Khi nói về vũ khí, người ta thường nghĩ đến những vật hữu hình như súng, dao, hạt nhân… Còn vũ khí tồn tại dưới dạng vô hình thì sao? Thứ mà ai cũng có, được quyền dùng bất cứ lúc nào, được khoác lên vỏ bọc “hoàn hảo” mà gần như chả sợ bị pháp luật sờ gáy?? Dĩ nhiên, đó là “lời nói”. Tuy chỉ gói gọn trong hai từ nhưng tính sát thương của nó tác động lên con người lại có thể mô tả bằng rất nhiều từ, chủ yếu là những tính từ tiêu cực. Body Shaming là một dạng tấn công biểu trưng cho sự nguy hiểm của lời nói.
Luật pháp trao cho con người quyền tự quyết trong xã hội. Tự quyết được học hành ở trường nào, lập gia đình ở tuổi bao nhiêu, nằm ươn trên giường nghĩ sáng nay ăn gì thay vì tập thể dục… Dù tốt hay xấu nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội thì con người thích làm gì thì làm và có quyền nói “kệ tôi” trước những góp ý, mắng mỏ của đồng loại. Nhưng tự quyết vô hình chung cũng sản sinh ra một thứ tự do thái quá, đóng đinh thật chặt trên đôi môi mà người ta vẫn hay nói là “khẩu nghiệp”. Tức là việc cho mình quyền dùng lời nói xúc phạm bất cứ ai, bất cứ điều gì mà chẳng cần quan tâm đối phương đang cảm thấy thế nào, sẽ nghĩ gì và sẽ làm gì sau đó. Mặc dù pháp luật có mức phạt dành cho những người xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng việc này đối với cá nhân tôi (một nạn nhân) cảm thấy không hề có tính “sát thương” vì nó vẫn diễn ra nhan nhản trên các trang mạng xã hội hay ngoài đời sống, không khác gì nạn tắc đường ở Hà Nội, cứ bước ra khỏi nhà là thấy. Body Shaming như chủng virus kết dính với những người có phần kém may mắn về ngoại hình. Nó bám theo họ (và tôi) khi vừa đặt nửa chân vào lớp học, khi đứng riêng một mình một góc ở điểm xe bus, khi mở miệng nói “xin chào” trước một bạn nữ… Và chính loại virus này đang mở một con đường đẩy các nạn nhân tìm đến cái chết sau khoảng thời gian bị dày xéo nặng nề về mặt tinh thần.

1. Hành vi của những người thích Body Shaming



Nếp nhăn trong bộ não của những người này có thể hình dung như những sợi dây luôn quấn chặt vào ý nghĩ tiêu cực, tôn sùng bản thân thái quá. Chúng đan xen vào nhau, tạo nên nhiều nút thắt mà họ không thể gỡ, buộc mình phải “lên đạn” những từ ngữ miệt thị, ghê tởm để bắn nát cánh cửa bức bối, khó chịu ở ngay trước mắt và rồi bước ra ngoài, tận hưởng bầu không khí trong lành. Đối tượng dính đòn của “team” thích body shaming có thể là bất kỳ ai, không quan trọng “kính trên nhường dưới”, chỉ cần đôi mắt của họ không thể “nuốt” nổi, thì màn bắn nước bọt, cộng thêm cử chỉ xấu xí sẽ diễn ra ngay sau đó.

Đọc thêm:

Những người theo trường phái Body Shaming thường rất xinh trai, đẹp gái. Ngoại hình thì ai chả muốn chăm chút nhưng những người này lại coi nó là yếu tố duy nhất để xây cho mình một bậc thang vững chắc tiến lên vị trí “thượng đẳng”. Chỉ dựa vào mỗi ngoại hình trông có vẻ đẹp đẽ ấy, họ đã tự cho mình cái quyền được cưỡi lên đầu người ta, được dùng lời nói để bêu riếu, được ném sách, ném vở người ta ra ngoài cửa sổ… mà không nhận ra rằng, cách hành xử của họ đang âm thầm tố cáo họ là những kẻ đáng thương như thế nào. Hành động duy nhất để họ thể hiện bản thân chỉ có vậy thôi ư? Thật tệ.
Tôi của những năm cấp 3 cũng bị cầm tù bởi Body Shaming. Tôi sai. Sai vì quá vô tư, không biết cách chăm sóc, làm đẹp tối thiểu cho bản thân trong khi lũ bạn cùng trang lứa thì áo này, quần nọ, tóc tai undercut các kiểu. Tập thể tôi học cùng lại có rất nhiều bạn “hotteen”, con nhà giàu. Nói chung là lớp học khá bóng bẩy nhưng nhân cách của nó thì không được như thế. Lần đầu tôi tiếp cận với “Body Shaming” là từ một bạn nữ ngồi cách chỗ tôi 2 bàn ở phía trên. Trong giờ ra chơi khi đang hí hoáy ngồi nghịch điện thoại, cô bạn xinh đẹp ấy ngang nhiên xuống và tương thẳng vào mặt tôi một câu nói đến giờ tôi vẫn nhớ từng chữ: “Tao mà là mẹ mày thì chắc khi đẻ mày ra tao đem đi giết luôn rồi”. Giọng điệu sắc lẹm cùng nụ cười, ánh mắt khinh khỉnh, khoái chí như vừa làm được điều gì đó thành công lắm đã cho tôi thấy sự dè bỉu, khẩu nghiệp là thú vui đặc trưng của cô bạn này, thiếu nó thì cô sẽ không thể chịu được. Trong một lần khác, tôi đến muộn và bị phạt đứng góc lớp, có hai bạn nữ đi ngay đằng sau tôi, dĩ nhiên là họ cũng bị phạt. Nhưng chuyện đâu chỉ có thể, đứng thu mình trong góc lớp, kê vở trên tay viết những đường bút nguệch ngoạc cũng khiến tôi bị tấn công không ngừng nghỉ suốt buổi học. “Sao số phận của tao lại hẩm hiu thế này”, “Sao lại phải đứng cạnh thằng này nhỉ”, “nhìn người nó kìa”… họ cứ ra rả như thế vào tai tôi suốt cả buổi. Khó chịu chứ. Từng câu từ chửi bới, mỉa mai hiện lên như những tảng đá thật lớn đè lên hai vai tôi, khiến tôi có cốđến mấy cũng không thể ngẩng đầu lên được. Phần vì sự tự ti đã trói buộc cả hai tay, không cho tôi bản lĩnh để khiêng từng tảng đá đó xuống. Phần vì… chúng nó đông quá, nên đành kệ.

Đọc thêm:


Thứ duy nhất tôi có thể làm lúc đó là cắm đầu, cắm cổ vào học. Những bài toán lượng giác, hình học không gian… và cả game trên điện thoại là tri kỷ của tôi. Bởi vậy, tôi thuộc dạng học giỏi nhất nhì lớp, được kha khá bạn nhờ vả và tìm đến nói chuyện. Trong khoảng thời gian u ám nhất, chính sự học giỏi ấy lại là thứ thắp lên cho tôi một ngọn lửa nhỏ nhoi, rằng mình vẫn còn có giá trị trong tập thể. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Khi gặp một bài toán hóc búa thì sẽ rất nhiều bạn tìm đến tôi, nhưng khi đi ra về, đi chơi thì đối với các bạn ấy, đứng ngang hàng với tôi, trò chuyện cùng tôi luôn là thứ gì đó khá nặng nề và dơ bẩn. Tôi đã từng có hai thằng bạn được gọi là thân khi mới bước chân vào lớp 10, căn bản là chúng tôi từng học cùng trường, cùng lớp học thêm năm cấp 2, hồi đó có biết làm đỏm gì đâu, chơi với nhau chả quan tâm gì cả. Nhưng bẵng đi một thời gian, chúng nó trở nên hay ho hơn, đầu tư cho bản thân màu mè hơn và sớm trở thành những “hotteen”. Như một lẽ dĩ nhiên, tôi bị cho ra rìa. Ngày trước thì luôn đợi nhau đi về, nhưng sau đó thì chỉ có hai đứa nó hẹn nhau, chẳng cần biết tôi như nào. Tôi cũng kệ. Nhờ vả gì thì cũng chỉ hai đứa nó nói với nhau, tôi nhờ thì lại nói “Tao quên” và cười trừ. Dần dà, sự lảng tránh hiện lên rõ rệt, chào không thèm đáp, coi tôi không cùng đẳng cấp, thậm chí có lúc đi cùng hội “hotteen”- hội tụ tập mấy thằng “ra gì và này nọ” của khối, gặp tôi còn cười cợt và mang tôi ra làm trò đùa cho mấy “thằng bạn cùng đẳng cấp” của hai đứa nó. Tôi sau mấy lần như vậy cũng tự nhận thức được vị trí của mình và chả dính líu gì đến hai thằng ấy nữa. Chỉ có cảm giác thất vọng khi ngoại hình lại có thể đẩy con người ta vào góc tối mờ mịt và bắt ở yên trong đó, nhích nửa chân ra ngoài thôi là vô vàn những lời lẽ miệt thị, khinh bỉ của đám “hotteen” sẽ bủa vây tới tấp.
Nhưng dù sao, như đã đề cập ở trên, tôi cũng sai. Không chịu làm đẹp, sống quá thoải mái và thật thà khiến tôi trở nên tụt hậu. Nhưng vẫn may mắn, nhờ có những sự việc không đẹp ấy mà tôi nhận ra được: ai mới là người đáng để chơi cùng và ai chỉ là thứ phân bón bốc mùi được đóng trong bao bì thật đẹp. “Đã đến lúc cải thiện rồi” — Tôi thầm nghĩ, cố gắng vượt qua những tháng ngày này, bước lên đại học, gặp gỡ bạn mới, môi trường mới, những người cùng chí hướng thì sẽ tập trung cải tiến bản thân hơn, không sợ những ánh mắt dèm pha của bọn học cũ nữa.

Nhờ có những sự việc không đẹp ấy mà tôi nhận ra được: ai mới là người đáng để chơi cùng và ai chỉ là thứ phân bón bốc mùi được đóng trong bao bì thật đẹp.

2. Cách tôi vượt qua Body Shaming

Trước hết, bản thân mỗi người khi sinh ra không có quyền quyết định nhan sắc của mình xấu hay đẹp. Với những người may mắn có ngoại hình hoàn mỹ thì chắc chắn họ sẽ có sự tự tin cao hơn, có được nhiều lợi thế nhất định trong xã hội. Còn những người có hoàn cảnh trái ngược thì…. thì làm sao? Cảm thấy tự ti, chán nản và thất vọng ư? Nếu bạn đã từng như vậy giống tôi thì việc Body Shaming tìm đến chúng ta là lẽ tất yếu. Xấu đã bị một số thành phần Body Shaming, nhưng cộng thêm tính tự ti thì không khác gì “chào hàng mời các anh chị Body Shaming tiếp”. Bản thân không có sự tin tưởng vào chính mình thì chúng ta đối mặt với vấn nạn này kiểu gì? Những kẻ có dã tâm muốn sỉ nhục chúng ta nhưng chúng ta đâu ngờ chính bản thân mình lại đang âm thầm tiếp tay cho họ lấn tới.

2.1 Thừa nhận và biết cách thay đổi

“….chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới…” — Trích trong lời kêu gọi kháng chiến toàn quốc của Bác Hồ. Body Shaming cũng vậy, việc im lặng, mặc kệ mọi thứ giống như một chiếc nam châm tích cực hút những lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến chủ nhân của nó. Ta im lặng với ảo tưởng rằng những kẻ Body Shaming sẽ chán, sẽ bỏ qua cho mình nhưng mơ chán chê rồi cũng phải tỉnh, cái gì đã là thú vui thì rất khó bỏ và còn gì tuyệt hơn khi thấy con mồi ngoan ngoãn, không có ý định chống trả? Nói như vậy, không có nghĩa là tôi đang cổ động chúng ta nhảy vào đánh cho lũ Body Shaming một trận ra nhẽ (Mặc dù bản thân muốn thế thật) mà hãy dành thời gian nhìn nhận lại chính mình và tìm cách cải thiện. Hay nói cách khác là đứng về phía chủ động.

Điều bạn cần làm là hãy đặt ra câu hỏi “mình có thể làm được gì để cải thiện chúng?”. Khắc chế nỗi sợ bằng cách đối mặt với nó. Soi mình trong gương, chấp nhận những khuyết điểm đang tồn tại ở bản thân và chủ động tìm cách cải thiện. Tôi nhấn mạnh từ “cải thiện” chứ không phải “thay đổi” hoàn toàn theo một khuôn mẫu có sẵn của anh trai/chị gái Hàn Quốc nào đó. Nếu cân nặng hơi bất hợp lý, bạn có thể lên lịch một chế độ ăn Healthy kết hợp với các bài tập thể dục tại nhà để tìm kiếm vóc dáng đẹp hơn. Nếu một chiếc kính có mắt hình chữ nhật khiến bạn tự thấy mình hơi “nghiêm túc” thì hãy thử đổi sang một chiếc kính tròn. Nếu bạn muốn thử một chiếc áo phông có hình in thời trang hơn thì hà cớ gì không order một lần?… Còn rất nhiều cái nếu khác nữa tùy vào nhu cầu mà bạn muốn cải thiện. Đôi khi, hãy xem những lời lẽ Body Shaming của mấy thành phần thượng đẳng ngoài kia như một lời “góp ý” để biết được mình đang không ổn ở đâu nhưng tuyệt đối đừng nghe răm rắp như một đứa trẻ sợ bị mẹ đánh đòn.

Đọc thêm:

Tôi hồi cấp 3 là một thằng béo gần 70 kí, nhìn đâu cũng thấy mỡ. Tóc tai chưa bao giờ biết đến định nghĩa “chải chuốt” chứ đừng nói đến chuyện “vuốt keo các thứ các thứ”. Thời trang thì mù tịt về phối đồ, đơn giản mặc cái áo, cái quần là xong, ngày nào cũng vậy. Khi trở thành nạn nhân của Body Shaming, tôi rất tự ái và thất vọng. Thất vọng về mấy thành phần cùng lớp đã đành nhưng thất vọng về chính mình thì tệ hơn. Não bộ tôi bất giác mang bản thân đặt lên bàn cân so với bọn con trai trong lớp: “Sao chúng nó sành điệu thế”, “Sao mình không được như chúng nó”. Cứ thế tôi dần cô lập mình lại, hình thành nên suy nghĩ tiêu cực rằng bản thân luôn mờ nhạt, tất cả những gì thú vị đều không đến lượt mình trải nghiệm và xấu là tội lỗi lớn nhất của con người. Tôi dần quen với việc an phận, chỉ cắm đầu vào học, tư tưởng về chăm sóc bản thân, ngoại hình bị tôi vo viên và vứt vào sọt rác. Suốt ba năm cấp ba tôi luôn bật trạng thái “mặc cảm, tự ti”, không dám chủ động làm bất cứ điều gì, coi Body Shaming là hậu quả mà mình xứng đáng phải nhận. Tuy có một số người bạn trong lớp tôi vẫn nói chuyện nhưng để gọi là thân và chia sẻ hết tất cả mớ bòng bong này thì chẳng có một ai hết. Có lẽ đến giờ họ vẫn nghĩ tôi hồi ấy là một thằng vui tính, yêu đời. Bước ngoặt làm tôi thay đổi mọi thứ chỉ chớm nở khi thi xong đại học, bước vào nghỉ hè. Tôi như được tự do, thoát khỏi những ánh mắt dòm ngó thường trực. Tôi cảm thấy trong những năm phổ thông, mình đã bỏ lỡ quá nhiều điều và khi nhìn lại, trong đầu tôi chỉ là một bộ não rỗng tuếch. Tôi cần thay đổi, tôi cần “xê dịch” nhiều hơn vì chính sự tiến bộ của bản thân mình chứ chẳng vì ai hết. Tôi chưa thực sự chưa biết tận hưởng cuộc sống của mình và đó là vấn đề lớn nhất. Việc chăm sóc bản thân là mảnh đất để tôi “canh tác” nhằm hái được trái ngọt cho chính mình chứ không phải mỗi khi bị chê, bị chửi, bị Body Shaming thì mới cần phải làm.

Tôi chủ động lên một chế độ ăn hợp lý nhờ sự tư vấn của các anh chị trong các hội nhóm Healthy trên Facebook, tập thể dục tại nhà mỗi ngày theo những bài hướng dẫn trên Youtube. Trước khi nhập học đại học, tôi còn nhờ bố xin làm bưng bê tại một quán bia hơi cách nhà khoảng 2km trong 2 tháng. Lý do đơn giản là muốn biết khi mình “chịu” trải nghiệm, va vấp với thế giới bên ngoài nhiều hơn thì sẽ thấy những gì, có được cái nhìn gì khác hơn không. Và một phần cũng là dùng số tiền lương mình kiếm được để tân trang lại bản thân, làm mình dễ nhìn hơn. Quá trình ngắn ngủi ấy đủ để tôi nhận ra xã hội có đa dạng các thể loại người mà mình không thể lường trước được điều gì, việc cải thiện, chăm sóc bản thân là vô cùng cần thiết. Tôi đã biết dùng những đồng tiền mình làm ra để mua những bộ quần, áo hợp thời hơn — Thứ mà trước kia tôi luôn nghĩ nó không dành cho mình vì xấu. Tôi cũng thử một cặp kính tròn thay cho chiếc kính hình chữ nhật có phần nặng nề để “ảnh đại diện” thêm thanh thoát. Chỉ riêng tóc tai thì tôi có chú ý chải chuốt cho gọn gàng một xíu nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện nhuộm hay tạo kiểu tóc vì tôi không thích. Còn việc vóc dáng, thì sau 3 tháng, tôi đã về được 60kg, cơ thể cũng săn chắc hơn, dễ dàng mặc và phối đồ theo ý muốn chứ không còn là một cục thịt di động như trước. Mọi thứ đến thời điểm hiện tại đều khiến tôi hài lòng, không chỉ thoát khỏi kiếp nạn nhân của Body Shaming mà tôi còn trở nên tự tin hơn, dám xông pha hơn, không quá để ý đến việc người khác nghĩ gì về mình và trân trọng cuộc sống nhiều hơn vì suốt 3 năm cấp 3 tôi gần như đã đào hố chôn vùi nó.
Dựa trên sự từng trải của tôi, mấu chốt của việc vượt qua Body Shaming chính là sự tự tin. Chừng nào còn thất vọng, tự ti về ngoại hình và mãi mãi núp sau nó để sống thì không khác gì đang tự hủy hoại bản thân. Hãy đứng lên và thay đổi, cho mọi người thấy mình có thể làm được gì, mình mạnh mẽ đến đâu, mình tự tin như thế nào. Sẽ khó, sẽ mất thời gian nhưng rồi bản thân sẽ tự hào về những gì mình làm được.

F*ck up and Move on

2.2 Trải nghiệm, trau dồi một kỹ năng nào đó cũng là cách giúp ta tự tin hơn để đối mặt với Body Shaming.


Giá trị bản thân mỗi người sẽ nổi rõ hơn, có tầm vóc hơn khi biết, khá, hay thành thạo một hoặc nhiều kỹ năng nào đó. Giống như lời tuyên ngôn mà ta muốn thế giới nghe thật to, thật rõ về việc mình có thể làm được gì. Điều ấy sẽ mở then chốt cho sự tự tin, dám thể hiện mình chảy vào trong cơ thể của chúng ta.
Bên cạnh ý thức cải thiện ngoại hình, đừng quên nâng cao cả bộ óc. Tìm kiếm, học thêm những kỹ năng mới. Hãy nhìn lại bản thân xem mình thích gì, mình đang có kỹ năng gì và phát huy nó ra sao, mình có thể tìm tòi thêm những gì. Nếu ta đã không được đẹp, mà lại chả có được một kỹ năng nổi trội nào thì sao có thể ngoi lên giữa lớp bùn lầy được, càng vùng vẫy, càng kêu cứu thì càng chìm.
Tôi hồi cấp 3 cực kỳ ghét môn Văn, chưa bao giờ biết đứng nói trước đám đông, mù tịt về kỹ năng tin học văn phòng và thậm chí trong điện thoại không có nổi một tấm ảnh chụp ra hồn... Quanh năm suốt tháng chỉ ru rú ở nhà học như mọt sách. “Mình thích cái gì?” câu hỏi tôi tự đặt và không hề tìm được câu trả lời lúc ấy. Dần dà, khi đã bắt đầu tự tin cải thiện ngoại hình của mình, chịu ra ngoài va chạm nhiều hơn như đã kể ở trên, tôi bắt đầu chủ động tiếp cận những kỹ năng cơ bản nhất là nói hay thuyết trình trước đám đông. Nó không khó thần thánh như tôi nghĩ. Bản thân đã đủ tự tin xung phong nhận thuyết trình, tập luyện trước với các bạn trong nhóm, bước lên chiếc bục thật cao, mặt đối mặt với hơn trăm con người thì không có lý do gì để mình không làm được cả. Từ đó, tôi thêm động lực học thêm kỹ năng tin học văn phòng, photoshop, đủ để biết những thao tác cơ bản nhất và tự làm được một “chiếc” slide, một tấm graphic thật đẹp… Tôi tự nhủ bản thân phải luôn có giá trị rõ rệt. Người khác có thể không nhớ về mình bởi ngoại hình nổi bật nhưng tuyệt đối họ phải biết mình có thể làm được gì. Body Shaming phảng phất đâu đó vẫn sẽ còn, nhưng không một ai dám khinh thường ta được nữa.
Những kỹ năng, kiến thức khác nhau sẽ đem đến cho ta sự tự tin vô cùng lớn khi đặt chân ra ngoài, khi thể hiện bản thân mình. Nó sẽ dần che lấp đi yếu tố ngoại hình vì ta thực sự tỏa sáng với những tố chất tốt đẹp hơn vậy.
Body Shaming tuy để lại cho tôi ấn tượng chả mấy vui vẻ gì nhưng cũng nhờ nó mà tôi ý thức ra được nhiều điều quan trọng cần có trong cuộc sống này. Trong khoảng thời gian bị cô lập bởi Body Shaming, tôi có thời gian tìm hiểu bản thân mình được chu đáo hơn, rằng tôi có thể làm copywriting mà đến bây giờ vẫn chưa hề hối hận vì đã chọn nó, rằng tôi tìm được môi trường làm việc mà mình mong muốn và nhiều thứ khác nữa.

KẾT:

Body Shaming sẽ luôn luôn tồn tại. Câu chuyện của tôi có thể sẽ khác với câu chuyện của những bạn đang trải qua Body Shaming. Nhưng về mặt nguyên tắc và công thức để đánh bại Body Shaming thì chắc chắn chỉ khi ta dám chủ động phá bỏ tấm lưới “tự ti” đang chùm sẵn lên người, thay vào đó là một tư thế ngẩng cao đầu, nỗ lực cải thiện bản thân cả về ngoại hình lẫn kỹ năng.
Giá trị bản thân chúng ta tốt đẹp hơn nhiều mà, phải không?