CON MA CÓ TỒN TẠI TRONG PHẬT GIÁO HAY KHÔNG?
Để tránh gây tranh cãi, con ma ở đây được định nghĩa là linh hồn của người đã chết vương lại nhân gian. Câu trả lời là PHẬT GIÁO KHÔNG...
Để tránh gây tranh cãi, con ma ở đây được định nghĩa là linh hồn của người đã chết vương lại nhân gian. Câu trả lời là PHẬT GIÁO KHÔNG TIN VÀO SỰ TỒN TẠI CỦA LINH HỒN.
Đây là một vấn đề rất lớn. Bởi lẽ, nó sẽ góp phần giải thích có hay không tính chính thống của Phật giáo, chứng minh Phật giáo tách biệt với truyền thống Ấn giáo mà thông thường đệ tử nhà Phật không có nhiều thiện cảm do mối quan hệ với Bà La Môn giáo thời kì trước.
Tại sao vấn đề Linh Hồn lại quan trọng đối với Phật giáo?
Bàn về vấn đề có hay không linh hồn trong Phật giáo thì phải hiểu được linh hồn trong bối cảnh ra đời của Phật giáo có định nghĩa ra sao. Theo truyền thống Vệ Đà (Bà La Môn giáo, Ấn Độ giáo), tồn tại linh hồn bất diệt chia thành 2 loại: linh hồn bản thể - linh hồn của mỗi cá nhân và sinh vật - tiểu ngã và linh hồn vũ trụ - linh hồn nguyên bản - đại ngã.
Có một điểm cần phải nhắc lại, Ấn giáo không phải là một tôn giáo, mà là một tập hợp các tôn giáo có liên hệ với nhau về mặt niềm tin. Và xét cho cùng, niềm tin ở đây là đặt vào sự tồn tại của đại ngã và tiểu ngã, tức là sự tồn tại của linh hồn bất diệt. Sau khi Phật giáo ngừng phát triển tại Ấn Độ cho tới ngày nay, người Ấn có rất ít hiểu biết về Phật giáo, nếu có, thường họ sẽ coi Phật giáo là một tôn giáo nằm trong tập hợp Ấn giáo rộng lớn như Shiva giáo, Krishna giáo,..., đặc biệt là sau khi Đức Phật Thích Ca được công nhận rộng rãi là một hiện thân (thứ 9) của thần Vishnu và đâu đó cũng được thờ phượng. Tín đồ Phật giáo luôn một mực phủ nhận sự đồng hóa này. Mặc cho có muôn vàn điểm tương đồng và tiếp biến qua lại giữa hai tôn giáo này, Phật giáo sẽ mãi là một tôn giáo độc lập khi pháp ấn thứ hai của Phật giáo vẫn còn được thừa nhận: VÔ NGÃ.
Vậy Vô Ngã là gì?
Để giải thích tường tận một khái niệm bất khả tri như Ngã và Vô Ngã là điều không thể (ít nhất là đối với hiểu biết hữu hạn của mình). Tuy nhiên, có thể tạm giải thích như sau, con người thường được cho là gồm 2 phần là thể xác và linh hồn tồn tại độc lập với nhau. Phần thể xác là phần hữu hạn (sinh ra, già đi, và chết), trong khi đó phần hồn là vĩnh cửu và đây mới chính là "chủ nhân thực sự" điều khiển mọi ý thức và hành động của chúng ta. Sau khi thân xác tạm bợ này chết đi, một số tôn giáo cho rằng linh hồn sẽ quay trở lại với bản thể nguyên thủy của nó mà tùy tôn giáo sẽ gọi là Thiên Chúa (trở về Thiên Đàng nơi Thiên Chúa thổi linh hồn vào lỗ mũi của Adam) hay Đạo (Lão giáo), hay Đại Ngã (nếu hành pháp đạt đến giải thoát trong Ấn giáo); trong khi đó, một số tôn giáo tin vào luân hồi cho rằng cái linh hồn đó dù có mất đi trí nhớ về kiếp sống vừa qua nhưng sẽ mang theo những đặc điểm đặc trưng cá nhân đi đầu thai vào một thân xác mới, sông một cuộc đời mới. Ngã cũng có thể được hiểu là dấu ấn cá nhân, khiến ta là một thực thể duy nhất và khác biệt.
Vậy thì Vô Ngã theo cách hiểu đơn giản nhất, chính là không tồn tại ngã, không tồn lại linh hồn vĩnh cửu và không tồn tại cái tôi cá nhân khác biệt.
Theo giáo lý nhà Phật, con người gồm có 2 phần: Danh và Sắc, tương đương với Tâm và Thân. Trong đó Sắc hay là các bộ phận trên thân xác này được tạo nên bởi 4 yếu tố được gọi chung là Tứ Đại: đất, nước, gió, lửa. Danh hay là phần tâm linh cũng gồm 4 thành phần: thức, tưởng, thọ, hành. Thông thường, kinh điển Phật giáo sẽ gộp Sắc và 4 thành phần của Danh lại thành 5 yếu tố cấu tạo nên con người gọi là ngũ uẩn: sắc, thức, tưởng, thọ, hành. Ngoài ngũ uẩn ra không có cái gì gọi là cái ta, linh hồn hay bản ngã.
Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo chủ trương trung đạo, giữa danh và sắc không có cái nào làm chủ cái nào, không có cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào vĩnh cửu, cái nào hữu hạn. Tất cả đều là những yếu tố riêng biệt do DUYÊN mà kết hợp lại với nhau tại một thời điểm nhất định mà sinh ra và sẽ tự nhiên mà diệt. Có một khái niệm gọi là “Tương Tức” để giải thích hiện tượng này. Theo đó, danh và sắc như mặt trái và mặt phải của một tờ giấy, ta không thể chỉ xé đi mặt phải của tờ giấy mà không xé đi mặt trái của nó. Điều đó có nghĩa, danh và sắc tồn tại và diệt vong phụ thuộc vào nhau; tâm và thân sẽ cùng sinh và cùng diệt. Vì vậy, sẽ không tồn tại việc sau khi thân xác chết đi, một cái gì đó gọi là linh hồn sẽ tồn tại độc lập được.
Vô Ngã trong Phật giáo là một khái niệm trung tâm, là phương thức để ta có thể đạt được giải thoát. Cần phải nhận thức được rằng cái ta không tồn tại, cái thân xác này, linh hồn này là mà ta cố gắng giữ lấy và coi nó là của mình đều là giả. Đã là giả thì sẽ đến lúc mất đi. Nếu ta vẫn cố chấp muốn giữ lấy cái không có được thì đó chính là nguồn gốc của sự khổ. Khi ta chết đi, khi nhân duyên giữa ngũ uẩn không còn nữa, ta cũng sẽ biến mất.
Tất cả đã không còn, vậy thì cái gì đi tái sinh?
Có một vấn đề, nếu cái ta bản thể vốn đã không hề tồn tại, đến cái "ta giả" cũng đã diệt thì cái gì sẽ đi tái sinh; và nếu ta đã là giả thì sau khi tái sinh, đó sẽ có phải là ta nữa hay không, có thể gọi là kiếp sau của ta hay không?
Theo Phật giáo, cái tạm gọi là con người chúng ta bao gồm cả phần thể xác và tâm hồn (sắc và danh) chỉ tính ngay trong kiếp sống này cũng không phải nguyên bản.
Có 1 ví dụ kinh điển, khi ta 5 tuổi và ta của hiện tại có phải là một hay không? Về cả thể xác và tâm hồn (cả danh và sắc) đều có vẻ là không. Xét về thể xác, khoa học hiện đại cũng đã chứng minh, các tế bào trong cơ thể chết và sinh ra mới thay thế từng giây. Vậy nên, tính ở thời điểm hiện tại khả năng cao là trong người ta không còn có tế bào nào của ta khi 5 tuổi nữa. Xét về mặt tâm lý, suy nghĩ của ta đã thay đổi rất nhiều; nhân sinh quan, thế giới quan của ta hiện tại có thể nào lại vẫn như ta khi đó. Chỉ một giây qua thôi, ta về cả thể xác và tâm hồn đều không còn là ta nữa rồi.
Nhưng tại sao ta nhìn vào bức hình ta 5 tuổi mà vẫn bảo đó là ta. Đó là vì, cứ mỗi giây chúng ta lại khác trước nhưng cái khác đó không đột ngột, diễn ra từng chút một nên vẫn còn lại đó phần lớn những yếu tố để nhận định vẫn là ta. Quan trọng hơn, ta của hiện tại chính là nhân cho ta của một giây sau và là quả của một giây trước. Quá trình này liên ra chậm, liên tục và không bị ngắt quãng.
Có thể nói là ta vừa vẫn là ta mà vừa không phải là ta nữa. Đây là đặc điểm thường thấy ở tính Trung Đạo của Phật giáo. Một sự việc vừa đúng, vừa sai, vừa không đúng, và vừa không sai, mà không hề mâu thuẫn.
Xét câu chuyện đó vào trường hợp của luân hồi có thể thấy, khi chết đi, dù cho tâm thức và thân xác của ta đã không còn, nhưng ta lại chuyển tiếp đến một kiếp sống mới ngay lập tức; ta của kiếp này chính là nhân của kiếp tới đó; và quá trình này diễn ra liên tục, không ngắt quãng. Đó là lý do kiếp sau đó vẫn có thể thể gọi là kiếp sau của ta, và quan trọng hơn những gì t làm trong kiếp này sẽ chịu tác động đối với cuộc sống của ta ở kiếp sau theo mối quan hệ nhân quả. Danh và sắc đều diệt chỉ có NGHIỆP là thứ duy nhất xuyên suốt quá trình sinh tử.
Quá trình nghiệp dẫn "ta" luân hồi như thế nào?
Nghiệp tạm định nghĩa là những hành động, ý niệm và lời nói của chúng ta làm ra và những hậu quả tất yếu của chúng. Nghiệp đại diện cho thuyết nhân quả trong đạo Phật, khi ta gieo nhân tốt thì sẽ gặt quả lành và ngược lại. Nghiệp không chỉ có tác động đến ta ở kiếp này mà còn là điều kiện quyết định nơi, trạng thái, điều kiện của ta ở kiếp sau. (Các bạn có thể tham khảo thêm bài mình viết về Nghiệp trong Ấn giáo và Phật giáo)
Theo truyền thống, vũ trụ luân hồi của Phật giáo bao gồm tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Sắc giới là thế giới của những vị tuy vẫn còn hình tướng nhưng đã gạt bỏ được những ham muốn trần tục, sống bằng thiền định. Vô Sắc giới là cảnh giới của những vị không còn hình tướng mà chỉ còn tâm thức, đã đạt tới mức độ thiền định thâm diệu. Cuối cùng là dục giới, thế giới của những chúng sinh vẫn còn ham muốn. Thông thường, dục giới được chia thành 6 cõi gọi là lục đạo: trời, a tu la, người, ngạ quỷ (quỷ đói), súc sinh (động vật) và địa ngục. Tất cả vạn vật hữu tình trong tam giới đều vẫn phải chịu hành khổ luân hồi, cho dù những vị ở vô sắc giới có đạo hạnh rất uyên thâm, phước rất lớn và sống rất thọ nhưng vẫn là hữu hạn. Cơ chế nhân quả của tự nhiên sẽ tự động vận hành tùy theo nghiệp của mỗi người trong kiếp trước (và những kiếp trước nữa) mà tương ứng sẽ có một vị trí phù hợp trong tam giới để vạn vật hữu tình tái sinh. Trong đó, cõi người dù không phải cõi được phước nhiều nhất (còn nhiều cõi trời nhiều phước hơn) nhưng lại được coi là cõi lý tưởng nhất để thực hành pháp vượt ra sự ràng buộc của nghiệp, khỏi luân hồi và trở thành Phật. Nếu vẫn bị nghiệp ràng buộc (kể cả tốt xấu), thì nghiệp sẽ dẫn ta đi luân hồi.
Tuy nhiên, các nhánh Phật giáo khác nhau sẽ có những lý giải về quá trình nghiệp dẫn tái sinh khác nhau mà ở đây xét ở hai nhánh lớn nhất là Nam Tông và Bắc Tông. Đây chính là điểm mấu chốt của những sự nhập nhằng giữa có hay không có linh hồn và hiểu về linh hồn như thế nào cho đúng. Tự ngã tính không là chân lý nhưng tính không được hiểu như thế nào lại không phụ thuộc vào ngôn từ mà vào cách diễn giải.
Quá trình luân hồi trong Phật giáo Nam Tông
Phật giáo Nam Tông bám rất sát vào những lý thuyết căn bản của Phật giáo trong vấn đề luân hồi, thể hiện ở niềm tin vào hiện tượng tái sinh tức khắc. Quá trình chết đi và tái sinh sẽ chịu tác động lớn bởi 4 loại nghiệp theo thứ tự độ ưu tiên giảm dần: cực trọng nghiệp (cực thiện hoặc cực ác), tập quán nghiệp (thói quen), tích lũy nghiệp và cận tử nghiệp. Dựa vào nghiệp đó mà con người trước khi lâm chung sẽ trải qua một quá trình hấp hối được chia thành 2 giai đoạn hay 2 hiện tượng gọi là nghiệp tướng và thú tướng. Nghiệp tướng là những hình ảnh nổi bật tại thời điểm sắp chết/sâu sắc/ám ảnh/thường xuyên nghĩ tới mà người sắp lâm chung sẽ nhìn thấy; thú tướng là hình ảnh đại diện cho cõi sắp được tái sinh. Tất cả quá trình này diễn ra trong một vài sát na trước khi ngũ uẩn tan rã, khi nói đến ngũ uẩn tức là tất cả phần thân và phần tâm đều tan rã, chỉ có nghiệp là luân chuyển mà thôi. Tuy vậy, vì quá trình này diễn ra quá nhanh, những cái cần lưu giữ lại ở một kiếp người là nghiệp đã được luân chuyển, ta vẫn con người mới kia và là kiếp sau của người cũ.
Như trên đã trình bày, ý niệm của con người sắp lâm chung, nghiệp thức ngay khi đó cũng có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình luân hồi, đó là vì có nghiệp cận tử. Vì vậy, trong nghi thức Phật giáo Nam Tông, khi có người sắp lâm chung, nên mời chư tăng hoặc ít nhất là bật băng đĩa đọc kinh tụng kệ cho người sắp qua đời nghe, có thể kết hợp đốt hương trầm. Điều này sẽ có tác dụng một mức độ nào đó giúp người sắp ra đi thanh tịnh lại tâm thức, trước khi ra đi sẽ có những ý niệm tốt đẹp, nghiệp cận tử tốt đẹp sẽ góp phần dẫn độ người đó đến một cõi, một trạng thái, một cuộc đời tốt hơn trong kiếp sau.
Quá trình luân hồi trong Phật giáo Bắc Tông
Quá trình luân hồi của Đại Thừa Bắc Tông cho dù vẫn dựa trên những giáo lý cơ bản của Phật giáo nói chung (vô thường, vô ngã, niết bàn, duyên khởi,...), nhưng lại được phát triển ra trở thành một quá trình vô cùng màu nhiệm, phức tạp, chi tiết và thoát ly. Ở đây muốn nói tới điểm Phật giáo Bắc Tông, tính cả Kim Cương Thừa Mật Tông Tây Tạng, tin vào việc con người sau khi chết có thể chưa lập tức tái sinh ngay mà sẽ rơi vào một trạng thái trung gian gọi là trung thân ấm không thuộc bất cứ một cõi tái sinh nào mà Phật giáo Tây Tạng và khoa học hiện nay hay gọi là Bardo - trạng thái cận tử.
Vấn đề ở chỗ, khi chết cả thân và tâm, tức là cả thảy ngũ uẩn đều hết duyên và tự diệt, thì cái gì sẽ tồn tại ở Trung Thân Ấm. Theo đó, Phật giáo Bắc Tông Đại Thừa phát triển thêm về lý thuyết ngũ uẩn và chứng minh sau khi chết, vẫn còn một uẩn, chính xác hơn là một phần của một uẩn, tồn tại, đó là thức thứ 8 có tên A Lại Da Thức, hay Nghiệp Thức. Và chính A Lại Da Thức sẽ là thứ tồn tại trong Trung Thân Ấm và đi tái sinh khi hợp đủ nhân duyên.
Để làm rõ vấn đề A Lại Da thức, phải quay lại chủ đề ngũ uẩn. Như đã trình bày ở trên, ngũ uẩn là tất cả sinh mạng của một con người bao gồm phần vật chất thân thể vật lý, được là gọi sắc uẩn, và phần tâm lý, được chia thành 4 uẩn: thức - tưởng - thọ - hành. Trong đó, Thức Uẩn lại được chia nhỏ hơn nữa, mà Phật giáo Nam Tông cho rằng thành 6 thức là nhãn thức (từ mắt), nhĩ thức (từ tai), tị thức (từ mũi), thiệt thức (từ lưỡi), thân thức (từ thân thể), ý thức (từ não bộ); còn Phật giáo Bắc Tông có thêm 2 thức nữa thành 8 thức tổng thể là mạt na thức (thức chấp ngã) và A Lại Da thức. Riêng A Lại Da thức là một mảng duy thức học rất rộng nên trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến những phần liên quan đến luân hồi.
A Lại Da thức có 3 tác dụng là chứa đựng, bảo tồn và biến hiện. Đối tượng của A Lại Da thức bao gồm và danh và sắc, là tất cả mọi thứ. Xét riêng về cá nhân, A Lại Da thức không những chứa đựng tất cả nghiệp của chúng ta, mà còn bảo quản chúng và hun đúc nghiệp dưới dạng "hạt giống" luôn sẵn sàng chuyển biến thành quả báo khi có đầy đủ nhân duyên. Vì tính chất bao hầm hết cả nghiệp ngày mà A Lại Da thức còn hay được gọi là Nghiệp Thức.
Sau khi con người chết, ngũ uẩn tan rã ngoại trừ nghiệp thức. Nghiệp thức sẽ tồn tại trong trạng thái Trung Thân Ấm một khoảng thời gian mà thông thường được quy định tối đa là 7 ngày sẽ chết một lần nếu chưa có nhân duyên phù hợp để tái sinh, và tối đa sẽ chết đi sống lại 7 lần tức 49 ngày. Trong thời gian này, nghiệp thức vẫn còn tính người, hồi tưởng lại những việc làm đã qua, những nghiệp mình gây ra, cả tốt lẫn xấu.
Phật giáo Bắc Tông cho rằng trừ hai trường hợp cực thiện và cực ác sẽ được tái sinh ngay lập tức tới cảnh giới tịnh độ, tiên giới hoặc bị đày ngay xuống địa ngục, con người thông thường thiện ác lẫn lộn, cần có trạng thái trung thân ấm để tìm nhân duyên phù hợp với nghiệp. Đặc biệt, những gì xảy ra trong giai đoạn này có tính quyết định và có thể thay đổi được địa điểm và trạng thái tái sinh của người đã chết. Dựa vào lý thuyết này, Phật giáo Bắc Tông nảy sinh nghi lễ cầu siêu, hộ niệm, làm việc thiền lành trong vòng 49 ngày khi gia đình có người mất. Nghi lễ này được giải thích là bằng việc tích luỹ công đức của chúng tăng đền tụng kinh, thiện lành của gia quyến, sức mạnh của Phật lực, chúng ta có thể hướng dẫn được nghiệp thức của người đã mất đi đến tái sinh ở một cảnh giới tốt đẹp hơn, thông thường tốt đẹp nhất là Tịnh độ Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Nghi thức này được truyền bá rộng rãi nhất thông qua câu chuyện Vu Lan Báo Hiếu của Bồ Tát Mục Kiền Liên và Địa Tạng Kinh về Địa Tạng Vương Bồ Tát. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý rằng, tha lực từ bên ngoài chỉ có tác dụng một phần, phần lớn vẫn là do tự lực và tự giác của bản thân chính người đó sẽ quyết định đến quá trình tái sinh.
Sự khác biệt giữa Nam Tông và Bắc Tông
Có thể thấy rõ điểm đầu tiên, theo kinh tạng Pali của Phật giáo Nam Tông, thức trong ngũ uẩn chỉ gồm 6 thức trước, không có A Lại Da thức vì vậy Nam Tông không tin vào sự tồn tại của một trạng thái trung gian là Trung Thân Ấm. Ngoài ra, sự tồn tại của Trung Thân Ấm nơi tâm thức (hoặc một phần của tâm thức) tồn tại tách biệt ra khỏi với thể xác là điều có phần không phù hợp với giáo lý Phật giáo nguyên thủy và ngay cả Phật giáo Đại Thừa cũng không bác bỏ nguyên thắc thân và tâm không tách rời.
Phật giáo Nam Tông cũng chỉ tin vào tự lực giác ngộ, tất cả nghiệp báo nhân quả, quá trình luân hồi, chỉ dựa vào quá trình tu tập và sinh sống của một mình cá nhân người đó, người khác không thể có tác động vào được, kể cả đó là Phật. Đại Thừa mặc dù vẫn trọng vào tự lực nhưng ủng hộ việc kết hợp với tha lực, điển hình là phương pháp Tịnh độ, niệm danh Phật-Bồ Tát để được hưởng phước lành. Vì sự khác nhau này mà Nam Tông không có nghi lễ cầu siêu, khi chư tăng tụng kệ cho người sắp lâm chung là để giúp tâm người đó được thanh tịnh, cận tử nghiệp lành. Phật giáo Bắc Tông có truyền thống cầu siêu để hỗ trợ người chết tìm thấy cõi lành để tái sinh. Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh một lần nữa, tụng kệ của Nam Tông hay cầu siêu của Bắc Tông thì đối tượng giáo hóa chính là người thân, gia quyến chứ chưa chắc đã phải là người sắp/đã khuất.
Tại sao trung thân ấm không phải linh hồn?
Khi đọc đến nghiệp thức trong trạng thái trung thân ấm, chắc hẳn chúng ta đều thấy được khái niệm này rất giống với quan niệm thông thường về linh hồn mà chính bản thân Phật giáo luôn bác bỏ.
Sự khác biệt giữa linh hồn và nghiệp thức trong thân trung ấm nằm ở điểm, linh hồn theo quan niệm thông thường của ngoại đạo là bản chất bất diệt, là chủ thể của thân xác này, và sẽ tồn tại mãi mãi; trong khi đó nghiệp thức trong Phật giáo Đại thừa là luôn luôn biến đổi, ngay cả khi trong trung thân ấm, nghiệp thức - tâm thức tái sinh cũng không giữ nguyên với một bản tính cố chấp, đặc điểm cố định nào đó. Nghiệp thức chỉ tạo cảm giác là nó tồn tại bất tử vì nó chảy thành dòng liên tục. Phật giáo gọi hiện tượng này là hằng chuyển. Như là dòng nước trên sông thay đổi liên tục, chỉ một giây sau thôi, dòng nước này đã không còn là dòng nước khi trước nữa rồi nhưng ta vẫn tạm cho nó là một dòng chảy duy nhất vì sự liên tục đó. Phật giáo Đại thừa lý giải vô thường vô ngã cũng theo hướng mở rộng hơn rất nhiều, rằng chưa chắc chữ "vô" đó có nghĩa là "không có", mà là "không thật"; rằng một khái niệm vừa có, vừa không, vừa không có, vừa không không mà không hề mâu thuẫn.
Kết Luận
Kết luận là không có kết luận gì cả.
Tuy nhiên, không tồn tại linh hồn chủ thể chính là điểm độc đáo và khác biệt mà riêng Phật giáo mới có, hoàn toàn không giống với bất kì tôn giáo nào (!?).
Và chủ quan mà nhận xét thì khái niệm trung thân ấm, a lại da thức, nghi lễ cầu siêu hay là những khái niệm, hiện tượng hơi na ná linh hồn chỉ được nhấn mạnh rất lâu sau này tại Tây Tạng do Đức Liên Hoa Sinh, một thần tăng mật thừa Ấn Độ truyền đến và tại Trung Hoa nơi niềm tin vào cõi âm đã quá mạnh mẽ. Phật giáo và Bà La Môn giáo tại Ấn Độ khi đó tuy có mâu thuẫn với nhau nhưng có sự tiếp biến vô cùng mạnh mẽ, không thể tránh những ảnh hưởng của niềm vào linh hồn bất diệt dù đã được giải thích khác đi (ví dụ như bản chất Phật Tính của chúng sinh). Nói đến một trong những tác động lớn nhất của văn hóa Vệ Đà lên Phật giáo thì không thể không nhắc tới các phương thức trì trú huyền bí của mật thừa. Còn tại Trung Hoa, nghĩ lễ cầu siêu chỉ được ghi nhận lần đầu tiên vào thời Đường, chứ Phật giáo trước đó không hề nhắc tới nghi lễ này.
NOTE: Hiện nay, nhiều trường phái Phật giáo xung quanh vẫn sử dụng khái niệm linh hồn. Cái đó thì tùy các bạn chọn nguồn. Mình không muốn khẳng định những điều mình viết là chính xác vì mình chưa trải nghiệm, nhưng chắc nếu không nhầm lẫn gì thì đó là những kiến thức Phật giáo chính thống.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất