Chúng ta sống vì điều gì?
Chúng ta sống vì điều gì?
Chủ đề này mình đã viết bản nháp khá lâu, sau khi được truyền cảm hứng từ phim Soul - Cuộc sống nhiệm màu. Bộ phim kể về một ông chú tên là Joe Gardner, đam mê biểu diễn nhạc Jazz nhưng dòng đời đưa đẩy làm giáo viên âm nhạc. Vào một ngày đẹp trời, ông có cơ hội biểu diễn cùng ban nhạc thần tượng. Nhưng không may, trước khi buổi trình diễn, ông lọt xuống cống và qua đời.
Linh hồn Joe được đưa tới một nơi gọi là Great Beyond (Cõi trước), nơi các linh hồn quên đi cuộc sống cũ và được nhận tính cách trước khi quay trở lại Trái Đất với một cuộc đời mới. Đứng trước giây phút giấc mơ cả đời sắp thành hiện thực mà phải từ bỏ, Joe không chấp nhận điều đó. Bộ phim là hành trình ông tìm mọi cách quay trở lại cuộc sống (mà ông đã bỏ lỡ trước đây) với nhiều ý nghĩa.
Một bộ phim, mà theo mình - là để chúng ta hiểu được việc trân trọng cuộc sống. Khi đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết, ta mới biết quý giá những phút giây được sống.
-
Mình mất vài giờ để có thể bình tâm lại sau nhiều cảm xúc đan xen, lúc đó mình không hiểu nhiều đâu. Chỉ biết là bản thân phải sống trọn vẹn, giống như câu châm ngôn mình vẫn hay nói “Enjoy moments! Tận hưởng mọi giây phút của khoảnh khắc hiện tại!”. Nhưng sau khi xảy ra một số chuyện, về gia đình, tình yêu, sự nghiệp, có cả ranh giới giữa sự sống - cái chết, và gần đây nhất là trải nghiệm sự khắc nghiệt khi tham gia khóa thiền Vipassana 10 ngày, thì mình bắt đầu hiểu hơn, nhận thức rõ hơn về cuộc sống - về hai chữ "vô thường".
Vô thường, không chỉ có sống - chết, mà còn là việc sống sao cho đáng. Ai cũng biết rằng sống chết có số, sống nay chết mai là chuyện bình thường. Nhưng không chỉ vậy, hiểu được vô thường, là để sống một cách trọn vẹn hơn, chứ không phải là bỏ qua những tham, sân, si của cuộc đời, bỏ qua cảm giác ham muốn, ghét bỏ, để bỏ đi nguồn gốc của cái khổ. Khổ vì sao, khổ vì muốn, khổ vì ham, khổ vì kỳ vọng, vì cái tôi quá lớn, vì ràng buộc - bám víu.
Trong khóa thiền, vào ngày thứ 10, khi mọi người được trò chuyện trước khi trở lại thế giới bên ngoài, có mấy anh U40 nói với tụi mình. Ôi dào, tụi mày vào đây tu làm gì, còn chưa khổ nhiều đâu. Đúng là tụi mình trẻ thật, đi để trải nghiệm, nhưng bản thân mình cũng thông suốt được vài phần, nhưng có lẽ khoảng cách thế hệ nó khiến cho mọi thứ khó được thấu hiểu.
Khi mà sinh ra và lớn lên ở một thời đại không còn lo về miếng cơm manh áo, thì những thứ mà tụi mình phải đối mặt đó là kỳ vọng của xã hội, và kỳ vọng của chính bản thân - trước những tiêu chuẩn, khuôn phép, khuôn khổ và sự bành trướng của các nền tảng xã hội - nơi mà chỉ có toàn những điều đẹp đẽ, phi thường, giàu có xa hoa. Một bên vượt khổ - cố gắng là điều bắt buộc, còn một bên "vượt sướng" - là một sự lựa chọn. Áp lực ngày xưa là vì nghèo đói, thì ở thế hệ sau này, áp lực đó là việc không hiểu mình, là những ngày chênh vênh, không biết mình thích gì, muốn gì, đam mê cái gì, là vì áp lực đồng trang lứa, là vì những tiêu chuẩn gọi là "con nhà người ta".
Khi mà có quá nhiều thứ bên ngoài hấp dẫn, khiến chúng ta bị cuốn theo, thì vô tình chúng ta lại quên đi thế giới bên trong của chính mình. Phần lớn chúng ta chỉ nghó nghiêng mọi thứ bên ngoài, mà quên mất đi phần bên trong.
Giống như câu chuyện về một con cá, nó bơi đến một con cá già hơn và nói rằng:
“Tôi đang cố tìm đường đến đại dương.
- Đại dương à?”, con cá già nói, Ở đây chính là đại dương.
Ở đây ư?", con cá nhỏ hỏi, Đây là nước. Điều tôi muốn là đại dương!"
"Phần lớn thời gian chúng ta chỉ TRẢI QUA, mà không thực sự TẬN HƯỞNG. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu, v.v... Và rốt cuộc, cả một cuộc đời.”
(Nếu biết trăm năm là hữu hạn - Phạm Lữ Ân)
Cuộc sống không phải chỉ là hai khía cạnh thành công hay thất bại. Mà đó là cách chúng ta chọn sống trọn vẹn trong mỗi khoảnh khắc dù là lớn hay nhỏ. Đó mới là điều khiến kiếp người của ta có ý nghĩa.
Đôi khi hạnh phúc rất đơn giản, có thể là việc cảm nhận được mọi thứ xung quanh ta với một sự bình tâm nhất, nếm một món ăn ngon, ngửi một bông hoa, chạm vào một cành cây, cảm nhận từng bước chân trần trên nên gạch, một dòng nước mát, một buổi sáng thức dậy được nghe tiếng chim hót, được hít thở không khí trong lành, được đi chơi xa - đôi khi là một mình. Là cảm nhận vẻ đẹp của một bông hoa nở, cũng như bông hoa tàn. Nở không phải bắt đầu, và tàn cũng không phải kết thúc, nó nằm trong một vòng tuần hoàn. Nếu chỉ nhìn vào bông hoa tàn, ta sẽ thấy ôi sao mà buồn thế, nhưng nếu nhìn vào việc những hạt giống bên trong đang ngày một lớn lên - thì thay vì cảm giác tiếc nuối, sẽ là niềm tin của một điều gì đó mới mẻ và tốt đẹp.
Cảm nhận, hạnh phúc, còn là cảm giác sau khi trải qua nỗi khổ. Có thể là một người bị say xe đã về bến, một người say sóng bước chân xuống thuyền, một chiếc bụng đói được ăn no, từ một nơi ngột ngạt đến một nơi thoáng đãng, một cảm giác ngủ ngon không phải chạy deadline, hay một mình minh rực rỡ sau hành trình dài mệt mỏi,... nó nhỏ bé như vậy thôi, không chỉ có những những điều lớn lao mới là hạnh phúc.
Đoạn cuối phim Soul, khi Terry (ở nơi bắt đầu - cũng là kết thúc của sự sống) hỏi Joe, trước khi ông bước qua cánh cửa trở về thế giới thực tại.
“Ông sẽ sống thế nào?
- Tôi không chắc
- Nhưng tôi biết…
- Tôi sẽ tận hưởng từng phút của cuộc sống.”
Nếu như ngày mai bạn chết, thì liệu bạn còn điều gì hối tiếc hay không? Hay là chỉ là những tháng ngày bận rộn, lo toan, toan tính mọi thứ, để mọi chuyện trôi qua một cách hững hờ, luôn tìm kiếm "một điều gì đó" trong khi điều ấy đang ở chính phút giây hiện tại.
Một bài viết, có thể vượt quá độ tuổi suy nghĩ của mình, có thể mình hiểu chưa trọn vẹn. Nhưng không sao, vì phần còn lại, mình sẽ dùng thời gian cả đời để chiêm nghiệm. Cuộc đời ngắn dài không quan trọng, quan trọng lúc nào mình ngộ ra.