Năm 2021 là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại văn hòa Fyodor Dostoevsky (11/11/1821-2021) và 140 năm ngày ông lìa cõi thế (09/02/1881-2021). Trong 60 năm cuộc đời, ông đã mất 9 tháng ngồi tù, 4 năm bị lưu đày, 5 năm phục vụ trong quân đội; chính thời gian đầy gian khổ này đã hun đúc nên một thiên tài văn chương thế giới mà trước đó, nhà phê bình nổi tiếng của Nga lúc bấy giờ, Vissarion Belinsky đã phải thốt lên: “Một Gogol mới đã xuất hiện”. Kể từ năm 1860, sau khi trải qua quãng đời kia, Dostoevsky bắt đầu bước vào thời đại hoàng kim trong sự nghiệp sáng tác của mình. Chính trong 21 năm cuối đời này, ông đã để lại cho thế giới năm kiệt tác văn chương: Bút ký dưới hầm (1864), Tội ác và Trừng phạt (1865), Kẻ khờ (1867), Lũ người quỷ ám (1871-1872), và Anh em nhà Karamazov (1880).
Là một người say mê F. Dostoevsky từ thời học đại học, và để kỷ niệm 200-140 năm ngày sinh-mất của ông, tôi mạo muội hệ thống lại một số ghi chép vụn vặt của mình thành những bài viết tương đối hoàn chỉnh. 
Với tôi, F. Dostoevsky không chỉ là một nhà văn, mà còn là một nhà tâm lý, một triết gia, một thần học gia đã mổ xẻ thành công hiện trạng xã hội Nga và con người Nga lúc bấy giờ. Điều ông viết còn vượt ra khỏi lãnh thổ nước Nga, vươn đến từng ngóc ngách hành tinh này: điều ông viết không chỉ là một chiếc gương phản chiếu lại, nhưng là một lời tiên báo về xã hội và về chính con người trong nhiều năm sau đó.
---

Căn bệnh nhân ái ‘nhị nguyên’ trong “Tội ác và Hình phạt”

Mạnh T. Nam
Trong khoảng 2 năm nay, có lẽ một trong những từ khóa ‘hot’ nhất trên Google hay bất kì không gian ảo nào, và trong cả thực tế, chính là “dịch bệnh”. “Dịch bệnh” như là một hạt nhân, phát sinh ra một ‘từ trường’; trong ‘từ trường’ ấy, ta tìm được hàng loạt các từ khóa khác, chẳng hạn như “đeo khẩu trang, phong tỏa, cách ly, giãn cách, vaccine, bài vaccine, hộ chiếu vaccine, v.v.” (trong ngữ học, đó được gọi là trường từ vựng). Nếu ta xét đến khía cạnh tâm lý xã hội của trường từ vựng này, ta có thể thu về hai dạng thức phản ứng cơ bản của con người trước các hiện tượng được kể đến trong trường ấy: hộ và bài. Hộ: anh sẽ dễ dàng, hay ít nhất là chịu làm theo những khuyến cáo y tế từ giới chuyên môn và chính quyền. Bài: anh sẽ không làm theo một hay tất cả các khuyến cáo y tế ấy, có thể phản đối hay bài xích. Tôi tự hỏi, vì sao người ta hộ, và vì sao người ta bài? Dĩ nhiên ta sẽ tìm được rất nhiều lý do để trả lời. Riêng với tôi, dù hộ hay bài, thì xuất phát điểm đều là nhân danh lòng nhân ái; và bạn cũng sẽ thấy: lập luận hộ hay bài cũng đều xoay quanh chuyện “vì người”.
Trong quyển “Tội ác và Hình phạt”, F. Dostoevsky từng nói đến một cơn dịch khuấy đảo cả thế giới:
“[…] Cả thế giới bị trời phạt phải làm mồi cho một nạn dịch khủng khiếp, chưa từng nghe, chưa từng thấy, từ trung tâm châu Á tràn sang châu Âu. […] Mọi người đều hoảng hốt lên, chẳng ai hiểu nhau. Ai nấy đều cho rằng chỉ có một mình mình nắm được chân lý, và nhìn những người khác mà đấm thùm thụp vào ngực khóc lóc vặn tay vào nhau.”[1]  
Nguyên nhân phát sinh cơn dịch ấy chính là từ những người tự nhận về mình quyền cầm cán cân công lý và tự hào là kẻ nắm vững chân lý. Họ đề ra thứ học thuyết riêng, và cho đó là đúng, là cấp tiến. Họ cũng có kế hoạch hành động riêng. Điểm thú vị là học thuyết của họ lại đặt nền trên một thứ nhân ái hơi lạ lẫm một chút, mà tôi gọi là nhân ái “nhị nguyên”[2]: một đàng vẫn khởi đi từ ước muốn tốt lành là xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân loại; đàng khác lại khởi đi từ ước muốn loại trừ những người gây nguy hại cho xã hội. Rồi ta sẽ thấy, nhân loại này, khi đang cùng nhau chống chọi đại dịch, lại hành xử với nhau theo lối nhân ái “nhị nguyên” ấy.

Hiện thực về lòng nhân ái “nhị nguyên”

Kiểu người sống lối nhân ái “nhị nguyên” được Dostoevsky khắc họa khá rõ nơi nhân vật Rodion Romanovich Raskolnikov. Chàng vốn là người giàu tình yêu thương, luôn sẵn sàng và quảng đại ra tay giúp đỡ người khác, dù cho hoàn cảnh của mình chẳng khá hơn ai. Anh coi khinh sự giàu sang, và khinh thường cả những kẻ giả dối và hãnh tiến, như Luzhin hay Alyona. Với trái tim đầy yêu thương ấy, cùng với lý tưởng nên giống Napoléon Bonaparte, anh lúc nào cũng muốn làm nên những việc vĩ đại để đem lại hạnh phúc cho người khác. Tuy nhiên, anh lại muốn thực hiện những điều ấy bằng chính sức lực của mình. Phẫn uất trước những bất công của xã hội, biểu trưng là gia cảnh “giàu nứt đố đổ vách” của mụ cầm đồ Alyona Ivanovna, anh bắt đầu lên kế hoạch dẹp trừ cái ác, đòi lại công bằng cho xã hội. Phương tiện anh chọn để thực hiện mục đích ấy là việc sát hại mụ cầm đồ. Sau hàng tháng trời suy tính kỹ lưỡng, cuối cùng, anh đã diệt được hiện thân của cái ác, là hai chị em nhà Ivanovna, nhưng rồi chính Raskolnikov, một chàng trai vốn lương thiện, lại trở thành một hiện thân khác của cái ác. Nhưng thế thân lần này của cái ác lại ẩn trong lớp vỏ xem ra như là điều thiện.
Raskolnikov sát hại mụ Ivanovna | Nguồn: Pinterest
Raskolnikov sát hại mụ Ivanovna | Nguồn: Pinterest
Một mặt anh luôn sống nhân ái với tha nhân, mặt khác, anh lại trở thành một kẻ sát nhân, kẻ hủy diệt lòng nhân ái. Anh tự khoác vào mình tấm áo choàng của người anh hùng “cứu thế”, nhưng rồi lại hành động theo kiểu của một tên thổ phỉ “sát thế”. Chính Raskolnikov biểu trưng cho những người luôn chủ trương sống theo lối nhân ái “nhị nguyên”: Vì lòng thiện, họ muốn tiêu diệt cái ác để nhân loại được hạnh phúc; nhưng họ lại dùng chính cái ác để diệt cái ác với động cơ là lòng nhân. Khi ấy, bản diện cá nhân của họ bị phân đôi. Họ đánh mất tính toàn vẹn của bản ngã, trong họ lúc đó chỉ tồn tại quỷ dữ[3].
Lối sống nhân ái “nhị nguyên” này là một thứ chủ nghĩa vị kỷ núp dưới bóng lợi ích của một nhóm người. Người ta nhân danh điều thiện cho một nhóm để thực hành điều ác với nhóm khác. Thứ lòng nhân ái giả hình này có xu hướng phân loại xã hội thành hai cực: cực “chúng tôi” luôn tốt và cực “những kẻ đó” luôn xấu. “Chúng tôi” là những người biết rõ nhân loại, và vì thế, “chúng tôi” có kế hoạch riêng để làm cho nhân loại này được phồn thịnh. “Chúng tôi” sẽ kiểm soát và quản lý mọi nguồn lực để thực hiện kế hoạch ấy. Và nếu “những kẻ đó” chống đối hoặc không hợp tác, “chúng tôi” sẽ quản thúc. Sở dĩ như thế là vì lối sống nhân ái “nhị nguyên” này vốn khởi đi từ thuyết siêu nhân, thúc đẩy con người tự xem mình là một hữu thể cao cấp hơn, có quyền sát hại hữu thể cấp thấp miễn thấy cần. Sự ngạo mạn ấy soán ngôi toàn năng và hằng hữu của Thượng Đế, và để cho chính bản thân mình ngồi lên đó, do đó cũng loại trừ cả đồng loại: “Giết chết Thượng Đế là giết chết con người”[4].  
Lối sống ấy tất yếu sẽ dẫn đến những kết quả tàn bạo. Các chủ thuyết nhân ái “nhị nguyên” như thế đều dẫn đến các cuộc thanh lọc muốn loại trừ những ai không thích hợp. Cuộc thanh lọc ấy được thể hiện rất rõ trong cách người ta hành xử trong đại dịch COVID-19. Người ta mượn danh nghĩa sự tự do để thực hiện việc thanh lọc ấy. Không ai được quyền bắt “chúng tôi” – những người không nhiễm bệnh – phải ở nhà, phải đeo khẩu trang; chỉ “những kẻ đó”, vì đã nhiễm bệnh, nên phải đeo khẩu trang và phải ở nhà. Vì lòng nhân ái, và khi nghĩ đến lợi ích chung, “chúng tôi”, những người vẫn luôn tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo y tế, sẵn sàng lên án, công kích và thanh lọc bất kỳ ai lây bệnh ra ngoài cộng đồng. Thật ra, kiểu phản ứng này không mới mẻ gì; chỉ khác là cách lí luận dường như nhẹ nhàng hơn, và không máu lạnh như kiểu của Đức Quốc Xã hay Soviet. Quả thế, nhân danh lòng nhân ái, và để xã hội được trở nên tốt đẹp hơn, Đức Quốc Xã đã ra tay tàn sát dân tộc Do Thái; và Soviet còn lập nên mô hình sinh ra Homo Sovieticus[5]. Ta còn thấy, cũng khởi đi từ động cơ nhân đạo, người ta sẵn sàng lên án nhau, và tự hào châm ngòi cho những xung đột chủng tộc và tôn giáo, chẳng hạn như những gì được gợi ra từ cụm từ “Đêm trường Trung cổ”.

Liều thuốc chữa trị lòng nhân ái “nhị nguyên”

Dostoevsky đã bắt mạch được căn bệnh nhân ái “nhị nguyên” trong xã hội Nga bấy giờ, và từng bước một phản ánh trung thực trong các tác phẩm của mình. Tuy vậy, các trang tiểu thuyết của ông không nhằm tô vẽ đậm nét “âm khí”, cho bằng “dương khí” của lòng người. Nghĩa là, đang khi vạch trần lối sống nhân ái “nhị nguyên” ấy, Dostoevsky lại chú tâm nhiều hơn đến việc tìm ra liều thuốc chữa trị cho chứng bệnh trầm kha này. Cách riêng trong “Tội ác và Hình phạt”, Dostoevsky đề xuất hai liều thuốc: Porfiry Petrovich và Sonya Semyonovna Marmeladov.
Porfiry Petrovich là viên cảnh sát phụ trách điều tra vụ án mạng do Raskolnikov gây ra. Dĩ nhiên, Porfiry đã điều tra ra chính Raskolnikov là thủ phạm. Tuy vậy, viên cảnh sát này đã không tra tay bắt tên sát nhân ngay. Trong quá trình tra án, cụ thể là qua ba lần gặp mặt và trò chuyện với Raskolnikov, Porfiry nhận ra được thiện tính nơi chàng sinh viên nghèo này. Anh không phải là một kẻ ác, anh vốn lương thiện, và vì thương người, muốn đòi lại công bằng, mà anh đã giết người. Chính thiện tính nơi kẻ sát nhân đã khiến Porfiry quyết định thuyết phục Raskolnikov đầu thú, hơn là chủ động bắt giam anh. Cũng sau ba lần đối thoại ấy, dù đã vận dụng mọi lí lẽ để biện minh cho lý tưởng của mình, thì cuối cùng, Raskolnikov bắt đầu nhận thấy tư tưởng “cứu thế” của anh bị lung lay. Nói cách khác, nhờ sự trân quý thiện tính Porfiry dành cho Raskolnikov, mà Raskolnikov phải bắt đầu xét lại lý tưởng của mình. Tuy Raskolnikov vẫn chưa thừa nhận hành vi gian ác và sự sai lầm trong lối sống nhân ái “nhị nguyên” của mình, nhưng Porfiry, biểu trưng cho việc tôn trọng phẩm giá tha nhân, là liều thuốc cần thiết.
Việc tôn trọng tha nhân đòi hỏi chúng ta tập sống khiêm nhường. Khiêm nhường là tôn trọng bản thân cách đúng đắn, là giải phóng bản thân khỏi việc ganh đua, so sánh mình với người khác, khỏi ảo tưởng về điều tôi có thể và không thể làm. Như vậy, khi không còn tự cho mình là kẻ “cứu thế”, là “siêu nhân”, ta mới có thể bỏ công tìm hiểu tha nhân, không vội kết án họ và can đảm vượt qua các khác biệt. Như Dostoevsky mô tả, khi ấy, con người mới bước vào cuộc đối thoại với nhau; con người sẽ không còn lối tư duy “chúng tôi” và “những kẻ đó” nữa, nhưng chỉ còn là “chúng ta” mà thôi. Sự khốn khổ khốn nạn của cơn dịch COVID-19 không chỉ là số ca tử vong ngày càng nhiều, mà hơn hết là việc người ta “mượn gió bẻ măng” để thanh lọc thế giới: họ thanh lọc người già, người nghèo, người vô gia cư, và những kẻ đối lập chính trị. Đứng trước thảm cảnh ấy, mọi người được nhắc nhở phải hành động sao cho xứng hợp, tùy hoàn cảnh sống của mình, để bảo vệ phẩm giá người khác và loại bỏ được những hình thức tinh vi của việc xem thường và loại trừ nhau. Đây là đòi hỏi của một lối sống lương thiện.
Sonya đọc cho Raskolnikov nghe đoạn Đức Giêsu cho anh Lazarô sống lại | Nguồn: Pinterest
Sonya đọc cho Raskolnikov nghe đoạn Đức Giêsu cho anh Lazarô sống lại | Nguồn: Pinterest
Nhưng với Dostoevsky, lương thiện như thế thôi thì vẫn chưa đủ để lối sống nhân ái “nhị nguyên” thật sự được xóa bỏ. Theo ông, lương thiện không đối lập với ác quỷ; diệt trừ được ác quỷ trong con người, đắc dụng nhất vẫn là sự thánh thiện, là sự lương thiện có chiều sâu tâm linh, sự lương thiện hướng thần, gắn kết với Thượng Đế. Nhân vật Sonya Marmeladov, một cô gái đáng thương, vì gia cảnh đưa đẩy, phải bán thân để nuôi sống gia đình, chính là lời xác quyết ấy. Mang trong mình tấm thẻ vàng làm gái điếm chuyên nghiệp, Sonya là kẻ đáng bị khinh rẻ nhất trong xã hội Nga bấy giờ. Người con gái ấy là mối tình của Raskolnikov, là người đầu tiên nghe Raskolnikov thú tội, là người chấp nhận đi theo Raskolnikov khi anh bị lưu đày đến Siberia, và là người đã giúp Raskolnikov hoán cải. Dù trong xã hội, Sonya biểu trưng cho hạng người thấp kém nhất, nhưng dưới ngòi bút của Dostoevsky, cô lại là người cao quý hơn cả, vì mặc cho kiếp phàm trần vô thường và vạn biến, cô vẫn luôn giữ được niềm tín thác sống động nơi Thiên Chúa của cô. Chính niềm xác tín ấy đã cho Sonya khả năng xót thương Raskolnikov và kiên trì xót thương đến cùng. Khi đi với anh đến Siberia, thứ duy nhất cô mang theo là quyển Phúc Âm. Cô đã nhiều lần đọc cho anh nghe đoạn Phúc Âm nói về sự sống lại của Lazaro: đó là niềm hy vọng của Sonya về khả năng hoán cải của Raskolnikov. Đây chính là sự thánh thiện mà Dostoevsky muốn nói đến: luôn đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, nơi Thượng Đế; và cuối cùng, lòng xác tín ấy đã chiến thắng lý tưởng “cứu thế” và đánh bại lối sống nhân ái “nhị nguyên”.
“Chàng khóc và ôm lấy chân nàng. […] Tình yêu đã làm cho họ sống lại, lòng người này chứa đựng những nguồn sống vô tận cho lòng người kia. […] Chàng đã sống lại, và chàng biết thế, chàng cảm thấy thế một cách trọn vẹn. […] Đến đây đã bắt đầu một quá trình khác, quá trình cải hóa dần dần của một con người, quá trình tái sinh của nó, quá trình chuyển dần từ một thế giới này sang một thế giới khác, làm quen với một hiện thực mới mẻ, từ trước đến nay chưa từng biết đến.”[6]
“Chàng khóc và ôm lấy chân nàng” | Nguồn: Pinterest
“Chàng khóc và ôm lấy chân nàng” | Nguồn: Pinterest
Như thế, Dostoevsky đề xuất cho chúng ta hai liều thuốc: tôn trọng phẩm giá con người và nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Thật ra, đây tuy hai nhưng chỉ là một. Để hiểu điều mà Dostoevsky đang diễn tả, thiết nghĩ ta cần phải xét qua đôi chút niềm tin tôn giáo của ông. Dostoevsky là một tín hữu Chính Thống giáo; và giống với các giáo phái Kitô khác, các tín hữu Chính Thống giáo tin rằng, yêu Chúa là yêu người và yêu người là yêu Chúa. Theo đó, tình yêu hướng thần và tình yêu hướng nhân sẽ nuôi dưỡng nhau và làm thăng hoa lẫn nhau. Nhân vật Sonya được xây dựng đúng theo niềm tin ấy, và chính tình yêu nhân-thần nơi cô đã giúp cô ở lại với những người khác biệt cô nhất – tôi muốn nói, Sonya, kẻ theo Kitô, ở lại với Raskolnikov, kẻ phản Kitô, kẻ khác biệt cô nhất – tôi cũng muốn nói, sự khác biệt lớn nhất giữa người với người, không phải là tri thức, tầng lớp, màu da, quan điểm chính trị, mà là niềm tin tôn giáo; mà đã chấp nhận được sự khác biệt lớn nhất này, con người dễ dàng đón nhận những khác biệt nhỏ hơn.
Niềm tin của Dostoevsky cách nào đó có thể là một thông điệp cho chúng ta, dù ta có tin vào Chúa của Dostoevsky hay không. Cuộc “đối đầu” giữa hai con người và chiến thắng sau cùng của người theo Kitô, tôi muốn nói rộng ra là người có chiều sâu tâm linh, cho thấy: Việc nhìn nhận sự hiện hữu của Thượng Đế – “lưới trời lồng lộng” – sẽ là hành động dứt khoát khai tử “ác căn”. Sự nhận thức ấy như một bầu sinh quyển, và trong bầu sinh quyển ấy, ta được hấp thụ những dưỡng chất giúp nuôi sống lòng nhân vốn là bản tính của ta. Trong bầu sinh quyển này, chẳng còn một cuộc thanh lọc xã hội nào, mà chỉ có một cuộc thanh tẩy duy nhất nhờ tình yêu.
Tội ác và Tình yêu | Nguồn: Pinterest
Tội ác và Tình yêu | Nguồn: Pinterest

Lời kết

Dostoevsky gọi những người như Sonya là những người có khả năng thanh tẩy thế giới nhờ tình yêu, tức “có nhiệm vụ khai thủy cho một giống người mới và một cuộc sống mới, tẩy uế và cải tạo quả đất” là những người “trong sạch và được Trời lựa chọn từ trước”. Nhưng ai mới là người trong sạch? Tôi không chắc câu trả lời chính xác sẽ là gì, nhưng tôi đoan chắc, kẻ tự nhận là trong sạch sẽ lại là kẻ ô uế. Như thế, hãy cứ sống khiêm nhường, tôn trọng và đón nhận tha nhân với mọi khác biệt nơi họ; và dĩ nhiên trong những lúc khó khăn như nhân loại hiện nay đang đối mặt với đại dịch COVID-19, ta mới có thể làm lan tỏa lòng nhân ái thực sự, chứ không phải thứ nhân ái “nhị nguyên”, trá ngụy và giả dối.
[1] F. Dostoevsky, Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo và Cao Xuân Phổ dịch, Nxb. Văn học, 2011, tr. 606-607.
[2] Trong bài viết, hạn từ “nhị nguyên” được dùng để mô tả một thứ nhân ái bị phân đôi trong chính động lực ban đầu: muốn cái tốt cho người khác và muốn loại trừ người khác; chứ đó không phải là một thuật ngữ triết học. xc. N. Berdyaev, Thế giới quan của Dostoevsky, Nguyễn Văn Trọng dịch, Nxb. Tri thức, 2017, chương IV.
[3] x. N. Berdyaev, Sđd, tr. 55.
[4] x. N. Berdyaev, Sđd, tr. 59.
[5] Homo Sovieticus, tức người Soviet, được phổ biến bởi nhà xã hội học Liên Xô, Aleksandr Zinovyev. Chính thể Soviet muốn tạo ra một dân tộc Soviet mới và tốt hơn – Người Soviet Mới – bằng cách ban hành nhiều chính sách. Cụm Homo Sovieticus hiện nay được dùng để mỉa mai các kết quả phản chiều từ các chính sách của Soviet, chẳng hạn như sự thờ ơ với kết quả công việc, thiếu sáng tạo và tránh hết mức việc chịu trách nhiệm cá nhân, không quan tâm lợi ích chung và ăn cắp vặt vì lợi riêng, bài ngoại, buộc phải chấp nhận những gì chính quyền ban hành, ham mê rượu bia.
[6] F. Doxtoevxki, Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo và Cao Xuân Phổ chuyển ngữ, Nxb. Văn học, 2011, tr. 609-611.
Bài viết từng được đăng trên FOXSTUDY