“ngày anh rời thành phố
mắt đêm sáng âm thầm”
Khi nói về Cái tôi, có người không hình dung được cụ thể nó là gì, có người thì nghĩ nó là “hình ảnh của mình gây dựng trong các mối quan hệ của đời sống”, có người thì viết được cả quyển sách như “Tôi là ai, và nếu vậy thì bao nhiêu” :)

Đó là những cách tiếp cận mang tính “đầu óc”, dùng trí năng để suy xét hay tiếp thu từ sách vở. Bây giờ, ta hãy thử một cách tiếp cận mới.
I. Trải nghiệm một mình trong tĩnh lặng
Nhờ mọi người tìm một khoảng thời gian chắc chắn không bị quấy rầy bởi ai, sau đó tìm một phòng riêng yên tĩnh, đi vào phòng đó 1 mình, khoá cửa lại, tắt điện thoại, đóng cửa sổ nếu có (để hạn chế tiếng ồn), tắt hoặc ngắt mọi thiết bị điện tử trong phòng. Sau đó chọn một góc ít có đồ vật nhất, ngồi xuống ghế hoặc ngồi xếp bằng thật vững. Nếu mở mắt thì đảm bảo mắt nhìn xuống sàn trước mặt mình quãng 50-60 cm, đảm bảo trong tầm nhìn của mình ko có đồ vật gì đặc biệt (chỉ có cái sàn nhà), nếu nhắm mắt thì thôi. Ngồi yên giữ nguyên tư thế như vậy trong vòng 3 phút (có thể dùng timer để bấm giờ), tuyệt đối không làm gì hết trừ việc ngồi :) . Bao giờ làm xong thì các bạn thử tự trả lời vài câu hỏi về trải nghiệm “3 phút ngồi yên ko làm gì, chỉ ngồi yên lặng một chỗ” ấy như sau:
  • Xét tổng thể, đó là một trải nghiệm khó chịu? dễ chịu? hay bình thường? Nếu là môt trải nghiệm khó chịu, nó khó chịu đến mức nào? Bạn nghĩ mình có thể kéo dài trải nghiệm này từ 3 phút lên 30 phút hoặc hơn nữa không?
  • Trong lúc ngồi như thế bạn thấy trong đầu mình có nổi lên suy nghĩ gì không? Nếu có thì suy nghĩ trong đầu nổi lên nhiều hay ít? suy nghĩ nổi lên liên tục , dồn dập hay ngắt quãng thưa thớt?

Bây giờ, nếu trải nghiệm “3 phút ngồi yên ko làm gì” với bạn hoàn toàn dễ chịu hay hoàn toàn bình thường, đồng thời trong trải nghiệm bạn không thấy trong tâm trí mình nổi lên suy nghĩ gì, cơ thể và tâm trí của bạn được hoàn toàn thả lỏng, trống rỗng thì bạn có thể dừng lại và không cần đọc tiếp nữa. Trong trường hợp này, có khả năng bạn ở vào quãng 20% nhân loại không có các suy nghĩ  tự động nổi lên.
Còn nếu giống 80% mọi người còn lại, chắc chắn các suy nghĩ sẽ nổi lên, ít hay nhiều: bạn sẽ nghĩ về gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, các kế hoạch trong cuộc sống. … Trong điều kiện trải nghiệm “3 phút ngồi yên ko làm gì”, cho dù ta ở 1 mình trong phòng ko có thiết bị điện tử, ko bị quấy rầy và ko làm gì cả, ko tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài qua các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi … nhưng những suy nghĩ trong đầu vẫn tự động nổi lên. 

Các suy nghĩ tự nổi lên sẽ lấy dữ liệu từ đâu? Rõ ràng là từ ký ức. Bản thân ký ức là một nguồn kích thích, nhất là những ký ức ta chưa giải đáp được một cách thoả mãn trọn vẹn: ta suy nghĩ một câu nói của ai đó có thể có ý đồ gì?, suy nghĩ xem tại sao sự việc lại đã xẩy ra như vậy mà không phải khác đi ? Thế rồi ký ức về các dự định, về to-do-list của ta….
Các suy nghĩ tự động này là đầu mối, là nơi cung cấp cho ta những cảm nhận trực tiếp đầu tiên rằng trong ta có 1 thứ gì đó tự động diễn tiến không cần sự can thiệp của ta. Muốn tìm hiểu rõ hơn về thứ này, hãy suy xét về bản thân các suy nghĩ tự động.
II. Suy nghĩ và hệ thống khái niệm
Suy nghĩ thì muôn hình vạn trạng, nó diễn ra cả ngày và có thể đi từ quá khứ đến tương lai, từ trái đất đến mặt trăng rồi vòng lại, từ chuyện trước mắt đến những chuyện tưởng tượng. Thử quan sát suy nghĩ của bản thân bạn và tìm một mẫu số chung, một khuôn mẫu chung xem? Bạn sẽ thấy rất khó có câu trả lời.
Thế nhưng, nếu ta lùi lại một chút, sẽ có 1 cách tiếp cận rất đơn giản: Mọi suy nghĩ đều dùng đến khái niệm và hơn 90% các khái niệm dùng trong suy nghĩ là các khái niệm dạng ngôn từ. Suy nghĩ muôn hình vạn trạng, nhưng ta sẽ ko thể suy nghĩ nếu không dùng các khái niệm, nếu trong ta không có hệ thống các khái niệm.
Để đi tiếp, thử suy xét về các khái niệm và ở đây tôi sẽ giới thiệu quan điểm cá nhân của mình về các đặc tính của khái niệm.

Xuất phát từ bản chất nhị nguyên của khái niệm: có Nó ắt có Không Phải Nó; tất cả khái niệm đều đi kèm một sự phân chia giữa nội hàm và ngoại diên (của bản thân khái niệm ấy. Mà bất kỳ ở đâu có sự phân chia thì ở đó có tính tương đối. Tương đối là đặc tính thứ nhất của khái niệm.
Khi ta nói “tôi 40 tuổi”, cái khái niệm “40 tuổi” ấy chỉ là tương đối. Khi ta nói “mặt trời bây giờ” thực ra đó chỉ là hình ảnh mặt trời khoảng 8 phút trước đây (8 phút là khoảng thời gian cần để ánh sáng đi từ mặt trời đến trái đất), khi nói “đỉnh everest cao 8848 m so với mực nước biển”, cái “mực nước biển” ấy chỉ là trừu tượng, quy ước và vì thế con số kia cũng chỉ là tương đối. Nếu tất cả các phép đo đều có sai số, thì hầu hết mọi khái niệm đều chỉ chính xác một cách tương đối, các khái niệm đều chỉ dựa trên một sự phân chia tương đối. Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình rằng cuộc sống là một thể thống nhất, mọi sự phân chia cuộc sống thành các mảnh ghép khái niệm do đó đều tương đối. Cũng vì thế, suy nghĩ dùng đến khái niệm cũng giống như một trò chơi ghép hình với các mảnh ghép khái niệm vốn tự chúng khá là superficial (đơn giản hoá sơ sài, chỉ mang tính hời hợt bề mặt …)
Thứ hai, hãy xét một khái niệm bất kỳ, như tôi đã từng phân tích, không có khái niệm nào có tính tự thân, tự tồn tại bởi nó và cho riêng nó. Mọi khái niệm đều phải được giải thích bằng các khái niệm khác. Đây là tính tương thuộc, hay phụ thuộc lẫn nhau của các khái niệm. Nếu như trong triết học Marx có 1 nguyên lý gọi là mối liên hệ phổ biến, thế giới của các khái niệm cũng tuân thủ cùng một nguyên tắc như vậy. Không có khái niệm nào tồn tại độc lâp, mà một khái niệm luôn tồn tại trong sự phụ thuộc vào các khái niệm khác.

Cuối cùng, hệ thống khái niệm tương đối và tương thuộc ấy, cho dù rất phức tạp nhưng ở góc độ một cá nhân, nó có lịch sử phát triển của nó. Hệ thống khái niệm ở một người lớn cực kỳ phức tạp nhưng hãy nhớ nó từng phát triển từ những nền tảng đơn giản hơn nhiều. Những khái niệm nền tảng cho hệ thống ấy xuất hiện từ hồi chúng ta còn bé tẹo, trước cả khi ta biết nói. Và nếu lần ngược lại nữa trong lịch sử của một cá nhân, cả hệ thống xuất phát từ chỉ một cặp khái niệm duy nhất ban đầu. Cặp khái niệm đầu tiên xuất hiện trong đầu một cá nhân là gì? Là Tôi và Ko Phải Tôi :). Với tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các khái niệm, Khái niệm Cái tôi, do đó trở thành khái niệm nền tảng mà về sau mọi khác niệm khác đều được lắp vào hệ thống theo ở một vị trí tương đối so với “Cái tôi”. Nói nôm na, mọi khái niệm trong đầu bạn đều ngầm chứa một mối quan hệ, đều được ngầm diễn giải thông qua khái niệm “Cái tôi”. Ở chiều ngược lại, “Cái tôi” cũng không ngừng tiến hoá qua mỗi trải nghiệm, mỗi mối quan hệ mới mang tính người-người hay người-vật. Mỗi khái niệm mới xuất hiện, “Cái tôi” lại tự điều chỉnh để phản ánh khái niệm mới ấy.
Đến đây, xin tóm tắt lại mấy đặc điểm trên:
  • Hầu hết mọi khái niệm đều tương đối/ quy ước
  • Mọi khái niệm đều tương thuộc (phụ thuộc lẫn nhau)
  • Mọi khái niệm trong đầu bạn đều phụ thuộc vào "Cái tôi", tức là quy ngã (được giải thích theo bản ngã cá nhân)

III. Suy nghĩ và Cái tôi
Như trên đã nói, các suy nghĩ xuất hiện tự động trong đầu bạn. Nói nôm na trong đầu chúng ta có một thứ giống như một cái ti vi tự động phát hết chương trình này đến chương trình khác. Cái ti vi này có một đặc điểm là gần như tất cả các chương trình nó phát đều có xuất hiện một nhân vật chính: Cái tôi.
Tôi sẽ không đưa ra định nghĩa Cái tôi là gì một cách hàn lâm, nhưng tôi biết Cái tôi đặt dấu ấn của nó trong từng suy nghĩ tự động, trong từng giấc mơ… Có thể chính Cái tôi là thứ điều khiển những chương trình suy nghĩ tự động ấy. Bất cứ một phát ngôn mang tính định danh: "tôi là (bạn/ chồng/ đồng nghiệp/ runner …)" đều là một khuôn mặt của Cái tôi. Bất cứ một phát biểu mang tính liên hệ: "tôi thích/ không thích ăn nhạt/ đá bóng …." đều xác lập quan điểm  của Cái tôi. Bất cứ một sự phán xét đúng sai: "tôi thấy như thế là không được/ rất hay …." đều là lập  trường của Cái tôi. Bất cứ cảm xúc "tôi buồn, tôi giận, tôi vui …." đều là một sắc thái của Cái tôi. Bất cứ suy nghĩ: "tôi thấy tôi giỏi/ dở ở việc …., tôi muốn tôi giỏi lĩnh vực …." đều là những trăn trở hay kế hoạch của Cái tôi. Bất cứ khi nào bạn nào trở nên thích thú/ mong muốn hay chán ghét/ trốn tránh một người, một câu nói, một trò chơi, một ván cờ …. , suy nghĩ và quan điểm của bạn đều bị nhuốm mầu bởi Cái tôi. 

Đằng sau mọi tích lũy, đó đều là bản ngã

Ta có thể nghỉ ngơi cơ thể khi ta muốn. Ta đi, chạy hay ngủ khi ta muốn, nhưng ta lại không thể ra lệnh cho cái ti vi trong đầu ta tắt, bật, hay chuyển kênh khi ta muốn. Khi ta muốn dừng suy nghĩ lại, nó tiếp tục bật. Ta muốn mình sẽ thật bình tĩnh và không giận dữ trong một cuộc nói chuyện nhưng rốt cuộc ta vẫn nổi khùng và những gì còn lại sau đó chỉ là những cảm xúc hối hận và bất lực. Cái ti vi trong đầu ta dường như tự quyết định nó sẽ bật phim lãng mạn, phim hài hước hay phim bạo lực.

Như đã được quan sát, đặc tính cố hữu của Cái tôi là “không ngừng tìm kiếm từ bên ngoài” bất cứ thứ gì có thể lấp đầy bản thân nó. Việc cái ti vi trong đầu óc chúng ta luôn ở trạng thái bật ấy gần như là tất yếu.
Một đặc tính cố hữu nữa của Cái tôi là tính tự động hoá cao. Mỗi lời nói, hành động, suy nghĩ theo thói quen đều phản ánh các kinh nghiệm và các phản ứng lặp lại được tích luỹ và mã hoá sâu trong bản  ngã.
  • Cái tôi không ngừng tìm kiếm. Sự tìm kiếm không ngừng nghỉ này biểu hiện thành các suy nghĩ "không thể tắt" ở trong tâm trí.
  • Mọi suy nghĩ đều dựa vào các khái niệm, hệ thống khái niệm, hệ thống ngôn từ
  • Cái tôi thường biểu hiện ra thành các suy nghĩ/ lời nói/ hành động lặp lại dưới dạng các thói quen tự động

IV. Cái tôi và việc luyện tập tâm trí
Từ vài năm trở lại đây, có lẽ do chịu ảnh hưởng từ các triết gia mình đọc, tôi trở nên quan tâm tìm hiểu về con người. Một con người muốn tìm hiểu về con người, có thể đó cũng là điều bình thường.
Con người có phần cơ thể và phần tâm trí. Nếu như có rất nhiều người quan tâm và có rất nhiều  phương pháp khác nhau để nâng cao các phẩm chất của cơ thể như điền kinh, aerobic, thể hình, yoga …., thì cũng tương tự như vậy, sự thực là cũng có nhiều người quan tâm và có nhiều phương pháp khác nhau để nâng cao các phẩm chất của tâm trí (sự bình an nội tâm, sự tự do ý chí, sự vị tha/ bác ái, tính bao dung rộng lượng)  ….. Trong phần này tôi thử đưa ra vài xem xét đơn giản một vài loại kỹ thuật tâm trí.
Có một điều về các kỹ thuật luyện tập (cơ thể hay tâm trí) là cho dù hứa hẹn, tự chúng không đảm bảo chúng ta chắc chắn sẽ đạt được kết quả. Tỉ dụ chuyện tập yoga chẳng hạn. Cùng là tập yoga, có người thì khoẻ lên, có người ngược lại bị chấn thương và yếu đi :). Lại có người ko làm sao nhưng cũng chẳng thu được kết quả gì và bỏ tập. Bây giờ lại giả sử người tập giỏi muốn hướng dẫn yoga thêm cho những người khác, hoặc người tập dở không bỏ tập mà vẫn muốn tập tiếp. Điều hai người này cần làm sẽ không phải là “tập”, mà là tìm hiểu lại các kiến thức, các triết lý làm cơ sở nền tảng cho bộ môn yoga. Đây cũng là một điều mà nhiều người hay bỏ qua:  Trước khi quyết định lao vào tập luyện thật sự chăm chỉ, tốt hơn là ta bỏ ít thời gian tìm hiểu nguồn gốc, đặc điểm, tính phù hợp với các loại người khác nhau của phương pháp mà ta định dùng.  Trước khi dùng, hay thử hiểu :)

Đó cũng là điều chúng ta nên làm trước khi thử các kỹ thuật luyện tập tâm trí. Chúng ta nên tự quan sát và tìm hiểu trước tâm trí của mình, tự quan sát mật độ khái niệm trong đầu mình, tự chiêm nghiệm về tính quy ước/ quy ngã của khái niệm (đã được giới thiệu ở phần trên bài viết này …), tự tìm hiểu một chút về Cái tôi ….
Từ góc độ cá nhân, trên tinh thần “hiểu” trước khi “tập”, sau đây tôi xin thử đưa ra một vài ý tưởng. Ở phần này, mời bạn đọc thử hình dung Cái tôi là 1 cái ti vi trong đầu ta suốt ngày tự bật các chương trình xoay quanh 1 nhân vật chính. Như thế, trong trường hợp cái ti vi nổi loạn khiến ta đau đầu, mất ngủ, trầm cảm…., ta có thể làm gì? Đi từ các đặc điểm của cái ti vi này thì về lý thuyết ta có thể:
  • Cái ti vi này không ngừng hướng ra ngoài và tự động tìm kiếm kích thích từ bên ngoài -->  ta có thể tập thói quen hướng nội, các thói quen hướng vào trong, tự tìm kiếm trong nội tâm để hạn chế bớt nó
  • Cái ti vi này là không thể tắt  --> hiểu và chấp nhận điều này, ngoài ra chẳng thể có kỹ thuật gì ở đây được cả
  • Một nguồn năng lượng chủ chốt cho cái ti vi này là các khái niệm, ngôn từ --> ta có thể tập kỹ thuật tắt tiếng để hạn chế lúc nó nổi loạn: bất kỳ câu chuyện nào diễn ra trong đầu ta, cứ theo dõi nhưng hình dung rằng mọi nhân vật trong đó dù mấp máy miệng liên tục nhưng ko có âm thanh nào thốt ra hết. Ta tập mute nó lại, tắt tiếng cái ti vi ấy đi. Thế giới của tâm trí trở thành những cuộn phim câm, những chương trình câm và bỗng dưng ta thấy nhẹ nhàng, thanh thản
  • Các chương trình ti vi hay phát đi phát lại một số chương trình quen thuộc --> ta có thể tập kỹ thuật chủ động chậm lại, chùng lại: Chủ động, đi chậm hơn, nhìn kỹ hơn,  hít sâu hơn, phản ứng từ tốn hơn. Giảm tốc độ xuống và tăng trải nghiệm tình huống lên

V. Kết nối thần kinh mới
Thay lời tạm kết, tôi xin tóm tắt một chút về các kỹ thuật giúp nâng cao phẩm chất của tâm trí, chẳng hạn như kỹ thuật "tắt tiếng" được giới thiệu ở trên.
  • Khi ta tập các kỹ thuật này, thực chất ta tác động đến các vùng não mới và các kết nối thần kinh trong não bộ.
  • Các kỹ thuật tự lắng nghe trong đầu óc mình, tăng các trải nghiệm giác quan ... sẽ mở rộng một số vùng não chịu trách nhiệm xử lý các trải nghiệm giác quan
  • Kỹ thuật "tắt tiếng" có thể có thể tạo ra các kết nối thần kinh mới. Nếu như trước đây các kích thích giác quan sẽ được kết nối ngay lập tức với vùng xử lý ngôn ngữ thì bây giờ có thể các kích thích này sẽ được chuyển hướng vào vùng xử lý phi ngôn từ. Và tôi mạnh dạn dự đoán, khi kỹ thuật này phát huy tác dụng, các tín hiệu sau khi đi vào vùng phi ngôn từ sẽ tự kết thúc ở đó mà không đi tiếp sang vùng nào khác nữa, giải thích cho cảm giác nhẹ nhõm của người tập :)

Hãy thử kỹ thuật tắt tiếng. Khi chạy, hãy uống cả bầu trời, cả khoảng không trước mặt bạn vào. Trước đó, nhớ tắt tiếng cái tivi trong đầu bạn đi. Cứ để toàn bộ cảnh vật trước mắt chảy vào một cách nguyên sơ như nó là và tận hưởng nó không thông qua bất kỳ ngôn từ nào.

Thế giới của trải nghiệm luôn trải rộng trước mắt chúng ta. Chỉ cần kết nối với chúng bằng băng thông rộng không bị cản trở bởi các khái niệm: kết nối trải nghiệm trực tiếp vào vùng “tắt tiếng” bên trong bạn. Và như thế là bạn được giải phóng hoàn toàn khỏi mọi vọng tưởng bên trong.
Chúc bạn có được những trải nghiệm như vậy!