Nguyên mẫu (“nguyên”: tự ban đầu, lúc ban sơ; “mẫu”: cái có thể sinh sản, nảy nở), hay một số người còn dịch là cổ mẫu, siêu mẫu, hay nguyên tượng, siêu tượng, mẫu tượng đều bắt nguồn từ thuật ngữ “archetype”. Theo ngữ căn La-tinh, “arche” có nghĩa là cái bắt đầu, khởi đầu, hay nguyên bản; còn “type” có nghĩa là khuôn mẫu, kiểu mẫu hay mô hình.
12 Mẫu Tượng của Jung. Ảnh: hyperquake
12 Mẫu Tượng của Jung. Ảnh: hyperquake

Định nghĩa Mẫu tượng.

Theo Jung thì, “archetype” hay nguyên mẫu là “các hình tượng cổ xưa phát xuất từ trong vô thức tập thể.” (Ancient or archaic images that derive from the collective unconscious.)

Trong thực hành nghiệp vụ tâm lý trị liệu, C.G. Jung đã được các bệnh nhân kể cho nghe những chiêm mộng của họ, trong đó có những “hình ảnh” mà vốn tri thức và kinh nghiệm bản thân của cá nhân họ không thể nào sản xuất ra được.
Như trường hợp một giáo sư nọ có một thị kiến đáng sợ tìm đến Jung để hỏi xem mình như vậy có phải là mắc bệnh tâm thần hay không. Nhưng C.G. Jung đã đơn giản lấy một quyển sách xuất bản cách đó 400 năm từ kệ sách của mình, và đưa cho vị giáo sư kia xem một bức ảnh in hoàn toàn giống như thị kiến mà vị giáo sư đã có trong chiêm mộng. C.G. Jung nói: “Ông không cần phải lo sợ. Cách đây 400 năm người ta cũng đã có một thị kiến giống như thị kiến của ông”. Thế rồi, vị giáo sư ngồi phịch xuống ghế, tinh thần trở lại bình thường.
Và từ việc nghiên cứu khoảng 80 000 giấc mơ, ông đã xem xét nhiều thần thoại, truyện cổ tích, và môtip tôn giáo liên quan từ nhiều nơi trên thế giới để diễn giải những hình ảnh đó. Ông cảm thấy hết sức ngạc nhiên trước sự giống nhau giữa chúng và ông cố gắng tìm cách giải thích tại sao một người phụ nữ lại tự phát tạo ra những hình ảnh và chủ đề giống với những chủ đề và hình ảnh của thần thoại Ai Cập, của những bộ lạc thổ dân ở Úc và những người dân bản địa ở Mĩ. Tại sao những sự tương tự đáng ngạc nhiên như vậy lại xảy ra cho tâm thần con người mà không hề có liên hệ gì?
Điều này cũng có nghĩa là có những nội dung vô thức không bao giờ là kết quả của sự dồn nén từ ý thức. Nó đã có sẵn ngay từ đầu.
Không chỉ với con người, chúng ta chứng kiến hiện tượng chim trời, gia súc, cầm thú, cả đến sâu bọ, mỗi loài động vật này đều có những bản năng sinh sống của chúng: làm tổ, nuôi con, truyền giống... Những bản năng này là bẩm sinh và di truyền.

Người ta gọi những cấu trúc và năng lực sinh hoạt đó là những “mô hình”, những “nguyên tượng”, những “pattern of behaviour”.

Định nghĩa mẫu tượng không phải là điều đơn giản. Chính Jung cũng đã phải mất hàng chục năm trời, mà cuối cùng cũng chỉ có thể gợi ý hơn là miêu tả hay định nghĩa. Đầu tiên C.G. Jung gọi những “hình ảnh có tính biểu tượng” phát hiện từ các tầng sâu của hệ tâm thức là “nguyên tượng” (Urbilder, urtmliche Bilder; 1912), sau gọi là “yếu tố chủ yếu của vô thức” (1917), mãi năm 1919 C.G. Jung mới dùng từ “Archetypen” (mẫu tượng), rồi gần 30 năm sau (1946) C.G. Jung mới phân biệt giữa “mẫu tượng trong hình thức” (per se) nghĩa là trong nguyên lý và cấu trúc cơ bản, và “mẫu tượng trong hiện thực” nghĩa là mẫu tượng được thể hiện trong những hình ảnh cụ thể.
Freud cũng đưa ra lí thuyết tương tự như mẫu tượng. Khái niệm của ông về những vết tích cổ xưa thừa nhận những hình thức cổ. Mặc dù thái độ của Freud đối với tư liệu này rất khác với những nghiên cứu của Jung về thần thoại và mối quan hệ của nó với tâm thần, tuy nhiên cả hai người đều theo những suy nghĩ tương tự và vươn tới một kết luận chung. Freud cho rằng những mẫu tượng (dù ông không sử dụng thuật ngữ này) không là gì cả mà chỉ là những phản ánh tưởng tượng của hai bản năng cơ bản, Eros (các bản năng sống) và Thanatos (các bản năng chết).

Từ đâu có mẫu tượng?

“Tôi nghĩ, sự hình thành của mẫu tượng luôn bắt nguồn từ những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người. Một trong những kinh nghiệm quen biết nhất và đồng thời đầy ấn tượng nhất là sự xoay vần thường ngày của mặt trời: chúng ta có thể sẽ không khám phá gì được trong vô thức, nếu chỉ nhìn đến hiện tượng vật lý của việc mặt trời xoay vần. Trái lại, chúng ta tìm thấy “huyền thoại anh hùng mặt trời” trong vô vàn những biến hình biến dạng của nó. Chính cái huyền thoại nói trên, chứ không phải hiện tượng vật lý, đã tạo ra “mẫu tượng mặt trời”. Điều ấy cũng đúng trong trường hợp quá trình xoay chuyển của mặt trăng. Mẫu tượng là như một loại “dữ kiện” luôn sẵn sàng thể hiện lại cũng cùng những ý nghĩ huyền thoại đó hoặc tương tự như thế. Và như vậy, hầu như điều đã được khắc ghi vào vô thức, hoàn toàn chính là ý nghĩ tưởng tượng chủ quan đã được khích động bởi hiện tượng vật lý. Do đó, người ta có thể nghĩ rằng, mẫu tượng là những ấn tượng của những phản ứng chủ quan được nhiều lần lặp đi lặp lại...”. - C.G. Jung trong GW7, 109.
Và theo C.G. Jung, các thú vật cũng rất có thể có những mẫu tượng tương tự của chúng, Jung nói tiếp: “Không gì ngăn cản chúng ta nghĩ rằng, một số mẫu tượng nào đó cũng có thể có nơi động vật, rằng những mẫu tượng đó được hình thành trên cơ sở hệ thống sinh vật; nhưng làm sao mà trở thành như thế, đó là điều không giải thích được.”.

Bản năng và Mẫu tượng:

Mẫu tượng được phát hiện với bản năng. Theo C.G. Jung, bản năng là hình thức cơ bản của sinh hoạt, còn mẫu tượng là hình thức cơ bản của nhận thức, của thị kiến. Theo nguyên văn: “Mẫu tượng là nhận thức về bản năng”, là “bản sao ảnh của bản năng” (GW 8, 157).
Hơn nữa, mẫu tượng được phát hiện không phải chỉ với bản năng mà còn rất thường thông qua chiêm mộng, mơ tưởng, khải tượng; bởi nguồn xuất phát cuối cùng của mẫu tượng là những tầng sâu của vô thức tập thể, nơi được tàng trữ cô đọng lại những kinh nghiệm của cả loài người trải qua nhiều truyền thống nhân loại trong không gian và thời gian.
Hiện chưa xác định được Jung coi số lượng mẫu tượng là cố định hay vô hạn hay số lượng bao nhiêu. Một mẫu tượng chính đôi khi được gọi dưới tên là các mẫu tượng nhỏ.
Archetypal wheel & house.
Archetypal wheel & house.

"Mẫu tượng trong hình thức" và "Mẫu tượng trong hiện thực".

“Mẫu Tượng, là một Ding an sich (Kant: vật tự nó), và do đó nằm ngoài phạm vi của nhận thức con người. Chúng ta chỉ có thể nhận thức nó gián tiếp bằng cách nhận biết những biểu hiện của nó.” - Murray Stein
Mẫu tượng trong hình thức là mẫu tượng với một số hình thức cơ bản và một số ý nghĩa cơ bản, tồn tại trong tâm thức, nhưng vô hình giống như màu của tia tử ngoại (ultraviolet) của quang phổ. Cũng theo C.G. Jung, mẫu tượng trong hình thức thuộc loại “gần như tâm lý” (psychoid) chứ không phải cụ thể của loại tâm lý (psychic).
Mẫu tượng trong hình thức là cơ sở và kiểu mẫu cho việc thể hiện cụ thể một ảnh hình; ảnh hình cụ thể này chính là mẫu tượng trong hiện thực.
Mẫu tượng trong hiện thực là những mẫu tượng được diễn bày và thể hiện trong những hình ảnh cụ thể, như mẫu tượng cha, mẹ, bé thơ, anh hùng, mẫu tượng Đấng Giải Cứu, mẫu tượng Thượng đế... (GW 8, 417).
Jung nói thẳng rằng “nội dung cơ bản của tất cả các thần thoại, các tôn giáo và các chủ nghĩa là cổ mẫu”. Jung, Toàn Tập, Tập 8, đoạn 406.
 Tranh: Thần Eros và Psyche, Louis Lagrenée.
Tranh: Thần Eros và Psyche, Louis Lagrenée.
Thần Eros và nàng Psyche là hai đại diện cho cổ mẫu nam tính và nữ tính, sẽ được đề cập trong phần Anima/Animus.
...