Cách Jeff Bezos - Amazon Founder Ra Quyết Định
"Sai một ly, đi một dặm" và làm sao để có những quyết định sáng suốt.
Sa mạc Thar, nằm giữa Ấn Độ và Pakistan, là một trong những nơi nắng nóng và khô cằn nhất trên thế giới. Vào những tháng cao điểm của mùa hè, nhiệt độ ở đây có thể lên đến 50°C. Dù khí hậu khắc nghiệt như vậy, đây vẫn là nơi hàng triệu người Pakistan đang làm việc cả đời để trả những khoản nợ mà họ đã mượn từ vài chục năm trước.
Bà Vasanti Megwhar, 70 tuổi, cùng con trai, con dâu và đứa cháu 12 tuổi đã làm ở xưởng sản xuất gạch hơn 23 năm. Công việc chính của họ là làm gạch thủ công. Họ trộn đất và nước với nhau thành một khối lớn, nặn từng miếng nhỏ cho vào khuôn gạch và đem chúng đi phơi khô. Những miếng đất sét này sau đó được đưa vào lò nung ở nhiệt độ 110°C. Thành quả cuối cùng sẽ là những viên gạch được sử dụng trong hàng ngàn dự án xây dựng lớn nhỏ ở Pakistan.
Công việc cực nhọc là thế nhưng ba thế hệ nhà Megwhar đã và sẽ phải làm việc cả đời để trả món nợ mà họ đã vay từ chủ lò gạch hơn hai thập kỷ trước để chi trả cho tiền viện phí. Mỗi ngày gia đình Megwhar làm khoảng 1,000 viên gạch và nhận được $1.50 dollars (khoảng 38 ngàn tiền Việt Nam) tiền công. $1.50 dollars còn lại sẽ được trừ vào tiền nợ.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm làm việc, họ vẫn không biết mình đã trả được bao nhiêu, lãi mẹ đẻ lãi con ra sao, và cũng không rõ mình phải tiếp tục làm công việc này đến bao giờ. Một cái dấu lăn tay hơn 20 năm trước trong thỏa thuận vay tiền với chủ lò gạch đã đẩy gia đình nhà Megwhar và các thế hệ sau nữa vào hợp đồng nô lệ mà họ không bao giờ có thể thoát ra.
Tục ngữ có câu: "Sai một ly, đi một dặm." Một sai lầm nhỏ ban đầu có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Tệ hơn nữa, những hậu quả này có khi không thể khắc phục mà theo ta cả đời. Đây là bài học đắt giá mà gia đình Megwhar và hàng triệu người Pakistan khác đã phải trải qua khi họ quyết định mượn tiền từ chủ lò gạch.
Để giảm thiểu những sai lầm khi đưa ra quyết định, Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, chia các quyết định của mình theo hai loại:
Loại 1 - One-way doors: Đây là những quyết định có ảnh hưởng lâu dài đến tương lai, và một khi đã lựa chọn, bạn không thể quay lại mà phải theo nó đến cùng.
Ví dụ, bạn đang cần tiền gấp nhưng không thể vay từ ngân hàng vì thu nhập thấp. Thế là bạn quyết định vay nóng từ xã hội đen. Lãi suất tối đa được pháp luật cho phép là 20%/năm, hay 1.66%/tháng. Nếu bạn phải trả gấp 5 lần mức lãi này thì đó được coi là vay nặng lãi.
Giả sử bạn mượn 100 triệu đồng với lãi suất 9%/tháng, và đây là lãi kép (compound interest). Lãi kép được hiểu là lãi tính dựa trên số tiền bạn mượn cộng với lãi suất của tháng trước đó. Ví dụ:
Tháng 1:
Lãi suất = 100 triệu x 9% = 9 triệu. Tổng nợ = 109 triệu.
Tháng 2:
Lãi suất = 109 triệu x 9% = 9 triệu 810 ngàn.
Tổng nợ = 118 triệu 810 ngàn.
Cứ như vậy, sau một năm, lãi mẹ đẻ lãi con đã khiến số nợ lên đến 281 triệu đồng. Quyết định vay nặng lãi đã khiến bạn phải gồng gánh món nợ lớn hơn rất nhiều so với số tiền bạn đã mượn. Vay nặng lãi là một trong những "one-way door decisions" mà bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
Một vài ví dụ khác về các quyết định thuộc loại 1 bao gồm việc bạn mua nhà ở đâu, kết hôn cùng ai hoặc quyết định có sinh con hay không.
Jeff Bezos, trong lá thư viết cho các cổ đông của mình, đã nói, đối với các quyết định thuộc loại 1, chúng ta cần phải suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn, cân nhắc mọi rủi ro có thể xảy ra và hỏi ý kiến nhiều người nhất có thể. Một khi đã đưa ra quyết định sai lầm, ta khó có thể quay lại để sửa nó.
May mắn là phần lớn các quyết định ta phải đưa ra thuộc loại 2: Two-way doors. Đây là các quyết định mà ta có thể quay lại và sửa sai, và hậu quả của các lựa chọn sai lầm thường không gây nên những tiêu cực lâu dài.
Chẳng hạn, nếu bạn quyết định tạm ngưng công việc để theo đuổi đam mê, và nếu thất bại, bạn vẫn có thể quay lại và tiếp tục làm công việc nhàm chán đó (nhưng hãy chắc chắn rằng bạn có đủ tiền tiết kiệm trước khi nghỉ việc). Hoặc nếu bạn coi food review về một quán ăn và quyết định thử, nhưng đồ ăn thì thật sự dở tệ, thì coi như bạn đã mất tiền (và có thể là bớt tin lời food reviewers một chút) .
Đối với các quyết định thuộc loại 2, ta nên đưa ra sự lựa chọn nhanh chóng, và nếu nó không đem lại kết quả mong muốn, hãy học từ nó, sửa sai và chọn lại.
Làm sao biết quyết định của bạn thuộc loại nào?
Hãy tưởng tượng một cây thước với thang số 1 là những quyết định không thể sửa sai, và thang số 10 là những quyết định dễ dàng điều chỉnh lại. Tất cả các quyết định ta phải đưa ra đều nằm giữa hai đầu của cây thước đó. Vậy nên, trước khi quyết định điều gì đó, bạn hãy xem lựa chọn của mình đang nằm ở điểm nào trên cây thước đó, và rủi ro của việc chọn sai có lớn hay không.
Ví dụ, hậu quả cho việc đầu tư 5 tỷ để mua nhà nhưng lại chọn sai sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc bạn bỏ 50 ngàn cho ly cà phê dở tệ.
Cuộc đời là kết quả của những quyết định bạn đã chọn. Hãy quyết định sáng suốt và bạn sẽ đi đến những nơi mà bạn mong muốn.
Chú thích:
Business Insider (2023). Inside Pakistan's brick kilns where millions are trapped in modern-day slavery, working dangerous jobs to pay off snowballing debts.
Farnam Street Articles (2024). Reversible and Irreversible Decisions
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất