1. AI MỚI LÀ NGƯỜI CẦN “SELF-HELP”?
Trước tiên, chúng ta cần định nghĩa lại sách Self-help một chút.
Self-Help Book — còn gọi là “Sách Tự Lực”, được hiểu như là loại sách có ý nghĩa hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được viết trong sách.
Ở Việt Nam chắc không còn ai lạ với cuốn sách Self-help nổi tiếng mọi thời đại là: “Đắc Nhân Tâm”.
Nếu đã đọc cuốn này, chắc bạn đọc sẽ nhớ lời giới thiệu mở đầu của cuốn sách, tác giả Dale Carnegie đã chia sẻ về lý do tại sao cuốn sách này ra đời.
Đó là khi tác giả thất nghiệp, xin dạy ở một trung tâm về đào tạo kỹ năng sống cho chủ doanh nghiệp, rồi vô tình những bài chia sẻ của ông ấy được chú ý, thế là ông mới tập hợp nhiều bài chia sẻ lại thành một tập sách mỏng, rồi dần dần thành một cuốn sách dày hơn 300 trang như cuốn Đắc Nhân Tâm hiện nay.
Như vậy là ngay từ đầu, cuốn sách “Đắc Nhân Tâm” đó là cuốn “Self-help” cho chính tác giả, chứ không phải cho độc giả, bởi lẽ nhờ cuốn sách đó mà ông ấy trở lên nổi tiếng và có nguồn nhu nhập thụ động vô tận.
Ở Việt Nam, chúng ta có lẽ không lạ gì một hình thức khác của sách Self-help đó chính là những diễn giả truyền cảm hứng như “xxx và những người bạn” hay “đánh thức khả năng nghèo khó trong bạn”….
Nhiều người khi viết những cuốn sách Self-help đó, thực chất là họ đang mong ngóng cầu nguyện để có thể bán được càng nhiều sách càng tốt, để “người khác” có thể giúp họ!
Do đó, trước khi lựa một cuốn sách Self-help, trước hết hãy tự hỏi mình một câu: “Cuốn sách này đang giúp tôi hay giúp chính tác giả?” để có thể lựa chọn cho mình một cuốn sách tốt nhất. (Ví dụ như Rô Xì gì đó thì chắc bạn biết là ai-đang-giúp-ai rồi đúng không?)
2. SÁCH SELF — HELP KHÔNG CẦN ĐỌC NHIỀU
Nếu đã “cống” nhiều tiền vào sách Self-help giống như tôi thì chắc có lẽ bạn sẽ không lạ mô-tuyp của những sách dạng này.
Thực ra gọi là sách cũng không đúng lắm, chính xác hơn đó nên là những “câu chuyện” thành công, vượt khó mà hồi nhỏ bạn hay được xem trên báo Nhi Đồng mục “Người tốt việc tốt”.
Kịch bản chung của những câu chuyện này sẽ là:
1. A là một người bất hạnh (sung sướng thì càng tốt)
2. Sau khi trải qua biến cố xyz như phá sản/ thất nghiệp/ bồ đá/ hoặc gộp lại tất cả càng tốt
3. A phát hiện ra là mình phải làm cái abcd gì đó để thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng nhất quả đất này.
4. A quyết tâm làm bằng mọi giá nhưng thất bại liên tọi.
5. Vào một ngày đẹp giời, A phát hiện ra một công cụ thần thánh hay một ý tưởng vĩ đại
6. Lặp lại bước 3–5 vài chục lần.
7. Cuối cùng thì A cũng đã áp dụng thành công và viết lại câu chuyện chia sẻ cho các bạn.
8. Nếu các bạn muốn biết rõ hơn thì hãy đăng kí khóa học xyz để gặp “A và những người bạn” để “đánh thức khả năng nghèo khó” của bạn (Ở Việt Nam mình giờ đang nổi lên anh luật sư nửa mùa gì đó thì phải)
Và cuối cùng, công thức để thành công chung của những cuốn sách Self-help sẽ không có gì khác ngoài những bước sau đây:
1. Đặt mục tiêu
2. Viết nó ra giấy
3. Nghĩ về nó hàng ngày một cách TÍCH CỰC.
4. Quyết tâm thực hiện nó
Nếu không tin thì bạn cứ thử lôi bất kì cuốn sách self-help nào ra xem có đúng công thức là vậy không?
Nếu không thì cũng là những thứ-hiển-nhiên đã được truyền dạy từ đời này sang đời khác rồi: Đối xử tốt với mọi người/ hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác/ đừng làm điều xấu….
Chính vì thế, bạn không cần phải đọc lại cả tá sách self-help để được chứng minh đi chứng minh lại những công thức bất hủ đó đâu. Thay vì đó, chỉ cần đọc độ 3–4 cuốn là quá đủ rồi.
Có 3 cuốn tôi thực sự rất thích và đọc đi đọc lại rất nhiều lần đó là: “Đừng bao giờ đi ăn một mình” của Keith Ferrazzi, “Mặt dày — Tâm Đen” của Chin-ning Chu và “Nhà lãnh đạo không chức danh” của Robin Sharma.
Chỉ 3 cuốn này là quá đủ gia tài để bạn có thể thực sự thay đổi bản thân và không rơi vào chiếc “bẫy” thứ 3 mà các tác giả sách Self-help luôn cố giấu. Đó chính là:
3. KHÔNG CUỐN SÁCH SELF-HELP NÀO CÓ THỂ GIÚP ĐƯỢC BẠN NGOẠI TRỪ CHÍNH BẢN THÂN BẠN.
Khi các bạn tìm đến sách “Self-Help” tức là các bạn đã tìm đến lời khuyên để biết được đâu là điều đúng và đâu là điều sai.
