Chiến dịch Linebacker II từ góc nhìn Hoa Kỳ
Những ngày cuối tháng 11 của 51 năm trước là thời điểm mà việc cuộc đàm phán cho hoà bình của Việt Nam đang diễn ra căng thẳng ở Paris,...
Những ngày cuối tháng 11 của 51 năm trước là thời điểm mà việc cuộc đàm phán cho hoà bình của Việt Nam đang diễn ra căng thẳng ở Paris, Pháp. Cũng trong lúc này, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Cố vấn đặc biệt Henry Kissinger đã lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự khốc liệt với tên gọi “Linebacker II” hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc hơn (ở Hoa Kỳ) là “Christmas Bombings” nhằm bảo đảm những lợi ích của Hoa Kỳ trên bàn đàm phán. Mặc dù mục tiêu và kết quả của Chiến dịch được hai phía Hoa kỳ (sau đây gọi tắt là “US”) và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (gọi tắt là “BV”) tuyên truyền hoàn toàn trái ngược nhau nhưng hầu như tất cả đều cùng thừa nhận rằng chiến dịch Linebacker II đã giúp đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Hoà bình Paris vào năm 1973. Vậy cụ thể tại sao US lại chọn thực hiện chiến dịch Linebacker II? Tác động của nó đến cục diện bàn đàm phán ra sao? Chúng ta hãy cùng lật giở lại vài trang sử để tìm hiểu – Nhưng lần này là từ các tư liệu của phía US [1].
1. Hoàn cảnh và lí do ra đời của chiến dịch Linebacker II
Cuộc đàm phán về hoà bình tại Việt Nam được ghi nhận kéo dài ít nhất 5 năm từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973 với nhiều lần bị gián đoạn bởi nhiều lý do. Về mặt pháp lý, đây là cuộc đàm phán giữa 04 bên gồm US, BV, Cộng hoà miền nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hoà (sau đây gọi tắt là “NV”); tuy nhiên thực chất thì việc thành hay bại của cuộc đàm phán lại được quyết định bởi các phiên họp kín giữa 2 đoàn US và BV mà người đại diện mỗi bên là Henry Kissinger và cụ Lê Đức Thọ.
Tình hình đàm phán được phía US tóm tắt trong một ghi chép của Tổng thống Nixon ngày 30/11/1972 [2] như sau:
- Vào tháng 5, phía US đã đề xuất 3 điều kiện để hoà bình có thể thực hiện là (i) đình chiến; (ii) trao trả tù binh và tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh và (iii) bảo đảm người dân miền Nam Việt Nam được tự quyết mà không có sự can thiệp của chủ nghĩa Cộng sản.
- Vào tháng 10, đề xuất của phía BV đã thoả mãn cả 03 điều kiện trên, và thực tế, nếu công chúng US biết được chi tiết những thoả thuận thì chắc chắn, họ (công chúng) sẽ không bao giờ ủng hộ kéo dài cuộc chiến.
- Một số ý kiến tại US và phe NV không chấp nhận kết quả đàm phán này.
Đi vào chi tiết hơn, ta biết rằng “hoà bình” trong ý dự thảo tháng 5 của US là ám chỉ việc US thiết lập quan hệ hoà bình với BV và cam kết rút quân khỏi Việt Nam; trong khi đó yêu sách (ii) là mối quan tâm chính của chính trường US lúc đó, còn (i) và (iii) nhằm tới việc bảo vệ và xây dựng chính quyền NV độc lập với phe Cộng sản BV.
Dự thảo tháng 10 của BV tuy được đánh giá là đã thoả mãn cả 03 điều kiện của US nhưng không đồng nghĩa phía US có lợi thế đàm phán bởi đây chỉ là việc “có qua có lại” và phía BV không hề từ bỏ các yêu sách quan trọng của mình trong đó có việc (i) rút lui hoàn toàn của quân đội US và (ii) thống nhất hai miền Nam – Bắc.
Từ phân tích trên, có thể thấy với sự thay đổi của cục diện thế giới cũng như chính sách ngoại giao của US thì việc "đôi bên cùng có lợi" trên bàn đàm phán giữa US và BV là hoàn toàn khả thi và thực tế cũng ghi nhận rằng với sự tham gia tích cực của Kissinger và cụ Thọ từ năm 1972 đã giúp việc đàm phán có những tiến bộ rõ rệt, đã có thời điểm Kissinger rất tự tin rằng hòa bình đã “trong tầm tay”.
Tuy nhiên, US đã bị đồng minh của mình (cụ thể ở đây là Tổng thống Thiệu) tạt cho gáo nước lạnh với việc phủ quyết thoả thuận; phía NV không đồng ý với việc US nhượng bộ một số điều khoản rõ ràng là sẽ bất lợi cho NV như:
- US phải rút toàn bộ quân, bao gồm cả những người là chuyên gia, cố vấn quân sự, cũng như từ bỏ căn cứ quân sự tại miền nam Việt Nam trong vòng 60 ngày – trong khi đó không có quy định việc rút quân của BV;
- NV không được bảo đảm “độc lập” mà phải chia sẻ quyền lực chính trị bằng chính quyền liên hợp và thực hiện việc thống nhất hai miền Nam - Bắc bằng bầu cử.
Bản thân phía US không phải không biết những điều ấy:
“This wasn’t a peace document. This a document for perpetual warfare” – Kissinger.
“Peace in Noth Vietnam and perpetual warfare in South Vietnam, with the United States cooperating with them in imposing a Communism government on the people of South Vietnam against their will” – Nixon.
Nhưng US cũng có lý do để mắt nhắm mắt mở cho thoả thuận này bởi như đã nói ở trên, lúc này lợi ích của 2 bên US và BV không xung đột trực tiếp với nhau, hơn nữa dự thảo này vẫn quy định cho phép NV được thay thế khí tài theo nguyên tắc 1 đổi 1 và về điểm này thì US hoàn toàn có cơ sở để tự tin: Miễn là họ đạt được thoả thuận, Nixon sẽ có cách để thuyết phục Quốc hội cấp thêm ngân sách cho chiến tranh kéo dài tại miền Nam Việt Nam. Ấy vậy Thiệu dám dùng quyền phủ quyết để rồi vô tình hoặc cố ý phá hỏng vị thế của US trên bàn đàm phán.
Bị “đâm sau lưng”, không ít lần Nixon phàn nàn với Kissinger rằng chúng ta thua chỉ vì Thiệu và gọi ông ta (Thiệu) bằng những ngôn từ không mấy đẹp đẽ như “son if a b*tch” hay gì gì đó. Nhưng sở dĩ Thiệu có cái gan ấy cũng bởi vì phía NV đang nắm trong tay khoảng 38000 tù binh và tù chính trị của BV làm “con tin” - thứ mà US rất cần để trao đổi với BV về vấn đề quân nhân Hoa Kỳ bị bắt hoặc mất tích trong chiến tranh. Lúc này nhận thấy mình đang ở “kèo trên” do US và NV rạn nứt, BV rút lại việc chấp nhận trao trả tù binh như một lí do để trì hoãn đàm phán. Việc này khiến Nixon và Kissinger như ngồi trên đống lửa và phải tìm cách cứu vãn, bảo đảm BV sẽ không đưa ra thêm yêu sách nào nữa.
2. Chiến dịch Linebacker II
Trong cuộc điện đàm với Nixon ngày 17/12 (1 ngày trước cuộc ném bom) Kissinger đã phân tích rằng phía BV vẫn hứa hẹn rằng sang tháng 1 phía BV sẽ nối lại đàm phán với bản dự thảo tháng 10 – mà rõ ràng là có lợi cho BV [3].
Kissinger: They were going to meet me again early in January—
Nixon: And make us settle on bad terms.
Kissinger: Well, make us go back to the October 26 draft.
Nixon: Yeah.
Thực ra, US cũng không mong gì hơn, nhưng sợ rằng nếu để lộ sự vồn vã thì có thể phía BV sẽ đổi ý và đưa ra thêm yêu sách:
Kissinger: We could have easily lived with it in October, but if we accept now after all this arguing for changes would make us look impotent. With this blow they are going to get, they’re going to scream for a few weeks, but with blow they’re going to—
Nixon: They are going to realize that—
Kissinger: It’s going to make the agreement enforceable, Mr. President, they are going to be very careful.
Nixon: I think that point is the most, probably the most important point. With this blow, they are going to think twice before they break the agreement.
Nói cách khác, US quyết định đấm BV thật đau không phải để lật bàn đàm phán (điều rõ ràng là không thể) mà là nhằm đảm bảo BV không coi thường lời đề nghị của US. Đây thực chất cũng là ván cược có phần liều lĩnh bởi nếu thành công thì Kissinger và Nixon sẽ được truyền thông Mỹ tung hô như anh hùng còn ngược lại, họ sẽ thành tội đồ khi dám vượt mặt Quốc hội để leo thang chiến tranh mà không thu được thành tựu gì.
Dưới đây là một vài số liệu được sử Hoa Kỳ ghi lại [4]:
- Thời gian chiến dịch kéo dài trong 11 ngày tính
từ 18-29 tháng 12/1972
- Không lực Hoa Kỳ đã thực hiện gần 1300 phi vụ, trong đó sử dụng B-52 không kích 741 mục tiêu tại miền Bắc Việt Nam gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, trong đó tập trung chủ yếu vào các mục tiêu quan trọng ở Hà Nội. Trên giấy tờ thì không có công trình dân sự nào là mục tiêu của ném bom nhưng với mật độ tấn công dày đặc như vậy, phía US hẳn biết rõ thương vong khủng khiếp có thể gây ra cho dân thường.
- Thiệt hại được ghi nhận là 15 B-52; 2 F-111A; 3 F-4; 2 A-6; 1 EB-66; 1 HH-53 và 1 RA-5C tính trên số lần thực hiện nhiệm vụ thì mức độ thiệt hại của B-52 là khoảng 2%.
Những con số trên cho thấy sức mạnh áp đảo của Không lực Hoa Kỳ so với BV. Dù có sự chuẩn bị tương đối tốt và đã làm khó được US ở giai đoạn đầu chiến dịch (có thời điểm tổn thất của B-52 lên đến 7% trong 5 ngày đầu) nhưng đến những ngày cuối chiến dịch thì sự chênh lệch khí tài đã bộc lộ rõ hơn, khả năng chống trả của hệ thống phòng không BV đã suy giảm đáng kể. “Nắm đấm” của US rõ ràng không thể khuất phục được tinh thần của BV nhưng cần thẳng thắn thừa nhận rằng khó có thể coi đây là một thắng lợi quân sự của BV được.
3. Tác động của chiến dịch Linebacker II
Nếu phải nhận xét, thì cuộc đàm phán hòa bình tại Paris với dự thảo tháng 10 rõ ràng là một thỏa thuận quá có lợi cho BV, US thậm chí đã sẵn sàng chấp nhận cả những điều khoản bất lợi nên điều cuối mà US cần là không thể để BV coi thường. Trong khi bên còn lại, BV lại tỏ ra cứng nhắc, tin vào chính nghĩa tuyệt đối và không hề muốn khoan nhượng.
Ngày 20/12/1972, tức 02 ngày sau khi chiến dịch Linebacker II đã thực hiện, với việc BV có tính hiệu nối lại đàm phán, Kissinger tự tin rằng kế hoạch sẽ thành công. Và dứt khoát, nếu đàm phán thành công, lần này Thiệu sẽ không còn cơ hội phá đám:
Kissinger: Or, but supposing Hanoi accepts it and says, “Let’s meet on January 3d.” Then, my view would be that we should meet, because that would take the heat off. Settle and then just put it to Thieu.
Nixon: That’s right. That’s what I would do. Put it to Thieu. And, then, what happens? Thieu says, “No, I won’t go along”—
Kissinger: No, Thieu will probably say, “I’m forced; raped; under uress. I’ll sign it.” That’s what he’ll do.
Ngày 27/12/1972, ngày thứ 09 của chiến dịch, cuộc đối đầu thực chất đã đến cực hạn của cả hai bên, với phía BV là nhân lực, khí tài còn phía US là sự nghiệp chính trị của Nixon và Kissinger (vì sang năm mới Quốc hội Hoa Kỳ sẽ làm việc trở lại và họ sẽ không để yên cho hành động của Nixon và Kissinger nếu không có lời giải thích thoả đáng) nhưng dù sao, Kissinger vẫn muốn tiếp tục ván bài tâm lý với BV bằng việc phát đi thông điệp về khả năng ngừng không kích [5]:
Kissinger: And I think that we’ll—by this weekend, we’ll be over the worst of it.
Nixon: Well, we hope so. But we should hear from them by Sunday, I think, huh?
Kissinger: No question about it. I think we can, unless something new happens. The message is so—it’s written to give them the greatest possible incentive to answer fast, because they can control when the bombing stops. We no longer say we stop on Sunday. We say we stop within 36 hours of getting their reply.
Thực tế khắc nghiệt rõ ràng có thể làm chúng ta phải thoả hiệp, chiêu bài này của Kissinger có vẻ đã phát huy tác dụng, khi 12 tiếng sau khi US phát đi thông điệp, phía BV đã chấp thuận về một cuộc đàm phán tiếp theo đổi lấy việc ngừng không kích [6].
Nixon: Well, because, basically, they have accepted our proposal, right?
Kissinger: Exactly.
Nixon: Our proposal was that the—that we would halt on the 31st?
Kissinger: No. Our proposal was that we’d halt within 36 hours of an answer.
Nixon: I see. And—so we will be keeping our word? That’s all I want to be sure of, up to a point.
Kissinger: No, no, we’ll keep our word by two—we’ll be within two hours. We’re stopping within 34 hours.
Nixon: Um-hmm. Right.
Kissinger: But, you know, we got an answer within 12 hours.
Nixon: Right.
Kissinger: Which shows how anxious, how anxious they are.
Ván bài này, con cáo già Kissinger quả thực quá cao tay với ưu thế đã tìm lại được, hắn thở phào nhẹ nhõm:
Kissinger: As you know, if they had strung us out—if they could have taken it another week or two, we would have had unshirted hell in this country.
Và phần còn lại đã là lịch sử....
Tựu chung, từ góc nhìn của Nixon và Kissinger, ta có thể thấy phía US đã nhìn trước và chấp nhận ưu thế không thể tránh khỏi của BV trên bàn đàm phán. Thực tế Hiệp định Paris chính thức được ký kết quay về với bản dự thảo tháng 10 với hầu như toàn bộ các đề xuất của BV được đáp ứng là minh chứng rõ ràng nhất cho thành tựu ngoại giao của BV. Tuy nhiên rất khó để chúng ta có thể kỳ vọng tìm kiếm nhiều lợi ích hơn từ cuộc đàm phán với US. Và Chiến dịch Linebacker II là cách để US tái khẳng định vị thế cường quốc, qua đó có thể rời khỏi bàn đàm phán, rút chân khỏi Việt Nam mà không phải cúi đầu.
P/S: Rất tự nhiên, bài viết được thực hiện từ 25/11 và có phần trùng hợp khi 29/11 lại là ngày mất của Henry Kissinger, khiến bài viết có phần trở nên trending hơn.
[1] Phần lớn tư liệu phục vụ bài viết được trích từ “Foreign Relations of the United States, 1969–1976, Volume IX, Vietnam, October 1972–January 1973” do Chính Phủ Hoa Kỳ công bố năm 2010 và các bạn có thể tìm đọc tại: https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v09.
[2] Tài liệu đánh số [132] thuộc [1]
[3] Tài liệu đánh số [209] thuộc [1]
[4] https://www.airandspaceforces.com/article/1197linebacker/
[5] Tài liệu đánh số 230 thuộc [1]
[6] Tài liệu đánh số 234 thuộc [1]
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất