Kỳ số 1: Các hình thức huy động vốn trong doanh nghiệp
Bàn về huy động vốn trong doanh nghiệp tại Việt Nam
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường là một trong những nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp. Tùy theo loại hình doanh nghiệp và các đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp lựa chọn phương thức tạo và huy động vốn khác nhau…Vậy doanh nghiệp có thể huy động vốn dưới hình thức nào?
Để hiểu về các hình thức gọi vốn thì cần biết về định nghĩa vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 như sau: “Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh.”
Trong bài viết này, khái niệm về vốn được hiểu là tiền và tài sản không phải tiền nhưng có giá trị xác định được bằng tiền. Vốn của doanh nghiệp có thể từ 2 nguồn chính:
- Vốn chủ sở hữu: là số vốn ban đầu mà doanh nghiệp tự mình bỏ ra để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hoặc phần lợi nhuận mà công ty thu được từ việc sản xuất kinh doanh đó. Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phân phối và các nguồn khác.
Trong đó: Vốn điều lệ là một thuật ngữ quan trọng cần ghi nhớ, do đây là loại vốn phải đăng ký với cơ quan nhà nước và cũng được xác định là mức cam kết chịu trách nhiệm của chủ sở hữu doanh nghiệp cho các nghĩa vụ phát sinh trong hoạt động kinh doanh.
- Những nguồn vốn khác: Loại vốn này có được từ việc huy động vốn của doanh nghiệp, có thể bằng nhiều phương thức khác nhau như vay, phát hành trái phiếu, …
VẬY, huy động vốn tại Việt Nam có những hình thức nào?
1.Chào bán cổ phần
Chào bán cổ phần hay cổ phiếu là phương thức được lựa chọn nhiều nhất bởi các doanh nghiệp có loại hình là công ty cổ phần sử dụng, bằng cách thông qua việc phát hành thêm cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn. Việc phát hành cổ phiếu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán và các quy định có liên quan. Có 03 hình thức chào bán cổ phần:
+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu (Theo Điều 124 Luật Doanh nghiệp 2020): Tất cả các cổ đông/thành viên hiện hữu sẽ góp thêm vốn đối theo tỷ lệ sở hữu của họ. Theo đó, vốn điều lệ tăng, đồng thời giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của cổ đông/thành viên hiện hữu;
+ Chào bán cổ phần riêng lẻ (Theo Điều 125 Luật Doanh nghiệp 2020): Các cổ đông/thành viên hiện hữu hoặc các chủ sở hữu mới bên ngoài được góp vốn và tỷ lệ sở hữu tăng lên theo số cổ phần/phần vốn góp sở hữu trên sổ sách.
+ Chào bán cổ phần ra công chúng (Theo quy định Luật Chứng khoán) – Chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên sàn (IPO).
2.Vay từ công ty mẹ
Doanh nghiệp có thể vay tiền, hoặc thậm chí tài sản từ công ty mẹ của mình. Quy định pháp luật hiện hành cho phép công ty mẹ cho công ty con vay. Trường hợp công ty mẹ là bên nước ngoài thì doanh nghiệp phải đăng ký khoản vay trung dài hạn với Ngân hàng Nhà nước. Cũng cần báo cáo tình hình khoản vay theo định kỳ cho Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp cũng cần báo cáo định kỳ với Ngân hàng Nhà nước.
3.Vay từ các Ngân hàng thương mại
Tín dụng ngân hàng là giao dịch tài sản giữa Ngân hàng với bên đi vay (là các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nền kinh tế) trong đó Ngân hàng chuyển giao tài sản cho bên đi vay sử dụng trong một thời gian nhất định theo thoả thuận, và bên đi vay có trách nhiệm hoàn trả vô điều kiện cả vốn gốc và lãi cho Ngân hàng khi đến hạn thanh toán.
Để được vay vốn từ một ngân hàng thương mại, doanh nghiệp phải đáp ứng một số yêu cầu, điều kiện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải bảo lãnh khoản vay bằng chính tài sản của mình hoặc bất kỳ tài sản nào từ bên thứ ba.
Tín dụng ngân hàng có nhiều hình thức thể hiện như: hợp đồng tín dụng từng lần, cho vay theo thời hạn mức tín dụng, thỏa thuận tín dụng tuần hoàn, cho vay đầu tư dài hạn, …
4.Phát hành trái phiếu ra công chúng
Trái phiếu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Căn cứ vào các quy định về trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành có thể huy động vốn để sử dụng. Điều này cũng có nghĩa là họ phải đảm bảo khả năng trả nợ của chính mình.
Doanh nghiệp quyết định lãi suất và phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu đáp ứng yêu cầu về số lượng, vốn còn lại và thời gian, thủ tục phát hành trái phiếu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của Sở giao dịch chứng khoán nếu thực hiện hình thức huy động vốn này từ các Sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.
5.Đầu tư từ quỹ đầu tư
Trên thực tế, vốn từ các quỹ đầu tư là một giải pháp đáng cân nhắc. Việc góp vốn dựa trên các điều khoản và điều kiện của quỹ mà doanh nghiệp phải chấp nhận.
6.Huy động vốn từ lợi nhuận không chia
Nguồn vốn tích luỹ từ lợi nhuận không chia là một phần lợi nhuận dùng để tái đầu tư.
+ Đối với doanh nghiệp Nhà nước thì việc tái đầu tư phụ thuộc không chỉ vào khả năng sinh lời của bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào chính sách tái đầu tư của Nhà nước.
+ Đối với công ty cổ phần: Khi công ty để lại một phần lợi nhuận vào tái đầu tư, tức là không dùng số lợi nhuận đó để chia lãi cổ phần, các cổ đông không được nhận tiền lãi cổ phần nhưng bù lại, họ có quyền sở hữu số vốn cổ phần tăng lên của công ty.
7.Huy động vốn bằng tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh với nhau dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa. Có ba loại tín dụng thương mại:
+ Tín dụng thương mại cấp cho nhà nhập khẩu (gọi là tín dụng xuất khẩu) là loại tín dụng do người xuất khẩu cấp cho người nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
+ Tín dụng thương mại cấp cho người xuất khẩu (gọi là tín dụng nhập khẩu) là loại tín dụng do người nhập khẩu cấp cho người xuất khẩu để nhập hàng thuận lợi.
+ Tín dụng nhà môi giới cấp cho người xuất khẩu và nhập khẩu, các ngân hàng thương nghiệp cỡ lớn thường không cấp tín dụng trực tiếp cho các nhà xuất nhập khẩu mà thông qua nhà môi giới.
Các hình thức huy động vốn có thể tiềm ẩn những rủi ro nhất định như sau:
Thứ nhất, việc không tuân thủ các quy định có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư và các công ty phải chịu hình phạt nặng nề từ cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ, phạt tiền khi không đăng ký khoản vay nước ngoài đối với khoản vay trung và dài hạn với cơ quan có thẩm quyền lên đến 60.000.000 đồng (Theo quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
Thời gian gần đây nhiều vụ việc sai phạm trong hoạt động huy động vốn bằng trái phiếu của các tập đoàn kinh tế lớn ở Việt Nam đã bị xử lý, điển hình là Tân Hoàng Minh Group đã làm chao đảo cả nền kinh tế Việt Nam một thời gian, dẫn đến Chính phủ đã phải áp dụng những biện pháp cứng rắn để thắt chặt hơn các quy định về huy động vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cũng phải kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng cho hoạt động này.
Thứ hai, nếu không thực hiện việc cho vay góp vốn theo thủ tục đầu tư, góp vốn thì bên cho vay có thể không được phép thanh toán khoản nợ. Hậu quả tương tự cũng xảy ra khi không chuyển khoản vay qua tài khoản ngân hàng bắt buộc để thực hiện việc góp vốn.
Thứ ba, tranh chấp liên quan đến thỏa thuận mua cổ phần, vay vốn, góp vốn …thường xuyên xảy ra. Tranh chấp đó có thể phát sinh từ các thỏa thuận giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp nếu các bên không chuẩn bị kỹ lưỡng thỏa thuận đó.
Kết luận: Sự đa dạng trong việc góp vốn giúp cho nhà đầu tư và doanh nghiệp có nhiều cơ hội để tiếp cận mục tiêu của họ. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải chú ý đến những rủi ro mà mỗi hình thức góp vốn để đưa ra quyết định tốt nhất với mình. Để có thể giảm thiểu những rủi ro trong trường hợp huy động vốn, các bên cần tham vấn ý kiến của các luật sư. Sự hỗ trợ của các luật sư với các tài liệu và thủ tục pháp lý là cần thiết cho các nhà đầu tư.
-House Of Law-

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này