Mình nghĩ là, đứa nào trong cuộc đời sinh viên cũng từng nghĩ qua về việc làm thêm ít nhất một lần. Lí do để làm thêm thì có đủ loại: để có tiền, để trải nghiệm, có thêm kinh nghiệm và ừ... còn vì vui nữa. Vậy làm gì, làm bao nhiêu là đủ và làm như thế nào ?
        1. Đừng bao giờ làm những công việc bắt đặt cọc.
        Một trong những công việc mà mình thấy bắt đặt cọc thường xuyên nhất đó chính là gia sư, nhưng là những mối gia sư thông qua "cò" hoặc các trung tâm. Nhưng tại sao mình lại khuyên các bạn không đặt cọc? Có hai lí do, cái thứ nhất: lừa đảo. Cái này thì chắc các bạn cũng nhìn ra đúng không. Nhưng còn một lí do sâu xa hơn rất nhiều, học sinh có dăm bảy loại, và tin mình đi, có những đứa bạn sẽ không bao giờ có đủ khả năng để giảng dạy nó. Vậy thì tại sao lại phải tốn tiền vào một kèo mà bạn không chắc chắn sẽ thu được lợi? Những công việc khác cũng vậy thôi. Có lần mình làm phục vụ, ở đó người ta bắt đặt cọc theo một cách tinh vi hơn nhiều, đó là trừ thẳng vào lương tháng đầu tiên và sẽ trả lại sau ba tháng, mình đã cho công việc đó next luôn. Các bạn hãy nhớ rằng, đến cả những tập đoàn lớn, ở những vị trí cực kì quan trọng mà người ta cũng không bắt đặt cọc thì tại sao một vị trí đơn giản như phục vụ lại bắt đặt cọc? Bọn họ hoàn toàn có thể thay thế bạn bất kì lúc nào, vậy thì chẳng có lí gì họ lại cần bạn đến mức bắt đặt cọc. Nó đang chứng tỏ rằng công việc đó rất tệ, đến nỗi có ít, thậm chí là gần như không có người nào làm đủ thời gian để nhận lại cọc cả. 
        2. Lương bao nhiêu là đủ? 
        Theo mình thấy hầu hết các trường đại học đều nằm ở những khu vực  loại I và II. Vậy thì muốn biết mức lương theo giờ của những công việc hiện giờ, chúng ta hãy cùng làm một phép tính đơn giản.



        Bên trên là mức lương cơ bản theo chính sách. Hãy coi như một ngày làm việc của bạn rơi vào 8 tiếng và bạn làm cho doanh nghiệp nên không được nghỉ thứ 7 và chủ nhật, vậy thì với vùng I ta sẽ có 4420000 / 30 / 8 ≈ 18500 (VNĐ/giờ) với  vùng II ta sẽ có 3920000 / 30 / 8 ≈ 16500 (VNĐ/giờ) nên nếu đi làm thêm luôn nhớ mức lương các bạn sẽ nằm đâu đó ở giữa 16500 đến 18500 đồng, và đây chỉ là mức lương với những công việc đơn giản như phục vụ, với những công việc trí tuệ như lập trình, marketing hoặc gia sư lương có thể cao hơn rất rất nhiều lần. Đừng bao giờ chấp nhận một mức lương thấp hơn thế, thế gọi là bóc lột đó.  
        3. Làm bao nhiêu là vừa? Có nên làm thêm không?
        Làm "thêm", ngay trong tên nó đã có chữ thêm, bạn biết nó nghĩa là gì không? Nó chỉ là một thứ gia vị, không hơn, không kém, một cái gì đó để khiến cuộc sống bạn thêm mùi thôi, vậy nên đừng bao giờ làm quá nhiều đến nỗi không còn thời gian để học tập và tham gia các hoạt động khác.(Mình không nhắc đến những bạn vừa học vừa làm vì nội dung trong bài viết này không đủ). Do nước mình không có qui định về số giờ làm thêm của sinh viên nên mình sẽ dẫn ra đây qui định của Mỹ và một số nước khác, ở Mỹ, Đức, và Anh Quốc thời gian làm thêm của các bạn sẽ là 20 giờ một tuần trong những ngày bình thường và 40 giờ một tuần trong ngày nghỉ. Tất nhiên đây chỉ là qui định đã được nghiên cứu kĩ càng trên thể chất, thời gian và sức khỏe chung của mỗi học sinh, sẽ có sự thay đổi chút ít với từng người. Nhưng theo mình, hãy làm khi thật sự cần thiết, đây là thời gian cho các bạn học tập, phát triển bản thân chứ không phải để làm thêm, vài triệu làm thêm của các bạn không giải quyết quá nhiều vấn đề so với lượng kiến thức mà bạn học, vì sau này số kiến thức đó có thể đem lại một lượng giá trị cực lớn cho công việc chính thức của bạn.
         Đã từng có một đàn anh đi trước nói với mình thế này
Tiền bạc chính là tình yêu thương của cha mẹ, giờ đi học xa nhà cha mẹ không thể quan tâm thường xuyên nữa, cho nên hãy trân trọng nó, đừng chối bỏ nó bằng cách đi làm thêm mà hãy tiết kiệm nó, nếu thương cha mẹ thì dùng ít thôi mà gửi vào tiết kiệm, sau này kiểu gì cũng phải dùng đến.
        Vậy có nên làm thêm không? Câu trả lời là có và không. Có để trải nghiệm. Và không để học. Nên nhớ, nếu công việc làm thêm khiến bạn mệt mỏi, hãy dừng lại nó ngay lập tức, đừng chần chừ gì cả. Sinh viên mà, vui thôi, trải nghiệm thôi. Ngoài học ra thì đừng try hard cái gì quá.
        4. Cũng là làm thêm nhưng lại là kiểu khác
        Làm thêm liên quan đến ngành học. Thường thì những công việc kiểu này sẽ diễn ra vào năm 3 hoặc 4 . Đây là những công việc có lương cao, đem lại nhiều kinh nghiệm. Ví dụ sinh viên IT thì có thể đi lập trình, sinh viên kinh tế có thể đi làm marketing. Những công việc này mình không nhắc ở trên vì đơn giản các bạn cũng tự biết là nên làm những công việc này rồi. Vừa có kinh nghiệm, có tiền lại còn đúng ngành mình học, tội gì không làm đúng không. Và mình chắc rằng lúc này các bạn cũng đã có đủ kinh nghiệm và nhận thức để biết rằng làm bao nhiêu là đủ. Bài viết này mình chỉ tập trung nhắm tới những bạn sinh viên năm nhất năm hai với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức.
        Lời cuối cùng, mình muốn chúc tất cả các bạn có một đời sinh viên thật đẹp, thật có ích và đáng nhớ. Chúc các bạn thành công trong đời sinh viên của mình.