CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA KHI BỊ RẮN CẮN? 🩸🩸🩸
Phần 1: Khái quát về những triệu chứng lâm sàng khi bị rắn độc cắn. ...
Phần 1: Khái quát về những triệu chứng lâm sàng khi bị rắn
độc cắn.
2. Họ Rắn lục (Viperidae)(Hình minh họa Figure 2b):
Việt Nam có khoảng hơn 20 loài rắn lục với đủ kích thước, màu sắc, chúng sống rải rác ở nhiều nơi khác nhau, từ đồng bằng cho đến miền núi cao, từ vùng ven của các thành phố lớn đến vùng nông thôn. Tất cả các loài rắn lục ở Việt Nam đều có một số đặc điểm giống nhau mà chỉ có nhóm rắn lục có, vì vậy, có thể căn cứ vào các điều kiện sau đây để xem đó có phải rắn lục hay không:
- Mỗi bên má có 1 hố nhiệt nằm giữa mắt và lỗ mũi (điều kiện tiên quyết).
- Đầu hình tam giác.
- Đồng tử dọc.
- Đầu có vảy dạng hạt nhỏ.
- Răng nanh có thể gập ngược lui sau (điều kiện này rất khó để nhận thấy nên chỉ là điều kiện thứ yếu).
Chỉ cần đủ 4 điều kiện đầu thì có thể khẳng định đến 95% một loài rắn là rắn lục hay không phải rắn lục, nhưng đó chỉ là TRÊN LÝ THUYẾT, trong thực tế, mọi chuyện không hề dễ như vậy, nên nếu gặp rắn, chúng ta vẫn nên tránh xa chúng và giữ khoảng cách ít nhất là 1 m trong trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc. Lưu ý, những điều kiện trên đúng với mọi loài rắn lục ở Việt Nam, trừ 2 loài rắn lục đầu bạc (Azemiops feae) và rắn lục đầu trắng (Azemiops kharini).
Trong số những loài rắn lục trong họ Rắn lục thì có 2 nhóm rắn lục đặc biệt dễ bắt gặp:
- Nhóm rắn lục xanh (Trimeresurus spp.): Đây là một nhóm rắn lục rất nổi tiếng, đại diện dễ gặp nhất của chúng là rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris). Đa phần các thành viên của nhóm này có màu xanh lục và trông rất giống nhau, trừ rắn lục Trường Sơn (T.truongsonensis) và rắn lục Hòn Sơn (T.honsonensis).
- Rắn chàm quạp (Calloselasma rhodostoma): Loài rắn này rất phổ biến ở các vùng từ Nam Trung Bộ đến miền Nam Việt Nam, chúng sinh sống từ những cánh rừng đến các rẫy cà phê, rẫy cao su, vườn cọ,... nên các bà con nông dân, công nhân phải đặc biệt lưu ý. Chúng có hoa văn để ngụy trang trên thảm lá mục nên rất khó nhận thấy khi đi vào những nơi có thảm lá dày, cỏ mọc um tùm, nên cẩn thận.
Tựu chung thì nhóm rắn này tuy có nọc độc gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, nhưng tỷ lệ tử vong mà chúng gây ra rất rất thấp nếu được xử lý đúng (sơ cứu đúng, không sử dụng các bài thuốc truyền miệng, phản khoa học, không tự ý chữa bệnh ở nhà,...) và đưa vào bệnh viện kịp thời. Những dấu hiệu chung có thể xuất hiện khi bị rắn lục cắn là sưng phù, bầm máu, chảy máu chân răng, chảy máu trong, có thể xuất hiện bóng nước, nếu nặng thì có thể xuất hiện tình trạng hoại tử (dân gian hay gọi là thối thịt) và đi tiểu tiện, đại tiện ra máu, nhưng như đã nói ở trên, chỉ cần xử lý đúng, đưa vào viện kịp thời thì nạn nhân có thể phục hồi lại như cũ và không có di chứng gần như 100%.
Lưu ý: Đây là nhóm rắn độc có nọc độc gây loãng máu, đông máu và hoại tử nên TUYỆT ĐỐI KHÔNG GARO, THẮT, BUỘC vị trí bị cắn. Thay vì chỉ bị hoại tử một phần da nhỏ của một ngón tay, ngón chân và có thể hồi phục lại thì việc băng bó, garo hay thậm chí mặc quần áo bó, chật, mang trang sức (đồng hồ, nhẫn, vòng tay,...) có thể làm nạn nhân mất đi luôn một cánh tay hay một cẳng chân.
____________
KHI BỊ RẮN CẮN, HÃY ĐƯA NẠN NHÂN ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ GẦN NHẤT ĐỂ ĐƯỢC CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ SƠ CỨU VÀ TƯ VẤN CHUYỂN VIỆN, TUYỆT ĐỐI KHÔNG DÙNG THUỐC NAM, THUỐC BẮC, ĐÔNG Y, THUỐC DÂN GIAN TRUYỀN MIỆNG HAY TỰ Ý ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC TÂY Y.
KHÔNG GARO, THẮT, BUỘC CHẶT NƠI BỊ CẮN ĐỐI VỚI VẾT CẮN CỦA MỌI LOÀI RẮN.
Còn tiếp...
____________
Bài viết về những loài rắn độc hay gặp ở Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/1054083081665622/permalink/1075681549505775/
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất