Chào các bạn, lại là mình đây, phóng viên thường trú tại Thâm Quyến - Trung Quốc :))) Những ngày qua, khi sức nóng của việc thầy Dan Hauer làm video về những lỗi phát âm sai của người Việt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt (với hai luồng ý kiến trái chiều - tạm gọi là Bảo thủ và Tiến bộ), mình sẽ khai thác về chủ đề học tiếng Anh theo một hướng khác, gần gũi hơn để chúng ta có những cái nhìn đa chiều về việc " Tại sao phải nói chuẩn và viết chuẩn trong Tiếng Anh?"
    Theo số liệu mới nhất của EF EPI (Education First ENGLISH PROFICIENCY INDEX) tháng 6/2016, Việt Nam xếp thứ 7 về trình độ tiếng Anh trong tổng số 19 quốc gia Châu Á, trong khi đó, Trung Quốc dừng chân ở vị trí thứ 12. Như vậy, chúng ta có quyền tự hào là tiếng Anh của người Việt giỏi hơn tiếng Anh của người Trung :) Và thực tế cũng chứng minh, cơ sở của bảng xếp hạng này hoàn toàn chính xác.
    Trước hết, mình xin bàn về việc phát âm. Sếp mình là người Trung 100% và từng có thời gian du học bên Canada 4 năm, nên so với mặt bằng chung bên này, tiếng Anh của ổng vượt trội hơn ở ngữ điệu và vốn từ. Thú thực lúc đầu nghe sếp phát âm, mình khá bất ngờ vì đây là người Trung nói tiếng Anh khá nhất mình gặp. Ưu điểm trong phát âm của ổng là to, rõ ràng, tự tin, nghe thoạt qua khá giống phát âm của người Mỹ. Tuy nhiên, sau một thời gian nằm vùng :))), mình phát hiện ra, ổng cũng như những người Trung nói tiếng Anh còn lại gặp một số vấn đề sau:
+ Âm /θ/, người Trung hay có xu hướng phát âm thành /ʃ/. Ví dụ: I thought, họ sẽ phát âm thành I "sought", lúc đầu mình k hiểu, hỏi lại là you're short? LOL. You are so thin => You are so sin, oh man :(( Khi nghe mình phát âm, họ bảo mình phát âm sai rồi, âm /θ/ phải phát âm kiểu lưỡi chạm hàm răng dưới, bật ra thành "ʃ" :3  Vài người khác líu lưỡi hơn sẽ đọc "that" thành "rat". Lúc đầu mình cũng phải check lại ngay, chẳng nhẽ Vinglish lại sai còn Chinglish lại đúng? :v Khi biết chuẩn chỉ như thế nào rồi, thì mình cứ phát âm đúng thôi, và ngấm ngầm kiểm chứng với tất cả khách nước ngoài đến công ty mình tham quan - không ai phát âm là "sank you" cả :v 
+ Âm /æ/, lưỡi của người Trung gặp vấn đề với âm e bẹt này, ví dụ: bank, họ sẽ đọc thành băngk :3
+ Âm /əʊ/, tương tự như trên, ví dụ: bone => bông LOL
+ Âm /eə/, rất cute, đọc luôn hair thành hear 
+ Chữ "n" sẽ đều được đọc thành "m", đặc biệt trong các từ có hai âm tiết, ví dụ: design => desime, online => on lime :)))
   Tiếp đến là vấn đề Ngữ pháp và chính tả, mình xin khẳng định đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng nhưng đại đa số người Trung đều vấp phải. Vấn đề là họ học ngữ pháp vô cùng hời hợt, gặp những lỗi sai cơ bản trong việc dùng thì, vị trí từ, đặc biệt là chính tả. Cũng có thể đa phần nhân viên văn phòng dùng smart phone nhắn tin qua lại với khách (Whatsapp, Trade manager, Skype...), khi gõ từ có chức năng tự tiên đoán, nên chỉ cần gõ vài chữ đầu, chọn từ đúng, rồi quên luôn làm sao viết đầy đủ từ đó cho chính xác khi viết mail trên máy tính.
    Mình và sếp đã có nhiều lần tranh luận gay gắt về vấn đề viết email cho đúng. Sếp mình nói cái đó không quan trọng. Quan trọng là khách hiểu ý mình nói, và chúng ta vẫn bán được hàng, những cái tiểu tiết đó không làm doanh thu công ty tăng lên được. Tại sao Trung Quốc vẫn bán được hàng cho hàng trăm quốc gia khác trên thế giới? Khách hàng quan tâm nhất là giá bán, họ muốn giá rẻ và có được nhiều lợi nhuận... 
      Mình im lặng... Vì khi bạn thành công, thứ gì bạn nói cũng đúng, khi bạn chưa có thành tựu gì, những lời bạn nói chỉ là gió thoảng bên tai...
Một email từ sếp qua phần mềm chỉnh lỗi Grammarly
    Cho đến dạo gần đây, công ty mình gặp kha khá phốt trong việc tương tác với khách qua Alibaba và email. Lúc này, họ mới bắt đầu quan tâm đến tầm quan trọng của việc viết đúng và hỏi mình check lỗi trước khi gửi mail. 
     Sau một khoảng thời gian "không màng chính sự", tự tu mấy khoản kiến thức bán hàng, mình cũng ngẫm ra mối quan hệ của tiếng Anh với kinh doanh thương mại. Quả thật,  sếp mình nói đúng một ý, bạn viết tiếng Anh tốt, bạn nói tốt chưa chắc doanh thu của bạn đã cao bằng những người có vốn tiếng Anh đủ dùng kia. Bởi vì kinh doanh dựa vào nhiều yếu tố: giá thành, dịch vụ, khả năng đáp ứng yêu cầu của sản phẩm. Bạn nói giỏi, viết giỏi, nhưng sản phẩm của bạn không chất lượng, thì khách hàng cũng sẽ không quay lại lần 2. Cái bạn cần là kiến thức về sản phẩm mình đang bán, có sự nhạy bén và chiến thuật để chốt đơn hàng... 
  Nhưng... những kiến thức và chiến thuật bạn có chỉ chiếm 70% thành công, 30% còn lại sẽ rơi vào tiểu tiết. Sai một ly là đi cả nghìn dặm, một khi bạn hiểu lầm ý của khách, một khi bạn viết sai thông tin, hậu quả sẽ lớn đến nhường nào?? Bạn thử viết sai thông số hàng hóa rồi ship đi, dĩ nhiên hải quan sẽ không duyệt cho bạn qua cửa khẩu, hàng bị giữ lại, sau đó là vấn đề giấy tờ, chứng chỉ hàng hóa đồng loạt bị kiểm tra => ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian của bên bán lẫn bên mua. 
   Người mua hàng của công ty mình (màn hình điện tử quảng cáo) đa phần là reseller, họ lại bán lại cho khách hàng của họ, phải đợi lâu, mất thời gian, giảm uy tín. Với những người cực kỳ khó tính, công ty phải free ship hoặc free 1 mặt hàng, tránh những review xấu hoặc tranh chấp kiện tụng. 
  Bạn thử nhầm lẫn giữa yêu cầu camera built - in hay external? Sản phẩm của bạn dĩ nhiên sẽ hỏng, thử nhầm màu logo? Thử nhầm hệ điều hành, thử nhầm phần size ảnh của photobooth? Tất cả đều dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng, lỗ đơn hàng là một chuyện, cả một ekip đằng sau xưởng sản xuất phải đồng loạt làm lại... Khách hàng còn hứng thú quay lại hay không?? Câu trả lời chắc đến 90% bạn cũng nắm rõ.
Một khi bạn nhầm lẫn :3
  Thực tế hơn một chút nữa nhé: "Tại sao chúng ta phân biệt được hàng Trung Quốc và hàng của các nước khác?" Rất đơn giản, người Trung hay có thói quen: viết sai chính tả. Cứ thử để ý tên hàng hóa, chữ in trên áo, logo hay hướng dẫn sử dụng xem? Kiểu gì bạn cũng thấy đập vào mắt lù lù vài lỗi chính tả, đôi khi vui tính, thêm "s" vào sau từ vô tội vạ. Đôi khi chữ "made in China" cũng nhầm thành "made in Chian" :))
  Nhiều bạn nói "mình học ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài, họ hiểu được là được", đúng, họ hiểu được là bạn đã thành công. Nhưng bạn muốn họ hiểu được ở mức nào, lại phải phụ thuộc vào chính bạn. Sẽ không ai thích nghe một người nói tiếng nước họ trọ trẹ, chỉ thao thao bất tuyệt về những thứ họ nghe không ra. Và họ cũng chẳng biết phải làm gì với bạn tiếp theo khi họ muốn mua thứ A, bạn lại offer thứ B, nói về châu Á, bạn lại nói sang châu Phi, nói trời hôm nay mưa bạn lại trả lời"ôi tôi thích nắng lắm" cả.
   Học ngoại ngữ, chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Dùng hệ quy chiếu với chính ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta, hai mươi mấy năm trời, bạn có khẳng định mình không bao giờ viết sai chính tả, không bao giờ rơi vào cảnh "diễn đạt tối ý"? Thế nên, học ngoại ngữ cần từ từ, biết nhiều càng tốt, nhưng biết đến đâu, chất đến đó, đừng đặt những mục tiêu to tát mà sáo rỗng kiểu " hôm nay phải học được 50 từ vựng". Điều đó vô cùng phi lý, vì não bộ của chúng ta không nạp được quá nhiều kiến thức cùng một lúc, bạn có cố gắng hết công suất thì 2 ngày sau hỏi lại cũng đến quá nửa số ấy rụng rơi mất thôi. 
   Đừng nghĩ mình đang "học" thứ tiếng khác, hãy nghĩ mình đang "tìm hiểu" nó. Giai đoạn tìm hiểu, tán tỉnh lúc nào cũng thú vị hơn là trong một mối quan hệ đã đặt tên đúng không? Mình "tìm hiểu" nó mọi nơi, tên nhãn hiệu, một góc ở bài báo hay tờ quảng cáo nào đó, trên thân sản phẩm, những thứ này trong tiếng Anh gọi là gì rồi tưởng tượng khi mình nói về món đồ này, mình sẽ mô tả ra sao cho người nước ngoài hiểu.
  Nếu bạn phát âm sai, viết sai thì sao? Sợ nhất là không biết mình sai để sửa, chứ biết sai mà sửa chẳng phải mình được nhiều hơn còn gì. Thái độ của chúng ta với mọi việc rất quan trọng, nếu chúng ta nhìn nó ở những mặt tiêu cực, thì làm gì cũng thấy thất bại. Nhưng cùng một vấn đề ở hướng khác, thì rất nhiều cơ hội sẽ mở ra, ta thấy ta may may mắn vì có cơ hội để trở nên tốt hơn, tiến bộ hơn. Nhân đây, mình cũng trích luôn một câu của Michael Gove mà mình cực kỳ tâm đắc:"Learning a foreign language, and the culture that goes with it, is one of the most useful things we can do to broaden the empathy and imaginative sympathy and cultural outlook of children".


    Giỏi tiếng Anh, chưa chắc đã khiến bạn trở thành người bán hàng xuất sắc nhất ngay trước mắt, cũng chưa chắc đã khiến bạn trở thành người giàu có nhất.  Tiếng Anh chỉ là một công cụ để bạn có nhiều cơ hội học hỏi từ những điều mới mẻ khác. Nhưng một vốn tiếng Anh đa dạng, phong phú và CHUẨN sẽ khiến bạn có những bước đi chắc chắn, chuyên nghiệp hơn, góp phần dần khẳng định được dấu ấn riêng khi bạn trau dồi thêm cả những kiến thức trong lĩnh vực của chính mình. 
  Bước chậm thôi nhưng chắc, bởi một chặng đường dài, chẳng phải được khởi đầu bằng một bước chân?