Nguồn ảnh <a href="https://www.freepik.com/free-vector/human-inner-world-conceptual-composition-with-flat-planet-terrain-starry-sky-girl-with-universe-inside-vector-illustration_39927469.htm#fromView=search&amp;page=1&amp;position=1&amp;uuid=72077ac2-09bd-4c54-b7a8-ad815b15e7b4">Freepik.com</a>
Nguồn ảnh Freepik.com
Tổng thư ký Liên hợp quốc thứ 9 ông Antonio Guterres từng gọi năm 2021 là năm chữa lành. Cụ thể hơn, thông điệp của ông là: “Cùng nhau, hãy tạo hòa bình giữa con người với nhau và giữa con người với thiên nhiên, giải quyết khủng hoảng khí hậu, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và khởi động năm 2021 - một năm chữa lành.” (đây là bản tạm dịch của tác giả, bạn tham khảo nguyên văn tại đây).
Kể từ thời điểm đó, xu hướng “chữa lành” nhận được nhiều sự quan tâm hơn không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Từ năm 2021, cụm từ “chữa lành” nhận được nhiều lượt tìm kiếm cao và tiếp tục tăng trưởng cho đến thời điểm hiện tại trên Google.
Cụm từ "healing" được tìm kiếm trên Google trong phạm vi toàn thế giới tăng dần đều từ năm 2019 cho đến thời điểm hiện tại. Bạn có thể kiểm tra bằng <a href="https://trends.google.com/trends/explore?date=today%205-y&amp;q=healing&amp;hl=vi">Google Trends</a>.
Cụm từ "healing" được tìm kiếm trên Google trong phạm vi toàn thế giới tăng dần đều từ năm 2019 cho đến thời điểm hiện tại. Bạn có thể kiểm tra bằng Google Trends.
Tại Việt Nam, cụm từ “chữa lành” tăng vọt từ năm 2022, đạt đỉnh năm 2023 và lập thêm kỷ lục mới vào năm 2024. Bạn xem thêm thông tin trên <a href="https://trends.google.com.vn/trends/explore?date=today%205-y&amp;geo=VN&amp;q=Ch%E1%BB%AFa%20l%C3%A0nh&amp;hl=vi">Google Trends</a>
Tại Việt Nam, cụm từ “chữa lành” tăng vọt từ năm 2022, đạt đỉnh năm 2023 và lập thêm kỷ lục mới vào năm 2024. Bạn xem thêm thông tin trên Google Trends
Kỳ thực, đây là tín hiệu đáng mừng, vì nhận thức về sự quan trọng của sức khỏe tinh thần cũng gia tăng hơn. Tuy nhiên, trào lưu này cũng là miếng mồi béo bở cho những nhà kinh doanh cơ hội nắm bắt, vô số những sản phẩm, dịch vụ “chữa lành” ra đời nhưng “lành ít dữ nhiều” (nhất là những khóa học không có nền tảng). Hay một số doanh nghiệp lạm dụng cụm từ “chữa lành” để truyền thông về sản phẩm, dịch vụ của mình: gội đầu chữa lành, nhậu chữa lành, đi tắm bùn chữa lành, v.v.

“Chữa lành” nhưng “lành lạnh sống lưng”

“Hoài Thương 25 tuổi tại quận Đống Đa, Hà Nội sau khi chia tay mối tình 7 năm và nghe theo lời khuyên của mọi người xung quanh để tham gia chương trình “Chữa lành và tìm kiếm hạnh phúc”. Sau 1,5 tháng tham gia khóa học của một chuyên gia tình cảm và chữa lành mối quan hệ, Thương đã bị bội thực với những cụm từ “thức tỉnh”, “xuôi theo dòng”, “buông bỏ”. Đồng thời, Thương đã mất 8 triệu đồng và không thể giải quyết được vấn đề của mình (Câu chuyện đăng tải trên ZNews).”
“T. là sinh viên trường đại học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), liên tục 2 năm thuộc top sinh viên giỏi nhất khoa. Năm học thứ 3, bạn trượt học bổng nên cảm thấy "cuộc đời lao dốc" và quyết định đi… chữa lành. Theo 4 khóa “chữa lành”, cả trực tiếp lẫn trực tuyến, tốn khoảng 35 triệu đồng, nhưng cái kết khiến bạn bất ngờ. Đi chữa lành nhưng "chữa" hoài vẫn không "lành". Trớ trêu hơn, học kỳ gần nhất, không những trượt học bổng mà T. còn phải thi lại 2 môn.” (Câu chuyện đăng tải trên Dantri).
“V.H.C sinh năm 1997, là chuyên viên kinh doanh bất động sản, chia sẻ cũng không ít lần anh tìm đến chữa lành. “Thời gian gần đây cuộc sống của mình nhiều áp lực quá. Mình thường xuyên thức đêm đến 3 giờ sáng, sau đó ngủ đến 8 giờ dậy đi làm. Từ công việc với những deadline, rồi chuyện yêu đương không đâu vào đâu cả khiến mình mệt mỏi, mình thường xuyên tìm đến bạn bè để đi nhậu nhẹt, đi bar... để “giải quyết mọi chuyện", anh nói. Đối với C, đó là cách "chữa lành", và chi phí cho những lần “chữa lành” này đôi khi bằng cả tháng lương. Rất nhiều lần chưa hết tháng đã hết sạch tiền, phải đi vay mượn để “chữa lành” rồi lại rơi vào stress trở thành một vòng luẩn quẩn.” (Câu chuyện đăng tải trên Dantri).
Chưa kể đến những chuyên gia tự xưng “nhà tâm lý”, “người chữa lành”, “healer”, “chuyên gia tình cảm”, v.v. nhưng tìm hoài không thấy tấm bằng cấp chỉn chu, hay thậm chí là chứng chỉ đào tạo liệu pháp điều trị cụ thể cũng không có. Một số nhân vật với nguồn lực lớn có thể quảng cáo và lên được những kênh truyền thông uy tín để tha hồ lùa thêm học viên hay người cần được chữa lành.
Chữa lành mà sao càng chữa càng không lành? Nguồn hình ảnh: <a href="https://www.freepik.com/premium-vector/hand-drawn-broken-heart-vector-illustration_40732694.htm">Freepik.com</a>.
Chữa lành mà sao càng chữa càng không lành? Nguồn hình ảnh: Freepik.com.
Qua đó, mình thấy rằng có hai yếu tố cần được lưu tâm khi nói đến chữa lành. Thứ nhất, phải hiểu đúng về nội hàm của cụm từ "chữa lành". Thứ hai, biết một số cách đơn giản hơn để bắt đầu chữa lành thật sự. Để bắt đầu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cụm từ “chữa lành”.

Chữa lành là gì?

Theo từ điển Cambridge, chữa lành (healing) là “quá trình trở lại trạng thái bình thường, đặc biệt là sau khi bị cắt hoặc bị thương, hoặc làm cho ai đó khỏe lại; hoặc là quá trình trong đó một tình huống xấu hoặc cảm xúc đau đớn kết thúc hoặc cải thiện.”
Trên thực tế, cụm từ “chữa lành” được sử dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung (cả thể lý và tâm lý), nhưng những năm gần đây, cụm từ “chữa lành” thường được sử dụng trong ngữ cảnh một người hay nhóm người đang gặp khó khăn về tâm lý. Vậy, chữa lành tâm lý là gì?
Theo từ điển của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association - APA), chữa lành tâm lý (mental healing) là “quá trình giảm nhẹ, giảm bớt những rối loạn tâm lý hoặc bệnh thể chất sử dụng sức mạnh của tâm trí với các phương pháp phổ biến bao gồm hình dung, gợi ý và điều khiển dòng năng lượng một cách có ý thức.” 
Trong khái niệm về chữa lành, cụm từ mình muốn nhấn mạnh đó là “quá trình”. Chữa lành không đơn thuần là trạng thái thoải mái, dễ chịu và an yên, mà là quá trình thực hành những biện pháp khác nhau, cùng sự đồng hành của chuyên gia hoặc bác sĩ (có thể cần hoặc không) và kéo dài trong một khoảng thời gian để đạt được kết quả cuối cùng là trở nên khỏe mạnh hơn cả thể chất lẫn tinh thần.
Quá trình chữa lành không phải luôn luôn dễ dàng và mang lại cảm giác dễ chịu. Bạn nào từng tự làm việc với bản thân, phản tư về những cảm xúc, nỗi khổ của mình có lẽ sẽ hiểu phần nào, quá trình nhận ra chính mình cũng thật nhiều nước mắt.
Hay ví dụ trong ngữ cảnh trị liệu tâm lý, người được trị liệu sẽ cần làm việc với những suy nghĩ, niềm tin đang không hữu ích cho họ, đối diện với nỗi sợ của chính mình. Một số trường hợp cần phải nhớ về những sự kiện quá khứ khiến họ tổn thương. Lẽ dĩ nhiên, nhà trị liệu tâm lý sẽ luôn đồng hành, cung cấp cho thân chủ môi trường đủ an toàn cùng với những phương pháp, nguồn lực khoa học giúp thân chủ vượt qua từng chút một nỗi đau tinh thần trên hành trình chữa lành, nhưng không đồng nghĩa là quá trình “chữa lành” này chỉ mang đến cảm giác dễ chịu.
Một ví dụ khác về vật lý trị liệu sau khi bị chấn thương, quá trình này gây nhiều sự đau đớn cho người tập, nhưng đó lại là điều cần thiết để phục hồi lại chức năng cho cơ thể của họ và dĩ nhiên, họ cần sự hỗ trợ từ chuyên gia vật lý trị liệu hoặc người thân để động viên tinh thần.
Nói những điều này không có nghĩa là quá trình này không có niềm vui! Cái khoảnh khắc bạn hiểu được căn nguyên của nỗi đau tinh thần thì bạn cũng cảm thấy vô cùng sung sướng. Cái thời điểm bạn có thêm góc nhìn mới về vấn đề cũng giúp bạn sảng khoái hơn.
Tóm lại, chữa lành là quá trình có cả niềm vui lẫn nỗi buồn (cùng rất nhiều những cảm xúc khác). Chắc chắn sau quá trình ấy, bạn sẽ trở thành phiên bản mà bạn thấy tự hào.
Theo đó, hai nội hàm mà mình thấy quan trọng khi nhắc đến cụm từ "chữa lành":
- Chữa lành là quá trình, thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào mỗi người.
- Chữa lành không phải là một quá trình chỉ có mang lại cảm giác dễ chịu, mà còn bao gồm những trải nghiệm hàm chứa nhiều cung bậc cảm xúc khác.
Chữa lành không phải là con đường đi lên, mà là những đoạn dập dềnh lên xuống nhưng rồi cuối cùng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Nguồn hình ảnh: <a href="https://medium.com/@lifefightinged/its-true-recovery-isn-t-linear-2e1a4a00640c">LINK</a>
Chữa lành không phải là con đường đi lên, mà là những đoạn dập dềnh lên xuống nhưng rồi cuối cùng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Nguồn hình ảnh: LINK

Muốn chữa lành thì bắt đầu từ đâu?

Cẩn thận với dịch vụ chữa lành

Cẩn thận chứ không bài trừ các dịch vụ chữa lành. Như mình có chia sẻ, chữa lành là cả quá trình. Thời gian sẽ tùy thuộc vào mỗi người mà không có 1 đáp số chung. Do đó, nếu bạn thấy dịch vụ nào khẳng định chữa lành ngay sau X thời gian nào đó, hãy cẩn thận và tìm hiểu thật kỹ thông tin (bằng cấp chuyên gia, uy tín của đơn vị tổ chức,...).
Ngoài ra, mỗi người sẽ có một cách thức khác nhau để chăm sóc sức khỏe tinh thần. Cách của người này chưa chắc là cách hiệu quả cho người khác. Thậm chí, không phải cứ chuyên gia giỏi là sẽ phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy, những bên dịch vụ “thần thánh hóa” giải pháp hoặc chuyên gia của họ, bạn cũng cần cẩn trọng nhé.
Một số dấu hiệu dịch vụ chữa lành lùa gà theo kinh nghiệm cá nhân của mình:
- Hứa hẹn kết quả nhanh, hoàn hảo, trọn vẹn.
- Thần thánh hóa về dịch vụ là “nhất”, là “có 1 không hai”, "chắc chắc bạn sẽ vượt qua". Thần thánh hóa nhân vật chuyên gia, người giảng dạy là “số 1”, “tuyệt vời”, “hơn hàng triệu khách hàng đã được chữa lành”, v.v.
- Bằng cấp chuyên gia không rõ ràng hoặc không liên quan đến nội dung giảng dạy. Một người có nhiều kinh nghiệm sống chưa chắc có thể giảng dạy về tâm lý hoặc trị liệu tâm lý tốt.

Gia tăng sự nhận biết về bản thân

Trong nội dung này mình không đề cập đến sự nhận thức bản thân (self-awareness) vì nội hàm của nó khá rộng và không thể tóm lại trong một đoạn nội dung được. Do đó, mình tập trung viết về gia tăng sự nhận biết, tức là nhận thấy và biết là điều mình vừa nhận thấy nó có tồn tại. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng mà cũng đơn giản thôi. Sự nhận biết về bản thân có thể được chia làm 3 loại khác nhau:
Nhận biết thể lý: là nhận biết cảm giác trên cơ thể của bạn. Mỗi ngày bạn hãy check-in với cảm giác trên cơ thể xem bạn đang cảm thấy như thế nào? Có bị đau mỏi, cổ, vai, gáy không? Có bị đau lưng dưới hay căng cứng cơ ở phần nào trên cơ thể không? Hãy dành ít nhất 5 phút yên tĩnh, không bị phân tâm để cảm nhận cảm giác trên cơ thể của bạn.
Nhận biết suy nghĩ: là nhận biết những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu của bạn. Bạn hãy đứng vai trò là một người quan sát, ghi chép lại những câu nói, tiếng nói ồn ào trên giấy. Đừng quên rằng, bạn và suy nghĩ của bạn không phải là một. Hãy tập trung vào quá trình nhận biết và không đánh giá suy nghĩ của mình.
Nhận biết cảm xúc: là nhận biết những cảm xúc nổi bật trong ngày (nếu bạn thực hành vào buổi tối) và cảm xúc nổi bật của ngày trước đó (nếu bạn thực hành vào buổi sáng). Bạn có thể sẽ cần học nhiều vốn từ mô tả cảm xúc của mình hơn, rồi sau đó thử viết xuống hoặc ngồi lại để nhận ra những cung bậc cảm xúc của bạn trong 1 ngày.
Lưu ý thêm là khi học nhận biết, bạn hãy nhắc nhở bản thân không đồng nhất với suy nghĩ, cảm xúc và thể lý của mình. Ví dụ, chỉ vì bạn cảm thấy đau lưng không có nghĩa là bạn đang già yếu (không tranh luận sai/đúng ở đây, nhưng nghĩ theo hướng này có vẻ sẽ làm bạn thấy nản hơn; thay vào đó, bạn có thể nghĩ đến cách để giảm đau lưng để cảm thấy khỏe khoắn hơn). Hay một ví dụ khác, chỉ vì bạn có suy nghĩ “tôi không thích mẹ” không có nghĩa bạn là một đứa con bất hiếu, bạn chỉ cần nhận biết bạn có suy nghĩ đó trước. Những bước để làm việc sau khi nhận biết mình sẽ hẹn bạn chia sẻ trong một bài viết khác.
Nhận biết sẽ là bước đầu tiên của rất nhiều điều, trong đó có mở ra con đường để bạn bắt đầu làm việc với nỗi đau tâm lý của mình. Nguồn ảnh: <a href="https://www.freepik.com/free-vector/watercolor-background-international-yoga-day-celebration_40878742.htm#fromView=search&amp;page=1&amp;position=19&amp;uuid=cd74dab9-7ff7-4cfe-bafd-c0e8a5fe2004">Freepik.com</a>
Nhận biết sẽ là bước đầu tiên của rất nhiều điều, trong đó có mở ra con đường để bạn bắt đầu làm việc với nỗi đau tâm lý của mình. Nguồn ảnh: Freepik.com

Tập trung chăm sóc nhu cầu cơ bản

Hãy ăn, uống, ngủ, nghỉ thật tốt! Mỗi khi bạn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì bạn hãy nhớ chỉ cần ăn, uống, ngủ, nghỉ đủ là bạn sẽ có thêm năng lượng để vượt qua khó khăn. Thật sự đây là những hoạt động thiết yếu, có vai trò với sự sinh tồn, nên nếu bạn vẫn còn loay hoay với nỗi khổ tinh thần, hãy chú ý dồn năng lượng để vẫn đảm bảo có thể ăn, uống, ngủ, nghỉ ở mức tốt nhất bạn nhé.
Chia sẻ đến đây thôi, mình hiểu rằng nói thì dễ chứ làm thì khó lắm luôn. “Nhưng khó chứ không phải là không thể” - đây là điều mình nhắc nhở bản thân mỗi khi cảm thấy khó, rồi chia nhỏ đầu việc ra để làm tuần tự theo thời gian, mong những mẹo nhỏ này sẽ hỗ trợ được thêm cho bạn. Hơn nữa, nếu có lỡ “bị lùa gà” thì thôi cũng không sao cả, bởi vì có những bài học mà chính bản thân cần trải qua thì mới có thể học được tốt nhất. Sau mỗi sai lầm, chỉ cần bạn nhận ra mình đã học được gì thì đã tốt rồi. Mong bạn không tự trách móc chính mình quá lâu.
Bài viết này mình biết nó còn nhiều giới hạn lắm, nhiều thông tin cần phải chia sẻ thêm lắm, mình đã viết nó trong thời gian rất lâu bởi vì cứ càng viết càng không thấy đủ thông tin. Do đó, mình đã lọc ra những gì cơ bản nhất để chia sẻ, bạn có chia sẻ gì thêm cứ comment nhé, mình cởi mở đón nhận feedback và lắng nghe thêm chia sẻ của mọi người! Bạn cũng có thể đặt câu hỏi để mình nghiên cứu thêm và gợi ý chủ đề viết bài nội dung liên quan đến tâm lý và phát triển bản thân.
Cảm ơn những ai đã đọc đến dòng này. Hẹn gặp các bạn vào 1 bài viết khác vào tháng 6!