Một bài hay nói về chuyện học.
Bài viết của Ông giáo làng- https://onggiaolang.com/

Hồi còn nhỏ, đi học tôi vẫn được nghe các thầy nói rằng người Việt Nam có truyền thống hiếu học. Còn nhỏ, hiểu biết chưa nhiều, lại thấy đó là nói cái hay, cái đẹp của nhân dân, đất nước nên luôn coi đó là đông lực thôi thúc mình trong chuyện học hành. Lại thêm, những tấm gương của các bậc cha chú trong gia đình, cùng với những tấm gương của các thầy trong suốt cuộc đời đi học đã khiến tôi chăm chỉ học tập và có hứng thú với chuyện học (chưa dám nói là “ham học”, “hiếu học”).
Nhưng sau gần 40 năm đi dạy học, tôi cảm thấy chuyện “hiếu học” ở ta chưa hẳn đã là truyền thống. Nói sự hiếu học, người ta thường chứng minh bằng những câu chuyện, quen thuộc nhất là chuyện hình như của hai ông Phùng Khắc Khoan và Lê Quý Đôn, một ông người Thạch Thất, Sơn Tây; một ông người Hưng Hà, Thái Bình. Chuyện kể rằng, để học, các ông phải bắt đom đóm cho vào cái vỏ trứng để lấy ánh sáng; học khuya, buồn ngủ, các ông phải buộc tóc lên xà nhà. (Cũng không nhớ ông nào bắt đom đóm, còn ông nào buộc tóc lên xà nhà). Nhưng xem ra, chuyện có thể làm gương cho con trẻ chứ thật ít sức thuyết phục với những người có đôi chút suy nghĩ. Thậm chí, tôi còn nghi ngờ đây không phải là những câu chuyện có thật. Vì mấy con đom đóm có thể cho được bao nhiêu ánh sáng nhất là lại phải qua cái vỏ trứng? Và muốn học thì trước hết cần sự tỉnh táo, buộc tóc lên xà nhà liệu có thể khiến người ta minh mẫn? Mặt khác, những gương ấy tỏ rõ sự “khổ học”, chứ chưa nói “hiếu học”.
Theo tôi, “hiếu học” là để nói những người học chỉ vì ham hiểu biết. Dù “công đã thành, danh đã toại” nhưng họ vẫn học tới suốt đời, học mọi nơi, mọi lúc chỉ vì không gì ngăn được cái “tò mò” muốn hiểu thêm, biết nữa, luôn luôn cảm thấy những tri thức mình đã có là hạn hẹp. Họ học vì càng học càng thấy mình “dốt”, mà đã “dốt” thì không thể không học. Đúng là “cái vòng lẩn quẩn” nhưng rất đáng yêu! Nước ta không thể phủ nhận thời nào cũng có những người học giỏi, phẩm chất đầu tiên để có thể trở thành “hiền tài”, có những người “hiếu học”, tuy thế, nói dân ta có truyền thống này e chưa được thuyết phục. Nhưng dù sao, nhờ có “thực học” ngoài tri thức đầy đủ làm việc nước, các vị còn nêu những tấm gương sáng về đạo đức trước hết cho con cháu trong gia đình, rồi mở ra đến họ hàng, làng xóm, hơn nữa là dân chúng các nơi. Cho nên, nói tới quan lại xưa, người ta thường tỏ thái độ kính trọng, ở những mức độ khác nhau, họ vừa có đức, vừa có tài.
Người xưa nói “nhân bất học bất tri lý” tức là ông cha ta rất coi trọng việc học. Nhưng trong hoàn cảnh xưa, có mấy người đủ khả năng theo nghiệp bút nghiên? Tuy thế không phải người xưa không học. Không có điều kiện học chữ nghĩa thánh hiền một cách chính quy bằng “nấu sử sôi kinh”, những người không được đi học đã có cách học riêng để biết “luân thường đạo lý”, biết “đường ăn ý ở” để có thể trở thành những con người tử tế, biết cách hành xử đúng đắn ở đời. Họ học ngay trong cuộc sống, nhìn mà học theo những tấm gương xung quanh mình. Thậm chí, ngay từ những con người, sự việc không tốt, họ cũng tự rút ra được những bài học hay cho bản thân và con cháu. Vì thế, ngay tới thời Pháp, chỉ một số rất ít người dân được đi học, nhưng người tử tế thì gần 100%, số phần tử được coi là “bất hảo” kiểu như Chí Phèo, không phải làng xã nào cũng có. Từng con người tử tế tạo nên một xã hội lành mạnh, nước có phép, làng có lệ, đời sống dù còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng bình an, nền nếp.
Từ sau 1945, việc học được mở rộng khiến dân trí được mở mang, xã hội có nhiều tiến bộ. Nhưng tiếc là giáo dục của ta coi trọng số lượng, xem nhẹ chất lượng, phổ cập giáo dục các cấp trong khi chưa đủ điều kiện vật chất, lại thêm bệnh hình thức, thích được trầm trồ, ngợi khen nên ngày càng phát triển tràn lan không cần biết đến chất lượng, giáo dục ngày càng xuống cấp nhất là khoảng ba chục năm lại đây.
Xưa, đi học để có cái bằng rồi làm quan hoặc làm việc nhà nước, tức là người ta học có thể chưa phải vì ham học, hiếu học, nhưng do cơ chế tuyển chọn nghiêm chỉnh, chặt chẽ dù không ham học cũng vẫn phải học. Sự chặt chẽ được đảm bảo ngay từ các nhà trường. Lười biếng, kém cỏi sẽ lập tức bị đào thải, nếu không học lại thì chỉ có cách bỏ học. Người tốt nghiệp có bằng cấp đồng thời cũng đảm bảo có kiến thức vững vàng nên khi làm quan hay làm việc nhà nước họ đủ khả năng làm tròn bổn phận, thêm cái đạo đức, cái tư cách được dạy bảo từ nhỏ khiến họ làm việc ít nhất cũng tròn bổn phận, nhiều người mẫn cán xứng đáng là công bộc của dân.
Nay, tỷ lệ số người ham học không nhiều lên so với trước nhưng vì giáo dục chỉ ham số lượng nên không có sự chọn lọc, đào thải. Đã vào lớp đầu tiên sẽ theo học tới lớp cuối cùng suốt 12 năm, ai ai đều nhận được tấm bằng như nhau. Một học sinh trường chuyên cấp tỉnh, có giải trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế cũng nhận được tấm bằng y như một học sinh được bố mẹ cho đi học chỉ để nhờ nhà trường quản lý cho bớt đua đòi, nghịch ngợm, phá phách. Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp ngày càng phổ biến. Nếu Bộ Giáo dục làm một cuộc điều tra nghiêm túc, tôi tin ở nhiều nơi, con số này không dưới 40%, có những môn như ngoại ngữ có thể tới 80% nhất là ở cấp PTTH. Hình như quý Bộ đã mặc nhiên thừa nhận đây là chuyện bình thường không có gì phải quan tâm.
Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng còn tương đối nghiêm túc khiến một số học sinh phải học hành thực sự (tất nhiên cũng còn không ít người lọt vào các trường, thậm chí các trường thuộc “tốp” trên không phải nhờ thực lực). Nhưng sau khi đã đạt điểm chuẩn, vào được một trường, không biết có được bao nhiêu phần trăm tiếp tục tinh thần thái độ học tập nghiêm chỉnh để có kiến thức vững vàng (dù phần lớn là kiến thức kiểu “hàn lâm”, rất “oai” nhưng rất “vô tích sự”), còn phần lớn vẫn nhờ “có bác dẫn đường” trong các kỳ thi để có tấm bằng tốt nghiệp.
Đâu đâu cũng thấy Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng đó không phải là những người ham học. Họ “học” vì cái chức vụ họ muốn đòi hỏi, cho nên có thể biết chắc cái gọi là học hành ấy chẳng ra gì. Họ học vì đang thất nghiệp, ngồi chơi ăn bám cha mẹ cũng cảm thấy khó coi nên bày ra chuyện đi học để bớt phần “mặc cảm”. Với cái động cơ ấy, ai cũng có thể biết kết quả học hành ra sao. Còn trường ư? Nơi cấp bằng ư? Cứ “vô tư” đi, ai muốn học cũng được, muốn bằng cũng được kể cả bằng “đỏ”, miễn là có tiền.
Thế là hoàn chỉnh bức tranh ghi lại chuyện học ở nước ta từ tiểu học đến trên đại học. Hình như tới chức danh Giáo sư cũng không sáng sủa gì hơn vì phần lớn các “ngài” đều không sử dụng được ngoại ngữ (cách đây mấy năm thống kê là 80%, còn giờ không biết là bao nhiêu?)
Thế là lớp trẻ ngày nay (những người vẫn được coi là tương lai của đất nước) gian dối ở đầu vào, gian dối trong quá trình học, dùng tiền để “chạy” lấy cái bằng với “hoài bão” tiếp tục dùng tiền để “chạy” một việc làm, hy vọng ở vị trí ấy có điều kiện bớt xén, bòn rút, đục khoét để “hoàn vốn”; rồi tiếp tục “chạy” một cái ghế cao hơn … đồng thời sẽ ngày càng giàu lên. Xưa 5% người được học hành làm gương cho toàn dân trở thành những người tử tế, nay trong một cơ quan 100% số người có học hành, thậm chí có bằng cấp cao nhưng liệu được bao nhiêu trong số đó được coi là người lương thiện?
Càng có học có hành, tư cách con người càng xuống cấp; càng có học hàm học vị, phẩm chất con người càng tệ hại, chỉ có điều nó tinh vi, nhưng vẫn không khó nhận ra.
Giáo dục càng phát triển, đạo đức xã hội càng tha hóa. Cho nên, nói sự học giờ đây chỉ làm hư hỏng con người cũng không phải là quá đáng!