Cái chết của những vẻ đẹp thiêng liêng
Thời Đế quốc Ai Cập (3100 – 30 TCN), La Mã (27 TCN – 1453 SCN), và Ba Tư (550 TCN – 330 TCN), những nhà lãnh đạo được coi là hậu duệ...
Thời Đế quốc Ai Cập (3100 – 30 TCN), La Mã (27 TCN – 1453 SCN), và Ba Tư (550 TCN – 330 TCN), những nhà lãnh đạo được coi là hậu duệ của những vị thần, không chỉ bởi thân phận và sứ mệnh lịch sử dẫn dắt một cuộc chiến, một dân tộc hay một vùng đất mà còn bởi màu sắc thần thánh và linh thiêng của bộ trang phục mà họ đang mang. Ít ai biết rằng trong suốt giai đoạn lịch sử hàng nghìn năm, trải dài từ thành Rome cho tới bờ sông Nile, chỉ có duy nhất một màu đại diện cho sự hiếm có, đắt đỏ, quyền lực, trù phú dành riêng cho chân mệnh thiên tử hoặc quý tộc đương thời. Phim ảnh hay khắc họa rằng quý tộc phải gắn với hoàng kim, cái gì cũng vàng chóe hoặc không phải đỏ rực, nhưng trên thực tế, sự cực phẩm chí tôn lại được khắc họa bởi sắc tím.
Tại đế quốc Byzantine (nay là khu vực giao giữa Trung Đông và Châu Âu), hoàng hậu sẽ hạ sinh tại Căn phòng màu tím (Purple Chamber). Những đứa trẻ được chỉ định sẽ trở thành hoàng đế được sinh ra trong màu tím để phân biệt người kế vị với người không được truyền ngôi vua. Thậm chí, luật pháp đã từng được ban hành để hạn chế việc sử dụng màu sắc này. Năm 1547, khi Bá tước của Surrey nước Anh, Henry Howard bị xét xử tội phản quốc, một trong những bằng chứng chống lại ông bao gồm việc người ta nhìn thấy ông mặc đồ màu tím – màu sắc chỉ dành riêng cho nhà vua.
Sự độc quyền của giới quý tộc trong việc sử dụng màu tím kéo dài đến thời Elizabeth. Trong giai đoạn này, nữ hoàng Elizabeth I quy định chặt chẽ những màu sắc, chất liệu vải và loại quần áo được mặc bởi các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Luật pháp không cho phép bất cứ ai – ngoại trừ người thân của hoàng gia – có quyền được mặc màu tím.
Câu chuyện màu tím là một trong hàng nghìn ví dụ điển hình về cách đồ xa xỉ được nhìn nhận trong xã hội dưới các vương triều kéo dài đến tận thời kỳ Phục Hưng. Đồ xa xỉ từng là đặc quyền sinh ra đã có với những tính chất thần thánh, thiêng liêng và kế thừa của tầng lớp quý tộc, những món đồ mà ngay cả những nhà tư sản lắm tiền nhiều của cũng không thể và không được phép sở hữu. Việc mong muốn sở hữu chúng là phạm phải trọng tội.
Chủ nghĩa trọng thương thúc đẩy sự phát triển đến chủ nghĩa tư bản, mặt hàng cao cấp dần đến tay các nhà tư sản giàu có vào thế kỷ 19. Cho đến thời điểm trước những năm 1950s, một người thuộc tầng lớp trung lưu bình thường không thể nào mơ tưởng sở hữu những sản phẩm xa xỉ. Trên thực tế, những món đồ này không được quảng cáo để số đông biết đến, vì các vật phẩm xa xỉ chỉ được truyền tai trong nhóm nhỏ tư sản thượng lưu. Thập niên 50s chứng kiến sự khai sinh của chủ nghĩa tiêu dùng tại mọi giai cấp: các hộ gia đình không kể giàu nghèo đều có thể sở hữu ô tô, TV và những chuyến du lịch thường niên, điều mà trước đây dường như không thể xảy ra.
Có thể nói rằng, khi chủ nghĩa tư bản càng phát triển và dân chủ ngày càng nở rộ, thì giờ đây, sở hữu món đồ xa xỉ trở thành phong cách tiêu dùng chính đáng của mọi tầng lớp lao động. Chúng được quảng cáo trên TV, tiếp cận qua Internet, chúng được nhắc đến nhiều hơn ở mọi kênh truyền thông, và như Karl Marx nói, hàng hóa tạo ra những giấc mơ, và từ giấc mơ chúng lại đẻ ra chủ nghĩa tôn sùng hàng hóa. Chủ nghĩa khoái lạc gắn chặt với chủ nghĩa tiêu dùng khiến những ước chế phổ biến liên quan đến việc sở hữu những đồ vật đại diện cho quý tộc biến mất. Không cần phải thuộc tầng lớp quý tộc hay là nhà tư sản giàu có, một người bình thường hoàn toàn có thể/có quyền ham muốn sở hữu biểu tượng của thánh thần.
Nếu như hàng cao cấp từng được nhìn nhận là không thể chạm đến với đặc tính cổ điển vượt thời gian, thì những biểu tượng của thần thánh nay cũng bị tầm thường hóa trở thành một sản phẩm theo xu hướng nhất thời cần được làm mới liên tục để đáp ứng các yêu cầu liên quan đến công nghiệp, thương mại, marketing và tài chính. Đồ xa xỉ trở thành một phần của cái cớ nhân danh sự lỗi thời, chúng dùng chung logic và cách vận hành của thời trang nhanh vốn có tính mùa vụ. Những vật phẩm từng được làm riêng cho những người giàu có nay được thay thế bằng hệ thống “Bộ Sưu Tập” thay đổi vài tháng một lần. Đổi mới quá nhanh tạo ra sự tầm thường, tầm thường xóa nhòa ranh giới với phi thường, bản thân sự tầm thường hóa có thể khiến cho một màu vương giả như màu tím trở nên tởm lợm không thể chấp nhận nổi trên những cái áo crop top hoặc váy suông treo đầy ngoài chợ để bán cho những người chạy theo trend. Một nghịch lý chung của con người khi cày quốc vất vả ra đồng tiền để mua những thứ tầm thường ai cũng có thể có trong một thời gian ngắn rồi vứt đi.
Như vậy, để trở nên phù hợp với nền văn minh đương đại, các món đồ xa xỉ phải lưu giữ được tính cổ điển vượt thời gian và độc nhất, đồng thời chuyển mình theo guồng quay liên tục làm mới chính nó, trở nên sáng tạo hơn để không bị lãng quên. Sự kết hợp phong cách/văn hóa đường phố và sự xa xỉ với ví dụ nổi bật từ Balenciaga cùng Giám đốc sáng tạo (GĐST) Demna Gvasalia và LV men cùng GĐST Virgil Abloh chính là sự phản hồi với thị trường đang ngày càng lai tạo nhiều giá trị và văn hóa khác nhau, với mục đích nhắm đến thị trường trẻ, chịu chi nơi Á Đông dẫn đầu là con rồng Trung Hoa, nhất là khi nhóm thượng lưu sang chảnh trời Âu đang ngày càng già cỗi và chết dần.
Khả năng hòa hợp yếu tố mới mẻ và tính truyền thống bằng cây đũa thần xa xỉ chính là điều kiện tiên quyết để thương hiệu cao cấp tiếp tục tồn tại. Bằng cách nhân rộng tính độc nhất khắp mọi nơi, từ Bắc Kinh đến New York, từ Hà Nội đến Congo, cuộc sống của con người hiện đại không được thiết kế để sống thiếu giấc mơ. Nếu không có những giấc mơ, con người cũng sẽ chết cùng thực tại, nhưng nếu những sự quý tộc hay linh thiêng không còn ranh giới rõ ràng với điều tầm thường, tương lai sẽ không có gì khác ngoài sự hư vô đang chờ sẵn ở đó.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất