Không phải bài review, cảm nhận, phân tích hay phán xét phim như mọi khi, vì phim này không đủ đô để cân cả bài viết. Mình có thể viết trong một đoạn dài chừng gang tay về phim mà không cần thiết phải chê bai hay ca ngợi thêm nữa. Nhưng phim cũng có cái để nói và mình muốn chia sẻ thêm về trải nghiệm xem ngày hôm qua, thế là bài này ra đời. Phim cũng không phải kiểu giật gân, trinh thám hay có những khúc quanh bất ngờ, phim thuộc kiểu chiêm nghiệm, nếu là một tác phẩm văn học, nó sẽ là “truyện nhưng không có truyện” như những văn phẩm của Thạch Lam. Vì vậy nên bạn đọc không cần chú ý về spoilers. 
Ý nghĩ đi xem phim chắc không nảy nòi sớm hơn ngày hôm đó. Mình chỉ đơn giản là muốn xem một phim gì đó coi được. Và “Cu Li không bao giờ khóc” chắc chỉ hiện lên như một lựa chọn đúng thời điểm đó mà thôi. Nếu rơi trúng thời điểm khác, chắc mình đã không xem rồi. 
Cái không khí quạnh quẽ ở rạp cỏ tỉnh lẻ khiến mình hơi bất ngờ. Bất ngờ vì khi đến nơi, mình không biết nó còn là rạp phim thật không hay đã chuyển thành một quán cafe. Loanh quanh mãi tìm một cái hầm để xe thì hoá ra nó chẳng có cái hầm nào cả, chỉ là một chỗ để xe khiêm tốn với bác bảo vệ hiền lành. Cảm nhận lúc ấy là… sướng quá, chẳng phải chen chúc hay chờ đợi, chẳng lo lắng về tiếng ồn của mấy ông bà già và trẻ con nghịch ngợm như thường thấy ở các rạp Hà Nội. Vì chẳng ai xem phim vào giờ cơm chiều trong một ngày giữa tuần và còn là ngày kỉ niệm nhà giáo ở cái tỉnh lẻ này, mình bao rạp. Bác chủ rạp gợi ý mình gọi thêm bạn hoặc đợi xem có ai xem cùng, vì phải bán được hai vé mới được phép chiếu phim. Mình vui lòng trả luôn cả hai vé để được xem một mình ngay tức khắc. Hoá ra mình không ghét xem phim rạp như mình tưởng (đây là lần thứ 3 mình xem phim rạp). Mình chỉ ghét xem rạp khi có những người khác cùng xem mà thôi. Ý nghĩ rằng mình hợm hĩnh và xấu tính khiến mình thấy phấn khích. Rạp cũng chẳng tệ, màn hình nhỏ hơn nhưng chỗ ngồi ít hơn, chắc rạp cũng không nói dối khi quảng cáo rằng chất lượng phòng chiếu của họ chuẩn quốc tế. 
Phim không tệ, nhưng không wow, hơi bình thường. Nó không nhảm nhí và nhức mắt như kiểu phim Trấn Thành, hẳn rồi, nhưng chưa đạt độ sâu lắng và bất ngờ cần có ở một phim hay. Nếu xem đủ phim, bạn sẽ thấy đạo diễn là người chịu khó xem phim hơn là nhà làm phim giỏi. Những cảnh phim, ý tưởng, góc quay đâu đó có hơi hướm giống những gì đã từng hiện ra trên màn ảnh phim Kim Ki-duk, Trần Anh Hùng, một số góc quay thì rất giống trong “Con voi ngồi im trên mặt đất” của Hồ Ba, hay “Vị” của Lê Bảo. Đương nhiên đạo diễn Phạm Ngọc Lân không bắt chước hay “học hỏi” gì đó quá đà. Chỉ là với một người chịu khó xem phim một chút, những cảnh quay, góc máy và nội dung chưa tạo ấn tượng. Người ta đoán ra được những hành động tiếp theo của nhân vật, những cảnh quay và ý đồ của nó. Việc khởi đầu bằng một mất mát (Nhân vật chính trở về Việt Nam từ Châu Âu mang theo hũ tro cốt của chồng và con vật nuôi của người chồng vừa mất) đến những nứt gãy giữa lối sống truyền thống và hiện đại, những xung đột về quan niệm sống và yêu của người trẻ và người già,... tất cả không còn mới nữa. Cứ đào sâu cứ bới móc cũng không sao, nhưng chẳng còn khiến người xem sành điệu phải suýt xoa nữa. Ai cũng có nỗi khổ đau cả, người dì mất chồng, người cháu mất mẹ, người con trai mất đi những khoảng thời gian lêu lổng cùng bạn bè chí cốt, đất nước mất đi một vị lãnh tụ, loài người mất đi thời gian và kí ức,... Có gì đau hơn nữa không, mà phải đau tinh tế, khó đoán và bất ngờ hơn nữa không? 
Nếu thế giới phim là một trường học, đạo diễn “Cu Li không bao giờ khóc” sẽ là một học trò ưu tú ở chỗ làm tốt những gì mà thế hệ đi trước “dạy bảo”, truyền đạt. Nhưng đáng tiếc là điện ảnh không phải một trường học, nó là một thế giới vô hạn vô vàn cách thể hiện, luôn luôn mở rộng và phát triển ngoài sức tưởng tượng của con người. Trong đó, đạo diễn phải là người có khả năng khai mở một chiều kích nào đó khác, không đơn thuần là mở ra một thế giới giả lập thì mới gọi là khác, mà đơn giản là thổi một cái gì đó mới mẻ vào những gì tưởng chừng như xưa cũ. Phạm Ngọc Lân dường như chưa đủ sâu sắc và cái tầm, cái thời cơ chín muồi để làm thế. Chấm công tâm, phim được tám điểm trừ trên mười điểm. 
Phim hơi hụt hẫng, ở cái chưa có cao trào và nút thắt. Mình không cho rằng phim phải có cao trào như một bộ phim trinh thám. Mình đã từng xem những phim dường như không hề có cao trào, trong ba, bốn tiếng đồng hồ. Nhưng phim phải có nút thắt và gỡ nút thắt hoặc thắt chặt nó vào hơn. Nút thắt của “Cu Li không bao giờ khóc” lại là một nút thắt lỏng lẻo, một khởi đầu mất mát và hụt hẫng, một người vợ mất chồng, trở về sống trong căn nhà chật hẹp cùng cô cháu gái. Không ấn tượng. Và có chăng sự gỡ nút thất là câu nói “không buồn nữa” của nhân vật chính và cái ôm giữa bà và cô cháu gái trong đám cưới của cô? Không đủ sức nặng. Phim khá là ngắn, chỉ một tiếng rưỡi. Mình không có ý chê phim ngắn là phim không hay, nhưng thực sự phim đuối một chút điểm nhấn, một sự hóc búa nào hơn thế nữa để kích thích lòng hiếu kì của người xem và chín mươi phút có lẽ chưa đủ để những điểm nhấn ấy bật ra thật rõ rệt. 
Một số hình ảnh chụp trộm được trong rạp: 
Ngồi rạp một mình thật thích. Cảm giác một mình trước một màn chiếu rộng lớn, giống như đang sống cùng với nhân vật. Có lẽ mình chưa cảm động nhiều về những gì diễn ra trước mắt, chẳng qua là đầu óc của một đứa con gái hay liên tưởng và mất tập trung khiến mình có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về chuyện mình. Cảnh quay đen trắng khiến mình an tĩnh, cảnh bà Nguyện ngồi trên xe buýt qua đường phố Hà Nội, cảnh sông Hồng, những gian hàng bán cây kiểng,... Hà Nội không phải quê mình, mình chỉ gá thân tạm ở đó trong bốn năm học và hơn năm ra trường. Mình đang ở nhà, ở nơi mình sinh ra. Mình biết ơn vì mình còn một nơi để về, nơi mình đã sinh sống trong 18 năm cuộc đời. Mình bị sợ hãi khi nghĩ đến cảm giác ngột ngạt chốn văn phòng, hay bụi bặm chen chúc ngoài phố giờ tan tầm, hay oằn mình co quắp trong căn phòng đi thuê. Mình chưa bao giờ quen được và yêu được nơi ấy. Chắc vì thế mà mình đổ bệnh và về nhà. Mình chẳng làm gì, không váy áo công sở, không chúc tụng chè chén, không ánh sáng lập loè. Mình được là mình, khi vui thì cứ cười, khi buồn thì không ngại khóc, không còn sợ ánh mắt soi xét, không còn ngại một lời hỏi han. 
Người nhà quê họ thường hỏi, giờ mình học xong chưa, giờ mình làm ở đâu, lương tháng bao nhiêu. Mình không rõ bao nhiêu phần trăm trong ý định của họ là thực sự muốn biết câu trả lời, hay chỉ là một câu cửa miệng xã giao, hay là một động tác lấy tư liệu cho sự soi xét, đánh giá, gièm pha. Mình đủ trưởng thành và hiện đại để biết rằng, không phải cứ đi làm trong một tổ chức nhất định mới thực sự là đi làm. Nơi mình làm việc không chỉ có nhà xưởng bề bộn hay văn phòng điều hoà quạt mát, nơi mình làm việc có thể là chính ngôi nhà mình, có thể là cánh đồng, có thể là cánh rừng bên dưới những vì sao. Mình không cần ghi danh trên hợp đồng lao động nào, không cần có sếp, có đồng nghiệp, có khuôn thước định đoạt bộ quy tắc hành xử của mình mỗi ngày. Mình không cần tập thể nào định danh cho bản thân mình, không nghề nghiệp hay công việc đặc thù nào để nhận dạng mình là ai. Là giáo sư, bác sĩ, luật sư, hay công nhân môi trường,... đó chỉ là những chức danh; dạy học, chữa bệnh, tranh tụng, hay dọn dẹp đường phố,... đó chỉ là những chuỗi hành động có ý thức. Rời những chức danh và hành động ấy, trần trụi với cuộc sống, hay đứng trước gương tự nhìn vào mình, mình là ai? Mình tin rằng dù ở vị trí nào, ở đâu, vào thời gian nào, trong hoàn cảnh nào, mình vẫn là mình, mình biết trong ánh mắt, trong khoé miệng, trong độ đàn hồi của da thịt, trong sự tỉnh táo của tinh thần. 
Mình muốn làm nhiều thứ. Một mình. Trước mắt là làm những dự án cá nhân mà mình đã rất lâu rồi chưa thể khởi động được. Mình muốn xây một tủ sách nhỏ tại Nhà văn hoá, chứa toàn là sách vở, tài liệu mà mình đang có. Mình mong rằng tủ sách ấy sẽ trở thành một thư viện có giá trị cho mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Mình đã từng làm nhiều dự án tình nguyện, trong số đó là dự án thư viện vùng cao. Đó là việc kể chuyện nên thơ cho những đứa trẻ đầu đội mây trắng. Không biết có ý nghĩa nào trong hành động kể những câu chuyện về hoàng tử bé, cuộc đua diều, hay cuộc đời của Pi phía bên kia thế giới cho những đứa trẻ người thiểu số quanh năm đi chân trần, áo xống phong phanh. Mình không thật sự biết nhiều năm làm tình nguyện ấy có ý nghĩa hay không, trong khi đến cái ăn cái mặc của chúng, mình còn chưa lo được. Mỗi lần đi tình nguyện như thế, mình vượt hàng trăm cây số đường đèo, vậy tại sao mình không làm một hành động nho nhỏ và khiêm tốn như mang cho những đứa trẻ chòm xóm láng giềng vài cuốn sách mình đọc và học. Những đứa trẻ đó cũng cần đọc và mình cũng dễ dàng hơn nhiều. Đứa trẻ nào cũng và nên lên cơn đói tri thức, sách vở hơn là lên cơn nghiện điện thoại, ipad…
Ngồi trước màn chiếu phim, ngồi trước bức tường, đứng trước một dòng sông, đến lúc nào ấy, sẽ giống như đối diện với một tấm gương lớn phản chiếu con người mình. Mình là ai, mình thế nào, xấu đẹp ra sao, hiện ra hết. 
Mikodmi.