Vậy khi các bạn đã được giải đáp về những điều đó rồi thì các bạn cần phải làm gì nữa?
Hành động chứ sao.
Tôi thấy khá buồn cười khi có nhiều người cứ mua hết cuốn sách self-help này đến cuốn sách truyền cảm hứng khác.
Mỗi khi đọc xong một cuốn sách truyền cảm hứng hay những cuốn sách Self-help “bình mới rượu cũ” là họ lại sôi sùng sục ý chí thay đổi, quyết tâm cao độ vô hạn chỉ muốn bắt tay vào ngay để giải cứu thế giới.
Thế nhưng tinh thần và ý chí đó nhanh chóng xẹp xuống như một quả bóng bay hết hơi chỉ sau một vài giờ đối diện với ông sếp khó tính hay cãi vã với đồng nghiệp.
Họ lại đi tìm những cuốn sách self-help khác, tìm những câu chuyện truyền cảm hứng khác để “người khác” thúc vào mông họ, giúp họ có ý chí và quyết tâm để làm việc.
Tôi gọi họ là những “con nghiện” self-help.
Thực ra chẳng ai có thể giúp được họ cả.
Những yếu tố ngoại lực luôn là như vậy, bạn có thể tạo ra những áp lực, niềm vui, động lực giả tạo để giúp bạn lúc đó, nhưng nó sẽ nhanh chóng tiêu tán.
Điều này giống với việc nghiện thuốc lá — điều đầu tiên của buổi sáng luôn là điếu ngon nhất.
Càng về sau bạn sẽ càng cảm thấy không đủ liều, bạn liên tục muốn hút nhiều hơn, dùng loại thuốc mạnh hơn.
Đó là lúc bạn phải “ngộ” ra chân lý này:
Thượng đế chỉ cứu người “tự cứu” mình!
Khi bạn đã tìm ra được lời giải cho bài toán của mình rồi, đừng chuyển sang cuốn sách self-help khác nữa. Bởi vì 1 hay 1000 cuốn self-help khác cũng chỉ cho bạn những lời khuyên chung chung mà thôi. Hãy nhớ rằng đó chỉ là những câu chuyện thành công và giúp bạn có thêm cảm hứng.
Có 1001 kỹ năng và bài học đằng sau mỗi câu chuyện đó mà bạn không được biết.
Thay vào đó, hãy chú ý đến những “Key words” mà tác giả đã đề cập trong sách.
Ví dụ, khi tác giả nói đến việc ông ấy đã thành công nhờ học kỹ năng thuyết trình hiệu quả.
Thì “Thuyết trình hiệu quả” chính là key word mà bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ càng.
Lúc này thì bạn đã tự cứu mình đúng nghĩa rồi đấy.
Bạn sẽ chuyển sang tìm tòi và đọc những dòng sách giúp bạn phát triển “kỹ năng chuyên môn”.
Bạn học được càng nhiều kỹ năng, bạn sẽ càng cảm thấy tự tin và có nhiều công cụ để thành công hơn.
Nó giống như một người lính khi ra chiến trường mà chỉ có một con dao và một chiến binh được trang bị full giáp, đồ chơi đến tận răng, bạn nghĩ ai sẽ tự tin hơn?
Ô nhưng mà nhiều bạn sẽ nói với tôi là: “Vấn đề là em không đủ quyết tâm để làm”.
Thế thì tôi sẽ tiết lộ cho bạn bí mật cuối cùng mà những tác giả sách Self-help không muốn bạn biết.
4. 2 TỪ BÍ MẬT KHÔNG ĐƯỢC NHẮC ĐẾN TRONG NHỮNG CUỐN SÁCH SELF-HELP.
Đây có thể coi là một từ khóa vô cùng quan trọng nhưng rất ít tác giả viết sách self-help dạy cho các bạn.
Không biết mục đích của họ là gì, có thể là họ “quên” hoặc cũng có thể là “cố tình”. Họ đã khéo léo dùng một “uyển ngữ” khác thay vì cố gắng để giải thích ngắn gọn và đơn giản nhất để tất cả độc giả có thể hiểu.
Đó chính là 2 từ: “Kỷ luật”.
Tôi thấy các tác giả self-help hay dùng những uyển ngữ như: “quyết tâm cao độ”; “khát khao cháy bỏng”; “đam mê mãnh liệt”….
Nhưng kỳ thực, để thành công, bạn chỉ cần duy nhất 2 từ: KỶ LUẬT mà thôi.
Không cần bất kì một cuốn sách self-help nào cả.
“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”
Còn gì có gì nguy hiểm bằng xông pha nơi chiến trường, mũi tên hòn đạn, cận kề với cái chết?
Khi bạn có được sự “Kỷ luật” — bạn sẽ tự biết phải làm những việc mà bạn cần phải làm, dù cho bạn có thích hay không.
Điều này cũng giống như việc một người nông dân phải nhổ cỏ, phun thuốc sâu vậy, người nông dân không thể lười biếng và mong chờ có người nào truyền cảm hứng cho họ để họ phải làm những việc đó.
Nếu họ không làm thì họ sẽ không có vụ mùa bội thu.
Đơn giản vậy thôi!
Tôi hi vọng, bài chia sẻ ngắn gọn này đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về sách self-help và cách sử dụng thế nào cho đúng.
Bạn có đồng ý với những quan điểm của tôi hay không?
Hãy cho tôi biết ý kiến của bạn ở phía dưới bình luận nhé.