình”. Sâu thẳm đâu đó, bác vẫn còn nhớ về Việt Nam chăng? Một lần, khi thấy mấy đứa trong bếp thậm thụt xem trận Việt Nam vào chung kết, bác cười bảo:
“Thắng hả các con? Thắng thì cứ ăn mừng thoải mái đi. Các con vui thì bác cũng vui rồi. Với lại, xa mấy thì nó cũng là nước mình….”
Rồi bác ngậm ngùi kể tiếp:
“Khiếp, hồi “chúng nó” sang đây dự Olympic, nhìn bọn nó gầy rộc, tong teo đến mà thương. May giờ cũng béo tốt lên cả…”
Tôi chỉ biết cười trừ. Thật khó để xét đoán một người, tuy cùng tiếng nói, nhưng lại khác biệt về cả tuổi tác lẫn văn hoá. Những mối quan hệ bên trong bếp hầu hết đều chênh lệch như vậy.
Con cái bác, những người chủ trên giấy tờ, thì không màng mấy đến những chuyện quá khứ: họ đã là người Úc hẳn rồi. Ai cũng chú tâm vào việc của mình, ai cũng quần quật làm như ngựa. Một ngày, có hai thằng bé mặt mũi sáng sủa, người gầy gầy, được bà chủ dắt đến chỗ tôi. Bà chủ chỉ tay hai đứa, nói bằng tiếng Anh, bảo chúng nó học tôi mà rửa bát. Hai thằng bé chăm và không ca thán lấy một tiếng. Hỏi ra mới biết, đấy là con ruột của bà chủ, cháu của bác. Hai đứa đều ngoan và lành, chẳng nghĩ gì nhiều ngoài những chuyện giải trí đơn thuần. Lúc rảnh rỗi, tôi len lén dạy hai đứa chửi bậy tiếng Việt, cũng là một khoái thú.
Nhưng đấy là những ngày trong tuần. Thời gian đông ở trong đó thì chẳng ai nói được câu nào với nhau. Có lão bếp trưởng quán Tàu, thỉnh thoảng qua giúp, mỗi khi đông cứ gào lên những câu tiếng Anh không rõ:
“Đ*t mẹ nó chứ! Đ*t mẹ mày. Nhặt cái kia lên! Đ*o ai làm chậm thế? Thôi thôi, bỏ qua cái đó đi. Đĩa to của tao đâu? Đ*t mẹ mày. Thằng ngu. Thằng chó đẻ.” Lão nói vọng ra với bà chủ, “Con mẹ thằng rửa bát này ngu như con chó thế? Đ*t mẹ.”
Việc làm ngày càng vất vả, còn tương lai thế chỗ bên ngoài ngày càng mù mịt. Cho tới một ngày, chị quản lý Ph., sau mười năm làm việc, trở vào phòng bếp ngồi đối diện bác.
Người phụ nữ vốn xéo sắc, mãnh liệt như quản lý Ph. thường ngày, giờ đây gục xuống bàn mà khóc. Bác nói nhẹ nhàng, rỉ tai chị điều gì đó. Tiếng khóc và tiếng nói của hai người phụ nữ bị che lấp bởi tiếng xối nước của máy rửa bát. Tôi không nghe được hai người nói gì. Điều cuối cùng tôi thấy là chị Ph. đứng dậy, nước mắt lã chã, ôm chầm lấy bác.
Những ngày sau đó chị Ph. không đi làm nữa. Nghe đâu vì có cãi nhau với vài nhân viên trong bếp.
Đúng là mối quan hệ giữa bếp và phòng ăn như bộ óc với cơ thể thật. Dù chị Ph. có kinh nghiệm đến đâu đi nữa thì nhà bếp luôn đúng, và chị cũng chẳng thể thoát khỏi quy luật thay thế trong quán ăn này.
Đấy cũng là lúc tôi nghỉ việc. Việc học trên trường đã nặng rồi, và tôi cũng không thể chịu được áp lực từ những câu chửi mắng kéo dài trong bếp cùng đồng lương rửa bát vừa đủ tiêu chuẩn kia nữa.
Ngày cuối cùng tôi làm là một ngày vắng khách. Bên ngoài đã là những người mới. Nghỉ giữa giờ, chị chủ với tay lại. Chẳng phải một món quà chia tay. Chị bảo, những bức tranh trong Quán Ba để lâu quá nên bụi bẩn hết cả, em đi cọ được không? Thế là, công việc cuối cùng của tôi trong quán là kì cọ những bức tranh này.
Đối diện với tôi vẫn là những khung cảnh đấy, y như ngày đầu tiên chị Ph. giới thiệu. Một bức tranh Hội An buổi đêm khổ lớn. Một bức tranh vịnh Hạ Long từ trên cao. Một bức tranh cô gái mặc áo dài nâu sồng, quay lưng lại, tay ôm chiếc nón quai thao. Bắc ghế lên, trên viền những bức tranh kia đã phủ đến hơn ba năm bụi. Bên ngoài, em nhân viên mới đang sốt sắng mở cửa cho những vị khách đầu tiên, bước vào từ leo lét hai cây đèn đường của vùng phía Tây thành phố. Họ hỏi về những bức tranh.
“Dạ, đây đúng là Hội An. Ồ, sao ngài biết?”