Câu hỏi: Tôi-là-ai?
"Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi". Tôi mượn câu của Hoài Thanh mở đầu "Thi nhân Việt Nam" để nói đôi điều. Ngày trước cầm cuốn...
"Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi".
Tôi mượn câu của Hoài Thanh mở đầu "Thi nhân Việt Nam" để nói đôi điều.
Ngày trước cầm cuốn "Thi nhân Việt Nam" đọc một lèo từ trang đầu tới cuối không nghĩ ngợi gì, tôi chỉ thấy nó liên quan đến phong trào Thơ mới, về cái cốt lõi của phong trào và của những người thi sĩ lãng mạn thời ấy. Nhưng đột nhiên, ai mà ngờ tới, câu mở đầu ấy lại liên quan đến điều mà tôi đang suy nghĩ những giây phút đầu tiên ngày hôm nay, về cái "tôi-là-ai".
Hồi hai ba năm trước ôn thi, tôi nhận được đề văn có bốn câu thơ. Giải đề xong thì hiểu đại ý nói tới nguồn gốc của văn chương có lẽ được bắt đầu từ việc con người tự nhận thức bản thân mình qua dòng chảy thời gian và trong suốt quá trình lịch sử. Từ khi con người biết đến sự tồn tại của mình trong một không thời gian nào đó, và nhận thức được mình là một chủ thể, là khi văn chương ra đời để lưu lại những sự thức nhận như thế cho tới mãi về sau. Nhưng cũng có thể rộng ra, đó không chỉ là nguồn gốc của riêng văn chương mà là nguồn gốc của toàn xã hội và của cuộc đời con người. Như thể cái sự nhận thức ấy là mở đầu cho khái niệm "con người" sau này.
Nhà triết gia, nhà toán học, nhà khoa học người Pháp René Descartes, người được xem là cha đẻ của triết học hiện đại vốn được biết đến với câu nói: "Tôi tư duy, nên tôi tồn tại" (Hay Tôi suy tưởng nên tôi hiện hữu). Cơ bản mà nói, Descartes hoài nghi và chứng nhận rằng ta có thể hoài nghi về mọi thứ xung quanh ta liệu có thật hay chỉ do ta tưởng tượng, không ngoại trừ việc hoài nghi về chính bản thân mình. Có lẽ ý niệm đó của Descartes vừa là một sự kế thừa của những vấn đề đặt ra trước đó liên quan đến sự thức nhận cá nhân và cũng là nền tảng của triết học phương Tây hiện đại tìm hiểu sâu hơn về sự tồn tại của con người.
"Tôi-là-ai" có lẽ là câu hỏi khởi nguyên mà cũng là câu hỏi bỏ ngỏ để con người ta mải miết cả cuộc đời đi tìm đáp án cho nó. Đã có những nhà triết học, nhà tâm lí học, nghệ sĩ, nhà văn, nhà khảo cổ học và những nhà khác nữa nghiên cứu những vấn đề khác nhau liên quan đến câu hỏi ấy. Mà chi tiết ra, đại khái có thể hiểu thành ba câu hỏi nhỏ hơn: Đâu mới là "bạn" của chính bạn? Bạn là "bạn" khi nào? và Khía cạnh nào của bạn là "bạn"? Khi nói đến điều này, đồng thời cũng có thể đề cập đến một quy luật khác nữa, là con người cũng như sự vật không thể tồn tại vĩnh viễn mà sẽ biến thiên theo thời gian. Cho nên việc xác định khái niệm "tôi" của mỗi người là không dễ dàng, trong sự thay đổi liên tục của bản thân con người ở mỗi thời điểm khác nhau. Và có lẽ sự khó khăn trong việc đó đã tạo giá trị cuộc đời của mỗi người. Như thể, ta khó có thể tìm ra hoàn toàn ta là ai và vị trí của ta ở đâu, nhưng lại có thể dần dần từng bước tìm hiểu sâu hơn về chính ta qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Những cái tôi ấy, sau cùng có thể đem lại một hệ thống nhận dạng "tôi" căn bản và gốc rễ nhất vào một thời điểm cuối của cuộc đời, rằng thực chất mình có tính cách gì, suy nghĩ ra sao và đặc điểm thế nào. Và hơn thế nữa còn chỉ ra sự vận động và thay đổi trong hệ tư tưởng, trong suy nghĩ của bản thân từ những tác động nội tại và từ những tác động bên ngoài. Người hiểu mình nhất, đi gần đến điểm chạm cái tôi của chính mình nhất, hẳn là một người đã sống một đời không hoang phí.
Những người trẻ tuổi, những người không phải trẻ con mà cũng còn chưa lớn, đa số là những người đang bắt đầu có dung hình rõ hơn về câu hỏi "Tôi-là-ai" cho bản thân. Ở tuổi 18, ta bắt đầu chật vật đi tìm lối đi cho mình, ta tìm một ngành để theo, ta tìm một trường để học và tìm một cách để sống. Ta đi nhiều bước lầm lỡ, đôi lần hạnh phúc vu vơ. Nhưng có lẽ hạnh phúc nhất là cảm giác "tôi tìm được một phần tôi rồi", "tôi đã hiểu tôi thêm một chút". Cứ như thể ta đã dấn thân vào và đã gần chiến thắng một phần chặng đường dài đời ta.
Đúng là "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất