(Cảm nhận sách) Triệu Lăng - Ngày ba hóa những vì sao
Phải lâu lắm rồi tôi mới lại đắm mình trong văn chương thiếu nhi, một thời gian tôi lạc mình trong văn chương tuổi trưởng thành, tôi...
Phải lâu lắm rồi tôi mới lại đắm mình trong văn chương thiếu nhi, một thời gian tôi lạc mình trong văn chương tuổi trưởng thành, tôi gọi là tuổi trường thành vì không muốn dùng từ người lớn vì nghe nó quá đỗi nặng nề đi. Những chủ đề đao to búa lớn gồm tình dục và danh tính khiến tôi dần mệt mỏi và quên đi việc tận hưởng. Một duyên tình cờ, Triệu Lăng, cái tên thật xa lạ với tôi, ngoài ra tôi cũng không mấy mặn mà với văn học Trung Quốc, nhưng sự ngẫu hứng đã khiến tôi chọn quyển sách này.
Truyện nói về tuổi thơ của cậu bé Long Xuyên ở suối Xương Rồng, cùng những câu chuyện về gốc gác mọi thứ xung quanh với những lý giải đậm mùi cổ tích, những giấc mơ ngây ngô mà ta khó lòng gặp lại khi đã lớn, giọng văn của tác giả Triệu Lăng khiến tôi nghĩ tới truyện của Nguyễn Nhật Ánh, có lẽ tuổi thơ của những đứa trẻ nơi nào cũng giống nhau, không có biên giới phân biệt gì giữa cảm xúc, một đứa trẻ ở Trung Quốc cũng giống một đứa trẻ ở Việt Nam và có lẽ Âu Mỹ hay Châu Phi chắc cũng giống nhau, nếu không nói tới văn hóa thì sự hồn nhiên có là thứ thuần khiết quá đỗi ở mỗi con người.
Nhưng như một điềm báo từ tiêu đề Ngày ba hóa những vì sao, tựa đề nghe thật hay nhưng lại ẩn chứa một điều gì đó bất an và đúng là một bi kịch đã ập tới, ba cậu qua đời, tôi rất thích cách Triệu Lăng để bi kịch này ở giữa truyện vì bế tắc không phải là mục đích mà câu chuyện hướng tới. Nếu ở Nguyễn Nhật Ánh, sự chia xa là khoảnh khắc cuối cùng như một vết xước tuy có thể không đau nhưng khiến ta nhớ mãi, còn ở Triệu Lăng, tác giả đã để cho nhân vật gặp một “chấn thương” khi còn quá trẻ.
Tôi của ngày xưa hệt như con ấu trùng xấu xí, bây giờ đang lăn lộn thoát khỏi lớp vỏ nâu phai màu, biến thành một chú ve sầu biết bay, nhưng mãi không còn được bao bọc trong chiếc vỏ đất ấm áp nữa.
Đất, nơi mặt đất ấm áp gần như đã gắn liền với Long Xuyên và người dân suối Xương Rồng với công việc đào than, bố cậu cũng là một thợ mỏ lành nghề, những câu chuyện mẹ kể cũng gắn với vùng rừng núi xung quanh. Đất như bao bọc cậu bé, che chở cậu trước những hiểm nguy nhưng mặt đất cũng gắn với cái chết và sự an nghỉ, đất cũng là nơi bố cậu nằm xuống. Quãng thời gian sau, cả Long Xuyên và gia đình như chìm đi, lún sâu vào đất nhưng như con ve sầu phải vực mình tới với bầu trời, nỗi đau cũng dần nguôi ngoai từ nỗ lực của chính Long Xuyên, cậu giúp cho mẹ, em đối mặt với buồn đau và chấp nhận sự mất mát.
Tôi chợt nhớ tới truyện ngắn Araby của James Joyce, thời khắc cậu bé biết mình lạc lõng, có lẽ cậu bé ở trời Âu kia cũng giống với Long Xuyên khi cậu nhận ra khi bi kịch xảy ra, từ lúc đó cậu đã khác, mọi thứ giờ đây sẽ không còn như trước, niềm vui xưa mãi mãi không bao giờ trọn vẹn. Một sự vỡ mộng, khoảnh khắc trưởng thành, có lẽ bi kịch của Long Xuyên là cậu đã trưởng thành trong vô thức dù rằng trong hành động của cậu vẫn còn dáng dấp sự vô tư. Hẳn là cậu đau buồn nhưng cách cậu hành xử mới là thứ khẳng định sự trưởng thành, tạm gác nỗi đau của chính mình, cậu bảo vệ em trước tin buồn và giúp người mẹ lấy lại tâm trí khi bà gần như mất hồn, chỉ khi hai người họ chấp nhận mọi chuyện đã là, nỗi đau của riêng cậu mới bộc phát và chấp nhận mọi chuyện. Mình mừng rằng Triệu Lăng đã không kể một câu chuyện cổ tích mà là một câu chuyện hiện thực, không có phép lạ gì xảy ra cả, không cuộc phiêu lưu tìm kiếm thuốc thần hay câu thần chú cứu người khỏi cửa tử, chỉ có những con người học cách chấp nhận, và có lẽ đó là phép màu duy nhất, thứ phép màu do chính con người tạo ta.
Ngày ba hóa những vì sao dẫn dắt ta bằng những câu chuyện cổ tích nhưng không có cổ tích nào diễn ra cả, tất cả chỉ thuần hiện thực và những con người sinh sống trong dòng chảy của thiên nhiên với tất cả sự tự tế họ có thể trao nhau.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất