Chủ nghĩa tối giản - bí quyết để sống hạnh phúc hơn
Nhật Bản luôn là một quốc gia có tần suất động đất, sóng thần cao nhất thế giới gây ra những thiệt hại vô cùng lớn về người và của....
Nhật Bản luôn là một quốc gia có tần suất động đất, sóng thần cao nhất thế giới gây ra những thiệt hại vô cùng lớn về người và của. Sau những mất mát đó, người ta dần nhận ra sở hữu quá nhiều vật chất không phải là thứ đem lại hạnh phúc và cuộc đời thì quá ngắn ngủi để ta có thể tiêu hết số tiền mình kiếm được một cách mãn nguyện nhất. Một vài năm gần đây, một phong cách sống tối giản có tên là Danshari đã nhanh chóng trở thành một phong trào trong giới trẻ Nhật Bản và dần lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Một căn phòng của người theo đuổi lối sống Danshari điển hình hầu như trống trơn, chỉ có một chiếc giường, một chiếc tủ với vài ba bộ quần áo, góc bếp với những vật dụng hết sức đơn giản, còn lại tất cả thông tin, dữ liệu có thể thu gọn lại trong một chiếc laptop hoặc điện thoại di động.
Chủ nghĩa tiêu dùng: tại sao chúng ta mua sắm nhiều hơn nhưng lại ít hạnh phúc hơn?
Ở rất nhiều quốc gia đã và đang phát triển, sự bành trướng của chủ nghĩa tiêu dùng khiến con người sống thiên về vật chất và sở hữu. Người ta cho rằng có càng nhiều tiền, sở hữu càng nhiều đồ đạc thì càng hạnh phúc. Suy cho cùng, đồ đạc là thứ mà con người sinh ra không mang đến, khi chết không mang đi nhưng tại sao ta lại luôn bị ám ảnh bởi những thứ đó để rồi chúng quay ngược lại sở hữu chúng ta?
Hàng ngày, chúng ta bị bủa vây bởi cả tấn thông tin, quảng cáo đến từ các phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ cần một vài "hiệu ứng chim mồi" là bạn đã có thể ngoan ngoãn xòe tiền của mình ra để mang về những thứ chúng ta không thực sự cần. Đã bao giờ bạn cảm thấy hối tiếc vì đã mua một món đồ nào đó và điều tệ hơn cả là bạn đã để chúng lặp đi lặp lại rất nhiều lần ngay khi đọc được những mẩu tin khuyến mãi siêu giảm giá có vẻ hấp dẫn hay những sản phẩm thiết kế bắt mắt được mọi người săn lùng và trong đầu bạn cũng xuất hiện tâm lý mình cũng phải có một cái? Để rồi kết quả là những cuốn sách để cả năm trên kệ bám đầy bụi, những bộ quần áo không một lần được mặc bởi chính chủ nhân của nó đã trót mua vì lòng thương hại...
Thực tế, không phải cứ có nhiều tiền chúng ta mới có thói quen tiêu xài hoang phí. Ngay cả khi không dư dả cho lắm, chúng ta vẫn luôn rơi vào cám dỗ mua sắm bởi những thông tin đại hạ giá, và thay vì mua một món đồ thật sự chất lượng thì chúng ta lại có thói quen mua những thứ rẻ tiền để có cảm giác là mình mua được nhiều hơn, sở hữu nhiều đồ hơn. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta căng thẳng, mệt mỏi và dễ trở nên cáu bẳn, khó chịu.
Đọc thêm:
Trong bài viết "Hành trình 21 ngày hướng tới sự tối giản" của Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus (người sáng lập trang web theminimalist.com), tác giả đã thừa nhận rằng họ không hạnh phúc ngay cả khi có thu nhập lên đến 6 con số, có nhà lầu, xe hơi và sống trong nhung lụa nhưng lại luôn thường trực sự căng thẳng, sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng. Đó chỉ là một "giấc mơ kiểu Mỹ" mà người ta luôn ngưỡng mộ nhưng không hề biết rằng đằng sau lối sống vật chất ấy là một sự trống rỗng, vô nghĩa đến tột cùng. Và sau cùng thì họ nhận ra rằng chủ nghĩa tối giản mới là con đường duy nhất khiến họ trở nên hạnh phúc, chứ không phải bằng việc sở hữu nhiều của cải, vật chất.
Lối sống tối giản có phù hợp với xã hội hiện đại?
Trong cuốn "Lối sống tối giản của người Nhật" của Fumio, tác giả đã đưa ra những phương pháp chi tiết giúp những ai muốn theo đuổi lối sống tối giản từng bước giải phóng mình khỏi sự ám ảnh bởi vật chất và cảm thấy hạnh phúc hơn. Tác giả từng là một người rất thích tích trữ đồ đạc, sưu tập đĩa CD và luôn lấp đầy khoảng trống trong căn phòng của mình bằng một "thứ" gì đó. Nhưng chính việc đó khiến anh không cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Sẽ ra sao nếu như một bản nhạc không có những khoảng lặng? Thì việc bày trí và sắp xếp đồ đạc trong phòng cũng như vậy, luôn cần có những khoảng trống để đem lại sự thư thái cho tâm hồn.
Không chỉ ở Nhật, trên thế giới có rất nhiều người nổi tiếng, tỷ phú là những người theo đuổi lối sống này. Steve Jobs là một người theo chủ nghĩa tối giản và tinh thần đó được thể hiện trong tất cả các thiết kế của Apple: tối giản nhưng vô cùng tinh tế, chỉ tập trung vào những gì người dùng muốn nhất, loại bỏ tất cả các thao tác không cần thiết để có được kết quả nhanh nhất. Danh họa Leonardo Da Vinci từng có câu nói nổi tiếng: "Simplicity is the ultimate sophistication" (tạm dịch: đơn giản chính là đỉnh cao của sự tinh tế). Đi đến tận cùng của sự đơn giản để chạm đến sự tinh tế chính là tối giản. Nếu câu nói này đúng thì Steve Jobs đã đạt được điều đó một cách hoàn hảo. Ông cũng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp hoặc trên truyền hình với chiếc áo đen và quần jeans.
Mark Zuckerberg - ông chủ "gã khổng lồ" Facebook cũng từng chia sẻ rằng: "Tôi muốn cuộc sống của mình trở nên đơn giản nhất có thể. Thay vì tốn thời gian để suy nghĩ và đưa ra những quyết định phù phiếm, tôi dành năng lượng của mình để xây dựng các sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng". Chiếc áo phông xám huyền thoại dường như đã trở thành một biểu tượng bất hủ khi nhắc đến ông chủ này. Đó chính là lý do vì sao Mark luôn xuất hiện với những bộ trang phục quen thuộc như áo phông xám, hoodies và quần jeans.
Đọc thêm:
Leo Babauta - người sáng lập Zen Habits và Mnmlist.com cho rằng càng là con người trong xã hội hiện đại thì càng cần đến lối sống này, kể cả ở một đất nước vốn năng động, ai cũng cần có nhà và xe hơi như Mỹ hay một đất nước tưởng như trầm lặng, yên bình nhưng lại thường xuyên xảy ra động đất, sóng thần như Nhật Bản.
Khi loại bỏ được những thứ không cần thiết, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn cho những người mà chúng ta yêu thương, tiết kiệm được nhiều tiền hơn để làm những điều thực sự có ý nghĩa, như đi du lịch chẳng hạn.
Một số người cho rằng nếu ai cũng sống tối giản như vậy thì kinh tế làm sao phát triển được. Một số người mới biết đến chủ nghĩa tối giản cho rằng tối giản là phải vứt bỏ hết đồ đạc, chỉ được sở hữu một số lượng đồ đạc nhất định trong nhà. Thực chất, chủ nghĩa tối giản không khuyên con người ta ngừng mua sắm, mà là chỉ mua những thứ thật sự cần thiết với bản thân. Có nghĩa lý gì với một món đồ mà ta mua về nhưng lại không hề dùng đến nó?
Ở đây, tối giản không có nghĩa là sống một cách kham khổ, đạm bạc, xa lánh cõi đời mà là chọn cho mình những gì tinh hoa nhất, thiết yếu nhất để đảm bảo cho sự chất lượng của cuộc sống.
Tất nhiên, hiện nay chưa có một định nghĩa chuẩn nào về chủ nghĩa tối giản mà tùy vào tính chất công việc, sở thích và thói quen của mỗi người để khi thực hành lối sống tối giản, chúng ta sẽ vứt đi những thứ khác nhau. Chắc chắn rằng bạn không thể làm chuyên gia trang điểm chỉ với một thỏi son môi hay một chiếc chì kẻ mắt, không thể làm một stylist nếu chỉ suốt ngày mặc đồ đen/trắng/xám, không thể làm đầu bếp với chỉ một cái nồi cũng như không thể làm truyền thông nếu như không có đa dạng các mối quan hệ. Cũng giống như trong toán học, đâu phải chỉ 1/2 mới là phân số tối giản, còn có 3/4, 5/6... vì vậy bạn hoàn toàn có thể là người sống tối giản ngay cả khi bạn có tới 6 đứa con, vài chục bộ quần áo và một tủ giầy. Trở lại ví dụ của Steve Jobs và Mark Zuckerberg, cái mà họ quan tâm đến là công nghệ chứ không phải là thời trang, vì vậy chẳng có lý do gì để tủ quần áo của họ phải có tới vài chục bộ cả. Tối giản chỉ là một cách kiểm soát để tối ưu hóa cuộc sống mà thôi.
Vứt bỏ cũng là một nghệ thuật - không chỉ là đồ đạc
Các cuốn sách, các bài phân tích về chủ nghĩa tối giản hầu hết tập trung vào việc giúp loại bỏ tối đa đồ đạc vật chất để tận hưởng niềm vui bằng cách tạo ra những khoảng trống. Tuy nhiên, những thông điệp như "Hãy vứt hết đồ đạc đi và bạn sẽ thấy hạnh phúc" mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Cái đem lại hạnh phúc cho con người không phải chỉ là đồ đạc, của cải vật chất mà còn là cách tư duy, công việc, các mối quan hệ, triết lý sống...
Cuộc sống này quá ngắn để chúng ta có thể san sẻ mối quan tâm của mình cho tất cả mọi thứ. Bạn hãy thử tự hỏi bản thân mình xem trong số hàng ngàn người bạn ảo trên mạng xã hội bạn thực sự tương tác với bao nhiêu người (nếu không phải để kiếm tiền)? Trong vô vàn những suy nghĩ tích cực và tiêu cực tại sao ta lại luôn để những suy nghĩ tiêu cực, những lời than phiền, trách móc xâm chiếm tâm trí mình mỗi ngày?
Chúng ta luôn sợ bị mất đi thứ gì đó là của mình. Thật ra, cũng giống như việc vứt bỏ đồ đạc, thứ đầu tiên bạn cần vứt bỏ đó chính là ý nghĩ tiếc nuối và sự biện minh rằng "biết đâu một ngày nào đó mình sẽ dùng đến nó". Trong các mối quan hệ cũng vậy, có phải chúng ta luôn cố gắng giữ liên lạc với một số người nào đó chỉ bởi chúng ta nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ cần đến họ?
Vứt bỏ những thứ "chùng chình" sẽ là cách nhanh nhất giúp chúng ta tập trung vào chuyên môn của mình và không bị xao lãng bởi những thứ khác. Đó chính là một phần trên con đường dẫn tới thành công. Vứt bỏ ở đây không chỉ là loại bỏ đi đồ đạc, mua sắm ít hơn mà còn là cắt bỏ những mối quan hệ không cần thiết (có thể là những người bạn xã giao, hoặc không có lợi cho công việc của bạn) và cả những suy nghĩ tiêu cực.
Hiện nay có rất nhiều Youtuber và Blogger trên khắp thế giới là những người sống tối giản, họ thực hiện những clip và chia sẻ những bài viết nhằm giúp cho chúng ta hình thành một số thói quen tốt, tập trung vào chất lượng của cuộc sống thay vì số lượng, tiết kiệm được cả tiền bạc lẫn thời gian.
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi vì sự phức tạp của cuộc sống này, hay cũng chính là sự phức tạp trong suy nghĩ của bản thân bạn, thì chủ nghĩa tối giản thực sự là thứ có khả năng giúp bạn thoát ra khỏi cái mớ hỗn độn đó và làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng hãy nhớ, tối giản là một phong cách sống chứ không phải phong trào hay là một cuộc đua xem ai sở hữu ít đồ hơn.
Life style
/life-style
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất