Mình đã từng chia sẻ về việc bị đánh cắp ý tưởng khi thực hiện các bài test “đánh giá năng lực” apply vị trí content writer / content marketing tại các công ty. Theo quan điểm cá nhân mình, việc gì cũng có hai mặt sáng tối. Nghề content cũng không ngoại lệ. Một khi đã đam mê và chấp nhận dấn thân vào nghề bán chữ, việc bị đánh cắp ý tưởng là hoàn toàn không tránh khỏi. Nó là mặt tối của nghề mà bất kỳ một content writer cũng phải chấp nhận khi xác định theo nghề. 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cách các bạn content writer có thể áp dụng để hạn chế tối đa vấn nạn ăn cắp ý tưởng. Bài viết này mình tổng hợp những cách phòng tránh được rút ra từ cá nhân mình. Nếu thấy phù hợp, bạn có thể áp dụng khi đi ứng tuyển xin việc.

1. TRAO ĐỔI RÕ VỀ ĐIỀU KHOẢN KHI NHẬN BÀI TEST 

Điều khoản ứng tuyển. Đây là điều quan trọng nhất khi ứng tuyển cho bất kỳ công việc gì. Đối với những bạn đã nhiều năm trong nghề, các bạn sẽ dạn dĩ hơn khi thỏa thuận cùng nhà tuyển dụng về điều khoản quyền lợi sòng phẳng đôi bên. Tuy nhiên, về phía các bạn sinh viên mới ra trường, các bạn vẫn khá dè dặt khi đề cập đến chuyện này. Có lẽ xuất phát từ tâm lý e ngại do thiếu kinh nghiệm, cùng với đó là quan điểm “thôi mới ra trường có việc là tốt rồi”, mà các bạn fresher luôn bỏ qua khâu thỏa thuận quyền lợi khi đi xin việc, dẫn đến hậu quả bị lợi dụng trong các buổi phỏng vấn / bài test, biếu không ý tưởng của mình vào túi người khác. 
Đừng bao giờ ngại ngần và né tránh các thỏa thuận về lương cũng như quyền lợi. Đi làm là mối quan hệ sòng phẳng giữa hai bên, công sức bạn bỏ ra tám tiếng một ngày phải được nhận mức thù lao và quyền lợi tương xứng. Vậy nên, bạn cần cân nhắc thật kỹ về điều khoản bản quyền ý tưởng trước khi “bị dụ” tham gia bài test hay thử thách không công. 
Hãy thẳng thắn trao đổi với nhà tuyển dụng về các trường hợp: nếu bạn vượt qua bài test và nhận việc, nếu bạn đã làm bài test nhưng không trúng tuyển,... và các trường hợp khác có thể xảy ra. Việc này trước hết giúp bạn hình dung sản phẩm của mình sẽ được sử dụng vào mục đích gì, từ đó giúp bạn quyết định có thực hiện bài test hay không. Bên cạnh đó, hãy nói rõ ràng về khoản thù lao hay nhuận bút bạn được nhận nếu bạn không trúng tuyển nhưng bài test được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, đừng quên trao đổi rõ ràng về thời gian làm bài cũng như phạm trù nội dung bài test mà bạn phải hoàn thành. Cá nhân mình đã từng hoàn thành một bài test dài ba tiếng với nội dung là xây dựng kế hoạch truyền thông sản phẩm cho cả một quý. Kết quả mình mất thời gian biếu không ý tưởng cho người khác mà không nhận được một đồng thù lao. Thỏa thuận sòng phẳng với nhà tuyển dụng trước khi thực hiện kiểm gia đánh giá năng lực sẽ giúp bạn tránh các tình huống bị “hớ” như trên, từ đó hạn chế những trường hợp phí công sức nhưng lại bị lấy cắp idea. 
Một lưu ý nhỏ nữa, nếu các bạn đã đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng về tất cả các vấn đề nêu trên, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng, hoặc nhà tuyển dụng chần chừ khi đưa câu trả lời, thì hãy bỏ đi. Bỏ bài test đi, bỏ công việc đó đi. Các “nhà tuyển dụng” như thế này thực chất không hề minh bạch và chỉ đang lợi dụng bạn thôi. Ngay cả nếu bạn có vượt qua bài “test” và nhận việc, thì mình đảm bảo 99% công việc ấy cũng không đàng hoàng, và bạn đang đứng trước nguy cơ bị nợ lương, quỵt lương bất kể lúc nào. 

2. HÃY LÀ NGƯỜI XIN VIỆC THÔNG MINH

Chỉ mất một giây dạo vòng quanh Facebook và các website khác, bạn hẳn bắt gặp nhan nhản các nhóm tuyển dụng, nào là tuyển content writer, tuyển freelancer, tuyển việc làm marketing. Nhưng số lượng không bao giờ đi kèm với chất lượng. Nhiều việc làm được tuyển dụng không mở ra cơ hội trúng tuyển cao hơn đối với bạn. Nó chỉ thể hiện độ bát nháo của thị trường lao động hiện tại, kèm với đó là tỉ lệ rủi ro cao hơn khi xin việc của các ứng viên. Hãy cẩn trọng, vì bạn sẽ bị lợi dụng không công bất kỳ lúc nào. 
“Rải CV”, khái niệm không còn là mới. Nhất là đối với các bạn sinh viên, fresher mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, “rải cv” tăng khả năng trúng tuyển công việc như ý. Nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi. Từng chiếc cv bạn gửi đi cùng với “các bài viết mẫu” mà nhà tuyển dụng yêu cầu càng làm tăng nguy cơ bài viết của bạn được sử dụng không công, thậm chí là sử dụng vào mục đích không lành mạnh. 
Vậy nên, hãy quên khái niệm “rải cv” đi, đừng mang đứa con tinh thần của mình trao vào tay người lạ, đừng “giao trứng cho ác”. Hãy biết chọn lọc. Đừng phí thời gian của bạn vào các nhóm rao vặt tuyển dụng “rác”. Hãy dành thời gian gia tăng các kết nối đáng tin cậy. Trường đại học hoặc các trung tâm đào tạo nghiệp vụ uy tín chính là nơi sẽ mở ra cơ hội việc làm cho bạn. Bản thân mình đã từng tham gia rất nhiều “career fair” ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, đây là cách tốt để gặp gỡ và tạo quan hệ với các nhà tuyển dụng. Từ đó, tạo đà “branding” bản thân trong quá trình xin việc hậu tốt nghiệp, cũng như nâng cao giá trị của bạn trong thị trường lao động. 
Ngoài ra, bạn có thể tìm việc bằng cách tham gia webinar hay workshop tổ chức bởi các tổ chức, trung tâm đào tạo uy tín. Sự kiện chuyên ngành không chỉ giúp bạn tích lũy kiến thức. Đây là cơ hội tốt tạo các mối quan hệ uy tín với người trong nghề và thăm dò chuyển biến của thị trường lao động. Hơn thế nữa, các diễn giả tài năng trong các sự kiện luôn là những nguồn cảm hứng bất tận cho bạn khi mới vào nghề. 
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng gặp phải các “nhà tuyển dụng” nửa mùa khi đi xin việc, bị lấy cắp ý tưởng, bạn nên thiết kế career path cho riêng mình ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường Đại học. Đương nhiên định hướng sự nghiệp sẽ còn thay đổi trong chặng đường công việc của bạn sau này, nhưng ít nhất nó sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn đam mê, điểm mạnh điểm yếu, công việc đầu tiên mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Từ đó, bạn dễ dàng khoanh vùng phạm vi công việc và các công ty phù hợp để ứng tuyển, hạn chế tối đa các vấn nạn có thể xảy ra khi bạn buộc phải “rải cv” quá nhiều. 

TỔNG KẾT

Tóm lại, như mình đã đề cập ở trên, việc gì cũng có hai mặt sáng tối. Và nghề content cũng không ngoại lệ. Chấp nhận vào nghề đồng nghĩa bạn phải phải chấp nhận việc ý tưởng của mình sẽ bị đánh cắp bất kể lúc nào. Vậy, câu hỏi đặt ra là, bạn có phải là một content writer khôn ngoan? Bán chữ nhưng không bán mình, hãy sáng suốt bán đứa con tinh thần của mình cho người phù hợp, đừng rao nó trong các “khu chợ viết” rẻ tiền, để rồi nhận về cái kết đắng.