Tiếp theo phần 1 và phần 2, phần này ngoài 2 trận chiến cuối cùng có tác động làm thay đổi lịch sử nhân loại thì mình cũng sẽ nêu các trận đánh cũng rất được vinh danh nhưng không nằm trong top 10.
9, Trận sông Marne lần thứ 2 (1918)
Năm 1918, năm cuối cùng của Thế Chiến thứ nhất, tình hình đang vô cùng bất lợi cho phe Hiệp Ước, ở phía Đông, nước Nga rút khỏi cuộc chiến sau cuộc Cách Mạng tháng 10, Romania bị đánh bại và phải ký Hòa ước Bucharest, nước Ý thì hoàn toàn suy sụp, còn quân Mỹ vẫn chưa trực tiếp tham chiến, liên quân Anh-Pháp thì cũng quá mệt mỏi sau 4 năm giằng co với quân Đức trên chiến hào. Nhận thấy đây là một thời điểm lý tưởng, bộ chỉ huy Đức đã quyết định thực hiện một cuộc tổng tiến công toàn diện ở mặt trận phía Tây bằng cách điều động hơn nửa triệu quân Đức ở phía Đông sang tham chiến. Chiến dịch này còn được biết đến là Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân 1918, Trận chiến vì Hoàng đế hay Chiến dịch Ludendorff. Mục tiêu của nước Đức là đánh bại lực lượng Liên quân Anh - Pháp trước khi quân Mỹ tham chiến nhằm đổi lấy một Hiệp ước đình chiến có lợi cho nước Đức.
Chiến dịch này gây nên thảm họa ban đầu cho quân đội Liên quân Anh - Pháp khi quân Đức chọc thủng và tràn ngập các phòng tuyến Liên quân. Những thảm bại này là do sự thiều liên kết trong lực lượng Liên quân, chính vì thế khi Liên quân đưa tham mưu trưởng quân Pháp là Ferdinand Foch làm Tổng tư lệnh lực lượng Liên quân, tình hình mới trở nên khá khẩm hơn cho phe Hiệp Ước. Quân Đức tuy thọc sâu vào lãnh thổ đối phương nhưng chỉ chiếm được những vùng đất không có ý nghĩa chiến lược mà không thể đưa quân phòng thủ được nên cuối cùng họ lại bị đánh bật. Các cuộc tiến công của quân Đức vẫn tiếp tục trong các tháng tiếp theo, sức ép khủng khiếp buộc quân Mỹ phải vào trận dù lực lượng chưa tập trung đủ.
Vào tháng 6 cùng năm, quân Đức bất ngờ chọc thủng được phòng tuyến liên quân và vượt sông Aise, nơi này chỉ cách Paris 100km. Nhận thấy đây là một cơ hội tuyệt vời để kết thúc cuộc chiến, Ludendorff tập trung lực lượng vào mũi tấn công này, nhằm thẳng vào Paris. Quân Đức tấn công mãnh liệt khiến các phòng tuyến của quân Pháp tan vỡ. Vào tháng 7, khi quân Đức đặt chân tới sông Marne, Paris chỉ còn cách họ 40km. Chính phủ Pháp hoảng loạn cực độ, Thống chế Petain điều động gấp những đơn vị phòng thủ ở các phòng tuyến khác và quân dự bị để phòng ngự Paris. Ngoài ra, lực lượng viễn chinh của Mỹ đang tập trung ở phía sau cũng được Tổng tư lệnh Ferdinand Foch kêu gọi ra trận để bảo vệ cho Paris, sự góp mặt của quân Mỹ (những người không phải chịu đựng và kiệt sức vì 4 năm chiến tranh trước đó) góp phần đáng kể củng cố mặt trận phòng ngự của quân Hiệp Ước.
Bất chấp điều đó, quân Đức vẫn là một đội quân đáng sợ, trong đợt tấn công đầu tiên, các cánh quân Đức nhanh chóng đập tan tuyến phòng thủ đầu tiên của phe Hiệp Ước và vượt sông Marne. Tuy nhiên sau khi qua sông, quân Đức không thể chiếm được các vị trí chiến lược của đối phương. Trong đợt tấn công thứ 2, quân Đức chạm trán với phòng tuyến của quân Mỹ, họ bị đánh trả quyết liệt và bị chặn đứng. Không thể tiến lên được, quân Đức lâm vào thảm cảnh khi nguồn lực bị cạn kiệt và bản thân thể lực của binh lính cũng suy kiệt sau 4 năm chiến tranh chiến hào rồi 6 tháng hành quân chiến đấu liên tục. Nên nhớ rằng lúc này chưa có xe quân dụng, binh lính phải hành quân bằng chân rất mệt mỏi. Quân Đức bị chặn đứng thì cũng là lúc Liên quân Hiệp Ước tổng phản công. Từ phía Bắc, quân đoàn 10 của Pháp do tướng Charles Mangin chỉ huy, người được biết tới với lối tấn công liều lĩnh và được binh lính của mình đặt biệt danh là "đao phủ", tổ chức cuộc phản công lớn vào phía sau trận địa của quân Đức. Mangin với lối tấn công quyết liệt và táo bạo đã đập tan cánh quân phía Bắc của quân Đức rồi sau đó tiếp tục tấn công vào đạo quân trung tâm của Thái tử nước Đức Wilhelm. Quân Đức quá bất ngờ trước tình hình này do họ vẫn nghĩ quân Pháp sẽ không dám rút quân từ phía Bắc (mặt trận Flanders, nơi quân Đức vẫn đang uy hiếp) để hỗ trợ phòng tuyến Paris. Cùng lúc, các quân đội phòng ngự của phe Hiệp Ước cũng phản công hiệp trợ. Quân Đức chống không nổi phải rút chạy khỏi sông Marne, tuy rằng họ đã cố thiết lập lại đội hình tuy nhiên sĩ khí và thể lực quân Đức đã suy sụp hết khiến cho họ không thể phản công được nữa. Khi quân Đức rút về đến sông Vesle, thì cũng là lúc họ thất bại hoàn toàn.
Chiến bại của quân Đức được người Pháp ví von như trận Leipzig ngày xưa, khi Napoleon thất bại trước liên quân Áo-Phổ-Nga, như một cách mỉa mai. Thực sự, vai trò của trận sông Marne lần hai cũng to lớn không kém gì trận Leipzig. Chiến bại này cũng đánh dấu sự sụp đổ của nền Đệ nhị đế chế Đức giống như Đế chế Pháp của Napoleon.
Ý nghĩa: Là chiến thắng quyết định của Thế chiến thứ nhất. Đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của quân Đức không chỉ trong chiến dịch phản công 1918 của họ mà còn là cả cuộc chiến. Từ đây quân Đức suy sụp hoàn toàn để rồi 3 tháng sau nước Đức thua trận, hoàng đế Đức thoái vị, đệ nhị đế chế Đức sụp đổ. Cũng từ đây bắt đầu trật tự thế giới mới là nền tảng cho thế giới ngày nay.
10, Trận Stalingrad (1942-1943)
Không một từ ngữ nào có thể diễn tả hết sự khủng khiếp và tàn bạo của trận chiến Stalingrad, không chỉ bởi mức độ thương vong lớn nhất trong lịch sử loài người mà còn cái cách chiến đấu của cả 2 bên Hồng quân Liên Xô - Phát xít Đức không khoan nhượng và đẩy quân mình vào chỗ chết.
Sau khi đánh bại hoàn toàn quân Pháp, quân Đức bắt đầu xoay trục sang phía Đông để chuẩ bị tấn công kẻ thù không dội trời chung: Liên XôNăm 1941, quân Đức mở chiến dịch Barbarossa, xâm lược Liên Xô trên toàn bộ biên giới phía Tây. Thời gian đầu là thảm họa của Hồng quân, quân Đức đánh bật toàn bộ các đội quân phòng thủ, tiêu diệt một lực lượng lớn Hồng quân. Đến cuối năm 1941, quân Đức đã ở cửa ngõ thủ đô Moskva. Trong thời khắc quan trọng nhất, mùa đông lại cứu lấy nước Nga giống như lần xâm lược của Napoleon 200 năm trước, các quân đoàn dự bị và đội quân Siberia của tướng Zhukov lợi dụng thời tiết giá lạnh đã đánh bại quân Đức và bảo vệ được Moskva. Đến đây chiến thuật chớp nhoáng Blitzkrieg của Phát xít Đức nhằm vào Liên Xô đã thất bại. Tuy nhiên cơ hội đánh bại Liên Xô chưa phải đã hết. Sang năm 1942, quân Đức ổn định lại tình hình trên các mặt trận bằng sức mạnh của mình và dần xoay trục về hướng Nam, đưa nhưng đội quân thiện chiến tiến về vùng Caucasus (Kavkaz), nơi được coi là nguồn cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và là mỏ dầu của Liên Xô. Trong đó thành phố Stalingrad là một nơi quân Đức coi rằng phải chiếm bằng mọi giá không chỉ bởi đây là thành phố công nghiệp lớn nhất phía Nam Liên Xô, mà còn là nơi trung chuyển hàng hóa từ vùng Caucasus lên miền Bắc, chiếm được nơi này cũng là bóp nghẹt phía Bắc Liên Xô. Một lý do đặc biệt nữa đó là cái tên của thành phố: Stalingrad, hủy diệt nơi này cũng như là cú tát với Lãnh tụ tối cao của Liên Xô: Iosif Stalin.
Kế hoạch Nam tiến của quân Đức tuy gặp sự kháng cự quyết liệt của Hồng quân nhưng nhìn chung mục đích cơ bản vẫn đạt được. Đến cuối tháng 7, quân Đức đã tiến đến ngoại vi thành phố Stalingrad. Không quân Đức Luftwaffe mở đầu cuộc tấn công thành phố bằng các cuộc không kích . Chỉ trong vài ngày thành phố công nghiệp hiện đại bậc nhất của Liên Xô bị hủy diệt trong những trận mưa bom, các tòa nhà cao tầng, công trình kiến trúc chỉ còn là những đống gạch vụn. Không quân Liên Xô bị áp đảo bởi quân Đức, khiến cho việc không kích của quân Đức gặp ít trở ngại và gây thiệt hại rất lớn cho dân thường và quân đội Liên Xô. Tuyến đường tiếp vận từ bờ Đông vượt sông Volga sang bờ Tây - nơi chiến sự diễn ra, bị quân Đức đánh phá dữ dội, các thuyền qua sông phần lớn bị phá hủy khiến hàng hóa, đồ tiếp tế và cả con người (quân đội và dân thường) bị kẹt lại ở 2 bờ sông.
Sau các trận không kích những tưởng đã có thể đè bẹp ý chí của Hồng quân , quân Đức bắt đầu cho bộ binh tiến vào thành phố. Vậy nhưng trái với dự kiến, quân Đức vấp phải sự kháng cự rất quyết liệt của các đơn vị phòng vệ Liên Xô. Không chỉ sự kháng cự quyết liệt của Hồng quân mà sự hạn chế hỏa lực là một phần nguyên nhân khiến quân Đức gặp khó khi tiến vào thành phố. Quân Đức nổi tiếng với chiến thuật cơ động, tấn công hiệp đồng binh chủng giữa pháo binh, không quân và bộ binh một cách nhuần nhuyễn. Tuy nhiên khi tấn công thành phố với địa hình chật hẹp của các con phố và tòa nhà khiến cho họ phải hạn chế hỏa lực để không tấn công nhầm quân mình. Hiểu được điều này, Hồng quân cũng sử dụng chiến thuật áp sát quân Đức để hạn chế tối đa lợi thế hỏa lực của địch, thực hiện mệnh lệnh "không lùi một bước". Và để có thể giữ chân quân Đức, Hồng quân cũng phải trả một cái giá rất đắt với hàng chục ngàn thương vong của cả binh lính và dân thường, gấp nhiều lần đối phương. Liên Xô huy động các đội quân phía Bắc đến chi viện cho Stalingrad, chấp nhận nhiều thương vong đưa quân vượt sông để cố thủ thành phố. Tình hình trở nên bế tắc khi quân Đức không thể tiến lên trong khi Hồng quân tổn thất cũng quá nặng để có thể tổ chức phản công, kế hoạch chiếm thành phố trước mùa Đông của quân Đức phá sản.
Sau 3 tháng tấn công, tháng 10/1942, quân Đức cuối cùng cũng thọc sâu đến sát bờ sông Volga, chia cắt Hồng quân làm 2 và chiếm được 90% thành phố, tuy nhiên lúc này mùa đông đã kéo đến, chiến sự bị cản trở bởi sự khắc nghiệt của thời tiết. Quân Đức không thể mở thêm các cuộc tấn công tiêu diệt nốt các cứ điểm còn lại của Hồng quân, một phần vì các đơn vị không quân bị điều động tới Bắc Phi, một phần vì binh lính đã bắt đầu mệt mỏi và tổn thất sau 3 tháng tấn công. Khi quân Đức sa lầy thì cũng là lúc Hồng quân phản công. Việc chiếm lấy thành phố và chia cắt đối phương làm 2 vô tình đưa quân Đức ào tình thế bị bao vây trong thành phố, đồng thời trong khi phần lớn quân chủ lực Đức kẹt lại trong nội thành thì ở bên ngoài hậu quân Đức được bảo vệ bởi các lượng lượng chư hầu như Italy, Romania, Hungary vốn có sức chiến đấu yếu kém. Tháng 11/1945, giữa mùa đông lạnh giá, 7 tập đoàn quân Liên Xô được tập trung, bắt đầu kế hoạch bao vây quân Đức theo thế gọng kìm từ 2 hướng Tây Bắc và Đông Nam. Các cánh quân của Liên Xô lợi dụng yếu tố bất ngờ và áp đảo về quân số đã nhanh chóng quét sạch các cánh quân Italy, Romania ở vòng ngoài, đẩy toàn bộ đối phương vào trong nội thành Stalingrad. Toàn bộ hơn 300 ngàn quân phát xít bị vây trong thành phố đổ nát, việc đường tiếp tế bị cắt đứt khiến sức chiến đấu và tinh thần quân Đức suy giảm nặng nề. Bộ chỉ huy Đức lên kế hoạch phá vây ở Stalingrad bị chia rẽ khi một bên Hitler muốn quân Đức không đầu hàng và tiếp tục chiến đấu ở Stalingrad và chờ quân tiếp viện đến, còn một số tướng lĩnh khác muốn quân Đức trong thành phố phá vây ngay và rút lui về tuyến sau. Cuối cùng quân Đức phải ở lại Stalingrad, thực sự đây là quyết định bắt buộc bởi nếu quân Đức rút khỏi Stalingrad, các quân đoàn Đức đang ở vùng Kavkaz sẽ bị chia cắt và bỏ rơi hoàn toàn. Quân Đức phải cố thủ đợi viện binh, nhưng tình hình ngày một tồi tệ hơn, không quân Đức không thể tiếp tế đủ lương thực, thuốc men hay thậm chí là quần áo mùa đông cho binh sĩ, còn tinh thần quân Đức ngày một xuống thấp hơn. Đến ngày 25/12/1942, trận chiến coi như đã được an bài khi Hồng quân đánh tan đạo quân cơ giới tiếp viện của quân Đức, mọi hy vọng phá vây của quân Đức tiêu tan.
Đến lúc này Hitler và Bộ chỉ huy quân Đức cũng đã hiểu trận chiến đã kết thúc, tuy nhiên Hitler vẫn ra mệnh lệnh cho tướng Paulus - chỉ huy quân Đức ở Stalingrad "quyết không đầu hàng", mục đích để các quân đoàn phía nam rút lui, một phần cũng là giữ thể diện cho Hitler với "Ý chí Đại Đức". Đến cuối tháng 1/1943, tình hình vô cùng bi đát cho quân Đức, Hồng quân chiếm được sân bay cuối cùng, quân Đức không còn hy vọng di tản nữa. Trong tình thế tuyệt vọng, Paulus quyết định đầu hàng (chứ không tự sát theo ý của Hitler) nằm giúp binh sĩ được sống sót, toàn bộ quân Đức và chư hầu đầu hàng. Vậy là sau hơn 8 tháng chiến sự, trận chiến đẫm máu nhất lịch sử loài người đã kết thúc với chiến thắng mang tính bước ngoặt của chiến tranh thế giới thứ 2. Trận chiến này tuy Liên Xô chiến thắng nhưng phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn, hơn 1 triệu người gồm cả binh sĩ và dân thường thiệt mạng và bị thương, hàng chục ngàn khí tài bị phá hủy, thành phố công nghiệp Stalingrad hoàn toàn bị phá hủy. Ở phía bên kia, gần 1 triệu binh lính gồm phần lớn người Đức, Italy, Romania, Hungary và Croatia phải bỏ mạng và bị bắt.
Ý nghĩa: Chiến thắng quyết định và là bước ngoặt của mặt trận phía Đông Châu Âu cũng như là cả thế chiến thứ 2, Liên Xô từ thế trận phòng thủ chuyển sang phản công toàn diện quân Đức, để rồi dẫn đến Trận Vòng cung Kursk quyết định thế cục tại Châu Âu. Chiến thắng là một lần nữa Mùa đông cứu nước Nga - Liên Xô khỏi thảm họa cũng như đã cứu họ trong chiến tranh Napoleon hay ở trận Moskva. Trận chiến Stalingrad là bàn đạp để chủ nghĩa Cộng sản và Liên Xô đứng vững và đạp tan chủ nghĩa phát xít, thay đỗi mãi mãi lịch sự của thế giới.
Honorable Mention - Các trận đánh nổi tiếng khác:
Trận Salamis (480 TCN) - Bảo vệ văn minh phương Tây
Là trận thủy chiến lớn đầu tiên của lịch sử nhân loại giữa quân đội Ba Tư của Đế chế Achaemenid và Liên quân các thành bang Hy Lạp mà đứng đầu là Athens. Hải quân Ba Tư với số lượng áp đảo vượt trội hy vọng có thể nghiền nát hải quân Hy Lạp tại eo biển Salamis rồi từ đó phối hợp với bộ binh của vua Xerxes trên bộ mà chinh phục toàn cõi Hy Lạp.
Tuy nhiên, lợi dụng địa thế nhỏ hẹp của eo biển, quân đội Hy lạp vô hiệu hóa ưu thế về số lượng của quân Ba Tư giống như ở trận Thermopylae. Nhưng khác với trận chiến trước, lần này quân đội Ba Tư mới là bên bị bao vây bởi người Hy Lạp. Kết cục của trận chiến là thất bại toàn diện của hải quân Ba Tư, từ đây hải quân Hy Lạp không có đối thủ, đe dọa các đội quân Ba Tư trên đất liền, khiến đối phương phải rút lui.
Ý nghĩa: Trận Salamis là trận thủy chiến lớn đầu tiên trong lịch sử nhân loại, là tinh hoa của nghệ thuật quân sự lợi dụng địa thế và lấy ít địch nhiều. Trận đánh cũng ngăn chặn cuộc xâm lược của Đế quốc Ba Tư Achaemenid vào các thành bang Hy Lạp, để rồi vài năm sau người Hy Lạp quét sạch quân đội Ba Tư vĩnh viễn trong trận Plataea. Chiến thắng của người Hy Lạp cũng là sự bảo vệ nền văn minh Hy Lạp - tinh hoa cổ đại phương Tây trước sự xâm lược của văn minh phương Đông.
Trận Cannae (216 TCN) - Chiến thuật quân sự lưu danh muôn đời
Trận chiến kinh điển của nghệ thuật quân sự nhân loại giữa quân đội Carthage do danh tướng Hannibal chỉ huy đối đầu với quân đội La Mã tại đồng bằng Cannae. Quân đội Carthage sau khi vượt dãy Alps tiến vào lãnh thổ của La Mã đã đánh bại các đội quân La Mã tại Trebia và Transimere (phía bắc Italy), áp sát thành Rome. Người La Mã tập hợp các lực lượng còn lại để ngăn chặn bước tiến của Hannibal.
Tại Cannae, quân đội La Mã tập hợp được gần 90.000 người phần lớn là bộ binh, áp đảo quân đội Carthage chỉ có gần 40.000 người. Vậy nhưng người Carthage lại nắm giữ yếu tố quyết định cuộc chiến: Kị binh. Hơn 8000 kị binh Carthage dưới sự chỉ huy của Hannibal đã tạo nên một kì tích huy hoàng khi đánh bại quân đội La Mã đông hơn gấp đôi bằng chiến thuật vu hồi mà hàng ngàn năm sau các nhà quân sự vẫn phải học theo. Kị binh Carthage càn quét quân đội La Mã (lúc này chưa phải những binh đoàn Legion thiện chiến), biến trận chiến thành một cuộc thảm sát. Quân đội La Mã gần như bị hủy diệt sau trận đánh, không còn đối thủ nào cho Hannibal trên đất La Mã nữa.
Ý nghĩa: Là một đại thắng về mặt quân sự cho Carthage, chiến thuật vu hồi mà Hannibal sử dụng được các tướng lĩnh học hỏi suốt ngàn năm sau, biến ông thành tượng đài quân sự vĩnh cửu. Tuy nhiên, sau trận chiến này Hannibal lại không tiêu diệt được La Mã dù không còn ai cản được ông đến thành Rome nữa. Để rồi sau đó nền văn minh Carthage bị hủy diệt bởi La Mã.
Trận Phì Thủy (năm 383) - Bảo vệ văn minh Hán tộc
Là trận đánh chênh lệch nhất trong lịch sử nhân loại khi một bên là đội quân nhà Đông Tấn nhỏ bé chỉ có 80.000 người đối đầu với gần 1 triệu hùng binh của nước Tiền Tần. Nếu đội quân nhỏ bé của Đông Tấn không ngặn chặn được đối phương, lịch sử Trung Quốc có lẽ đã rất khác.
Nền văn minh của người Hán sau ngàn năm rực rỡ phải đối mặt với thảm họa diệt vong khi ở miền Bắc loạn Ngũ hồ thập lục quốc, người Hán mất đất đai về tay các dân tộc người Hồ. Trong khi ở miền Nam, nhà Đông Tấn yếu nhược không thể lấy lại đất đai phía Bắc. Rồi vua Phù Kiên nước Tiền Tần, thống nhất các tộc người Hồ, đưa 90 vạn quân tiến xuống phía Nam để tiêu diệt nhà Đông Tấn. Nếu thành công, người Hồ sẽ cai trị toàn cõi Trung Hoa chứ không phải người Hán. Để đối phó nhà Đông Tấn thành lập đội quân Bắc phủ, gồm 8 vạn người được huấn luyện chuyên nghiệp. Hai bên đối đầu nhau ở 2 bên bờ sông Phì. Quân tiên phong của Tiền Tần tiến đánh trước nhưng bị quân Đông Tấn được huấn luyện tốt cùng thủy quân mạnh dễ dàng đánh bại, tiền quân bị tan vỡ khiến quân Tiền Tần ở phía sau nao núng. Đúng lúc này quân Tấn quyết định vượt sông, quân Đông Tấn gửi thư cho phù Kiên nói rằng hãy lùi quân ra phía sau để giao chiến, Phù Kiên cậy đông quân nên đồng ý, rốt cuộc bị nội gián của Đông Tấn trong quân Tần phao tin quân Tần thất trận phải rút lui khiến lòng quân tan vỡ. Quân Đông Tấn cũng nhân cơ hội đánh phối hợp khiến quân Tần đại bại hoàn toàn.
Ý nghĩa: Không chỉ bảo vệ được nhà Đông Tấn, trận Phì Thủy còn bảo vệ dân tộc Hán trước sự xâm lược của các dân tộc Hồ ở phía Bắc, tạo tiền đề cho dân tộc Hán phát triển bén rễ suốt hàng ngàn năm nữa. Nếu người Hồ chiếm được cả Trung Hoa có lẽ tương lai của đất nước này đã rất khác.
Trận Ain Jalut (1260) - Sự thất bại lần đầu của Kị binh Mông Cổ
Thế kỉ 13 là thời đại của chết chóc, đại dich "Black Death" hoành hành khắp từ châu Á sang châu Âu, vó ngựa Mông Cổ hủy diệt khắp nơi, và xung đột tôn giáo đẫm máu bởi các cuộc thập tự chinh. Các vương quốc Hồi giáo là bên chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất, kinh thành Bagdad hoa lệ bị quân Mông Cổ giày xéo và tiếp tục tiến đến vùng Palestine. Nhận thấy nguy cơ vùng đất thánh rơi vào tay quân Mông Cổ, Sultan của vương triều Mamluk (Ai Cập) đã quyết định đưa quân đến ngăn chặn.
Quân Mông Cổ lúc này lại mất phần lớn quân đội do chủ tướng Hulagu (Húc Liệt Ngột) lui binh về để tranh ngôi Đại Hãn, chỉ có một bộ phận nhỏ quân Mông Cổ do Kitbuga tiếp tục tiến công. Với kinh nghiệm vượt trội, đội quân này dễ dàng đánh bại các đạo quân Hồi giáo cản đường và kể cả nhóm quân tiên phong của Ai Cập. Tuy nhiên, quân Mông Cổ có số lượng quá hạn chế lại phải hành quân dài ngày, trong khi quân đội Hồi giáo sung sức, quyết tâm hơn và số lượng đông hơn đã phản công tại bình nguyên Ain Jalut tiêu diệt quân Mông Cổ kể cả chủ tướng Kibutga. Đây là thất bại đầu tiên và duy nhất của Kị binh Mông Cổ trước một đội kị binh khác trong thời đại bá chủ của họ.
Ý nghĩa: Người Hồi giáo coi đây là chiến thắng quyết định trước kẻ thù Mông Cổ, bảo vệ tôn giáo của họ, ảnh hưởng đến cục diện của vùng Trung Đông hàng trăm năm sau. Kị binh Mamluk của Ai Cập cũng là đội kị binh duy nhất đánh bại kị binh Mông Cổ, mang ý nghĩa tinh thần to lớn rằng kị binh Mông Cổ không phải bất khả chiến bại.
Trận Constantinople (1453) - Thất bại lớn nhất của Thiên Chúa giáo trước Hồi giáo
Sau hơn 1000 năm tồn tại, đế chế Byzantine đứng trên bờ vực diệt vong trước sự trỗi dậy của Đế quốc Hồi giáo Ottoman, còn các quốc gia Công giáo Tây Âu thì xa lánh vì cuộc Đại ly giáo. Thành Constantinople vẫn là pháo đài bất khả xâm phạm bảo vệ cho Đế chế này cho đến khi Ottoman chế tạo ra những khẩu pháo Dardanelles nặng 16 tấn.
Sau nhiều năm chiến tranh Đế chế Byzantine hùng mạnh xưa kia nay chỉ còn mảnh đất xung quanh thành Constantinople nhỏ bé, bị kẻ thù bao vây khắp bốn bề. Nhận thấy thời cơ tiêu diệt Đế chế Thiên Chúa giáo (Christianity - có 2 nhánh là Catholic và Orthodox) đã đến, Sultan Mehmed II quyết định tấn công Kinh đô Constantinople. Giáo hoàng và các quốc gia Công giáo cũng nhận thấy nếu Constantinople sụp đổ, cả châu Âu sẽ bị Hồi giáo đe dọa, họ quyết định tập hợp lực lượng để ứng cứu Constantinople. Vậy nhưng châu Âu giờ đây đang là thời kì chiến loạn khắp nơi, Đế chế La Mã thần thánh chưa được thống nhất dưới nhà Habsburg, Anh - Pháp đang chiến tranh Trăm năm. Giáo hoàng chỉ kêu gọi được vài ngàn lính đánh thuê từ Italy đến tiếp viện, đội quân này là không đủ để ngăn chặn đại quân Hồi giáo hàng vạn người. Điểm tưạ duy nhất của quân đội Thiên Chúa giáo là những bức tường của Constantinople, nhưng pháo Dardanelles của Ottoman đã xuyên thủng được nó. Cuối cùng sau 53 ngày đêm chiến đấu, người Hồi giáo chiếm được Constantinople, biến kinh đô Thiên Chúa giáo một thời trở thành thủ phủ của Đế chế Hồi giáo Ottoman, Byzantine diệt vong sau hơn 1 ngàn năm tồn tại.
Ý nghĩa: Sự sụp đổ của Byzantine và thành Constantinople đã mở toang cánh cửa vào châu Âu của người Hồi giáo, từ đây cho đến thế kỉ 19, châu Âu luôn canh cánh lo sợ kẻ thù này. Đồng thời sự sụp đổ của Constantinople cũng dẫn đến thười đại Phục hưng của Châu Âu, khi các tinh hoa của Byzantine lưu lạc đến Italy, khắp lại Đêm trường Trung cổ.
Trận Lepanto (1571) - Chiến thắng của Chúa
Một trăm năm sau khi chiếm được Constantinople, đế chế Ottoman lúc này đã làm chủ được nửa đông Địa Trung Hải, đánh bại đối thủ là công quốc Venice. Giờ đây họ ráo riết xâm chiếm nửa còn lại để thống trị Địa Trung Hải với hạm đội hùng hậu hơn bất kì quốc gia Thiên Chúa giáo nào. Để chống lại, một Liên Minh Thần thánh được thành lập bởi Giáo hoàng, đứng đầu là Đế quốc Habsburg Tây Ban Nha, Venice và các thành bang Italy. Họ tập hợp được 1 hạm đội hỗn hợp để có lực lượng ngang ngửa với hải quân Hồi giáo.
Người Ottoman có quân số và thuyền chiến nhiều hơn, đặc biệt là lực lượng cung thủ thiện chiến. Tuy nhiên Liên Minh lại có lợi thế về hỏa lực với các thuyền chiến Galleass mạnh mẽ đặt nhiêu trọng pháo. Những chiếc thuyền này là mấu chốt dẫn đến chiến thắng của quân đội Thiên Chúa giáo khi nó có thể tiêu diệt chiến thuyền đối phương từ khoảng cách xa, trong khi quân Ottoman dựa nhiều vào lợi thế từ cung thủ. Hải quân Liên Minh đứng vững trước các đợt tấn công của đối phương, 2 bên đều chịu tổn thất nặng nề, nhưng đúng lúc cao trào, tàu Sultana chở chỉ huy quân Ottoman Ali Pasha bị bao vây, quân Thiên Chúa giáo tràn lên tàu giết chết ông này và treo đầu của ông lên khiến quân Hồi giáo mất hết tinh thần, cộng thêm những tổn thất khi chiến đấu dẫn đến sự hủy diệt của gần như toàn bộ hải quân Ottoman. Quân đội Liên Minh Thần Thánh chiến thắng vang dội.
Ý nghĩa: Là chiến thắng chặn đứng sự bành trướng trên biển của Đế chế Ottoman, khiến lực lượng hải quân của đế chế này không thể hồi phục mạnh như xưa vì tổn thất về vật lực-thuyền có thể thay thế được nhưng tổn thất về nhân lực là không thể thay thế. Tuy các quốc gia Thiên Chúa thắng trận nhưng họ cũng không thể chiếm được mảnh đất nào vì trên bộ, quân Ottoman vẫn quá hùng mạnh. Trận chiến này cũng là thời điểm khép lại thời đại của những chiếc thuyền chèo Galley chở quân, mở ra thời đại của thuyền chiến mang đại bác Gunboat.
Trận Saratoga (1777) - Trận đánh khai sinh nước Mỹ
Thế kỉ 18 chứng kiến một quốc gia mà sau này sự tồn tại của nó chi phối cả thế giới: nước Mỹ. Để có thể giành được độc lập, những người dân Mỹ đã phải chiến đấu chống lại đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc đó là Đế quốc Anh. Và trận đánh làm thay đổi cuộc kháng chiến đó chính là trận Saratoga.
Sau khi người dân thuộc địa ở Mỹ nổi dậy vào năm 1775, chính phủ Anh quyết định đưa lực lượng viễn chinh hùng mạnh của Đế chế tham chiến. Ban đầu với lực lượng vượt trội, người Anh liên tiếp chiến thắng quân đội thuộc địa non nớt. Tuy nhiên sau đó, quân Mỹ quyết định sử dụng chiến thuật du kích chứ không đối đầu trực diện quân Anh khiến đối phương tổn thất nặng nề. Trước tình hình nguy cấp này, quân Anh quyết định tấn công vào vùng Saratoga ở New York nhằm làm chia cắt quân đội thuộc địa. Trận chiến này trở thành thảm hỏa cho người Anh vì dù họ giành được những chiến thắng ban đầu nhưng lại phải chịu thương vong lớn, trong khi đó quân Mỹ ngày càng tập trung được lực lượng đông hơn và bao vây lấy quân Anh. Sau hơn nửa tháng chiến đấu, quân Anh kiệt sức, bị bao vây và cắt đứt liên lạc cuối cùng phải đầu hàng người Mỹ. Đây là lần đầu tiên một đội quân đế quốc Anh chuyên nghiệp phải đầu hàng một đội quân thuộc địa gồm phần lớn là nông dân.
Ý nghĩa: Trận đánh là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh thuộc địa giải phóng nước Mỹ. Từ đây, vị thế của quân Mỹ ngày càng cùng cố, người Pháp cũng trực tiếp tham chiến giúp Mỹ đẩy quân Anh vào thế bị động và cuối cùng phải đầu hàng và từ bỏ xứ thuộc địa này. Trận đánh được coi là khởi nguồn cho chiến thắng cuối cùng, khai sinh nước Mỹ hiện đại làm thay đổi cả thế giới.
Trận Midway (1942) - Chiến thắng nhờ sự mạo hiểm và quyết đoán
Nếu trận Stalingrad là bước ngoạt ở mặt trận châu Âu thì cũng có thể nói trận Midway là bước ngoặt của mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến thứ 2. Cuối năm 1941, Hải quân Nhật Bản thực hiện cuộc tấn công Trân Châu Cảng làm tê liệt một phần Hạm đội Thái Bình Dương, đưa Mỹ chính thức bước vào cuộc chiến. Trong suốt thời gian trước trận Midway, Hải quân Nhật chiếm ưu thế vùng biển vành đai Thái Bình Dương, tuy nhiên họ muốn tiến xa hơn nữa với mục đích làm chủ toàn bộ Thái Bình Dương bằng cách tiêu diệt hải quân Mỹ tại Midway. Quân Nhật với âm mưu biến Midway trở thành 1 cái bẫy để dụ các tàu sân bay Mỹ đến để tiêu diệt đã không ngờ rằng đây là mồ chôn cho chính họ.
Tháng 6/1942, Hải quân Nhật Bản tấn công căn cứ Midway. Hải quân Mỹ nhờ các thông tin tình báo đã biết rõ Midway là 1 cái bẫy, họ quyết định dùng chính cái bẫy của người Nhật để hại người Nhật, 3 tàu sân bay của Mỹ tiến đến vùng biển đối đầu với 4 tàu sân bay của Nhật. Hải quân Mỹ tiến đến đúng lúc các cuộc không kích của quân Nhật đang diễn ra, người Nhật với sự cẩn trọng quyết định chờ đến khi tập hợp đủ lực lượng khi trở về mới tổ chức tấn công điều này giúp quân Mỹ có thể ra tay trước. Người Mỹ đã có một quyết định mạo hiểm và táo bạo, đó là sử dụng toàn bộ lực lượng máy bay phóng ngư lôi làm mồi nhử để dành đòn quyết định cho các máy bay ném bom bổ nhào. Các lực lượng mồi nhử của dù hy sinh Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, đánh lạc hướng toàn bộ quân Nhật, không quân và phòng không Nhật quá tập trung tấn công các lực lượng này, việc tiêu diệt nó dễ dàng khiến họ trở nên chủ quan. Đúng lúc các lực lượng của Nhật đang trong trạng thái tiếp nhiên liệu và đạn dược(thường mất khoảng 30 - 45 phút), đội máy bay bổ nhào của Mỹ xuất kích, quá bất ngờ khi thấy quân địch, quân Nhật không thể phản ứng kịp do các vũ khí và thiết bị đang được tiếp tế. Cuộc tấn công thành công đến mức không tưởng, 3 tàu sân bay của Nhật bị trúng bom và bị đắm, chiếc duy nhất còn lại bị 3 tàu sân bay của Mỹ bao vây, dù cố gắng nhưng chiếc tàu này chỉ có thể làm hỏng nặng một tàu sân bay của Mỹ trước khi bị đánh đắm. Trận chiến kết thúc với chiến thắng quyết định của Hải quân Mỹ.
Ý nghĩa: Trận đánh này là bước ngoặt của Mặt trận Thái Bình Dương trong Thế Chiến thứ 2, Hải quân Nhật mất đến 4 tàu sân bay mạnh nhất và vĩnh viễn không thể khôi phục sức mạnh như xưa. Trong khi đó, có thể nói từ Chiến thắng này, đã đánh dấu Hải quân Mỹ là lực lượng Hải quân hùng mạnh bậc nhất thế giới, đánh bật thế bá chủ của Nhật tại Thái Bình Dương.
Rất mong nhận được đóng góp của mọi người. Những sự ủng hộ của các thành viên chính là động lực để tôi hoàn thành serie này.