Chúng ta đều biết trò chơi điện tử có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực như tự trọng thấp, trầm cảm, lo âu và thiếu động lực. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng cũng chính trò chơi điện tử sẽ trở thành liều thuốc giúp bạn vượt qua tất cả những khó khăn kể trên.
Theo báo cáo của Allied Market Research, các bác sĩ y khoa thường sử dụng liệu pháp trò chơi để cải thiện sức khỏe tinh thần của những người mắc chứng lo âu, trầm cảm và sang chấn. Họ khẳng định tới năm 2031, Game hóa sức khỏe sẽ là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 9 tỷ đô la.

StarStarter Rx

StarStarter Rx - một trò chơi "trị liệu kỹ thuật số" của Arcade - đã sử dụng một kỹ thuật đào tạo nhận thức được gọi là điều chỉnh xu hướng chú ý nhằm giảm các triệu chứng lo âu xã hội của người dùng. Trong nghiên cứu thí điểm, hơn 90% người tham gia thuộc độ tuổi 22 - 65 đã thấy các triệu chứng lo lắng trong các tình huống xã hội của mình giảm xuống, với mức giảm trung bình là 33%.
Sau khi được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm công nhận là "thiết bị y tế kỹ thuật số", StarStarter Rx đã phát hành trên hai nền tảng là Android và iOS. Nayan Ghosh, phó chủ tịch kiêm trưởng bộ phận chiến lược thương mại của Arcade, chia sẻ: "Trò chơi sử dụng các nguyên mẫu khuôn mặt và Game hóa để điều hướng lại các biểu cảm có thể dẫn đến cảm giác lo lắng, trầm uất và đau khổ dai dẳng về mặt xã hội. Đằng sau lối chơi đơn giản là một thuật toán thích ứng linh hoạt để mang lại trải nghiệm cá nhân hóa cho từng người dùng."
Tiến sĩ Tracy Dennis - Tiwary, người sáng lập và giám đốc khoa học của Arcade cho biết: "SAD là chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất, nhiều gấp đôi so với chứng rối loạn lo âu tổng quát. Vì nhiều người vẫn chưa thích nghi được với các tình huống xã hội sau khi bị đại dịch cô lập nên con số này còn có thể cao hơn nữa."
Theo quy định miễn trừ của FDA, StarStarter Rx sẽ ra mắt trên cơ sở lâm sàng hạn chế vào tháng 4 thông qua các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không cần đơn thuốc trong thời đại COVID. Arcade đặt mục tiêu được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt trò chơi như một phương pháp điều trị chỉ theo toa vào quý IV.

Jigsawdio

Các nhà sản xuất Jigsawdio, một thiết bị ghép hình nghe nhìn dành cho bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ, đã nhận được khoản tài trợ Chuyển giao Khoa học và Công nghệ trị giá 500.000 đô la từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) để đầu tư cho việc phát triển nguyên mẫu và nghiên cứu sử dụng.
Amy Young - người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Jigsawdio đã chia sẻ trong một thông cáo báo chí: "Số liệu thống kê cho thấy không có đủ người chăm sóc để hỗ trợ bệnh nhân sa sút trí tuệ, vì vậy Jigsawdio đã sử dụng hình ảnh và âm thanh được cá nhân hóa nhằm tạo ra những tương tác có ý nghĩa."
Trong các nguyên mẫu của Jigsawdio dự kiến ​​sẽ được hoàn thành vào tháng 4 và sau đó được các nhà nghiên cứu của Đại học Indiana thử nghiệm trong sáu tuần, các tập tin đa phương tiện sẽ được người dùng tải vào các thẻ SD thông qua một ứng dụng iPhone đã được phê duyệt, sau đó sẽ được kết nối vật lý vào một bộ ghép hình chứa 12, 24 hoặc 36 miếng acrylic, sáu trong số đó sẽ phát các đoạn ghi âm tường thuật hình ảnh như một phần của câu đố.
Trong một buổi phỏng vấn với Pharma & Health Insider, nhà sáng lập Jigsawdio cho biết bộ ghép hình có chứa bluetooth và WiFi; cô cũng tiết lộ một ứng dụng chạy trên nền tảng Android dự kiến ​​sẽ ra mắt vào mùa thu. "Đối tượng mục tiêu của chúng tôi là các nhà quản lý viện dưỡng lão và giám đốc hoạt động cũng như những điều dưỡng viên."

Say It Out Loud

Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần (NAMI) đã phát hành một trò chơi thẻ bài có tên Say It Out Loud nhằm khơi dậy các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần trong giới trẻ.
Jennifer Rothman, giám đốc ban Thanh thiếu niên của NAMI, đã chia sẻ với Pharma & Health Insider: "Say It Out Loud được thiết kế để chơi trong những môi trường nhỏ và thân mật, giúp xây dựng mối liên hệ và lòng tin giữa những người trẻ tuổi."
Chúng tôi đã thử chơi phiên bản di động, sử dụng những lối chơi nằm ngoài thiết kế - như chơi bài một người - và được hỏi những câu hỏi như: "Điều gì khiến bạn lo lắng?" và "Lời khuyên tốt nhất mà bạn từng nhận được là gì?". Trò chơi kết thúc khi chúng tôi bốc được thẻ: "Hãy khen người ngồi bên phải bạn".
Say It Out Loud được phát triển với sự trợ giúp của NAMI Next Gen, nhóm cố vấn dành cho thanh thiếu niên bao gồm 10 thành viên.
NAMI tận dụng hơn 600 chi nhánh địa phương và 49 tổ chức nhà nước để truyền bá về trò chơi. Họ cũng sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để chia sẻ với những mạng lưới thanh thiếu niên, bao gồm các nhà lãnh đạo NAMI On Campus tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc.
Rothman cho biết NAMI hiện đang theo dõi các chỉ số tương tác bao gồm số lần trò chơi được chơi và chia sẻ, cũng như mức độ chú ý tăng lên thông qua các bài đăng trên mạng xã hội.
Một cuộc khảo sát dành cho thanh thiếu niên của NAMI vào tháng 8 năm 2022 cho thấy khoảng 2/3 trong số họ (65%) cảm thấy thoải mái khi nói về sức khỏe tâm thần của mình với những người thân thiết nhất, trong khi gần một nửa (46%) cho biết họ cảm thấy thoải mái khi nói những chuyện như vậy với bạn bè.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: