Chắc trong mối quan hệ thường ngày với mọi người và trong một mối quan hệ thân mật với người chúng ta thương mến, không ít người (có thể bao gồm cả bạn và tôi) đều đã từng trở thành nạn nhân của một hình thức chiến tranh. Mà thủ phạm gây ra những cuộc chiến này không cần một viên đạn, một nhát dao nào cũng có thể khiến chúng ta tổn thương thảm trọng và kéo cờ trắng đầu hàng trong tâm trạng bi thương đến tột độ. Cuộc chiến đó, chính là “Chiến tranh lạnh”.
Bạn hãy thử tưởng tượng như thế này: Đã nhiều ngày kể từ khi bạn và vợ gây “chiến tranh lạnh”. Mọi sinh hoạt hàng ngày vẫn diễn ra bình thường. Thế nhưng, căn nhà dường như rất vắng vẻ và hiu quạnh bởi chẳng có tiếng chuyện trò của hai bạn, có chăng chỉ là tiếng người í éo phát ra từ chiếc TV ở phòng khách. Sự im lặng đáng sợ ấy nhiều khi khiến bạn muốn nổ tung. Bạn sợ cảm giác khi quay về nhà, trở lại căn phòng quá quen thuộc hàng ngày rồi nhìn thấy những hình ảnh… cũ rích cứ thế lặp lại. Vợ bạn đang xem TV, thấy bạn mở cửa bước vào là ngay lập tức đứng dậy trả lại không gian đó cho riêng bạn. Căn nhà trống trải, im lìm. Cảm giác buồn chán đang vây quanh bạn đến nghẹt thở khiến bạn chỉ muốn là người đầu tiên xung phong phá tan sự im lặng ấy. Nhưng mọi nỗ lực làm lành của bạn đều vô dụng với người đầu gối tay ấp, và đáng sợ hơn là bạn còn không hiểu được tại sao mình phải chịu đựng sự lạnh nhạt này.
Tất cả các giáo sư tâm lý học trên đời này đều có thể chỉ ra cho bạn và tôi rằng loài người là những sinh vật đòi hỏi giao tiếp xã hội để duy trì sức khỏe tinh thần, và nếu bị cô lập trong thời gian dài sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý cho chúng ta. Có thể nói, trong ngắn hạn, chiến tranh lạnh gây ra căng thẳng. Còn về lâu về dài thì sự căng thẳng đó sẽ thăng cấp lên thành những tổn thương do bạo hành tinh thần. Một nghiên cứu phát hiện thấy sự tẩy chay xã hội gây ra một phản ứng ở nạn nhân của nó tương tự như những nạn nhân bị bạo hành thể xác; vùng đai trước của não bộ – khu vực được cho là lý giải về cảm xúc và đau đớn – được kích hoạt ở cả hai trường hợp. Loại trừ và từ chối gây tổn thương cho con người theo nghĩa đen.
Động cơ gây chiến của thủ phạm là gì? Tại sao một người thân, một người tình, một người bạn hữu của ta lại đối xử với chúng ta như những cái bóng mờ trong cuộc sống của họ như vậy? Mặc dù thủ phạm có thể dùng chiêu chiến tranh lạnh trong nhiều tình huống khác nhau, song đây là điểm chung ở mọi tình huống: “Người ta sử dụng chiêu chiến tranh lạnh vì họ có thể giành chiến thắng mà trông chẳng có vẻ gì là đang bạo hành người khác, và bởi vì nó cực kỳ hiệu quả trong việc khiến cho đối tượng cảm thấy tồi tệ.” Chiến tranh lạnh là một dạng bạo hành đặc biệt xảo quyệt vì nó có thể buộc nạn nhân phải giảng hòa với thủ phạm để cố gắng chấm dứt hành vi này, ngay cả khi nạn nhân không biết tại sao họ phải xin lỗi. “Nó đặc biệt mang tính kiểm soát vì nó tước đi khả năng suy xét, cân nhắc ở cả hai bên,” Chiêu chiến tranh lạnh có thể được dùng bởi những người thuộc tuýp tính cách thụ động để né tránh xung đột và đối đầu, trong khi kiểu người có cá tính mạnh thì dùng nó để trừng phạt hoặc kiểm soát.
Nhưng trò chiến tranh lạnh này rốt cuộc cũng gây hại ngược lại cho thủ phạm. Loài người có khuynh hướng đáp lại những tín hiệu xã hội, vì vậy việc phớt lờ một người nào đó đi ngược lại với bản chất của chúng ta. Do đó, thủ phạm buộc phải tự biện minh cho hành vi để tiếp tục làm việc đó; họ luôn phải ghi nhớ trong đầu mọi lý do khiến họ chọn cách phớt lờ một ai đó. Rốt cuộc là thủ phạm phải liên tục sống trong trạng thái giận dữ và tiêu cực. Tệ hơn nữa, chiến tranh lạnh có thể gây nghiện cho người sử dụng nó thường xuyên. Người vợ không thể buộc bản thân nói chuyện trở lại với chồng của mình, chịu cùng số phận như nhiều người nghiện – thông qua việc lặp đi lặp lại một hoạt động mặc dù biết nó có hại. Hầu hết những người bắt đầu chiêu chiến tranh lạnh chưa bao giờ có ý định kéo dài chuyện này, nhưng họ có thể khó mà dừng lại.
Cách để chúng ta phản kháng lại một cuộc chiến tranh lạnh là gì? Để ngăn một cuộc xung đột không trở thành sự tẩy chay là nói rõ chính xác khoảng thời gian mà bạn sẽ rút lui và đặt ra một mốc thời gian cho thời điểm bạn sẽ bắt đầu lại cuộc trò chuyện. Những khi ai đó dùng chiêu chiến tranh lạnh để loại trừ, trừng phạt hoặc kiểm soát, thì nạn nhân nên nói thẳng với thủ phạm rằng họ mong giải quyết vấn đề. “Bày tỏ nỗi đau của việc bị phớt lờ” là một cách bộc lộ cảm xúc mang tính xây dựng và có thể tạo ra sự thay đổi nếu mối quan hệ thực sự được xây dựng dựa trên sự quan tâm. Nếu thủ phạm vẫn từ chối thừa nhận sự tồn tại của nạn nhân trong thời gian dài thì việc rời bỏ mối quan hệ này có thể là điều đúng đắn. Cuối cùng, cho dù cuộc chiến đó chỉ kéo dài 1 giờ đồng hồ hay diễn ra suốt 1 năm dài thì trò chiến tranh lạnh này nói lên nhiều điều về thủ phạm hơn là nạn nhân phải chịu đựng nó.
Minh Hiếu
14/07/2021.
Nguồn: