Mãi đến năm ngoái, tôi mới kiếm được trang facebook truyện tranh chính thức của Chú Thòong. Trang tên là Old Master Q Comics, các tựa truyện và chú thích đều được viết bằng tiếng Anh. À, câu chuyện bốn hình sáu hình đây rồi (1 truyện có 4-6 khung hình), tôi thầm reo lên thế. Vẫn nét vẽ thân thuộc ngày nào, vẫn tranh nền trắng đen, vẫn chú Thoòng với mũ bê rê và bộ đồ Tàu thân thương ngày nào, với dáng người gầy khiến người ta bật cười khi ổng chạy lăng xăng hốt hoảng chơi ngu gì đó. Cô Kiều của chú Thòong vẫn tóc ngắn, xinh đẹp trong bộ sườn xám, hay kiêu kỳ ưỡn ẹo nhún nhảy. Lâu lâu thì vài truyện xuất hiện Xã Xệ lùn xỉn, đầu to trọc lóc chỉ loe ngoe vài cọng chẻ ngôi giữa trong bộ đồ Tàu quen thuộc. Lý Toét thì cao ráo đẹp trai mặc áo sơ mi kẻ ô vuông, quần Tây thẳng thớm, vẫn ngu như ngày nào. Thi thoảng trang lại xuất hiện một truyện mới, thế là vào đọc, cười khúc khích rồi tag đứa bạn bựa vào xem. Hai đứa được một phen cười nắc nẻ. Rồi share trên story, trên feed mình mà không có ai like.
Một mẩu truyện với nét vẽ kinh điển mình thích. Không quá thần thái ở đôi mắt, nhưng cách Vương Trạch vẽ mọi hoạt động khiến mình thích thú. Nguồn ảnh: Fanpage Old Master Q Comics
Khi share bộ truyện chú Thoòng trên Facebook, lâu lâu một ai đó lại comment: “À bộ truyện tuổi thơ đây rồi”. Nhưng tôi cá rằng, dù mọi người có ồ à về ký ức tuổi thơ mình quay lại thì thật sự ít ai cảm thấy hứng thú khi nhìn lại mẩu chuyện bốn hình hay sáu hình này lắm. Thời đại hiện nay khi TikTok và Facebook video lên ngôi, người ta chỉ có sự đa dạng khi lướt lên lướt xuống xem mỗi đoạn phim dưới một phút, thì khó lòng kiên nhẫn trước một bộ truyện tranh tĩnh nhưng gây cười. Giữa thứ tranh ảnh clip động với tiếng nhạc bùm bùm và những quả hiệu ứng choé tai gây cười gây shock thì việc để yên đôi mắt để hiểu ý nghĩa bộ truyện đến khúc cuối thật là khó khăn. Nhưng là fan lâu năm của bộ truyện, ghét xem TikTok và tất tần tật các thể loại video ở bất kể nền tảng mạng xã hội, tôi thừa nhận rằng sự thích thú và háo hức khi xem truyện trên một định dạng khác không còn nữa. Có thể là do lớn lên, sự hài hước và gu mặn mòi có phần thay đổi. Và cũng có thể là do nguyên nhân sâu xa khác: cảm giác ngồi yên lướt ngón tay trên màn hình lúc bây giờ không thú bằng việc lật từng trang giấy mỏng trên giường khi là cô bé 7 tuổi, không vướng bận gì vào mùa hè năm ấy.
Tôi không nhớ rõ ngày đầu tiên mình có quyển truyện Chú Thoòng trên tay là lúc nào. Cũng không biết truyện đến với mình ra sao. Đến giờ tôi phải nể độ mặn mòi của bố tôi thời đó khi quyết định mua quyển truyện giấy trắng đen này. Bố tôi là một người vốn yêu cái đẹp, thích bìa giấy màu rõ ràng và coi truyện tranh là nhí nhố vớ vẩn nhưng vẫn chờ ngày ra chỗ của “chú” để đem truyện về cho con. Qua nhà bố mẹ để đưa truyện cho con gái xong lại một mạch chạy về nhà với vợ. Tôi nhận ra đây là đỉnh cao của trách nhiệm. Khi yêu một ai đó, người ta không chỉ hiểu người đó thích gì, mà làm sao để biến thứ họ thích thành một loại ước mơ thành hiện thực. Những ngày đầu cầm quyển truyện đọc, tôi chả hiểu gì, xong dần dà lại cười sằng sặc. Đến giờ có một tập tôi vẫn nhớ, là tập chú Thoòng đói quá, chưa chết lúc đó là may, xong thấy ông lực sĩ. Lực sĩ thời đó không phải dạng “mlem mlem” săn chắc như mấy anh Hàn Xẻng bây giờ, mà ai cũng cuồn cuộn. Đói quá hoá rồ, đứng xa trông cơ bắp thành miếng bánh mì, ông Thoòng đến gặm cơ bắp ông này ngon lành. Ngày xưa coi tập này mình toàn hú hét lên là “Bánh mì ngon quá” xong cười như con điên ở nhà. Lảm nhảm x lần khi gặp bố mẹ vậy mà không bị la là nhây. Phải công nhận nể người lớn ở độ chịu sự nhảm nhí này.
Chú Thoòng và tôi bên nhau đến hết mùa hè lớp 2 thì không còn nữa. Tập cuối cùng tôi cầm trên tay là số 21. Tôi nhớ bố mua một quyển, xong vì háo hức muốn ra tập mới nên đòi ông nội mua, thế là có thêm một quyển 21 nữa. Xong một buổi trưa hè nhây quá nhai singum xong nguyên cục dính cứng ngắc vào đó cạy rách trang giấy. Ở nhà cũ bà nội vẫn còn quyển đó, bìa ba ông – Thòong, Xã Xệ, Lý Toét sóng bước bên nhau. Xã Xệ cầm điện thoại bàn trên tay, mắt nhắm say sưa, ra vẻ nói chuyện chuyên nghiệp lắm. Bộ cuối này đọc cũng cười như điên, cười từ đầu quyển đến cuối quyển. 
Bẵng một thời gian, đến khi là cô sinh viên đại học, tôi lại vô thức lên mạng tìm kiếm bộ truyện Chú Thoòng. Ngạc nhiên thay, tôi lại thấy rất nhiều người từ mọi diễn đàn đều tìm kiếm và lục lọi như mình. Ngẫm nghĩ lại thấy hay. Một bộ truyện không thoại từ đầu đến cuối, chỉ với vài hành động và biểu cảm nhân vật đặc sắc đã khiến người đọc có một tràng cười nắc nẻ. Nhưng lớn rồi người ta chỉ đọc nó như tìm kiếm sự hoài niệm. Do hồi bé nhí nhố hơn bây giờ, nên lớn rồi cảm thấy đọc truyện trên mạng nhạt nhạt sao ấy.
Có lẽ mọi thứ chỉ mang giá trị ở một thời điểm nhất định nào đó.
Năm hai đại học, tôi kiếm được truyện Chú Thoòng trong hội sách của người đàn anh. Dự định của tôi là thử viết một bài phân tích về ý nghĩa sâu xa trong đó. Vương Trạch vẽ Chú Thoòng nhằm mục đích châm biếm sự cổ hủ của người Trung Quốc Đại Lục trong xã hội Hong Kong, và Chú là đại diện của sự lạc hậu đấy. Sự lù đù, khờ khạo, ngáo ngơ của Chú và Xã Xệ là tâm điểm hài hước. Lão Triệu đại diện cho sự lươn lẹo, ranh mưu. Lý Toét là hình ảnh của con người cố hoà nhập trước sự hiện đại của xã hội mới. Cô Kiều, người mà Chú Thoòng và Lão Triệu tranh đấu, lại là hình ảnh cho người phụ nữ kiêu kỳ, có quyền đòi hỏi và tự chủ bản thân. Đại loại thế. Nhưng muốn hiểu sâu xa hơn thì cần nhiều thời gian. Mà phải hỏi ông Vương Trạch về điều đó, chứ phán bậy cũng không hay. Nhưng trước hết, tôi cá những cô cậu bé ngày xưa đã có những tràng cười một mình sảng khoái. Lâu lâu khi coi những cảnh đuổi bắt chạy rượt lung tung của Chú Thòong, trong tai tôi còn chạy văng vẳng đoạn nhạc Sói bắt Thỏ trong “Hãy đợi đấy” nữa cơ.
Và cũng như bao bộ truyện tranh thời bấy giờ, Chú Thoòng vẫn cứ hay khi nằm trong quyển truyện giấy mỏng. Khoảnh khắc khi cả nhà đi Plaza ở Nguyễn Huệ để mua ba con đồ chơi nhựa của bộ truyện là lúc bắt đầu của sự vỡ mộng. Dù người làm ra ba con đó đã cố hết sức để khắc hoạ bộ ba Thòong, Xã Xệ, Lý Toét thật nét và chi tiết, nhưng tôi thấy chưng hửng vì ba người họ nghiêm túc quá. Đúng là mọi thứ chỉ đẹp khi động và tưởng tượng mà thôi. 
Vĩnh Anh.
Bài viết đã được đăng trên Hiệp Sĩ Bão Táp ngày 17/06/2021