190 năm trước, chàng trai người Pháp Louis Braille đã sáng chế ra chữ nổi - nguồn sống mới vĩ đại cho người mù - bằng chính công cụ đã làm mắt anh mất đi ánh sáng.
Một đám ma không nghe tiếng khóc, hay đúng hơn là mọi âm thanh bị chìm đi trong tiếng khua của hàng trăm cây gậy trắng: người mù từ mọi nơi trên thế giới đi theo quan tài của Louis Braille hôm 22/6/1952 xuyên qua Paris. Trước sự chứng kiến của Tổng thống Pháp Vincent Auriol, các cha xứ và đông đảo thượng khách khác, Braille được truy tặng phần thưởng cao nhất mà một công dân Pháp có thể nhận được: ông sẽ an nghỉ trong Điện Pantheon giữa các anh hùng dân tộc Pháp.
1956: Máy đục chữ Braille của Mỹ
1956: Máy đục chữ Braille của Mỹ
Nhưng nếu còn sống, ắt hẳn không có sự tôn vinh nào làm Braille xúc động hơn tiếng gậy trong tay vô số người mù lách cách khua trên đường phố của kinh thành Ánh sáng. Tờ New York Times ngày ấy gọi lễ tiễn đưa ông là “đám rước hùng tráng hy hữu”, và “tiếng động lạ”  là “bản tụng ca dâng lên một vĩ nhân đã đem lại cuộc sống mới cho hàng triệu người khác”. Ở tuổi 16 Louis Braille đã chế ra loại chữ nổi được người mù dùng đến tận hôm nay. Louis Braille sinh ngày 4/1/1809 ở làng Coupvray gần Paris, trong một gia đình làm nghề khâu yên ngựa và đồ da. Bố cậu, ông Simon-Rene, thường cho con ngồi cạnh khi làm việc, và cậu bé lớn lên với mùi da thuộc. Một ngày xấu trời, khi định dùi lỗ qua tấm da, cậu chọc dùi vào mắt phải. Đó là năm 1812, hơn một thế kỷ trước khi Alexander Fleming tìm ra Penicillin, và vết thương nhiễm khuẩn khiến mắt trái của cậu cũng kéo màng và mờ dần.
1970: Tạp chí Playboy cũng được chế bằng chữ nổi, dĩ nhiên không có hình minh họa
1970: Tạp chí Playboy cũng được chế bằng chữ nổi, dĩ nhiên không có hình minh họa
Hai năm sauThế giới xung quanh cậu bé Louis Braille 5 tuổi chỉ còn là bóng đêm. Ở đầu thế kỷ 19, số mệnh ấy mặc định dẫn đến cái nghèo đói. Thấu hiểu viễn cảnh đó và muốn tránh cho con kiếp ăn mày, bố mẹ Louis kiên quyết bắt cậu học chữ. Ông Simon-Rene đóng đinh lên gỗ để cho con nhận dạng các chữ cái. Nhờ vậy Louis học hết bậc tiểu học ở làng, và ngày 15/2/1819, cậu lên xe ngựa trực chỉ Viện Hoàng gia cho trẻ em mù cách đó 25 cây số. Đây là trường đầu tiên cho người mù trên thế giới.Ký túc xá của nhà trường là một ngôi nhà năm tầng ở phố Saint-Victoir, từng được trưng dụng làm nhà tù thời Cách mạng tư sản Pháp. Lần đầu tiên Louis tiếp xúc với các bạn cùng số phận. Thời đó, nhà trường nhét 60 nam sinh và 30 nữ sinh vào một xó ẩm thấp và tăm tối, dùng nước nấu ăn và giặt giũ lấy thẳng từ sông Seine bẩn thỉu. Hầu như tất cả những học sinh ở đây là con cái nhà nghèo, song chúng không chỉ phải sinh hoạt mất vệ sinh, mà còn phải chịu đựng một chế độ giáo dục hà khắc: đứa nào vô kỷ luật thì bị đánh đòn, chỉ được ăn bánh mì với nước lã, thậm chí bị trói vào cột nhà. Mỗi học sinh đeo một đồng xu khắc số thứ tự cổ. Học sinh Louis mang số 70. Lên tuổi 11, Louis được học loại chữ do Charles Barbier, một cựu đại úy pháo binh sáng chế. Thoạt tiên đây là loại chữ mật cho quân đội, các chữ cái được mã hóa thành chấm đục nổi trên giấy. Ít nhất thì đó cũng là một bước tiến so với loại chữ dập nổi do thầy giáo Valentin Hauy nghĩ ra trước đó. Mỗi quyển sách bằng chữ dập nổi nặng bốn, năm cân!
2000: Bàn phím máy tính cho người mù có một dòng riêng để chuyển nội dung trên màn hình thành chữ Braille và ngược lại
2000: Bàn phím máy tính cho người mù có một dòng riêng để chuyển nội dung trên màn hình thành chữ Braille và ngược lại
Louis mày mò cải tiến... Hệ thống chữ chấm của Barbier vì cậu nhận thấy mình và các bạn vẫn quá vất vả học chữ theo hệ thống chấm này. Mỗi đêm cậu chỉ ngủ chừng hai tiếng. Cậu dùng một cái dùi để ấn các chấm lên giấy, nhưng khác với Barbier, các chấm của Louis xếp dọc thành hai hàng ba, tương tự như quân xúc xắc. 2 mũ 6 là 64 họa tiết khác nhau, đủ để thể hiện không chỉ chữ cái và số, mà còn viết được cả nốt nhạc và các ký hiệu toán học. Chữ cái dễ nhất là chữ đầu tiên: “a” là một chấm phía trên bên trái. 64 họa tiết ấy mở ra một vũ trụ mới.   
1945: Thương binh mù tập bắn cung và nhắm đích bằng tiếng động. Hai cuộc chiến tranh thế giới để lại hàng ngàn nạn nhân mù
1945: Thương binh mù tập bắn cung và nhắm đích bằng tiếng động. Hai cuộc chiến tranh thế giới để lại hàng ngàn nạn nhân mù
Louis nộp bài nghiên cứu cho các thầy thẩm định, khi đó cậu vừa tròn 16. Thầy hiệu trưởng rất phấn khích khi thấy học trò đọc nhanh hơn với đầu ngón tay lướt trên hàng chấm nổi. Nhưng số phận lại một lần nữa không mỉm cười với cậu học sinh mù sáng dạ. Năm 1840, người ta đưa về đây một hiệu trưởng mới, và ông Pierre-Armand Dufau cấm tiệt mọi thí nghiệm, vì theo quan điểm của ông ta thì người mù và người sáng đều phải học đọc, viết theo một hệ thống chung. Là người theo phái Cộng hòa, Dufau còn cố tình làm mọi thứ khác với người tiền nhiệm. Lập tức các sách chữ Braille bị hủy và học sinh trở về với phương pháp cũ. “Chúng tôi bí mật học tiếp chữ Braille, và nếu bị bắt được là ăn đòn”, một học sinh sau này kể lại.  
1926: Công nhân ở “Viện Người mù quốc gia” Anh chuyển Kinh thánh sang chữ Braille, do một người sáng mắt đọc cho từng chữ cái
1926: Công nhân ở “Viện Người mù quốc gia” Anh chuyển Kinh thánh sang chữ Braille, do một người sáng mắt đọc cho từng chữ cái
Mãi đến năm 1850... Nước Pháp mới quyết định phổ biến loại chữ nổi của Louis Braille, khi đó nhà phát minh đã cận kề cái chết. Từ năm 26 tuổi ông đã ho ra máu, có lẽ do lao phổi từ ngày ở ký túc xá. Nhà thơ Alphonse De Lamartine đã từng đến đây và thốt ra: “u ám và tởm lợm!”. Louis Braile qua đời sau sinh nhật thứ 43 có hai hôm, và cũng trong lễ sinh nhật, người sùng đạo Cơ đốc Braille thổ lộ với người bạn thân Hippolyte Coltat: “Tôi tin sứ mạng của tôi trên cõi dương đã hoàn tất”.  1952, nhân 100 năm ngày mất của Braille, Chính phủ Pháp đã đưa ông từ Coupvray về Điện Pantheon. Riêng đôi tay ông, đôi tay thiên tài từng chế ra chữ nổi Braille, ở lại Coupvray, trong một bình cẩm thạch trên ngôi mộ rỗng.
Nguồn: