Bạn mình đăng một đoạn phim, nữ diễn viên thoại thế này: "Tôi đã giao ước với bản thân mình. Nếu anh ấy quay lại, tôi sẽ nói với anh ấy tất cả. Chỉ cần anh ấy quay lại, tôi sẽ ôm chấm lấy anh ấy và chấm dứt tất cả. Nhưng K đã không nhìn lại."
Đó có lẽ là một đoạn phim buồn, và tiếc nuối cho mọi người. Nhưng bạn biết mình thấy gì không?
Khi người đàn ông quay đi, điều cô gái làm là "giao ước với bản thân mình". Cô đang quan tâm đến chính mình hơn là người ra đi nọ.
Trong tình cảm, nhiều khi ta nghĩ là mình đang dành tình cảm cho người kia, vì người kia, nhưng thực chất vẫn là vì mình trước. Mình thể hiện sự yêu thương với người kia là vì mình thích như vậy, có khi không quan tâm người ta có thích hay không.
Vì sao cô gái nhất định phải thấy một tín hiệu "quay lại" thì mới nói tất cả, mới ôm lấy anh ta? Biết đâu chàng trai đang bước đi kia cũng đang "giao ước" với bản thân anh ta rằng chỉ cần cô ấy gọi tên anh một tiếng, anh sẽ quay lại và chạy về phía cô? Có khi nào mỗi người, trong cảnh chia ly đáng tiếc đó, đều đang chú ý đến chính mình mà cho rằng mình tập trung đến người kia hơn? Tất nhiên đây chỉ là một đoạn trong cả bộ phim, những diễn biến khác có thể sẽ phù hợp.

Cũng như câu chuyện "cà phê muối", nhiều người cho rằng đó là biểu hiện của tình yêu, mình cũng thấy vậy, tuy nhiên vẫn thấy đáng tiếc nhiều hơn.

Câu chuyện đó đại khái là thế này: có hai vợ chồng nọ sống với nhau rất hạnh phúc, người vợ pha cà phê cho chồng mỗi sáng. Một lần nọ, cô bỏ nhầm muối thay vì đường vào cà phê, và anh chồng vẫn uống, còn khen ngon. Cô tưởng anh thích thế nên từ đó chuyển sang pha cà phê với muối. Đến cuối đời anh mới nói thật ra anh không thích thế, anh uống cà phê muối chỉ vì muốn cô vui.

Với mình đó là câu chuyện về sự "mất kết nối" giữa hai người trong một mối quan hệ, hơn là tình yêu. Người nào cũng đang nghĩ điều đó tốt cho người kia mà không quan tâm xem nó có thật sự tốt hay không. Người nào cũng đang muốn thể hiện tình yêu của mình hơn là việc người kia đón nhận nó như thế nào.

Chuyện "em hạnh phúc vì thấy anh vui" hay "anh phải vui để em thấy hạnh phúc" là một loại ràng buộc, một loại khổ đau.

Trong một mối quan hệ tình cảm, ta phải luôn sửa mình, "gọt" bớt cái tôi của mình lại để dung hòa, để cả hai thoải mái hơn. Tuy nhiên điều quan trọng vẫn la sự kết nối, là hướng về người kia chứ không phải chính mình tự cho điều này là vui, điều kia là không tốt.. Có những sự hi sinh không hề cần thiết, như việc người chồng có thể tiết lộ sự thật kia sớm hơn, không cần uống cà phê muối cả đời mà vợ anh vẫn vui vậy.
Tương tự như thế, những lúc ta giận hờn, ghen tuông, kiểm soát người khác, ta cũng cho rằng đó là vì mình yêu họ, nhưng về sau nếu bình tâm nhìn lại cũng chỉ là vì chính mình.
Mình yêu một người tất nhiên trước hết là vì mình muốn yêu họ, nhưng thể hiện tình yêu thì cần đặt sự quan tâm ở phía người kia. Đừng tự cho là đúng, đừng "cam kết với bản thân" mà hãy tương tác, kết nối để hiểu nhau, để yêu không tiếc nuối.