Chính trị khu chợ cóc
Bây giờ lên mạng thấy nhiều người có vẻ lảng tránh nói về chuyện chính trị. Họ bảo rằng chuyện chính trị quá xa vời và cao siêu, còn...
Bây giờ lên mạng thấy nhiều người có vẻ lảng tránh nói về chuyện chính trị. Họ bảo rằng chuyện chính trị quá xa vời và cao siêu, còn họ thì là những nhân tố quá nhỏ bé, nên họ khẳng định rằng đừng có “Ăn cơm rau muống bàn chuyện chính trị”. Có những người thì cho rằng ảnh hưởng của chính trị thì không hề ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, và nghĩa vụ của họ là đi làm kiếm ăn nuôi gia đình là đủ, không cần sân si tới chuyện quốc gia đại sự.
Thực ra thì, việc kiếm tiền chăm lo bản thân và gia đình thì gần như ai đến tuổi trưởng thành cũng phải làm. Nhưng để nói rằng chính trị không có chút ảnh hưởng nào tới cuộc sống của họ thì cũng không đúng lắm. Nói đơn giản thì chính trị là những hoạt động liên quan tới việc quyết định ai được những lợi ích gì, ở đâu, bằng cách nào, thông qua những sự đồng thuận, thỏa hiệp và hợp tác giữa con người với nhau. Chính trị tồn tại ở khắp nơi, từ cái chợ cóc ở góc phố, đến tầm khu vực và quốc tế.
Hồi bé mình sống gần một khu phố chợ cóc.
Nói là phố, vì đây là một con phố nhỏ, đường chỉ rộng tầm 4m, vỉa hè thì rộng tầm 2m, và con phố thì dài tầm gần 200m, đủ cho tầm 30 hộ dân ở mỗi bên. Khi 2 cái oto đi ngược chiều nhau là sẽ chiếm hết chiều rộng, và xe máy chỉ có nước vọt lên vỉa hè để tạt đầu hoặc là chịu hít khói đằng sau.
Nói là chợ cóc, vì chẳng hiểu từ đâu và từ bao giờ, người dân tụ về đây họp chợ. Họ bán đủ thứ như bao khu chợ khác: rau cỏ, thịt thà, cá tôm, hoa quả. Họ ngồi kín vỉa hè và lòng đường. Trước vỉa hè mỗi nhà dân có trung bình 2 sạp nhỏ, ngồi cách nhau tầm 2m. Thi thoảng có những nhà có dư không gian trước nhà thì sẽ tận dụng làm chỗ gửi xe và cho các sạp lớn thuê chỗ bán và gửi đồ qua đêm. Giữa lòng đường là 2 hàng ngang sạp nhỏ ngồi san sát, quay lưng lại với nhau, ắt để tận dụng hết cái không gian lòng đường vô chủ. Từ một con phố bé tẹo với loanh quanh hơn 200 người, giờ đây lúc tan tầm, thời điểm trong ngày mà các bà nội trợ tan sở và đi chợ cho bữa tối, số người trong khu phố này lên đến hơn 1000 người. Đất chật, người đông. Người đông thì rắc rối. Vì nguồn sống chính của hàng trăm tiểu thương chính là con phố này, nên cũng có nhiều chuyện hay ho quanh cái chợ cóc con con.
~~
Trong khu phố, có một nhà có sân trước khá to để gửi xe, nằm ngay giữa phố. Trong sân lại có một cái giếng khoan, khá tiện rửa tay chân thúng chậu. Mà cái sân thì chẳng đủ cho hơn 800 quý bà tiểu thương gửi xe gửi pháo. Một chỗ gửi xe khác thì cách đó hơn nửa cây số, tiền gửi đắt hơn và khuất tầm mắt hơn. Và thế là bất đắc dĩ, nhà đó là chỗ gửi xe duy nhất cho cả cái phố chợ. Cơ mà bác chủ nhà lại không cho gửi theo ngày kiểu ai đến trước gửi trước, mà lại đăng ký dài hạn như là mua Spotify theo tháng vậy.
Thế là bà con cô bác tranh nhau. Ai cũng muốn có một suất. An cư (cho cái xe) thì mới lạc nghiệp được. Đủ thứ tác động được các cô các bác áp dụng để bác chủ nhà gửi xe mềm lòng mà ưu tiên. Người thì hứa là hôm nào có cá tôm tươi mới bắt từ biển lên thì sẽ để dành và đánh tiếng cho mà mua. Kẻ thì tặng hẳn vật phẩm: biếu chủ nhà vài bó rau nhà trồng không phun thuốc, hay đôi lúc dí vào tay con của chủ nhà mấy cái kẹo khi nó chạy ra ngoài chơi. Người thì làm dân chơi hệ bơm: rỉ tai chủ nhà rằng có bà cô trong danh sách gửi xe có tính hay quỵt tiền, ý là “mụ kia rồi có ngày lừa tiền bác thôi, bác nhường suất lại cho tôi”. Rồi thi thoảng có mấy cô bác đi theo nhóm, mồm thao thao bất tuyệt với chủ nhà về sự đảm bảo hợp tác làm ăn lâu dài. Kẻ thắng thì vui sướng, kẻ thua thì phải ngậm ngùi đi gửi xe ở xa, thi thoảng lúc ngồi bán hàng lại hướng mắt về xa xa, như thể sợ ai đó sẽ trộm xe của mình đi vậy.
Vài năm sau có một vài nhà khác cải tạo sân trước để làm chỗ để xe, nên việc tranh nhau cũng giảm đi ít nhiều.
~~
Hết chuyện xin suất gửi xe, lại đến chuyện xin suất thuê sạp lớn. Việc thuê sạp lớn thường là được trọn gói: thuê không gian sân trước để bày sạp lớn, bàn ghế đàng hoàng thay vì ngồi bệt vệ đường, bạt che mưa che nắng, có suất gửi xe, được gửi lại đồ đạc ngay trong sân khi tan chợ để không phải chuyển đồ về nhà. Nhìn qua thì chẳng khác gì một hệ sinh thái nhà kho - cửa hàng - gửi xe. Cái này nó hệ trọng hơn việc gửi xe khá nhiều, vì khác với gửi xe, một nhà dân chỉ đủ không gian sân trước cho một sạp lớn mà thôi, vậy nên số lượng là vô cùng có hạn. Sạp lớn thì bán được đa dạng hơn, trông bắt mắt hơn, đảm bảo vệ sinh hơn.
Việc xin suất lại diễn ra, với đủ kiểu toan tính. Có người thì vẫn áp dụng những phương pháp cổ điển mà hiệu quả: biếu quà quê, để dành đồ ngon, giảm giá, khuyến mại cho chủ nhà. Có người thì sau khi tính toán lời lãi thiệt hơn, cam đoan sẽ trả thêm tiền thuê, ắt đẩy những ứng viên khác ra khỏi mắt xanh của chủ đất. Có những cách khác thì dùng để khẳng định uy tín: tiếp cận và làm thân với người đang được thuê hiện tại, nhờ vả họ giới thiệu mình với chủ nhà. Cách này đã đưa một vài người từ vị trí ngồi bệt vệ đường lên thành chủ sạp lớn, ăn nên làm ra trông thấy. Lại có vài người, sau khi bị loại, tìm cách đá luôn bát cơm người khác: họ doạ sẽ báo lên phường vì chủ nhà cho thuê chỗ buôn bán “lấn chiếm không gian công cộng”, với lời khẳng định chắc nịch về một “người nhà làm ở uỷ ban”. Những câu chuyện trên mạng luôn có sự xuất hiện của “thằng bạn”, “đứa em”, “ông anh chỗ làm”. Còn ở cái phố chợ này, lâu lâu lại thấy “ông chú uỷ ban”, “anh rể làm phường”, “chú em chơi thân làm trật tự đô thị”.
~~
Có một bác gái trung niên, sau hơn chục năm làm ăn ở cái phố chợ này, sở hữu một dạng quyền lực ngầm nào đó với cả khu chợ. Vài người vẫn thường gọi vui là bác trùm. Bác này có mối quan hệ tốt với khá nhiều các chủ hộ dân cho thuê chỗ dựng sạp với gửi xe, quen biết đa số các tiểu thương khác từ mới đến cũ, trước đó đã từng nâng đỡ thành công vài người từ sạp nhỏ thành sạp lớn. Ma mới đến khu chợ này kiếm ăn phải ra mắt bác trùm, tất nhiên là không thể thiếu chút tặng phẩm. Ai có bất đồng với bác này thì có hai lựa chọn: một là bị phần lớn tiểu thương trong chợ tẩy chay, dần dà chẳng buôn bán được thuận lợi nữa, hai là phải tự tạo một liên minh cho riêng mình, mặc dù việc này gần như là không thể do chút thời gian quen biết không thể sánh với hơn chục năm networking của bác trùm. Có lần bác trùm còn tham gia giải quyết mâu thuẫn giữa hai hàng rau bằng việc sắp xếp lại chỗ ngồi trong chợ của hai cô chủ hàng. Cái phố chợ ngày đó trông vậy mà cũng mafia ra phết.
Sau hơn chục năm, cái chợ cóc xưa giờ đã bị dẹp, những tiểu thương ngày đó chắc giờ cũng đã tản mát tứ phương tìm chỗ kiếm ăn khác. Nghĩ lại thì, những mối quan hệ làm ăn, những chiêu trò ngoại giao, những tác động bằng tiền hoặc quan hệ trong cái khu phố chợ ngày đó mang khá nhiều màu sắc chính trị. Họ hợp tác, họ liên minh, họ mâu thuẫn, họ bội ước, họ ra lệnh, họ tuân lệnh. Họ không thể lờ đi những đợt sóng ngầm chính trị bên trong khu chợ đó, tất cả là vì lợi ích, vì miếng ăn hàng ngày của chính họ và gia đình họ. Như Churchill đã nói: “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.
Chính trị đâu có gì sâu xa như mọi người vẫn tưởng: một khu chợ cóc với loanh quanh 1000 con người đã lắm chuyện xô bồ như thế, huống gì một thành phố vài triệu dân, một đất nước vài trăm triệu dân, hay một thế giới vài tỷ dân. Chính trị ảnh hưởng đến từng góc nhỏ của cuộc sống hàng ngày, vậy nên hoàn toàn thờ ơ với nó có lẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất