“Rốt cuộc chúng ta là… cái quái gì?” Đó là câu hỏi mà có lẽ đã sinh ra làm con người, rồi cũng sẽ có lúc ta đều phải tự hỏi chính mình. Một câu hỏi mà tùy vào cách bạn trả lời nó sẽ giúp bạn định nghĩa bản thân mình, hoặc giúp mang lại ý nghĩa nào đó cho phần còn lại của cuộc đời bạn. Và dĩ nhiên là một câu hỏi có sức nặng lớn đến thế hoàn toàn nằm ngoài thẩm quyền trả lời của một cá nhân nào đó trên mạng, một cá nhân thấp cổ bé họng như tôi đây lại càng không.
Ngoài ra, nếu chúng ta đang nói đến triết học, thì tôi có niềm tin vững chắc rằng cái hay của hoạt động dùng não này không phải là tìm ra câu trả lời, mà là đặt ra những câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề rồi để cho người ta tự suy ngẫm và đi tìm câu trả lời cho chính họ. Vì vậy, dù có chút liều lĩnh nhưng tôi sẽ thử đặt ra những câu hỏi sát vào đề bài nhất, như những mẩu vụn bánh rải trên đường giúp những bạn trẻ khao khát tri thức trên Spiderum tìm ra lối riêng thoát khỏi mê cung bản ngã của mình.

Bạn có muốn làm "bạn" không?
Tôi thì cho rằng cái câu hỏi “Rốt cuộc chúng ta là… cái quái gì?” nghe nó hơi trịch thượng và lôi kéo đám đông quá. Thay vì vậy, nên tách nó thành 3 câu hỏi mang tính cá nhân và từ đó cũng dễ hình dung hơn, đó là: “Tôi là ai?”, “Tôi từ đâu tới?”, “Đích đến của tôi là gì?”.
Với câu hỏi đầu tiên “Tôi là ai?”, thì theo tôi trong hiện trạng xã hội đương đại, ngày càng ít người tự hỏi mình câu này, vì thực ra cũng chẳng ai muốn trả lời nó cả. Thay vì vậy, ngày càng nhiều người không muốn mình bị dán nhãn, hay nói cách khác là họ quan tâm hơn đến việc mình “không phải là ai” hơn, và tôi cho đó cũng là một điểm tích cực mà chủ nghĩa khai phóng mang tới. Nhưng rủi thay, quà tặng kèm của khuynh hướng này chính là “Tôi muốn trở thành ai”, và tin tôi đi kể từ thuở hồng hoang tới nay chưa bao giờ loài người lại ám ảnh với cái câu hỏi đó hơn lúc này.
Nghịch lý xảy ra khi có quá nhiều người không biết mình là ai nhưng lại muốn mình trở thành ai đó. Theo tôi thấy nhiều nhất chính là những bạn trẻ muốn làm giàu, muốn trở thành người nổi tiếng bất chấp xuất phát điểm và năng lực bản thân, bởi vì thời cuộc đang vẽ ra quá nhiều viễn cảnh trong mơ và những lối tắt để dẫn đến của cải cùng danh vọng. Cái câu khẩu hiệu “Hãy cứ là chính mình” vì thế mà trở thành sáo rỗng và vô nghĩa trong thời đại này, vì chẳng ai muốn điều đó cả! Vậy câu hỏi đúng phải là “Bạn có muốn làm “bạn” không?”
À, đừng cho là tôi đang phê phán, bởi dù sao thì chúng ta cũng là những sinh vật dễ nhàm chán, và việc làm chính mình quá lâu hẳn nhiên sẽ khiến ta tò mò về trải nghiệm mới lạ của việc làm người khác. Ý tôi là, ai mà chả muốn 1 ngày được sống thử cuộc sống của Trấn Thành hay Donald Trump, để xem bản ngã sẽ dẫn dắt ta ra sao nếu nó được toàn quyền sử dụng nguồn tài lực lẫn quyền lực vượt xa những gì mà nó đã quen thuộc? Hay là khi đã được tắm trong ánh hào quang đó rồi, ta lại nhận ra vì sao họ lại có những góc tối trong suy nghĩ và hành động mà ở góc nhìn khách quan ta không hiểu được

Nhưng trò chơi cuộc đời mà dễ quá thì còn gì thú vị? Bạn đã bao giờ từng nghĩ rằng mình muốn trải nghiệm làm người vô gia cư, bán vé số hay ăn xin đầu đường xó chợ chưa? Như ông tôi đã dặn lại con cháu:
“Ăn mày là ai? Ăn mày là ta! Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!”.
Nếu một ngày con tạo xoay vần và bạn thấy mình rơi vào cảnh khánh kiệt, liệu bạn có còn tự tin sẽ giữ vững được những giá trị luân lý, đạo đức, hay đơn giản là cách mà bạn tự nhận thức về “chính mình” của hiện tại nữa không? Cái tôi của bạn lúc đó sẽ gào thét và chửi rủa thậm tệ đến đâu chính mình của thời điểm này, khi đang ngồi mơ mộng về việc được sống cuộc đời của người khác mà không chịu hài lòng với những gì mình sở hữu?
Bạn có muốn làm một cục gạch không?
Bạn nghĩ bị dìm xuống đáy của ngọn tháp giai tầng xã hội đã là đã tệ lắm rồi ư? Nhưng chưa đâu, bạn nghĩ thế nào về ý tưởng trở thành một loài động vật nào đó? Tất nhiên nếu ngày mai tỉnh dậy và bạn thấy mình trong thân xác của một loài đứng đầu chuỗi thức ăn như hổ, cá heo, hay một loài ăn cỏ gần như không có thiên địch và hoàn toàn tự tại như ngựa, thì lại chả tốt quá! Nhưng nếu chẳng may mà bạn lại kẹt trong cơ thể của chuột, của thỏ, hay còn tệ hơn là nhìn đời bằng đôi mắt của con sâu cái kiến, thì xin chia buồn vì mọi mi-li-gam nhận thức của bạn khi ấy sẽ bị chi phối bởi sự cảnh giác thường trực nguy cơ trở thành bữa ăn chính trong ngày của giống loài khác.
Chúng ta vẫn thường tự hào là giống loài đã đi xa nhất trên thang bậc tiến hóa của sự sống trên Trái Đất, nhưng nếu bỏ đi những sản phẩm của nền văn minh như công cụ, máy móc, vũ khí… thì khách quan mà nói liệu loài người có bao nhiêu khác biệt so với những sinh vật khác? Một điều rõ ràng là cơ thể người cũng có cấu tạo là tập hợp những tế bào và duy trì sự sống bằng cách trao đổi chất với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, tồn tại bên trong cơ thể là một hệ vi sinh vật đa dạng, sống cộng sinh với các tế bào của chúng ta, một sự hòa hợp có thể dễ dàng nhận thấy ở vô số các dạng sống trong hầu hết các hệ sinh thái trong tự nhiên. Sự tương đồng đó cho thấy về mặt sinh học loài người có xuất phát điểm từ thiên nhiên, hay nói cách khác những gì cấu thành nên sự sống trong tự nhiên thì cũng cấu thành con người chúng ta.
Đó là một kết luận tưởng chừng như đơn giản, nhưng chỉ đến khi các nhà khoa học khám phá ra ‘gen’ di truyền và DNA thì chúng ta mới dám khẳng định rằng những thực thể có trí tuệ vượt trội như mình lại chung một giuộc với bọn vi trùng, cây cỏ hay chó mèo, vì nếu truy nguồn gốc tổ tiên thì đều quy về những tế bào sống đầu tiên xuất hiện trong cái nồi lẩu hóa học của Trái Đất sơ khai. Nhưng liệu câu trả lời cho câu hỏi “Tôi từ đâu tới?” như vậy đã đủ thỏa mãn chưa? Nếu đẩy thời gian về xa hơn trong quá khứ, giả sử chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào khoa học, thì chúng ta đến từ chính những vì sao ngoài vũ trụ bao la kia, hay chính xác hơn là từ những vì sao đã “chết”!

Nếu bạn còn chưa biết thì, theo lý thuyết khoa học nguyên tử gần như tất cả các nguyên tố nặng hơn Heli và Hydro trong vũ trụ đều được hình thành thông qua cơ chế tổng hợp hạt nhân (nucleosynthesis) diễn ra bên trong của các ngôi sao giống như Mặt Trời dưới nhiệt độ và áp lực cực lớn, để rồi sau đó được phóng thích vào khoảng không vũ trụ bằng những vụ nổ Siêu tân tinh (Supernova). Ngoài ra, chính bản thân các vụ nổ Siêu tân tinh này cũng đồng thời tạo ra môi trường giàu neutron và nhiệt độ siêu khủng khiếp để góp phần hình thành nên các nguyên tố còn hiếm hơn nữa (có nguyên tử khối nặng hơn Sắt). Tuyệt vời thay, khi có khoảng 30 nguyên tố quan trọng được hình thành theo những cách thức trên đóng vai trò cốt lõi của việc hình thành sự sống trên Trái Đất - từ những con vi khuẩn đơn giản nhất cho đến con người - có thể kể sơ như: Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ, Phốt-pho, Kali, Lưu huỳnh, Natri, Canxi, Magie, Sắt, Đồng, Kẽm, Mangan, I-ốt, Crôm.....
Như vậy, chúng ta thực tế là đã đến từ các vì sao theo đúng nghĩa đen! Những nguyên tử đang lượn lờ trong cơ thể bạn ngay lúc này đây đã từng nằm trong những lò luyện đan ở lõi của những vì tinh tú tồn tại từ nhiều tỷ năm về trước. Và chúng ta hoàn toàn chẳng có một ký ức nào về việc từng là những hạt bụi sao chu du qua khoảng không nhiều tỷ năm ánh sáng trước khi tụ về dưới lực hấp dẫn của Mặt Trời để tạo nên Trái Đất. Trải qua ức vạn thời gian, thông qua vòng tuần hoàn của vật chất, những hạt bụi sao ấy không chỉ tạo thành chúng ta, mà còn tạo nên vô số dạng sống khác đã từng tồn tại trên hành tinh này, và dĩ nhiên, cả những cục gạch nữa!
Có thể hiểu được nếu bạn muốn làm một ai khác không phải chính mình, nhưng liệu có ai từng muốn trở thành một cục gạch chưa? Tôi đoán ý nghĩ điên rồ đó chưa từng thoáng qua tâm trí một ai có cái đầu bình thường, nên có vẻ những nhà biên kịch phim hoạt hình thì không được bình thường cho lắm, vì đó chính xác là nội dung của tập 20, mùa thứ 6 của series hoạt hình “Adventure Time” chiếu trên Cartoon Network. Tập phim có tên là “Jake the Brick”, trong đó nhân vật chú chó Jake (có trí tuệ, suy nghĩ và tình cảm gần như một con người) cảm thấy chán nản với cuộc sống phiêu lưu thường ngày và nảy ra ý tưởng muốn được trải nghiệm cuộc đời qua góc nhìn của một cục gạch. Nói là làm, Jake biến mình thành một cục gạch lấp vào chỗ trống trên bức tường của ngôi nhà đổ nát trong rừng, sau đó quan sát và lắng nghe cuộc sống diễn ra xung quanh trong trạng thái tĩnh lặng của một cục gạch, để rồi học được cách hòa mình với thiên nhiên mà trước giờ chú ta chưa từng biết tới.
Tập phim được đánh giá cao bởi sự độc đáo, tính chiêm nghiệm và cách nó khám phá một khía cạnh bình yên của cuộc sống mà ít con người nào được trải nghiệm. Nhưng bỏ qua điều đó, ta thấy vẫn có một khúc mắc tồn tại, đó là toàn bộ thời gian sống như một cục gạch thì Jake vẫn sở hữu đầy đủ các tri giác và nhận thức cao cấp, trong khi đó cục gạch, dù được cấu tạo từ cùng những nguyên tử bụi sao như sinh vật sống, lại là một vật hoàn toàn vô tri vô giác. Phải, vô tri giác và không có sự tự nhận thức, giống như con tàu Theseus vậy!

Bạn có (thường) suy nghĩ về sự tồn tại của ai khác (ngoài mình) không?
Trong triết tâm học (Philosophy of Mind), có tồn tại một khái niệm là “Qualia”, được hiểu là trải nghiệm chủ quan của riêng mỗi cá thể độc lập, thứ mà không thể bị tráo đổi, tái hiện hay sao chép. “Qualia” chính là thứ quyết định rằng bạn sẽ không bao giờ biết được thực sự thì thế giới này nó ra làm sao qua trải nghiệm của một con chim, con cá, con sâu, con kiến hay con vi khuẩn!
Bạn có thể ngồi tưởng tượng rằng một ngày làm con mèo cưng của mình sẽ như thế nào, bạn thử đặt mình vào vị trí của nó, góc nhìn của nó, thói quen và tính cách của nó để dự đoán xem trải nghiệm chủ quan của nó khi nhìn thấy một cánh cửa màu đỏ hay màu xanh là như thế nào, nhưng thứ hiện ra trong đầu bạn vẫn hoàn toàn là dự đoán chủ quan của bạn mà thôi, không phản ánh chính xác cách mà con mèo cảm nhận thực tại. Cũng như vậy, cách mà bạn ngắm nhìn hoàng hôn trên biển sẽ không thể nào tương đồng với cách mà chú chó bạn dẫn theo ngắm nhìn nó, cả hai có thể cùng ngồi lặng im nhìn về cùng một thứ, nhưng cái Qualia của mỗi thực thể là khác nhau.
Nếu chúng ta không có Qualia của một con người, thì một bản giao hưởng của Beethoven sẽ chỉ là một chuỗi ngẫu nhiên của các trường độ và cao độ âm thanh khác nhau không hơn không kém. Một mùi hương lạ lẫm có thể hoàn toàn vô nghĩa với người này, nhưng lại lay động những ký ức sâu thẳm và quý giá nhất với một người khác. Bạn có thể mô tả chính xác những gì mình trải qua ở một lễ hội âm nhạc, từ âm thanh, ánh sáng, mùi hương cho đến những cái đụng chạm trần trụi với cô gái đứng cạnh, nhưng chừng đó là không đủ để truyền tải cái cảm giác “nổi da gà” của bạn khi đó đến người nghe. Qualia đòi hỏi họ phải ở đó và tự mình thu nhận tất cả những kích thích ấy bằng các giác quan và hình thành trải nghiệm chủ quan của riêng mình.
Nếu nhận thức mang tính chủ quan đặc biệt đến vậy, thì liệu sự so sánh mang tính triết học giữa con tàu Theseus với con người chúng ta liệu có công bằng không? Nó khập khiễng cũng y như việc chú chó Jake muốn làm một cục gạch vậy! Bởi bản thân con tàu Theseus không có nhận thức chủ quan về thực tại, nhận thức về chính nó lại càng không, và sự vắng mặt quan trọng nhất chính là ký ức. Phải chăng, thứ gọi là “con tàu Theseus” chỉ thực sự tồn tại trong ký ức của những người đã từng bước lên tàu, cùng nó lênh đênh trên đại dương, thu vào tầm mắt những con sóng và ánh mặt trời, hít thở mùi gió biển mằn mặn và tự mình cảm nhận từng thớ gỗ lồi lõm? Vì nếu bảo con tàu Theseus có một thứ gọi là Qualia cao cấp hơn một con vi khuẩn, thì chẳng khác nào bảo các nguyên tử trong người chúng ta cũng có ký ức riêng về quãng thời gian đằng đẵng làm bụi sao chu du trong vũ trụ.
Bạn có nhận thấy rằng thật ra rất khó để so sánh, đối với sự tồn tại của một thực thể nhất định, thì nhận thức của chủ thể hay khách thể là quan trọng hơn? Lấy một ví dụ nhỏ: Bạn bước vào một quán cà phê, tình cờ thấy một cô gái xinh xắn ngồi ở bàn kế bên và quyết định lấy hết tự tin bước sang bắt chuyện. Cuộc trò chuyện diễn ra suôn sẻ và cả hai cảm thấy khá mến nhau, nhưng gần cuối buổi cô ấy tiết lộ mình là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế và sắp có một chuyến đi theo đoàn thiện nguyện làm nhiệm vụ cấp phát thuốc men ở vùng có chiến sự tại quốc gia khác. Bạn hơi bất ngờ nhưng vẫn xin trao đổi thông tin liên lạc với người ta và hẹn sẽ gặp nhau sau khi cô ấy trở về từ chuyến đi. Bẵng đi vài tuần, bạn nhận được tin nhắn từ số điện thoại của cô gái đó, nhưng là của bố mẹ cô ấy báo tin con gái họ đã mất sau khi một trái hỏa tiễn lạc đường phóng vào khu vực của đoàn từ thiện!
Giờ thì bạn đau khổ và không biết làm gì với sự tồn tại của cô gái đó trong tâm trí mình. Bạn cảm thấy định mệnh thật trớ trêu, khi cho bạn gặp cô ấy, cảm mến cô ấy, để rồi biết được về sự ra đi của cô ấy theo cách tàn nhẫn như vậy. Nếu ngày hôm đó bạn cứ ngồi yên tại bàn mình thay vì nhảy sang bắt chuyện, thì sự tồn tại của cô gái nọ sẽ chẳng khác gì hàng tỷ người dưng khác mà bạn sẽ chẳng bao giờ gặp gỡ trên thế giới. Hoặc nếu cuộc trò chuyện hôm đó diễn ra không suôn sẻ, cô gái đã chưa bao giờ trao đổi thông tin liên lạc với bạn, thì cái sự thật đầy mất mát kia sẽ không cách nào len lỏi vào ý thức của bạn, khi ấy hình ảnh thoáng qua của cô ta sẽ phai mờ đi rất nhanh trong tâm trí bạn. Cực đoan hơn nữa chính là nếu hôm ấy bạn đã chưa từng bước vào cái quán cà phê chết tiệt kia, thế thì sự tồn tại của cái thực thể “cô gái” sẽ không được ghi nhận vào não bộ của bạn, và cái chết kia sẽ chìm nghỉm trong một mẩu tin thời sự lúc 19h mà bạn chép miệng cho qua giữa những cái nhai nuốt vội vàng của bữa tối.

Bạn thấy chưa, sự tồn tại của một con người có thể trở nên khác biệt đáng kể giữa sâu đậm và mong manh chỉ bằng vài sự lựa chọn tùy hứng như thế đó. Dựa vào nhận thức chủ quan đầy vị kỷ của chúng ta, mà tầm quan trọng của hàng tỷ sinh linh khác đang hằng ngày vật lộn với cuộc đời có thể hạ xuống zero cũng dễ như các hãng giải khát làm ra bia không cồn vậy. Ở chiều ngược lại, để đảm bảo tính phổ quát của vấn đề, sự tồn tại của chính chúng ta trong nhận thức phần còn lại của nhân loại, ngoài những cá thể có liên quan trực tiếp đến mình, cũng nhỏ bé tới vô cùng như thế. Bạn đã bao giờ có cảm giác này chưa: khi đi ngang qua những tòa nhà chung cư lớn, nhìn lên những khung cửa sáng đèn trong đêm tối như một điều quá đỗi bình thường, nhưng đến một ngày bạn nhận ra đàng sau mỗi ánh đèn đó là cuộc đời của một con người mà bạn sẽ chẳng bao giờ biết đến! Họ đã làm gì ngày hôm đó, bữa tối của họ sẽ có món gì, có ai đang ở bên cạnh họ lúc ấy...? Tất cả đều là những sự tồn tại rất thực nhưng với ý thức chủ quan của bạn thì nó không thực hơn một nhân vật tiểu thuyết là bao.
Vậy cuối cùng thì ai đang ở trên tàu?
Từ khi còn nhỏ tôi đã hay có một cảm giác tiếc nuối lạ thường vào buổi tối, ngay trước khi chìm vào giấc ngủ. Tôi khi ấy đã ít nhiều biết được về cách mà thế giới đang vận động, rằng khi mà tôi nhắm mắt và ý thức của tôi tạm thời biến mất, thì ở rất nhiều nơi khác đặc biệt là những vùng đất ở nửa bên kia của địa cầu, sẽ có những con người khác thức dậy và một ngày mới của họ bắt đầu. Thật phí hoài, tôi sẽ không bao giờ được trải nghiệm những cuộc đời của họ, không được gặp gỡ những con người giống họ, thưởng thức những món ăn giống họ, hay tận hưởng nền văn hóa của họ. Du lịch chỉ là một nỗ lực mô phỏng đáng thương hại, vì như khái niệm Qualia mà tôi đã đề cập, trải nghiệm là một ai đó là duy nhất. Phải chi lúc ngủ, ý thức của chúng ta được thay vào chỗ của từng người khác nhau trên thế giới để trải nghiệm thì hay biết mấy, nhỉ?
Khoan, đợi đã, nếu thế thì ký ức và cùng với đó là nhận thức về bản thể ở đâu. Khoa học đã tìm ra những trung khu lưu trữ ký ức trong não bộ, cùng với đó là những vùng đặc biệt khác nắm giữ khả năng tư duy, phân tích, ngôn ngữ, vận động. Ngoài ra, một phần tính cách và hành vi của chúng ta bị điều chỉnh bởi những nội tiết tố đặc biệt tiết ra từ nhiều cơ quan nằm rải rác trong cơ thể. Nếu thế, gần như toàn bộ những gì làm nên cái gọi là "tôi” đều bị neo chặt vào phần thân thể hữu cơ, vì vậy cái phần ý thức tinh khiết nhất của tôi, thứ biến mất trong giấc ngủ đêm nay, cũng hoàn toàn có thể là thứ xuất hiện cùng khi một người ở cách tôi nửa vòng Trái Đất tỉnh dậy đón ngày mới lắm chứ? Rốt lại thì, nếu toàn bộ nhân loại đồng loạt mất trí nhớ cùng một thời điểm, chẳng ai còn bất cứ ý niệm nào mình từng là ai cả, khi đó ai sẽ là ai đây? Quan trọng hơn, nếu tôi mất hết ký ức về bản thể của chính mình, liệu khi ấy tôi có còn tiếc nuối cuộc sống và sợ hãi cái chết nữa không?
Câu trả lời cho câu hỏi thứ ba: “Đích đến của tôi là gì?” thực ra chỉ có một, đó chính là “cái chết”. Đúng vậy, đó là đích đến cuối cùng của tôi, của bạn, của ăn mày hay tỷ phú, của diễn viên hay tổng thống, của bất cứ con người nào. Tôi nói con người, vì 3 câu hỏi trên kia chỉ có mỗi chúng ta tự đem ra hỏi mình thôi, các sinh vật sống khác đâu có hỏi! Nghĩ mà xem, nếu như tất cả những thứ khả dĩ có thể dùng để xác định “tôi” là ai đều bị gắn vào thân thể hữu cơ này, thế thì cái chết phải là dấu chấm hết của cái thực thể gọi là “tôi” chứ? Vì nếu không như thế, luân hồi chuyển kiếp sẽ chẳng khác nào một ca mất trí nhớ, bởi không có cái gọi là linh hồn đại diện cho cái “tôi” chân thật mang theo ý thức về bản thể để được gột rửa. Hay nói toạc ra, hình như đó chính là thứ mà Đức Phật muốn nói tới khi nhắc đến khái niệm “Vô Ngã”?
Hãy thử nhắc lại sự so sánh giữa con người với con tàu Theseus xem, những tế bào trong cơ thể bạn và tôi đang hằng ngày chết đi và bị thay thế, nhưng khác với con tàu, những bộ phận bị thay thế của cơ thể là nhờ quá trình sao chép kỳ diệu của DNA, giúp các tế bào tạo thành bản sao hoàn chỉnh của chính mình. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc, tại sao quá trình sao chép đó lại có thể giữ lại cả ký ức và nhận thức về bản thể được, trong khi từng tế bào riêng lẻ của cơ thể không hề có ý chí riêng? Vậy thì sao bạn không thử nhìn bọn ong hay bọn nhện đi? Ngay từ khi sinh ra, với chỉ thông tin có được từ mã di truyền của các thế hệ trước, tự bọn chúng đã có thể biết xây những chiếc tổ hay đan những tấm mạng vô cùng phức tạp mà không cần được chỉ dạy, cũng không cần bản vẽ hay đơn vị đo lường. Trong toàn bộ những hành động phức tạp đó, thiếu vắng hoàn toàn những thứ tưởng chừng không thể thiếu: tư duy và ý tưởng, tất cả là thông tin được ghi lại trong chất liệu di truyền ở cấp độ tế bào.

Nếu đào sâu hơn nữa, biết đâu chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng về ký ức ở cấp độ nguyên tử thì sao? Bạn giải thích ra sao về trường hợp khi nhìn thấy ai đó phải chịu đau đớn (Ví dụ như chấn thương gãy ống quyển của các cầu thủ, hay tai nạn khiến bị đoạn chi…) thì bản thân chúng ta, dù có thể chưa từng trải nghiệm giống vậy, lại có thể đồng cảm (cảm giác “nhìn mà thấy đau giùm” ấy) với họ như tự mình đang phải chịu? Có thể đó cũng chính là khởi nguồn của lòng từ bi và vị tha mà sâu trong mỗi chúng ta ai cũng có. Cũng giống như 2 phiên bản của chiếc tàu Going Merry của băng hải tặc Mũ Rơm trong One Piece vậy, thứ làm mang lại ý nghĩa cho con tàu là những người thuyền viên ở trên đó, chứ không phải là cái tên hay những mảnh ván ghép lại. Con tàu Theseus cũng vậy, khi người cuối cùng của thủy thủ đoàn cùng Theseus rong ruổi bốn bể bước xuống khỏi tàu, thì cái ý niệm “con tàu Theseus” cũng đã biến mất khỏi não trạng tập thể rồi và sự tồn tại và biến đổi của nó sau đó cũng chẳng còn ý nghĩa nữa.
Chúng ta thì khác, chừng nào mà ý thức về bản thể vẫn còn tồn tại đằng sau cặp mắt nhìn ra thế giới này vẫn còn giữ bánh lái của chiếc tàu mang danh “tôi” thì chừng đó tất cả những sự thay đổi vẫn không thể mảy may tác động. Dù là vì sao lấp lánh hay cục gạch trơ lì, thì mỗi dạng hiện hữu đều có lý do tồn tại của nó. Có lẽ, câu trả lời không nằm ở việc ta là ai, mà ở chỗ ta sống với bản thể ấy như thế nào!
Đình Huy (hueytran3001@gmail.com)
Nếu bạn đọc đến đây, xin gửi lời cảm ơn chân thành vì đã kiên nhẫn với tôi đến vậy. Bài này được viết lai rai trong 2 tuần, nên không thể tránh khỏi những đoạn mà dòng suy nghĩ của tác giả bị ngắt quãng. Và tôi biết cái thói quen cứ nghĩ ra cái gì hay là nhất quyết phải thêm vào bài là một thói quen xấu mà tôi cần loại bỏ nếu muốn làm một tác giả chân chính. Dù sao đi nữa, xin cảm ơn Spiderum đã mở ra cuộc thi này giúp tôi có nơi để chia sẻ lòng mình.

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất