Chợ buồn cuối năm
Buồn như chợ ngày giáp Tết *Chợ Ga buồn hiu hắt Cái chợ nhỏ nhưng mang hồn cốt Sài Gòn, có mặt trong hầu hết xuất bản phẩm về Sài Gòn...
Buồn như chợ ngày giáp Tết
*Chợ Ga buồn hiu hắt
Cái chợ nhỏ nhưng mang hồn cốt Sài Gòn, có mặt trong hầu hết xuất bản phẩm về Sài Gòn xưa xem ra cũng lao đao vì đại dịch, cho dù trước đó khói lửa chiến tranh và những thăng trầm lịch sử không thể làm nó thay đổi.
Ngôi chợ có từ rất lâu đời và chẳng thèm thay đổi, quày sạp cũ kỷ, tiệm tạp hóa, cà phê cũng xưa cũ, đơn giản xa lắc xa lơ.
Nhưng không phải lo, sức mua của thị dân thật đáng nể, hàng bách hóa xe hàng tấn cứ trưa là xuống hàng mới, hàng thịt, rau củ quả cứ gần trưa là hết sạch.
Tiệm vàng nữ trang trễ nãi dọn hàng vì dân mua vàng thức dậy muộn nhưng mua thì cứ phải đếm tiền bằng máy.
Quán ăn ban sáng đầy nhóc người, người đến sau tà tà chờ người đến trước ăn xong đứng lên là ngồi vào gọi mì gà, hủ tiếu gà.
Quán cà phê bà Lan gần ủy ban phường 9 đầy nghẹt khách, dân bán xe, bạn hàng, bất động sản khắp nơi tụ tập như sàn tài chính...cà phê có mười hai ngàn một ly nhưng tiền qua tiền lại tiền triệu, tiền tỉ là bình thường.
Dân ở chợ Ga, phường 9, Phú Nhuận hầu hết đều cố cựu, kiểu Sài Gòn gốc.Nhà túm tụm san sát nhau nhưng lại có vài cái nhà mặt tiền to đùng cho thuê.
Cuộc sống êm đềm nhàn nhã đến mức sáng ra cà phê chỉ có thể bàn chuyện thời sự chính phủ vì khu chợ vẫn vậy, cãi nhau còn không có.
Nhưng cũng có người khá vất vả, đó là chàng thanh niên ngồi ở ngã tư chợ khâu may, đánh bóng giày dép.Dân ở nơi khác đến.
Đen thủi đen thui khác với những ông chủ, bà chủ trong chợ trắng bóc. Nhưng ai cũng mến vì anh chàng làm giày dép rất có tâm và ăn nói lịch sự như trên giảng đường đại học.
Rồi một hôm dân chợ Ga không còn thấy thanh niên sửa giày đâu nữa.
Anh chàng may mắn trúng chục tờ vé số giải đặc biệt và lui về quê mở quán ăn.
Thanh niên đó dường như đã lấy đi hết cái may mắn của chợ Ga.
Dịch bệnh ập đến.
Cho dù quận Phú Nhuận và phường 9 được báo chí đánh giá làm rất tốt phòng dịch như tốc độ phủ vaccine, hỗ trợ xã hội...nhưng chợ Ga đã quỵ ngả.
Các căn nhà tráng lệ của nhiều công ty đóng cửa, lồng chợ trống toác vì tiểu thương bỏ sạp, tất cả tràn ra mặt đường để níu kéo khách và tiết kiệm chi phí...nhưng ai có tiền mà mua.
Mọi năm, chợ Ga luôn có sắc xuân sớm, hàng hóa, bánh mứt, trà rượu...tràn ra đường, chất đống trong tiệm, vèo cái là hết.
Quán cà phê bà Lan có thêm nhiều người lạ, Việt Kiều về nước...mang theo nhiều "đồ chơi" mang tính hoài cổ như nhẫn Mỹ, kính Rayban, túi bao tử, thuốc xung...
Nhưng đó chỉ còn là kỷ niệm, chợ Ga năm nay không có chút sắc xuân nào.
Tôi hỏi mấy bà chuyên bán hoa Tết: chừng nào mới bán hoa Tết?
Mấy chị cười buồn: mọi năm giờ ì xèo rồi.Năm nay thua. Hoa cúng có mười ngàn mà cũng không ai mua nói gì đến hoa Tết.
*Bánh xèo cũng không còn...xèo
Nói Việt kiều mới nhớ mấy Tết trước, bạn về nước luôn kêu dẫn ra bánh xèo Đinh Công Tráng lừng danh và phở Hòa Pasteur.
Khu Đinh Công Tráng chen chân không lọt giờ vắng như chợ chiều nhà quê.
Bánh xèo Đinh Công Tráng vẫn đóng cửa vì sợ mở ra không đủ "sở hụi"...
Tôi bước vào phở Hòa Pasteur và thấy "sợ ma" luôn vì vắng ngắt.
Chủ quán cười buồn "Vắng lắm, cầm cự ngày nào hay ngày đó".
*"Chịu bà chở" cũng chịu không nỗi
Chợ Bà Chiểu theo cách nói vui "chịu bà chở" cũng không khá gì hơn, không thấy sắc xuân như dịp giáp Tết hàng năm.
Nổi tiếng với mặt hàng quần áo đẹp và rẻ như cho, bán từng cái và bán hàng tạ như một chợ sỉ...giờ vắng ngắt.
Không có tiếng nhạc xuân náo nức như hàng năm.
Khu bán quần áo dọc theo trục bên hông Lăng Ông người bán mặt vô thần như đang thiền, số khác mở trang web Xổ số Minh Ngọc dò xổ số mong trúng bao lô, đầu đuôi, xỉu chủ...đóng "tiền góp" .
Bông cúng bán từ sáng đến tối vẫn còn nguyên.
Bình dân nhất như xe sữa đầu nành đầu đường Bùi Hữu Nghĩa ngay mặt tiền chợ cũng ế ẩm ương.
Hàng dài người xếp hàng mua xôi ngã tư tiệm vàng Mi Hồng cũng không còn.
Các mặt hàng Tết truyền thống ì xèo hàng năm giờ chưa thấy bóng dáng.
Các chợ Đa Kao, Phú Nhuận, Tân Định... cũng buồn tênh những ngày giáp Tết.
Còn chợ Bến Thành, biểu tượng phồn hoa đô hội của một Sài Gòn quốc tế hóa thì sao?
Năm 1944, báo Xuân tả chợ Bến Thành nghe phát ghiền “chợ Tết Sài Gòn tưng bừng náo nhiệt, như mọi năm. Người đi chơi, mua sắm, dập dìu đi qua bùng binh chợ Sài Gòn, lượn qua, lượn lại những gian hàng”…
Từ đó đến nay sự phồn thịnh của chợ Bến Thành ngày càng phát triển. Bao quanh chợ là sạp bán bánh mứt, đồ khô... từ sáng đến khuya dưới ánh rực rỡ các ngọn đèn. Khu Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn tấp nập các sạp hàng bán quần áo trẻ con, người lớn.
Còn bây giờ, vừa qua khỏi hồ con Rùa hướng về khu trung tâm đã thấy sự âm u, những cao ốc không đèn, những khách sạn tối thui...những con đường không bóng du khách và cái chợ Bến Thành người bán nhìn nhau đến chán còn người mua không thấy đâu.
Chợt nhớ một câu Kiều "Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông".
Vòng quanh các chợ Sài Gòn những ngày giáp Tết, buồn hiu hắt, không sắc xuân , vắng lặng...cũng không thấy hoa đào năm cũ, năm mới gì ráo chỉ có bông cúng ế chỏng chơ được công nhân môi trường gom lại ném lên xe rác.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất