Nguồn ảnh: ELI9
1. Hiệu ứng cánh bướm là gì? 
Hiệu ứng cánh bướm (The Butterfly Effect) chỉ ra rằng: Một con bướm đập cánh có thể trở thành điểm khởi đầu của chuỗi sự kiện phức tạp mà sau này sẽ gây ra một cơn lốc xoáy ở tận nửa kia bán cầu. Nói một cách đơn giản hơn, một hành động nhỏ như cánh bướm đập cũng có thể gây nên hệ quả lớn và không ngờ tới. Bài viết này sẽ chỉ cung cấp một góc nhìn mới về hiệu ứng cánh bướm qua đại dịch COVID-19, chứ không tập trung phân tích cụ thể giả thuyết này.

2. Cánh bướm khởi đầu 
Vào ngày 31/12/2019, Văn phòng Quốc gia WHO ở Trung Quốc ghi nhận báo cáo về một căn bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân được phát hiện ở Vũ Hán. Ca nhiễm đó đã lây lan nhanh chóng, bùng phát thành dịch bệnh COVID-19. Sau 8 tuần, căn bệnh đã lây lan sang hơn 90 quốc gia, với tổng số ca nhiễm là 102.169, số người tử vong lên đến 3.491.

3. Từ một vài cơn gió Đại lục 
Dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc, nên không có gì ngạc nhiên khi đất nước này phải gánh chịu nhiều hậu quả nhất. Hoạt động kinh tế có xu hướng giảm mạnh. Các doanh nghiệp và trường học có thể phải đóng cửa trong nhiều tuần.
Trớ trêu thay, dịch bệnh lại rơi đúng vào dịp Tết nguyên đán - dịp lễ mà người Trung Quốc mua sắm và di chuyển nhiều hơn các ngày khác trong năm. Vì COVID-19 mà lượng tiêu thụ nội địa giảm mạnh. Giá dầu đã giảm 20% trong tháng 1 vừa qua do người dân ít có nhu cầu đi lại. Giá thành kim loại và các vật liệu xây dựng khác cũng đã bắt đầu giảm dần theo giá dầu.
Một khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc cho thấy 1/3 trong số đó chỉ đủ tiền để trang trải chi phí trong 1 tháng. 2/3 còn lại cho rằng mình sẽ hết sạch tiền trong 2 tháng tới. Một vài doanh nghiệp chắc chắn sẽ phá sản nếu nền kinh tế Trung Quốc không hồi phục nhanh chóng.

4. Đến cơn bão tại Châu Á 
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của hầu hết các nền kinh tế châu Á. Nếu Trung Quốc bị cảm lạnh, các nước anh em hàng xóm đương nhiên cũng sẽ "hắt xì".
Trước tiên là Việt Nam - đất nước có đường biên giới sát Trung Quốc. Với lượng khách nhập cảnh giảm mạnh, ước tính doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2020 sẽ sụt giảm hơn 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nước ta và Trung Quốc còn có mối quan hệ xuất nhập khẩu chặt chẽ. Với hành động đóng cửa khẩu để kiểm soát dịch, người nông dân nước ta không thể xuất khẩu nông sản sang nước bạn, dẫn đến những phi vụ “giải cứu trái cây" gây sốt như bánh mì thanh long hay bún dưa hấu suốt thời gian qua.
Tiếp đến là các nước Đông Nam Á. Thái Lan vốn đã phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ do dân số già và đầu tư nội địa yếu, sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Nền du lịch của Indonesia và Philippines cũng ngưng trệ bởi sự phụ thuộc cao của họ vào khách du lịch Trung Quốc.
Nhật Bản và Hàn Quốc - hai đất nước lớn mạnh sẽ phải gánh chịu hệ quả tiêu cực từ các khoản đầu tư chứng khoán tại Trung Quốc đại lục. Các công ty lớn như Shiseido, Dentsu đã bắt đầu cho nhân viên làm việc từ xa thay vì phải đến văn phòng - phần nào ảnh hưởng đến quá trình vận hành của công ty.

5. Và cuối cùng là lốc xoáy toàn cầu
Khi cả thế giới được liên kết chặt chẽ qua một mạng lưới kinh tế, sự đình trệ của một đất nước - trong trường hợp này là đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu - sẽ gây ra thiệt hại kinh tế cho những đất nước còn lại.
Đầu tiên là Châu Mỹ. Brazil, vốn coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ, có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay. Mỹ không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khi Trung Quốc sẽ không thể mua thêm 200 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ trong 2 năm như đã cam kết. Đồng thời, ngành tiêu dùng - ngành hàng chiếm 70% nền kinh tế Mỹ cũng dần giảm khi người dân hạn chế đến nhà hàng, rạp chiếu phim,..
Tiếp đó là Châu Âu. Anh có mối liên hệ chặt chẽ với tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới. Nếu thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, Anh sẽ cảm nhận được tác động lớn hơn nhiều nước khác. Năm ngoái, ngành công nghiệp sản xuất của Anh suy thoái do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mở rộng ra toàn cầu, các thương hiệu sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại. Apple là doanh nghiệp lớn đầu tiên đưa ra dự kiến rằng doanh thu sẽ sụt giảm. Hãng chỉ ra rằng, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các cửa hàng đều phải giảm số giờ hoạt động với số lượng khách ghé thăm rất thấp.
Giá vàng tăng lên 1,7% - mức cao nhất trong 7 năm qua, không chỉ do tác động của COVID-19, mà còn do lợi suất trái phiếu sụp đổ trên toàn cầu. Nhà kinh tế học người Mỹ Nouriel Roubini dự đoán rằng, khủng hoảng sẽ khiến thị trường chứng khoán thế giới sụt giảm đến 30-40%.

4. Kết
Nói về những vấn đề hàn lâm đủ rồi, hãy nhìn vào một sự kiện gần đây tại Hà Nội. Sự xuất hiện của bệnh nhân COVID-19 thứ 17 đã gây ra hàng loạt hệ quả khác chỉ trong vài ngày.
Trước tiên là một buổi họp gấp giữa nửa đêm của cơ quan chính phủ. Sau đó, cả mạng xã hội xôn xao tung một loạt tin thật giả lẫn lộn. Người dân lo lắng, hoang mang. Sáng hôm sau, các khu chợ, siêu thị đông nghẹt người. Lần này, không chỉ khẩu trang mà mọi loại hàng hoá từ thức ăn đến giấy vệ sinh đều hết sạch chỉ sau vài tiếng. Vài khu phố bị cách ly. Hàng quán lại vắng tanh. Xuất hiện thêm 3 trường hợp nữa lây nhiễm từ ca số 17. Học sinh sinh viên tiếp tục được nghỉ học. Người đi làm cũng e ngại khi phải đến công ty. Các sự kiện từ nhỏ đến lớn bắt đầu thông báo dời lịch, hoặc thậm chí là huỷ bỏ.
Tất nhiên, đây mới chỉ là một vài cơn gió trong nội thành, chứ chưa đến mức một cơn bão như giả thuyết ta đã nói ở đầu bài. Nhưng, hãy nghĩ đến việc Hà Nội là thủ đô của Việt Nam. Nếu nền kinh tế, xã hội của Hà Nội nói riêng bị đình trệ, Việt Nam nói chung liệu có ảnh hưởng? Nếu có, ảnh hưởng ấy sẽ lớn đến mức nào? Có lẽ chúng ta phải chờ thêm vài tuần, thậm chí vài tháng nữa mới có thể biết được tầm ảnh hưởng của một cá thể lên toàn đất nước. Song, với thực lực của Việt Nam và những hành động kiểm soát dịch đầy quả quyết đến từ nhà lãnh đạo, mình tin rằng nước ta sẽ dập được bão trước khi nó kịp xảy đến.

* Xem thêm nhiều bài viết khác về kinh tế và kinh doanh tại đây: bit.ly/2TUyC9K