Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Crush là gì, tại sao bạn crush? Crush có phải là tình yêu không? Có cách nào để vượt qua crush? Những câu hỏi xung quanh crush sẽ được giải đáp ở đây, để bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về khái niệm quá ư phổ biến này.
Bức tranh Ask Me No More của Sir Lawrence Alma-Tadema.

1. Crush là gì?

Vậy là bạn gặp người đó. Người đó có thể là một người bạn mới quen, một người đứng cạnh trong đêm quẩy ở trường, một thằng bạn cùng bạn, một khuôn mặt thoáng qua nào đó bạn thấy trên xe buýt nhưng bỗng tình cờ phát hiện họ nghe và đọc cùng một quyển sách với bạn. Bạn ghi nhớ mặt họ, tìm kiếm thông tin về họ. Bạn tưởng tượng về họ, về những gì hai bạn cùng làm với nhau, về những điều liên quan tới band nhạc hai bạn cùng nghe, những quyển sách hai bạn cùng thích, và ôi trời, sao mà chỉ tưởng tượng thôi là bạn đã có một ngàn cảm giác lên mây. Bạn mơ về người đó, bạn không thể đi qua một ngày mà không có người đó. Bạn suýt xoa tại sao lại có một người như thế. Dù cho người đó không có vẻ xinh đẹp, nhưng bạn cóc thèm suy nghĩ về điều đó. Bạn thích cách người đó cười, thích cái quần bò sờn người đó mặc, cái kiểu mặt khó mà ưa nổi của người đó, tất cả mọi thứ. Bạn tưởng tượng mình được người đó ôm trong vòng tay, hoặc chính bạn giữ người đó bên mình mỗi ngày. Bạn tưởng tượng bạn sẽ chữa lành nỗi đau và bảo vệ người đó thế nào. Bạn lo lắng, bạn nghĩ về một ngày của người đó. Chao ôi là chao ôi.
Xin chúc mừng, bạn đã có "crush". Bạn có thể ghét cái cách người ta đang dùng từ đó quá nhiều tới mức lạm dụng, nhưng nó là như vậy đấy, nó chính là một cảm xúc được lạm dụng, một khái niệm được lạm dụng.

Đọc thêm:



Bức tranh The refusal của Edward Hughes.
Crush là một từ thông dụng hơn mà ai cũng dùng để chỉ một "limerent object" mà từ giờ sẽ xuất hiện trong bài viết dưới dạng LO cho ngắn gọn. Limerent là dạng tính từ của limerence, một từ tiếng Anh để chỉ "một trạng thái liên quan tới mối quan hệ giữa hai người được phát triển không tự chủ bao gồm những cảm giác mong muốn được đáp lại, những suy nghĩ ám ảnh - cưỡng chế, và những xúc cảm, hành vi và sự phụ thuộc về cảm xúc trên một người khác" (nhà tâm lý học Dorothy Tennov định nghĩa trong quyển sách Love and Limerence: The Experience of Being in Love vào năm 1979). Tiến sĩ và nhà trị liệu Bukky Kolawole cho rằng, crush có gốc rễ sâu từ những ảo tưởng và người có cảm giác crush có xu hướng áp đặt những giá trị và những gì họ trân trọng lên người mà họ khao khát.
Theo Tennov, những người có limerence không quan tâm đến việc LO của họ có ổn, có khỏe mạnh hay có đang hạnh phúc hay không. Limerence được xây dựng trên "fantasy", những ảo tưởng, những mường tượng về một người. Và người có limerence không yêu LO, họ chỉ yêu ý niệm họ tự đặt ra về LO mà thôi. Đây chính là sự khác biệt giữa limerence và tình yêu. Trong khi những người thực sự yêu vô cùng quan tâm tới chuyện người họ yêu có khỏe mạnh, hạnh phúc hay không, limerence có thể chẳng hề quan tâm tới điều đó. Họ vẫn sẽ thích người đó bất kể người ta đang cảm thấy thế nào, và họ chỉ muốn được đáp lại, được sở hữu người đó một cách lặp đi lặp lại tới ám ảnh. Họ nghĩ tới việc hai người ở bên nhau, chứ không nghĩ nhiều tới bản thân con người LO. Thậm chí họ sợ hãi việc họ biết con người thật của LO, vì điều đó có thể gây cho họ sự vỡ mộng. Limerence là một cảm giác ích kỷ.
Đúng vậy, cảm giác crush, hay limerence, có thể là một khía cạnh tối và tiêu cực của tâm lý. Cảm giác đó có thể gây ra những suy nghĩ ám ảnh, có thể so sánh được với OCD (bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế) khi bạn liên tục có những suy nghĩ lặp đi lặp lại với limerence object (LO) của mình.

2. Những dấu hiệu của limerence/crush:

    • những suy nghĩ ám ảnh/không tự chủ
    • những ảo tượng nặng (có thể liên quan tới sex hoặc không)
    • chỉ có thể có một LO trong cùng một khoảng thời gian
    • cảm xúc "tàu lượn siêu tốc" (cực kỳ hạnh phúc và cực kỳ đau khổ) dựa trên những lần tiếp xúc với LO/thông tin tìm thấy về LO
    • nhìn nhận những dấu hiệu trung lập từ LO thành sự đáp lại
    • sự hấp dẫn tình dục (phải là ai đó mà bạn có thể tưởng tượng việc have sex với)
    • cảm giác như mọi thứ có thể liên quan hoặc gợi tới LO (đặc biệt là nhạc)
    • phụ thuộc cảm xúc vào LO
    • ngại ngùng, lo lắng, lắp bắp quanh LO (trên nhiều mức độ)
    • luôn mơ mộng, luôn tìm kiếm thông tin về LO 
    • bỗng dưng hứng thú về ngôn ngữ cơ thể
    • "playing games" (lúc này lúc kia, ngọt nhạt - nó không trả lời inbox mình, mình cũng không trả lời nó chẳng hạn)
    • mơ về LO
    • mất ăn (không áp dụng với tất cả)
    • mất ngủ (không áp dụng với tất cả)
    • gần như nghĩ LO là một nam thần/nữ thần
    • không thực sự muốn ai biết về cảm xúc limerence của mình
    • hội chứng "không ai khác dành cho mình nữa" (không áp dụng với tất cả)
    • gia tăng hứng thú tình dục (không áp dụng với tất cả)
    • lý tưởng hóa tính cách, con người của LO (cả tiêu cực lẫn tích cực)
Những dấu hiệu mà nhà tâm lý học Dorothy Tennov đưa ra trong sách của mình:
    • khao khát được đáp lại, có nỗi sợ bị từ chối và cảm giác tuyệt vọng hoặc thậm chí nặng nề hơn, những suy nghĩ tự kết liễu nếu việc bị từ chối xảy ra
    • cảm giác đê mê sung sướng khi nhận được những dấu hiệu được đáp lại (cho dù đó là thật hay là tự suy diễn)
    • tự mường tượng lại trong đầu tất cả những lần tiếp xúc với LO một cách cực kỳ chi tiết
    • liên tục phân tích từng từ, từng cử chỉ và đưa ra ý nghĩa tích cực cho  chúng để cảm thấy sự được đáp lại
    • sắp xếp lịch trình của mình để tăng tối đa khả năng gặp LO
    • trải qua những dấu hiệu vật lý như run rẩy, yếu đuối hoặc tim đập nhanh khi ở quanh LO

Đọc thêm:

ảnh từ Pinterest.
Thực sự việc có cảm giác limerence với ai đó không hề sai, và có lẽ nhiều người nhìn nhận nó như một giai đoạn rất đáng yêu, rất lãng mạn; nhưng đây là một trong những cảm giác có phần tiêu cực, thậm chí độc hại trong chuyện tình cảm nói chung. Thường ngày người ta nhắc tới nó, không có ai nghĩ nó sẽ là một góc tối của tâm trí mình, nhưng limerence chính là như vậy. Nó bao gồm tất cả những suy nghĩ lặp đi lặp lại, và đôi khi có thể được so sánh với việc nghiện thuốc.
Những người có cảm giác limerence luôn tìm kiếm sự "high" (cảm giác đê mê, thích thú) nhưng không phải từ thuốc. Trong trường hợp này, họ gom góp sự "high" đó từ những thông tin họ tìm được về LO của mình, như là dòng trạng thái, những gì người đó nói, một bài hát người đó share mà sau đó họ sẽ tự huyễn hoặc rằng nó là về mình; hoặc họ tìm kiếm cảm giác đươc đáp lại từ hành động, cách phản ứng của LO. Một trong những triệu chứng kể trên là "tự nhìn nhận hành động trung lập thành dấu hiệu của sự đáp lại". Chính triệu chứng này làm cho người có limerence giữ được limerence và những suy nghĩ lặp lại của mình về LO. Họ liên tục tiếp năng lượng cho limerence của mình, và từ đó mà họ khó có thể bỏ được LO.
Đồ thị cảm xúc của một người có limerence nhìn giống như thế này:

Đọc thêm:

tớ vẽ đấy.
Trong vài trường hợp, theo Tennov, limerence có thể kéo dài mười tám tháng, thậm chí là ba năm, ngay cả khi họ đã có người yêu. Sở dĩ có sự kéo dài hay kết thúc rất sớm này là do có sự quyết định của việc được đáp lại hay không được đáp lại. Nếu được đáp lại, cảm giác limerence có thể kéo dài, hoặc đơn giản là họ trở nên hết hứng thú với LO vì nhận ra sự thật về LO không như họ tưởng tượng. Một trường hợp khác có thể kéo dài limerence đó chính là khoảng cách và những dấu hiệu lẫn lộn, lúc lạnh nhạt lúc ân cần. Đây mới chính là vấn đề của một người có limerence. Khoảng cách sẽ làm họ khao khát hơn, và thêm vào những dấu hiệu ngọt nhạt, điều đó càng làm cho những suy nghĩ và những cảm giác "high" của họ thêm mạnh mẽ.

3. Tại sao bạn crush/có limerence?

"Khi bạn nhìn thấy một người bạn đời tiềm năng, kể cả khi nó là một người hoàn toàn xa lạ, một người quen hay một đối tác, não của bạn tự động đánh thức mạng lưới nhận thức, vùng não chịu trách nhiệm với những kinh nghiệm trong quá khứ, những sự yêu thích hơn, ưu tiên hơn và hình ảnh cá nhân. Khi vùng này hoạt động, nó tự dẫn dắt bạn chọn người để yêu." - Stephanie Cacioppo, trợ lý giáo sư trị liệu tâm lý và khoa học thần kinh hành vi của đại học Chicago chia sẻ trên trang INSIDER.
Cảm giác limerence bắt đầu rất nhanh và khó có thể nhận ra để ngăn chặn. Việc bạn thích một người có thể có rất nhiều lý do. Một, bạn bị họ hấp dẫn về ngoại hình, về thể xác hoặc bởi vì hai bạn có tiếp xúc cơ thể, động chạm nhiều lần, gây ra cảm giác. Hai, bạn bị họ hấp dẫn vì họ có điểm chung với chính mình. Ba, bạn thích người đó dựa trên mối quan hệ của bạn với bố mẹ, bởi vì mối quan hệ của bạn với phụ huynh thời thơ ấu ảnh hưởng rất nhiều tới cách mà bạn chọn người để yêu, và nó có độc hại hay không phụ thuộc vào chất lượng mối quan hệ thời thơ ấu đó. (Lý thuyết này dựa vào lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud rất nhiều.)
Các nghiên cứu cho thấy, limerence là kết quả của nhiều quá trình sinh học trong não. Đáp lại tín hiệu của hypothalamus (vùng não điều khiển thân nhiệt và đói khát), tuyến yên tiết ra các hóc-môn như norepinephrine (hóc-môn stress, có thể gây ra việc lo lắng của bạn trước LO), dopamine (hóc-môn chịu trách nhiệm cho vận động, động lực, phần thưởng và sự nghiện), phenylethylamine (kích thích cảm giác đê mê), estrogen and testosterone (hai hóc-môn giới tính). Ly cốc tai hỗn hợp hóc-môn này làm sản sinh ra cảm giác đê mê với tình yêu mới và bắt đầu bình thường trở lại khi những hóc-môn gắn bó như vasopressin và oxytocin tham gia vào, thường là từ 6 đến 24 tháng khi bước vào mối quan hệ. Cùng với cách gần giống như thế, cũng gần số hóc-môn đã kể trên có thể gây ra cảm giác muốn sử dụng thuốc một cách mãnh liệt ở những người nghiện thuốc, limerence có thể chèo lái người ta đến với cái đích theo đuổi LO của họ một cách điên cuồng.
tranh của Vilhelm Hammershoi
Tất cả những lý do cả về tâm lý, vật lý, logic lẫn sinh học này làm cho bạn thích một người, crush một người, hay có thể nói là trở nên limerent hướng tới người đó. Như Tennov đã nói ở trên, việc bạn thích người đó không hề liên quan gì đến con người họ, nó là một quá trình khá ích kỷ, và nó nói nhiều về con người bạn hơn là LO. Có lẽ, việc thích hay yêu một ai đó vốn đã chủ yếu chỉ nói về chính bản thân chúng ta rồi.

4. Làm thế nào để kết thúc limerence?

Trong quyển sách của mình, nhà tâm lý học Dorothy Tennov giữ một thái độ thờ ơ với cách giải quyết limerence. Có thể nói, limerence không có một cách giải quyết được nghiên cứu cẩn thận nào cả, chỉ có thể đề xuất những lối đi có thể hạn chế hoặc chấm dứt nó một cách từ từ theo thời gian. Bài viết sẽ đề xuất ba giải pháp chính.
Được đáp lại: người có limerence có thể mất hứng thú khi nhận được sự hồi đáp của LO. Lý do cho việc này là vì đơn giản limerence là chuyện của những ảo tưởng, thế nên khi nữ thần/nàng thơ của họ thích lại họ, điều đó giống như LO tự trở thành một con người gần gũi, một thực thể chẳng khác gì người đem lòng thích họ, thế nên BOOM. Vỡ mộng. Vỡ mộng chính là giải pháp tối ưu cho limerence.
Có một LO khác: không phải là một giải pháp hay, thậm chí nó là giải pháp tồi tệ nhất khi chuyển từ LO này sang một đối tượng khác. Limerence cứ thế mà kéo dài, điều đó không hề tốt cho sức khỏe tâm lý.
Bị từ chối một cách hoàn toàn và rõ ràng: qua thời gian, người có limerence sẽ trải qua giai đoạn cố gắng theo đuổi rồi bị từ chối một cách ê chề. Điều đó hẳn làm họ đau đớn, và chính việc bị từ chối hoàn toàn này làm cho họ nản chí với công cuộc limerence của mình. Tuy nhiên trong một số trường hợp khi một người quá nhu nhược hay có tâm lý không vững vàng, việc bị từ chối thẳng thừng chẳng có tác dụng gì mấy cả.
"Sự duy trì của cảm giác crush có thể được ngăn chặn bởi sức mạnh ý chí từ vùng thùy trán, sự suy ngẫm, kỷ luật và luyện tập." - Stephanie Cacioppo, trợ lý giáo sư trị liệu tâm lý và khoa học thần kinh hành vi của đại học Chicago chia sẻ trên trang INSIDER.

Tương lai cho limerence?

Sở dĩ chúng ta đều nhầm limerence như cảm giác yêu đương vì khi ta phát triển cảm xúc ấy, các hóc-môn được sản sinh giống với những hóc-môn trong thời kỳ "honeymoon" của tình yêu. Những hóc-môn như là dopamine hay estrogen and testosterone, đều có thể làm tác nhân để những hóc-môn của tình yêu thực sự như là vasopressin và oxytocin xuất hiện. Crush hay limerence, hoàn toàn có thể phát triển trở thành tình yêu, nếu như chúng ta tìm hiểu nhiều hơn về con người của LO, người mà mình thích, và chúng ta vượt qua khoảng thời gian bị vỡ mộng, phát triển một mối quan hệ thực sự. Trong mối quan hệ đó, khi mà ta có thể học về đối phương, chấp nhận con người họ, và vẫn chọn cách yêu họ, quan tâm tới họ, ta hoàn toàn có thể từ một cảm xúc mang hướng tiêu cực, trở thành một tình cảm bớt vị kỷ, bới xoay quanh chính bản thân mình hơn. Việc crush hay không crush, được đáp lại hay không đáp lại không quan trọng, quan trọng nhất đó chính là sức khỏe tâm lý và sự bình yên của bản thân mình.
Một số nguồn tham khảo: