Hôm nay là thứ 6 rồi. Nếu các bạn cảm thấy đi làm chán quá và muốn hủy đi năng suất lao động của các bạn, thì tôi sẽ chia sẻ cho các bạn 3 thứ hay ho mà tôi vừa xem trong tuần này. Hai trong số này là tiếng Anh 100%, nói về chuyện ở xứ người, nhưng cũng có thể bạn sẽ ngẫm ra được điều gì đó chăng?
Giáo sư Johnathan Haidt, NYU
Giáo sư Johnathan Haidt, NYU
Trong bài giảng dài hơn 70 phút của mình, giáo sư Jonathan Haidt của New York University đã mổ xẻ những tác hại của vấn nạn bảo vệ tâm trí ta khỏi những điều khiến ta khó chịu. Biểu hiện xã hội của vấn nạn này là văn hóa hủy bỏ (cancel culture), sự xuất hiện dày đặc của không gian an toàn (safe space), cũng như việc cực đoan hóa ngày một nhanh hơn ở mọi phe phái chính trị. Ông Haidt cũng giới thiệu một khái niệm được Nassim Taleb (tác giả của Thiên nga đen) "chế" ra, gọi là phản mỏng manh (antifragile). Theo Taleb (và Haidt), con người có khả năng phản mỏng manh, giúp họ chịu đựng rủi ro, vượt qua khó khăn và nghịch cảnh, và theo đó, trưởng thành hơn.
Luật sư Devin Stone, người tạo ra trang YouTube LegalEagle, cho chúng ta một góc nhìn khách quan về luật pháp quốc tế cũng như tính hợp pháp của cuộc can thiệp vũ trang của Nga lên Ucraina. Hóa ra, luật pháp quốc tế không phải là luật -- vì nó không thể "đè" lên hiến pháp của bất kỳ một quốc gia nào; không có tính bắt buộc -- vì một quốc gia có thể không ký hoặc nếu đã ký vào hiệp ước, hoàn toàn có thể rút ra; và chỉ có giá trị nếu nó được cưỡng chế thi hành -- bởi Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó Nga là một thành viên thường trực. Bạn có thể học được một vài thứ linh tinh để "khè" bạn bè từ video 20 phút này, bao gồm việc Hoa Kỳ thực ra không hề tham gia vào Tòa án Quốc tế ICC.
Khác với hai mục trước, mục 3 này là 1 chương trình phát thanh của Philosophy 101 -- một kênh triết học mới lập gần đây của một nhóm bạn trẻ Việt Nam. Và cũng khác với hai mục trước, tôi cảm thấy nó thú vị nhất -- vì nó không hoàn hảo. Không hoàn hảo từ cách đặt câu hỏi, đến cách người trả lời đưa ra đáp án. Nhưng chính vì nó không hoàn hảo, nên chúng ta -- người nghe -- hoàn toàn có thể tham gia vào cuộc đối thoại bằng cách đưa ra những ý kiến của chúng ta về triết lý của đạo Phật, cũng như về triết học tôn giáo nói chung. (Dĩ nhiên, tôi không nói là bạn không thể đưa ra ý kiến của bạn cho hai mục trên. Chỉ là hai mục trên ít tì vết hơn, và bằng tiếng Anh, nên có thể nhiều bạn sẽ không thể tham gia vào đối thoại được.)
Rất mong chờ phản hồi của bạn nào rảnh rỗi lướt qua bài viết này!