Chào sếp, em là Gamer.
Nếu như khi nghe nhắc đến game, suy nghĩ đầu tiên của bạn là cho rằng đó chỉ là một thứ giải trí gây phí phạm thời gian, hay tệ hơn là còn để lại những hệ luỵ xã hội khôn lường, thì chắc chắn bạn không phải là người duy nhất.
Nếu như khi nghe nhắc đến game, suy nghĩ đầu tiên của bạn là cho rằng đó chỉ là một thứ giải trí gây phí phạm thời gian, hay tệ hơn là còn để lại những hệ luỵ xã hội khôn lường, thì chắc chắn bạn không phải là người duy nhất. Rất nhiều người ở thế hệ trước cũng có cùng suy nghĩ với bạn.
Tuy nhiên, dù chúng ta có thích hay không, thì game ngày nay đã là một phần không thể thiếu trong quỹ thời gian của xấp xỉ 40% dân số toàn thế giới, và phần lớn nhất trong số đó đến từ châu Á.
Các doanh nghiệp có xu hướng bảo thủ thường tập trung xoáy sâu vào những vấn đề của người trẻ, rằng họ lười biếng, thái độ làm việc không chuyên nghiệp, và hay phí phạm thời gian vào những thứ vô bổ (như chơi game). Tất nhiên, dù là ở thế hệ nào đi chăng nữa thì người trẻ cũng luôn luôn có nhiều những khía cạnh mà họ cần phải cải thiện và tiến bộ hơn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, chúng ta cũng cần có một sự nhìn nhận thực tế hơn về vai trò của những thú chơi giải trí như game trong đời sống ngày nay. Để qua đó, chúng ta có thể hiểu và tận dụng chúng một cách hiệu quả, thay vì cứ mải mê đổ tại cho sự "yếu kém" của giới trẻ.
Game vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, dù bạn có nghĩ thế nào về chúng. Và nếu bạn có thể thay đổi cái nhìn về chúng, thì game thực ra sẽ vô cùng hữu ích với bạn. Cụ thể hơn, trong trường hợp này, là nếu như bạn là một nhà tuyển dụng.
Rồi OK. Thế game là gì?
Theo lời của tác giả, nhà nghiên cứu về game Jane McGonigal trong cuốn sách Reality is Broken, thì:
Game là một chuỗi những thử thách không cần thiết.
Không cần thiết ở đây có nghĩa là bạn không cần phải chơi game để có thể tồn tại. Tuy vậy, nó lại có sức mạnh lôi cuốn được đến 40% dân số toàn thế giới. Đó là một con số không hề nhỏ minh chứng cho khả năng và tầm ảnh hưởng của chúng.
Ngoài đời thực, những tình huống hay thử thách đưa ra thường không nhiều, không đều đặn, không rõ ràng minh bạch, hay thậm chí là không công bằng. Điều này sẽ dẫn đến việc không phải ai cũng có cơ hội để có thể thử nghiệm và thử sai. Đôi khi một lỗi sai nhỏ nhặt sẽ khiến chúng ta phải trả giá rất đắt, trong một thời gian rất dài. Và tệ hơn nữa, những trải nghiệm đó sẽ càng khiến ta chùn bước hơn và không dám đương đầu với thách thức mới.
Ở chiều ngược lại, bởi vì game là tập hợp những thử thách, nên chúng cũng chính là những tình huống giả lập để thử tài người chơi. Trong không gian thử thách của game, người chơi có thể thử nghiệm, khám phá, học tập và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm mà không cần phải lo lắng về thất bại hay mất mát.
Game được sinh ra cũng là để giải quyết một nhu cầu nguyên thuỷ nhất của loài người, đó là được học những điều mới và qua đó cải thiện bản thân. Thời xa xưa, khi mà hai người cổ đại nào đó quyết định thi xem ai là người chạy nhanh hơn hay săn bắt giỏi hơn, thì đó cũng chính là khi khái niệm game ra đời. Cho đến nay, tất cả các tựa game đều tiếp tục đóng góp vào dòng chảy tự nhiên này. Mỗi tựa game lại là một không gian mới, một bộ những quy tắc mới, để phục vụ nhu cầu được "học" của chúng ta.
Chính bản thân chúng cũng được thiết kế một cách vô cùng tỉ mỉ để tối ưu cho trải nghiệm học tập đó của người chơi. Một trong những ví dụ cổ điển nhất của bất cứ sinh viên ngành thiết kế game nào, đó là màn chơi đầu tiên trong tựa game Super Mario Bros ủa Nintendo, dưới bàn tay nhào nặn của nhà thiết kế game Shigeru Miyamoto. Dạo quanh các loại sách báo, truyền thông, diễn đàn về game, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều những bài phân tích về việc màn chơi này đã được thiết kế để người chơi có thể dễ dàng quan sát, thử-sai, và học được nhiều kiến thức về tựa game đó đến thế nào mà hầu như không hề cảm thấy phải tốn công tốn sức.
OK học cũng tốt thôi. Nhưng sao không học từ sách, học trên mạng?
Bản chất của game là tương tác. Không có tương tác, khái niệm game thậm chí không thể tồn tại. Trái ngược với những hình thức tự học khác như đọc sách, đọc tài liệu, xem video, học các khoá học online, vốn đều là hình thức học thụ động, thì game lại cung cấp một hình thức học chủ động. Chắc chắn một điều là không ai cần đến game để học được một kiến thức cụ thể. Thay vào đó, game dạy cho bạn bằng phương pháp tự nghiệm, thử-sai, để bạn có thể tự hình thành những khuôn mẫu (pattern) trong đầu và rút ra được kinh nghiệm.
Do vậy, những thứ mà game dạy được cho bạn sẽ là những kỹ năng mềm liên quan đến tư duy và thái độ. Đó có thể là tư duy hướng giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, khả năng chịu áp lực, khả năng tính toán dài hạn, khả năng lãnh đạo, v.v. Ngoài ra, nhờ vào lối thiết kế động lực thường thấy trong game, tức là gồm các nhiệm vụ ngắn hạn được trình bày rõ ràng trên giao diện, và những kế hoạch dài hạn về mặt cốt truyện trong tổng thể game, những người chơi game còn có năng lực phân biệt rạch ròi được giữa kế hoạch dài hạn và mục tiêu ngắn hạn. Điều này sẽ giúp cho họ có khả năng quản lý được động lực làm việc của bản thân mình một cách hiệu quả hơn. Chơi game cũng chính là để hiểu động lực của chính bản thân mình.
Thú vị thay, đây đều là những kỹ năng mềm quan trọng trong tuyển dụng nhân sự, nhưng thường lại rất khó để đánh giá. Điều này là vì không phải ai cũng có đủ thời gian, cơ hội và kinh nghiệm để trải qua nhiều các công việc và tình huống khác nhau trong công việc, cũng như cách để có thể phản ánh lại những năng lực của họ trong những tình huống đó một cách rõ ràng. Trong game ư? Tất cả những điều này đều được thể hiện ra hết, và rất rõ ràng.
Hơn nữa, trong giai đoạn dịch bệnh khó lường này, khi mà hầu hết các doanh nghiệp phải chuyển đổi sang mô hình work from home (làm việc từ xa tại nhà), thì những người chơi game đa phần sẽ có thêm một chút lợi thế về mặt nghi thức xã hội (social etiquette) trên mạng so với những người không chơi game. Họ sẽ nhanh chóng làm quen được với các công cụ giao tiếp online, dễ dàng xử lý những trục trặc kỹ thuật, hiểu được những cách trao đổi và làm việc thế nào là hiệu quả nhất, và tránh được những mâu thuẫn xã hội thường gặp khi làm việc online.
Kinh nghiệm chơi game trong CV. Tại sao không?
Với những lý do kể trên, thì việc các ứng viên đưa kinh nghiệm chơi game vào CV, hay là doanh nghiệp đưa vào trong quá trình tuyển dụng là hoàn toàn có khả năng giúp tạo ra ấn tượng đặc biệt, cũng như tạo ra giá trị thực cho cả hai phía.
Các doanh nghiệp nước ngoài ngày nay đã và đang dần dần thấu hiểu được giá trị của những trải nghiệm chơi game. Như trong một bài báo của Wall Street Journal năm 2019 có viết, rằng các doanh nghiệp mong muốn tìm được những ứng viên có khả năng thích nghi cao và dễ đào tạo. Những người chơi game rõ ràng là vô cùng phù hợp với những tiêu chí này, bởi mỗi khi họ chơi một tựa game mới và chơi nó sâu, thì cũng có nghĩa là họ đã được đào tạo với một bộ những quy tắc và kỹ năng mới hoàn toàn.
Tất nhiên, ứng viên cũng cần phải nói rõ hơn về kinh nghiệm chơi game của mình. Cụ thể hơn, họ cần cung cấp đầy đủ ngữ cảnh, câu chuyện hay tình huống cụ thể, và có bằng chứng thể hiện tại sao trải nghiệm chơi game của họ lại có giá trị. Trải nghiệm đó có thể là việc ứng viên đứng ra tổ chức và quản lý một cộng đồng online cho một tựa game. Có thể họ có khả năng tìm tòi, cập nhật thông tin, và viết những nội dung rất chất lượng về esports. Có thể họ tự đứng ra tổ chức một chương trình gặp gỡ offline hay một cuộc thi cho cộng đồng chơi game. Có thể họ quan tâm, đào sâu và nghiên cứu rất nhiều về chiến thuật để tìm ra META (Most Effective Tactic Available - Chiến thuật tối ưu hiện tại) trong tựa game đó, đủ để từ đó tự viết ra một bản hướng dẫn chi tiết và khoa học cho người chơi mới.
Một case study khá nổi tiếng ở nước ngoài, đó là về một anh chàng đam mê tựa game EVE Online. Đây là một tựa game phức tạp có tiếng, và nó đòi hỏi trình độ của người chơi rất cao. Quan trọng hơn cả là nó hội tụ đầy đủ những khía cạnh, những kỹ năng cần thiết trong việc kinh doanh ngoài thế giới thực: quản lý hệ thống nguồn cung, quản lý quan hệ đối tác, phân tích P&L, quản lý nhân sự, v.v. Anh chàng này thì đam mê và chơi giỏi đến mức tự xây dựng nên những bảng tính, bảng thống kê và các mô hình tài chính để tạo ra lợi nhuận trong game. Và cuối cùng, chính những kỹ năng mà anh ta thu về được từ tựa game này đã giúp anh ta xây dựng thành công tập đoàn Zentech Canada.
Ở chiều ngược lại, nhà tuyển dụng cũng cần phải có khả năng nắm bắt được những gì mà ứng viên nói đến về game, đặt ra những câu hỏi thách thức về năng lực cá nhân như đã nêu ở phần trên như khả năng phối hợp, giải quyết vấn đề, khả năng đưa ra quyết định, khả năng thay đổi góc nhìn, v.v. Chắc chắn là có rất nhiều những tựa game mà ở đó không yêu cầu quá nhiều kỹ năng gì khác từ người chơi, ngoài kỹ năng phản xạ tay và mắt. Và cũng chắc chắn là không phải ai chơi game cũng nghiêm túc suy nghĩ về nó và có mong muốn thu về được những giá trị thực từ nó.
Văn hoá doanh nghiệp
Chẳng nói đâu xa, đa số nhân sự tại công ty chúng tôi hiện nay đều là người chơi game, với đủ những hình thức và thể loại khác nhau. Game là một chất xúc tác vô cùng hiệu quả để phục vụ teambuilding, cả về mặt kết quả lẫn tối ưu về chi phí hơn so với những hình thức teambuilding khác. Trước khi có COVID, chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi "game night" để chơi board game hay để chơi các tựa game multiplayer cho các thành viên trong công ty. Đó là chưa kể đến những buổi trưa nắng, mọi người ngại ra đường đi ăn, và quyết định đặt đồ về văn phòng, và chơi game cùng nhau trong lúc chờ đợi. Đó là nơi mà mọi người có thể trò chuyện, tương tác với nhau một cách rất tự nhiên trong một môi trường thoải mái. Những lợi ích thu về từ những sự kết nối xã hội thông qua game chắc chắn là không hề nhỏ. Như một nghiên cứu năm 2019 bởi các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Brigham Young đã cho thấy rằng, những đội ngũ có các nhân sự chơi game chung với nhau thường có thể tăng đến 20 phần trăm hiệu suất làm việc.
Những lợi ích mà các nghiên cứu cũng như case study thực tiễn ở nước ngoài tuy không ít, nhưng chắc chắn những định kiến xoay quanh game sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng trước hết, tôi thực sự khuyến khích các cá nhân, dù là các ứng viên xin việc hay các quản lý nhân sự, hãy tạo cho game một cơ hội để nó ít nhất có thể giúp chính bạn được nổi bật hơn trên thị trường tuyển dụng.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hoá. Blog Game hoá chuyên đăng tải những nội dung chuyên sâu và thú vị về chủ đề Game hoá (Gamification).
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất