Xin chào các bạn. Mình tốt nghiệp cấp ba đến nay vừa tròn hai năm. Cuộc sống hiện tại trên giảng đường đại học của mình cũng bình thường như bao người, không có gì oách lắm đâu. Thi thoảng mình vẫn thấy hơi nhớ cấp ba, nhớ thời học sinh, cũng có lắm lúc muốn lại được đi học như trước kia. Nhưng nói chung đấy chỉ là suy nghĩ nhất thời thôi.
 Hôm nay mình sẽ chia sẻ một chút về câu chuyện thi đại học ngày trước của mình, và sau hai năm ngồi miên man nghĩ lại mình rút ra được những điều gì cho bản thân. Nhân tiện mình cũng chia sẻ luôn một vài lời khuyên cho không chỉ các bạn khóa 2k2 đang chuẩn bị trải qua giai đoạn bước ngoặt, mà còn các bạn thuộc những khóa trở về sau nữa. Hy vọng câu chuyện của mình sẽ đem lại cho các bạn một chút cảm xúc nào đấy, và những lời khuyên sẽ có thể giúp ích phần nào chẳng hạn.
 Thi đại học, hay nói cho chuẩn thì là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nhỉ. Mà cái tên này năm nay cũng bị đổi rồi. Nhưng mà thôi, mình sẽ gọi là thi đại học cho tiện nhé. Thi đại học là câu chuyện được nhắc đi nhắc lại hàng năm, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trải bao đời thay đổi quy chế, hình thức, song thi đại học vẫn là một cái kỳ thi gì đó cực kì quan trọng ít nhất là đối với những học sinh nào có nhu cầu học tiếp. Kỳ thi đại học vừa là kì nghiệm thu kết quả 12 năm học tập của bản thân, cũng là lúc minh chứng khả năng của bản thân với gia đình, bạn bè, vân vân. Mặc dù luôn có hàng đống bất cập trong việc học, việc thi này nọ, những cái mình sẽ không đề cập trong bài viết này. Thì nói chung, đây là một kỳ thi tương đối công bằng và khách quan, và dĩ nhiên rồi, nó rất quan trọng.
 Trong đó, luôn có rất nhiều tình huống xảy ra với các học sinh trước khi, trong khi, và sau khi thi đại học. Có bạn thì không học gì đi thi, và dĩ nhiên rồi, trượt. Có bạn học hành chăm chỉ nhưng đi thi làm không được. Cũng có bạn học hành giỏi giang, chăm chỉ, đi thi đạt được kết quả xứng đáng, lên đại học tiếp tục phát huy (kiểu con nhà người ta ấy). Cũng có bạn thì thi đại học “tương đối thành công”, để rồi sau đó lên đại học tung hê, ngủ quên trên chiến thắng của mình. Câu chuyện của mình nằm đâu đó ở trường hợp cuối.
 Quay về năm 2017. Đợt ấy là cuối tháng 5, cuối năm học lớp 11 của mình. Hôm đó nhà trường có đưa đến bảng ghi danh chia ban để xếp lớp cho năm tới. Tức là mình có ba sự lựa chọn: tự nhiên, xã hội, và khối D. Lí do vì sao trường chia làm ba sự lựa chọn như thế thì mình cũng không hiểu lắm, chắc là nguyện vọng thi khối D đông quá nên xếp hẳn cho một lớp khối D. Hồi ấy mình đương không biết học cái gì, hay là thi cái gì. Nội cái chuyện chọn khối thi cũng đã đủ làm mình điên đầu chứ chưa nói gì đến việc lựa chọn ngành nghề, trường học trong tương lai. Thế là, một cách khá tự nhiên dựa theo bản năng, mình tích vào ban xã hội. Có hai lí do để mình làm việc này. Thứ nhất, mình cảm thấy việc học mấy môn xã hội với mình khá dễ dàng (nhờ vào khả năng học thuộc tốt), ngoài ra mình cũng thấy khá ưng hai môn lịch sử và địa lý. Thứ hai, mình không chọn tự nhiên ấy là vì nỗi sợ “hóa học”. Về toán, lý đối với mình thì không thành vấn đề, thậm chí khả năng trong 2 môn đó của mình khá tốt là đằng khác, sinh thì cũng chả sao lắm. Tiếng Anh mình cũng tạm được, có thể nói là đủ để thi. Nhưng nói đến hóa thì ôi thôi, dẹp phắt cái ý tưởng đấy đi. Rồi, vậy nên mình tích một cái to tướng vào ban xã hội và truyền tờ giấy đi. Và cái điểm buồn cười ở đây đấy là, lúc ấy mình chả biết mô tê gì về quy chế thi các thứ cả. Thậm chí mình không biết rằng mình có thể thi khối A1 (toán, lý, anh) còn hóa chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp là được (trên 1). Mình không hề biết mấy cái đấy, cho đến đầu năm học lớp 12.
 Năm học lớp 12 bắt đầu. Dựa trên những gì đã điền hồi cuối năm kia, mình được xếp vào lớp xã hội. Cái chuyện trớ trêu xảy đến ở đây ấy là lúc này mình mới quyết rằng mình muốn thi tổ hợp tự nhiên, khối A1 (thành quả của mấy ngày tìm hiểu, hỏi han đủ kiểu). Lí do cho cái nguyện vọng ấy cũng có hai lí do. Thứ nhất, mình không khoái môn văn (và sự thực là mình học văn khá tệ). Hồi đi học, cứ mỗi lần viết một bài văn nào đó xong thì mình đều đọc lại và nghĩ rằng bài viết của mình khá “bảnh”, đủ để ăn điểm cao. Nhưng không, lúc nào điểm văn của mình cũng chỉ rơi vào tầm 5-7, chưa bao giờ cao hơn. Mình không ớn văn như ớn hóa, nhưng nói chung mình không muốn ngữ văn trở thành một môn xét điểm đại học của mình. Lí do thứ hai, ấy là sau một thời gian, mình nhận ra rằng A1 là khối thi vừa vặn nhất với mình. Cả 3 môn trong tổ hợp này mình đều có sức học ở mức “khá” trở lên. Riêng hình học thì lúc ấy mình hơi bết, nhưng thôi mình nghĩ cái này ráng được. Dù sao nó cũng “chỉ chiếm 3.5” điểm của cả môn thi thôi mà. Thế là ngay ngày đầu năm lớp 12, mình trở thành một thằng lạc loài trong lớp học ban xã hội. Chính xác là “một trong những thằng”. Bởi vì khi nhìn lại mình thấy đâu đó cũng đến gần chục đứa thi tự nhiên giống như mình, coi bộ không phải ai cũng sáng suốt với quyết định hồi cuối năm lớp 11. Năm học 12 bắt đầu, và mình xác định được hướng đi đầu tiên, tổ hợp xét tuyển của mình, A1.
 Có thể nói là trong suốt ba năm cấp 3, thì phải đến mãi năm cuối mình mới thực sự chú tâm vào việc học trên lớp. Tất nhiên là vì cái kỳ thi kia đang đến gần, còn mình thì lại đang thiếu quá nhiều kiến thức. Thế là suốt năm học lớp 12, mình lao vào học tối mắt tối mũi. Ở trên lớp, ngoại trừ những giờ học môn mình thi, thì những giờ khác mình cố gắng “làm việc riêng” bằng việc làm bài tập toán, lý, anh các thứ. Giờ ra chơi mình cũng cố ngồi trong lớp nặn thêm vài câu. Về nhà, mình hầu như ngồi vào bàn học mọi lúc, buổi tối mình học đến chừng quá 12 giờ mới đi ngủ. Đấy là thời gian đầu thôi, chứ về sau hầu như mình ngồi đến 2, 3 giờ sáng. Có hôm thức hết đêm để làm xong một hai cái đề. Tất nhiên là làm như vậy chẳng lành mạnh tí nào, một người bình thường sẽ dễ dàng nhận ra điều đấy. Nhưng rất tiếc, lúc đấy mình không phải người bình thường và lành mạnh cho lắm.
 Cho đến bây giờ, dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến như nào, chẳng hạn như trước hôm thi nhưng không có chữ gì trong đầu, mình vẫn không tài nào ngồi học được như hồi trước. Có thể nói đó là một trải nghiệm khá phi thường của bản thân mình. Lúc đầu năm lớp 12, kiến thức mình bị hổng cực kì nhiều chỗ, hậu quả của những năm lớp 10 và 11 không chịu học hành tử tế. Nhưng đến tháng cuối cùng trước khi thi đại học. Mình đã bổ sung được hầu hết những gì còn thiếu, và khả năng giải đề, làm bài tập các thứ của mình đã được nâng cao đáng kể. Và từ một thằng bất cần, chẳng màng chuyện học hành mấy, mình đã trở thành một “máy cày” công suất lớn.

Đây là buổi tối hôm thi xong môn thi cuối cùng, đợt đó quyên góp được cả bao giấy vụn
 Và, để xem nào, lí do đâu mà mình thay đổi 360 độ một cách chóng vánh như vậy. Có khá nhiều lí do, và mình nghĩ mấy lí do đấy khá là chính đáng thôi, ít nhất là đối với mình. Trước tiên, và quan trọng nhất. Có lẽ đó là bạn gái của mình. Nghe hay chưa, không phải gia đình hay là tương lai gì hết mà là bạn gái đấy. Chuyện là tụi mình cũng mới quen nhau từ hồi mùa hè năm mình lớp 11. Nói thực là, phần nhiều nhờ vào bạn gái ở bên mà mình mới giữ vững được niềm tin, cũng như sự bền bỉ trong suốt năm học lớp 12 ấy. Thành thử hồi đó không có bạn gái, mình dám chắc rằng cuộc sống hiện tại đây của mình sẽ rất rất khác. Mặc dù đã chia tay với nhau cũng khá lâu (được gần một năm rồi), nhưng mình thừa nhận rằng bạn ấy là một trong những người có ảnh hưởng sâu sắc nhất trong cuộc đời mình, tính đến thời điểm hiện tại. Lí do thứ hai, đây mới là gia đình. Mình tin là những chuyện diễn ra trong suốt 12 năm học của mình có khá nhiều điểm đặc sắc, có nhiều nốt thăng trầm rõ rệt. Đây coi như cái đồ thị biểu diễn 12 năm học của mình:
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
 Và hơn ai hết, gia đình mình (gồm có bố mẹ và chị gái) là những người hiểu rõ nhất điều ấy. Mình đã để họ đặt kỳ vọng rất nhiều, để rồi thất vọng cũng nhiều. Kỳ thi đại học đây là lúc để mình đáp ứng lại những kỳ vọng của họ, cũng như củng cố hình ảnh của mình trong mắt gia đình đôi chút. Chứng kiến mình dốc sức nỗ lực trong suốt năm học ấy cũng đã khiến họ yên tâm, và cảm thông phần nào đối với mình. Hơn bất kì ai, gia đình luôn là những người ở bên cạnh mình trong mọi khoảnh khắc trong suốt chặng đường 12 năm học ấy. Lí do cuối cùng, đó là khi mình bắt đầu cái việc chăm chỉ ôn luyện, học hành kia thì mình nhận ra rằng những thứ ấy không quá nhàm chán như mình vẫn tưởng. Thậm chí mình thấy rất hứng thú với mấy chuyện đó. Riêng cái việc mỗi ngày giải được thêm một kiểu bài tập mới, học được thêm một nội dung mới cũng làm mình cảm thấy rất phấn khích. Việc học lúc này đối với mình không phải là thứ kiểu khó nhằn mà mình buộc phải làm nữa, mà nó đã trở thành một thứ khiến mình thực sự yêu thích. Giống như một đỉnh núi mà mình muốn chinh phục vậy. Đại khái là hồi đấy mình đã thực sự yêu thích việc học như vậy (dĩ nhiên là trừ hóa học ra rồi).
 Mọi chuyện nghe chừng khá ổn đúng không nào. Nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Bởi vì tính cho đến mãi cuối tháng 3 năm 2018. Là cái lúc mà phải điền hồ sơ các thứ ấy. Mình vẫn chỉ xác định được một phần duy nhất ấy là tổ hợp xét tuyển. Còn chuyện học ngành gì và nhắm vào trường nào thì mình vẫn chưa xác định được. Suốt hơn nửa năm rồi mình chỉ có học với cái ý nghĩ rằng “học đã rồi mấy cái kia tính sau”. Đó là một sai lầm lớn, hẳn thế đi rồi. Vậy là cuối tháng 3, lúc phải điền hồ sơ, mình mới cuống cuồng lên mạng tìm hiểu ngành nghề, trường đại học các thứ. Mình phải mất đâu đó mấy ngày, và một đêm trắng nghĩ ngợi miên man về cuộc đời thì mới chọn lấy được một ngành. Còn trường nào à, mình kệ, lại là diễn văn “để đó tính sau”. Coi như tạm thời mình đã xác định được khối thi, và ngành học, trường đại học sẽ là cái mình xác định sau khi có được điểm thi. Bùm, tháng 6 đến và kỳ thi ngày một gần. Mình vẫn cắm đầu học và không lo lắng nhiều quá. Có lẽ bài thi năm nay sẽ không khó lắm đâu.
  Và mình đã nhầm. Bạn nào thi vào năm 2018 chắc sẽ hiểu. Đề thi khó bắt ớn, nhất là môn toán. Hồi đấy mình làm đâu đó qua câu 3 chục một tí là khoanh lụi từa lưa rồi. Lúc làm bài quay sang nhìn mặt mấy đứa trong phòng thì răng như ì, đứa nào đứa nấy nghệt cả mặt ra, làm được độ hơn tiếng thì thấy ngồi chơi sạch rồi. Thi xong ngày đầu tiên mà sụt hết tinh thần.
Đây là khi nhìn vào đề thi toán mấy câu sau câu 30 (bút chì, bể cá, các thứ..)
 Mình vượt qua hai môn thi sau dễ dàng hơn chút so với toán. Lý mình làm không kịp giờ, mặt cuối cùng của tờ đề mình hầu như chưa kịp làm câu nào thì giám thị đi thu đề rồi. Mình cũng chẳng biết đường chép đề lại để tí qua thi hóa làm tiếp cơ. Thành ra đến lúc thi hóa với sinh thì mình khoanh lụi trong tầm đâu đó dăm mười phút rồi quay ra vẽ hươu vẽ vượn hết buổi. Anh văn thì mình làm vừa kịp giờ, tô xong câu cuối thì giám thị đi thu. Cũng khá may là bài đọc của mình không khó lắm, không trúng phải đề anh chó Henry gì gì đó mà mấy bạn thi khóa 2018 kêu la quá trời.
 Kết thúc bài thi cuối cùng, ra về thấy người nhẹ nhõm hẳn. Bạn nào phải trải qua cảm giác này mới thấy được nó sung sướng đến cỡ nào. Chẳng cần biết kết quả ra sao, đề thi thế nào nữa. Chỉ biết là mọi thứ đã xong. Mình đã vượt qua một kỳ thi khó nhằn, qua được một giai đoạn áp lực, căng thẳng. Hôm ấy mình phóng xe cái vèo về nhà thay đồ rồi chạy liền lên sân bóng, tâm hồn vui phơi phới.
 Rồi, câu chuyện thi đại học của mình đến đây coi như là kết thúc. 
 Những chuyện diễn ra sau đó gồm có nào là mình nhận kết quả thi vào một sáng đẹp trời. Mình cũng chẳng phải người đầu tiên biết điểm thi của chính mình cơ (đấy là bạn gái mình, vì sáng hôm đó mình dậy khá muộn). Sau đấy thì đến đợt sửa đổi nguyện vọng và mình quyết định thay đổi nguyện vọng 1, lựa chọn ngôi trường mà cũng chính là ngôi trường mình đang theo học hiện tại. Hiện mình đang học trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học quốc gia TPHCM. 
 Và để lí giải cho trường hợp mình đã đề cập đến ở đầu bài viết kia, cũng chính là những gì đã diễn ra với mình trong năm nhất đại học. Nào là hồi đấy mình đã bỏ bê việc học, sống và sinh hoạt thiếu lành mạnh, không có định hướng, mục tiêu rõ ràng. Và mình cũng chịu khó bổ sung những kĩ năng cho bản thân nữa cơ. Mình đã quá buông thả với cuộc sống trên đại học và đánh mất đi rất nhiều thứ (trong đó có thể kể đến bạn gái của mình, một trong những điều khiến mình vẫn còn rất hối hận). Đến cuối mùa hè năm nhất, mình mới ngỡ ngàng nhận ra, và thế là mình bắt đầu hành trình “thay đổi và tự giáo dục bản thân”. Chắc là hôm nào mình sẽ viết thêm một bài kể về hành trình này. 
 Thêm một điều nữa, đấy là câu chuyện về ngành học của mình. Như đã nói thì mình đưa ra quyết định lựa chọn ngành học chỉ trong vài hôm, và thậm chí mình còn chẳng bận tâm suy nghĩ nhiều về nó nữa. Để rồi hậu quả là bây giờ đây, sau khi học đại học được gần hai năm, mình mới biết được mình thực sự thích cái gì, muốn làm cái gì. Tuy vậy, nếu để trả lời cho câu hỏi rằng “nếu được lựa chọn lại, thì mình có làm vậy không?”, mình sẽ trả lời là không. Bởi vì, đối với mình, cuộc sống là một chuỗi những sự việc mà sự việc này lại nối tiếp sự việc kia. Nhờ cái này mà ta mới có cái kia. Và trải nghiệm, cũng như những gì đã học được trong suốt hai năm qua đối với mình khá đủ để bù lại phần nào hậu quả của việc chọn lựa sai lầm nọ. Chí ít mình vẫn tin tưởng rằng mình sẽ sớm tìm ra được hướng đi cho bản thân. Dưới đây là một số hình ảnh trong suốt hai năm đại học vừa qua của mình:
Một chuyến đi tình nguyện hồi năm nhất tại trung tâm khiếm thị Nhật Hồng (Q. Thủ Đức)
Mùa quân sự, trải nghiệm 29 ngày đáng nhớ cùng các đồng chí :v
Mùa hè xanh (mình hoạt động ở địa bàn trong thành phố thôi), đây là trường Nhân Việt
Cũng là mùa hè xanh nè, đây là trường THPT Nguyễn Khuyến (Quận 10)
Chuyến đi Đà Lạt cùng nhóm bạn hồi dịp xuân 2020
Hai năm đã trôi qua sau kỳ thi “quan trọng bậc nhất” kia của mình. Nhìn lại hành trình đã đi qua trong suốt hai năm, mình thực có nuối tiếc nhiều thứ, nhưng trong đó mình cũng rất vui với những gì mà bản thân đã được học và trải qua. Và đây là lúc mình đúc kết lại những bài học, kèm gợi ý một số lời khuyên cho các bạn không chỉ khóa 2k2 mà còn về sau nữa, thông qua câu chuyện mình đã kể, và những gì mình học được trong suốt hai năm. Mình biết năm nay việc “thi đại học” sẽ diễn ra trong rất nhiều hình thức, từ việc xét kết quả của kỳ thi tốt nghiệp, cho đến đánh giá năng lực, hoặc các trường tự ra đề. Nhưng dù thế nào, thì mình tin là những lời khuyên dưới đây có thể sẽ vẫn hữu ích đối với các bạn.
 Thứ nhất: hãy xác định mục đích của việc học
 Điều tối quan trọng nhưng không quá nhiều người làm, hoặc là cố tình không làm. Cũng giống như nhiều việc khác trong cuộc sống, đối với việc học, chúng ta cần xác định mục đích của mình đối với nó. Ta học để làm gì? Sự học có ích gì đối với ta? Có thì saokhông có thì sao? Sự học bao gồm những cái học nào?... Bằng việc tự trả lời các câu hỏi cho bản thân mình, các bạn học sinh, và thậm chí cả sinh viên nữa, sẽ hiểu được việc học có ý nghĩa gì với mình, từ đó ta mới biết được mình cần học những gì, hay là nên học những gì. 
Thứ hai: hãy sớm đưa ra các sự lựa chọn và quyết định
Như các bạn đã thấy trong câu chuyện mình chia sẻ ở trên. Bản thân mình đưa ra những quyết định rất, rất muộn. Đó là một điều bất lợi to lớn cho bản thân. Vì khi đưa ra quyết định trong sự gấp gáp, không suy tính kĩ như vậy nên rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm. Bên cạnh đó, việc không chịu tìm hiểu những thông tin cần thiết chính là một nhân tố quan trọng trong việc trì trệ đưa ra quyết định của mình. 
 Nếu đang còn là học sinh cấp 3, bạn thực sự nên bắt đầu tìm hiểu bản thân mình nhiều hơn. Hãy nên gắng sức tìm xem mình thích những gì, mình giỏi những gì, quan trọng hơn hết là đam mê của mình là gì?. Hiểu được bản thân mình thì bạn mới biết được đáp án cho những câu hỏi đó. Đừng ngồi than vãn, hay chỉ biết lao đầu vào học như mình mà không chịu tìm hiểu gì hết. Nội cái việc đưa ra quyết định sai lầm trong chuyện lựa chọn ngành nghề, trường học cũng có thể khiến bạn trả một cái giá cực đắt về sau đấy. Và đừng trông chờ ở nhà trường, hay những người khác sẽ định hướng cho bạn, soi sáng đường đi cho bạn. Không có đâu, chỉ có bạn mới đưa ra được quyết định tốt nhất cho mình mà thôi.
Thứ ba: không gì là không thể nếu biết nỗ lực, cố gắng
Trước kia mình cũng không hề nghĩ đến việc mình sẽ thi đậu đại học, hay thậm chí là đi học đại học. Vì những phức cảm tự ti quá lớn đối với bản thân. Cái sự xuống dốc trong suốt những năm cấp 2 và đầu cấp 3 đã sinh ra những thứ đấy. Mình đã không tin tưởng vào bản thân, cho rằng mình kém, học dốt, không làm gì được. Nhưng rồi sao chứ, biết chịu khó nỗ lực, cố gắng thì sẽ làm được thôi. Và nhất là trong chuyện thi cử này. Cái câu “học tài, thi phận” mà người ta hay rao giảng thì cũng có đúng một phần đấy, nhưng nó chẳng nhằm nhò gì với cái việc bạn đã thực sự nỗ lực hay chưa đâu. Và cũng đừng bao giờ để đến những tháng ngày cuối trước kì thi rồi mới lao đầu vào học, sau đó kết quả không tốt thì lại kêu là học tài thi phận.
Thứ tư: học đại học không phải là tất cả
Thi đậu đại học là một thành công “nho nhỏ” trong đời mỗi con người, đúng vậy. Học đại học là một trải nghiệm quý báu, và đáng giá đối với những ai có được, hẳn thế rồi. Nhưng nhìn chung, đó không phải tất cả. Ngay cả khi bạn không thi đậu, hay không học đại học, thì cũng đã sao chứ. Được học đại học hay không không quan trọng bằng việc bạn tự giáo dục bản thân như thế nào. Nói chung ấy thì, theo mình, việc học đại học cũng giống như việc đóng tàu bè, chuẩn bị các thứ cẩn thận trước khi ra khơi. Còn không học, ra đời luôn thì cũng tương tự với việc bạn lên thuyền và đi thẳng ra đại dương, mặc cho sóng đánh vào người vậy. Rồi rốt cuộc, ai sẽ là người thành công?. Như mình đã nói thôi, điều ấy tùy thuộc vào con người bạn. Học hay không học không quan trọng bằng chính bản thân bạn như thế nào. Còn chuyện ra khơi kia, thì như đã biết. Người có chuẩn bị thì sớm muộn cũng sẽ bị sóng đánh, chẳng qua là muộn hơn so với người kia mà thôi. Tuy vậy, người đó có một may mắn hơn đó là được chuẩn bị kỹ càng trước khi đi. Nhưng bù lại, đến cùng một thời điểm nào đó, người bị sóng đánh trước thường là người dày dặn và có nhiều kinh nghiệm hơn. Tóm lại, nếu đậu đại học, hãy coi đó là thành công nho nhỏ, và tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt những thành công tiếp theo. Đừng ngủ quên ở trên đó (như mình chẳng hạn). Còn không thi đậu, nói thực là sẽ có buồn. Nếu bạn nào đã định hướng không học ngay từ đầu thì khác, những bạn đó khá ít, tức là ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 bạn ấy đã định hướng được đường đi cho mình. Mình có một số người bạn sau khi tốt nghiệp cấp 3, các bạn ấy không đi học đại học mà thay vào đó là học nghề, đi làm luôn, lập gia đình. Và bây giờ ở độ tuổi 20, cuộc sống, sự nghiệp của họ đang phát triển rất tốt. Nói tóm lại là, bạn vẫn luôn có thể tìm ra hướng đi khác cho mình. Hãy suy nghĩ tích cực lên và một câu an ủi khá xưa đó là “mọi chuyện sẽ ổn thôi”.
Thứ năm: hãy vững tin
Một lời nhắn nhủ cuối cùng của mình, không chỉ ở mỗi chuyện thi đại học, mà còn ở nhiều việc khác trong cuộc sống nữa, hãy vững tin. Dù trong hoàn cảnh nào, cũng đừng đánh mất niềm tin của chính mình. Nói cách khác, bạn hãy nên sống tích cực lên. Mọi chuyện có thể sẽ trở nên rất tồi tệ trong ngày hôm nay, nhưng bạn biết đấy, chúng ta luôn có ngày mai. Ngày mai ở đây không phải là kiểu ngày mai trong định nghĩa của người trì hoãn. Mà là ngày mai đưa đến cho chúng ta hy vọng, rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Bản thân mình sẽ tốt hơn, làm được nhiều hơn trong ngày mai. 
 Mình có một người bạn trên đại học, bố mẹ bạn ấy ly thân từ sớm, bố bạn nuôi cả hai chị em, nhưng lại phải đi làm ăn xa, chỉ còn hai chị em ở nhà phải tự đùm bọc lấy nhau từ sớm. Hoàn cảnh gia đình bạn rất khó khăn. Bạn vừa phải học, vừa làm, ráng kiếm học bổng để trang trải học phí, đôi khi lo thêm cả cho em. Hồi mấy tháng trước bạn nhận được học bổng, và liền mua một chiếc điện thoại mới làm quà cho bố. Nom bạn rất hạnh phúc khi khoe với mình cái tin ấy. Thời gian đầu mới quen biết, mình đã nghĩ “con này điên điên thế nào ấy, cứ cười cười với nói năng ngớ nga ngớ ngẩn”. Nhưng sau khi được bạn chia sẻ câu chuyện của mình thì mình cảm thấy khá hối hận, và quả thực là, mình rất khâm phục bạn ấy. Trong mọi hoàn cảnh, bạn luôn giữ vững được sự lạc quan. Luôn nở được nụ cười rạng rỡ với mọi người. Vậy nên, các bạn à, hãy vững tin!.
 Lời kết
 Và đó cũng là tất cả những gì mình muốn chia sẻ trong bài viết này. Bài viết khá dài, mình thực lòng trân trọng cảm ơn những ai đã đọc được hết đến đây. Tất cả bài viết là câu chuyện mà mình đã trải qua, cũng như những bài học, và lời khuyên mình đúc kết từ đó để chia sẻ cùng với mọi người, dựa trên quan điểm cá nhân của mình. 
 Và mình sẽ rất vui nếu các bạn có thể chia sẻ câu chuyện của bạn với mình. Lời cuối cùng, xin chúc các bạn 2k2 sẽ thành công vượt qua được giai đoạn bước ngoặt khó khăn này!

Đọc thêm: