Giới thiệu:

Tư duy phản biện là một kỹ năng cực kỳ cần thiết trong xã hội với lượng thông tin khổng lồ như hiện nay. Nó giúp chúng ta nhận biết được bản chất và tính đúng đắn của thông tin. Rất nhiều người nói tư duy phản biện chỉ là đặt nhiều câu hỏi, nhưng mình nghĩ như thế vẫn chưa đủ. Mình thấy tư duy phản biện còn là hướng chúng ta nhìn nhận, tiếp cận, thấu hiểu và giải quyết vấn đề. Chính vì đặt chúng ta vào nhiều góc nhìn khác nhau, những phản biện của chúng ta sẽ trở nên cực kỳ chính xác, và nếu có sai thì chứng tỏ chúng ta vẫn chưa đặt góc nhìn của bản thân vào trường hợp cụ thể đó. Vậy làm thế nào để hạn chế điều đó?
"Chỉ cần mẩu khăn giấy" là cuốn sách về kỹ năng tư duy thị giác cực kỳ nổi tiếng của tác giả Dan Roam. Cuốn sách không đề cập đến tư duy phản biện, nhưng vì hướng tiếp cận vấn đề, mà sách đề cập, là một hướng khá đa chiều, hạn chế thiếu sót, kích thích sáng tạo. Nên mình thấy kỹ năng tư duy thị giác là kỹ năng đáng học hỏi khi tiếp cận một vấn đề mới.
Vâng, lại là một bài viết nữa về cuốn sách mình đọc, nhưng lần này hơi khác một chút. Mục đích của bài viết này không chỉ dừng lại ở chia sẻ thông tin hữu ích, mà sứ mệnh của nó còn là giúp mình không phải đọc lại cuốn sách này lần thứ 4. Bạn không nhìn nhầm đâu, mình đã đọc đi đọc lại cuốn sách này 3 lần rồi. Lý do ư? Bởi vì khi áp dụng kỹ năng trong cuốn sách thì lần nào mình cũng có chút lấn cấn, và rồi lại ổn thỏa khi mình lôi cuốn sách ra đọc. Hơn hết, mình nghĩ kỹ năng tư duy thị giác là kỹ năng tốt nhất hiện tại để kích thích hết tiềm năng trong não bộ. Chính vì lý do đó, mặc dù sách không hề ngắn nhưng mình vẫn quyết định đọc lại, và từ đó bài viết này ra đời.
Không như bài viết trước, bài viết này mình sẽ xoay quanh nội dung trong sách. Với những ai sẽ đọc cuốn sách, thì bạn đừng lo bị spoil nội dung. Vì thật lòng mà nói, mình muốn thì cũng không thể ghi lại hết nội dung quan trọng được. Mà thay vào đó bạn vẫn cần phải đọc bài viết, để biết được hướng đi chính của cuốn sách này. Và tin mình đi, điều này sẽ khiến bạn không bị mắc kẹt và khó hình dung với khối kiến thức khá nhiều trong lần đầu đọc cuốn sách, như mình. Còn với ai đã đọc rồi thì hãy coi bài viết này như là một summary về cuốn sách, với việc gộp tất cả tiêu đề và hình ảnh lại sẽ là một mindmap hoàn chỉnh, vì đây là sứ mệnh của bài viết này mà, hehe. Không chần chừ nữa, cùng mình tìm hiểu bước đầu tiên để tư duy thị giác thôi!!!

Quy trình tư duy thị giác:

Đây là quy trình tổng quát đơn giản nhưng hiện hữu trong suốt cuốn sách. Quy trình bao gồm 4 bước: nhìn, thấy, hình dung và trình bày. Giờ hãy lướt qua xem mỗi bước đó giải quyết vấn đề gì.
Nhìn: là bước thu thập và sàng lọc dữ liệu từ mọi nguồn thông tin. "Mọi nguồn thông tin" theo đúng nghĩa đen nhé, không chỉ là google, document,... mà còn những nguồn như không gian, con người xung quanh, nói chung là tất cả. Bước sàng lọc là để không có thông tin không liên quan nào lọt vào bước tiếp theo.
Thấy: cũng là bước thu nhập dữ liệu nhưng khác ở chỗ, nguồn thông tin sẽ từ bước "Nhìn" rồi sau đó là tổng hợp. Đây là bước mình sẽ áp dụng nguyên tắc SQVID để gom nhóm cho những thông tin đấy. Nhờ bước này, mình có thể có được cái nhìn theo nhiều góc độ về dữ liệu, vận dụng cả hai bán cầu trái và phải. Bạn sẽ biết tại sao nó lại có công dụng như vậy ở phần mô hình SQVID.
Hình dung: để giải quyết hay hiểu rõ một vấn đề, vẫn luôn luôn có một thứ không thể thiếu, sự sáng tạo. Như tên gọi, ở bước này, nhiệm vụ của mình là thấy được những thứ không thể thấy. Dĩ nhiên là không hề dễ dàng chút nào, nhưng mình có một vài lời khuyên ở bước này. Để vận dụng tốt trí tưởng tượng, điều nên làm là hãy nhắm mắt để tập trung suy nghĩ, di chuyển, xoay đối tượng bạn đang nhìn (nếu thứ bạn nhìn là vật chạm được), hình dung đến những vấn đề tương tự mình đã gặp để biết những điều sẽ/nên diễn ra tiếp theo (chính xác, là trực giác đấy), hoặc thay đổi những điều đang có ở hiện tại (đặt ra nhiều câu nếu... thì...).
Trình bày: đây là bước dễ nhất và cũng là bước khó nhất. Dễ ở chỗ là những điều cần nói đều đã được mình sắp xếp một cách ngăn nắp, nhưng khó ở chỗ không biết được điểm bắt đầu ở đâu. Trong cuốn sách, tác giả cũng đã đề cập đến khó khăn này, nhưng cuối cùng cũng đã tìm ra một giải pháp không thể tuyệt vời hơn. Dùng chính thứ tự những bước tư duy hình ảnh để trình bày cho chính nó.
Vậy là ta đã biết được công dụng của 4 bước tư duy thị giác, thế thì liệu quy trình 4 bước này có phải là đường thẳng không? Đáng buồn là không, hay thậm chí không muốn nói là nó không có thứ tự. Nhưng tác giả đưa một thứ tự mà nó thường xảy ra nhất như hình dưới đây.
Diễn biến quá trình tư duy thị giác
Diễn biến quá trình tư duy thị giác
Bạn có thể thấy bước trình bày có thể sẽ phải quay lại bước nhìn nếu có một thứ gì đó mà chỉ những dữ liệu hiện tại không thể lý giải hay giải quyết được. Mình luôn tâm niệm thế này, vấn đề được giải quyết bằng đệ quy chưa chắc sẽ trở nên đơn giản, nhưng cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề phức tạp là đệ quy 😆

Mô hình câu hỏi và SQVID:

Mô hình câu hỏi:

Mình sẽ không nói nhiều về mô hình câu hỏi, bởi vì nhiều người cũng đã quen thuộc hoặc ít nhất được nghe một lần về nó. Mô hình gồm 6 câu hỏi tượng trưng cho 6 cách nhìn, tương ứng là Who/what (ai/cái gì)- How much/How many (bao nhiêu) - Where (ở đâu) - When (khi nào) - How (như thế nào) - Why (tại sao).
Tuy nhiều người đã biết đến mô hình câu hỏi này, nhưng có một thứ mình nghĩ là khá quan trọng trong lúc thu thập thông tin từ 6 câu hỏi. Để hiệu quả cao nhất có thể, hãy đặt câu hỏi theo trình tự đúng với trình tự mình ghi ở trên, bởi vì những dữ liệu từ câu hỏi trước sẽ ảnh hưởng đến dữ liệu thu thập được của câu hỏi sau. Để dễ hình dung thì nếu bạn muốn tìm hiểu ai đó thì bạn phải biết người đó là ai, tên gì đã đúng chứ? Rồi mới đến là bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu,... Ở 3 câu hỏi đầu tiên thì khá là dễ dàng nên hoàn toàn có thể xáo trộn vị trí, nhưng để trả lời được khi nào thì mình nên làm quen người đấy thì bạn phải dựa vào những dữ liệu trước như là người ấy là sinh viên hay người đi làm, để đoán được thời gian nào người ấy rảnh. Rồi dựa vào 4 dữ liệu đấy mới có thể tìm ra cách hợp lý để tiếp cận, và cuối cùng là lý do để người ấy để ý đến bạn với những hành động của bạn sắp sửa làm. Vậy là hoàn thành được bước thu thập dữ liệu cần thiết rồi. Bước tiếp theo là bước mình thích nhất trong cuốn sách.

Mô hình SQVID:

Đây là bước sẽ giúp bạn nhìn vấn đề theo nhiều góc độ, tận dụng hết lợi thế của cả 2 bán cầu não, từ đó giúp cho sự sáng tạo được thăng hoa. Không dài dòng nữa, vào "món" thôi.
Khi đã có được một lượng dữ liệu chất lượng, mình sẽ bắt đầu phân loại dữ liệu đấy theo quy tắc SQVID, nghĩa là theo 5 trường, tương ứng với 5 chữ cái: Simple (đơn giản) - Meticulous (tỉ mỉ) Qualitative (định tính) - Quantitative (định lượng) Vision (viễn cảnh) - Execution (thực thi) Individual (riêng biệt) - Comparison (so sánh) Delta (thay đổi) - Status quo (hiện trạng)
Giả sử đối tượng bạn phân tích là một quả táo làm ra bánh táo, thì chúng ta có thể sắp xếp những dữ liệu của nó theo SQVID như sau:
Simple (đơn giản): hình dạng gần giống hình cầu với màu thường thấy là màu đỏ. Meticulous (tỉ mỉ): là một trái cây có chứa chất xơ, protein, carbs, đường,...
Qualitative: mình đang có 10 trái táo. Quantitative: mình đang có một rổ táo.
Vision: với những trái táo này mình sẽ làm ra bánh táo. Execution: chuẩn bị nguyên liệu (gồm táo, trứng, bột mỳ, sữa, đường, bột nở, ...), sơ chế, tạo hình, bỏ vào lò nướng,...
Individual (riêng biệt): bánh táo làm từ táo sẽ chứa rất nhiều vitamin C. Comparison (so sánh): bánh chuối, bánh xoài thì sao? nó có gì hơn và thua bánh táo?
Delta (thay đổi): nếu mình giảm lượng bột nở trong công thức làm bánh táo thì sao? Status quo (hiện trạng): bánh táo hiện tại khá là ngon, nhưng không xốp cho lắm.
Mình sẽ không nói tại sao lại theo 5 trường này, nếu muốn bạn có thể đọc sách để hiểu rõ hơn. Điều quan trọng hơn mình muốn đề cập là SQVID giống như một cái máy chỉnh âm lượng vậy, càng chỉnh lên trên thì dữ liệu càng thiên về mặt cảm xúc. Thứ mà ta sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp với đối tượng mà ta sẽ trình bày vấn đề. Ví dụ như một người sếp sẽ thích nghe/nhìn thấy những dữ liệu định lượng, và hướng thực thi. Còn với những buổi chia sẻ vui, khi đối tượng là một người bạn hoặc một người không cùng giải quyết vấn đề thì họ sẽ thích nghe/nhìn thấy dữ liệu đơn giản, và hướng về viễn cảnh.
"Bảng điều khiển" SQVID
"Bảng điều khiển" SQVID

Trình bày ý tưởng

Sau khi đã xác định được những dữ liệu then chốt, những giải pháp tiềm năng, thì điều quan trọng tiếp theo là thuyết phục, giải bày những điều đấy đến với những người quan trọng có liên quan. Vấn đề càng phức tạp thì càng khó khiến cho người nghe hiểu được những điều mình đã nghiên cứu. Chính vì lý do đó, điều tốt nhất nên làm lúc này là dẫn dắt người nghe dạo qua tổng quan quá trình nghiên cứu của mình (hoặc nhóm mình). Cụ thể, bởi vì mình nhìn vấn đề theo 6 câu hỏi, hay nói cách khác là 6 góc nhìn, ở trên, nên mình sẽ có 6 hướng trình bày tương ứng.
Thế nhưng quan trọng hơn là cách trình bày như thế nào cho hiệu quả? Được biết những dữ liệu càng dễ tương tác thì não bộ chúng ta càng dễ tiếp nhận, cũng như dân gian chúng ta đã có câu "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không càng một chạm". Nên mình tin chắc, cách tốt nhất để truyền tải thông tin là đưa những thông tin đó ra "thế giới thực tại", nói cách khác là 3D hóa. Chính vì vậy, mình tin tưởng kỹ thuật VR, AR sẽ là tương lai của thế giới. Nhưng đó là trong tương lai, còn hiện tại thì cách đấy không phải là giải pháp tối ưu. Vậy nên cách tốt nhất mà sách đề cập đến đó chính là hình vẽ, là trọng tâm của cuốn sách, và cũng là lý do của cái tên "Chỉ cần mẫu khăn giấy".
Để "hình hóa" thông tin thì chỉ có một cách, đó chính là dùng biểu đồ, sơ đồ, đồ thị. Vậy với hàng trăm hình vẽ hiện nay đang có thì ta nên dùng hình vẽ gì? trong trường hợp nào? Thật ra chúng ta chỉ cần nắm vững 6 hình vẽ quan trọng nhất, ứng với 6 cách nhìn của chúng ta trong cuộc sống: What/Who - Chân dung, How much/How many - Biểu đồ, Where - Sơ đồ, When - Đường thời gian, How - Sơ đồ tiến trình, Why - Đồ thị đa biến. Kết hợp với 5 câu hỏi SQVID, chúng ta sẽ biết được nên trình bày dữ liệu đó bằng hình ảnh nào, như hình vẽ dưới đây:
Cách chọn hình vẽ khởi đầu
Cách chọn hình vẽ khởi đầu
Đây là bước rất quan trọng và cũng rất dài dòng, mình không thể trình bày hết trong nội dung bài viết được, điều mình nói ở đây chỉ là cho bạn biết hướng thực thi để bạn có thể đọc cuốn sách mà không bị rối với nhiều thông tin trong đó. Nhưng bạn biết không? Một khi bạn đã nắm vững kỹ thuật dùng hình ảnh này rồi, bước tiếp theo sẽ như là một phép màu đối với bạn. Điều bạn cần làm sau đó là kết hợp hình vẽ tương ứng với những thông tin bạn cần hiểu rõ. Ví dụ nhé, mình muốn có một cái nhìn tổng thể về kế hoạch, qua phân tích thì điều muốn biết là trong lúc nào, mình sẽ làm gì. Vậy thì điều mình cần làm là vẽ dữ liệu thời gian theo hướng thực thi kết hợp với dữ liệu như thế nào theo hướng thực thi. Không gì xa lạ, hình vẽ của chúng ta sẽ biến thành một biểu đồ Gantt nổi tiếng, là một trong những khám phá quan trọng nhất trong lĩnh vực quản trị dự án của thế kỷ 20, rồi đấy.
Biểu đồ Gantt
Biểu đồ Gantt
Đây sẽ là bước khởi đầu tốt cho bản thân mình nhìn thấy được những thiếu sót trong dữ liệu, kích thích tính sáng tạo. Và bạn biết đấy, chỉ cần chúng ta có khởi đầu, chắc chắn sẽ có một đích đến, và còn gì tuyệt vời hơn nếu bạn biết bạn đã khởi đầu tốt chứ? Và dưới đây là 2 hình thức kết hợp phổ biến mà sách đã đề cập.
Kết hợp hình ảnh phổ biến
Kết hợp hình ảnh phổ biến

Kết luận

Như vậy là mình đã dạo một vòng qua cuốn sách tuyệt vời này. Nhưng chắc bạn cũng thấy được, chỉ đọc bài viết thôi thì không thể khiến bạn thực hiện thành công kỹ năng tư duy hình ảnh. Như phần mở đầu mình đã nói, bài viết sẽ rất tuyệt vời với những ai sẽ và đã nghiên cứu kỹ năng này. Còn đối với những người chỉ đọc bài viết và không tìm hiểu thêm thì mình xin thú thật, bài viết có lẽ sẽ không có tác động tích cực đến tư duy của bạn đâu. Nếu thấy kỹ năng tư duy hình ảnh là hữu ích thì hãy tìm hiểu thêm nhé, lựa chọn là ở bạn.
Như mọi khi, nếu bạn có góp ý gì về những chia sẻ của mình, đừng ngần ngại cho mình biết ở phần comment nhé, cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Be Share,
Cậu nhỏ it.