Nguồn: Unsplash
Ảnh hưởng của dịch giã ai cũng đã thấy: doanh nghiệp lao đao – doanh nghiệp lớn thì lao đao kiểu lớn, doanh nghiệp nhỏ thì lao đao kiểu nhỏ, nhiều người mất việc, sức khoẻ thể chất và tinh thần của nhiều người có dấu hiệu xuống dốc vì ở nhà quá lâu, v.v. Riêng mình, may thay vẫn còn công việc để làm chỉ có mỗi chứng đau cổ vai gáy kéo dài do phải ngồi và trước màn hình quá nhiều. Tuy nhiên, thời gian nghỉ dịch, nhìn nhận một cách tích cực, thì cũng khá hay ho vì mình có nhiều thời gian hơn dành cho việc đọc và nghĩ.
Mình đã dành một buổi chiều để nghĩ về khoảng thời gian từ lúc mình ý thức được sự tồn tại của mình đến bây giờ rồi kết nối hình ảnh đó với hình ảnh và câu chuyện của những người xung quanh, mình chợt nhận ra một điều rằng phần lớn chúng ta ít được dạy cách để trở nên hạnh phúc nhưng lại được dạy nhiều làm sao để trở thành người thành công. Điều này được thể hiện khá rõ ở nhà sách nơi bạn rất nhanh chóng bắt gặp rất nhiều sách dạy kinh doanh, dạy làm giàu, và dạy cách thành công nhưng lại không nhiều sách nói về cách tạo ra hạnh phúc và sự toại nguyện.
Mình sinh ra ở một vùng nông thôn lao động, trong một gia đình bình thường có ba là bộ đội còn mẹ làm hai nghề cùng lúc: buôn bán và nội trợ. Từ lúc bắt đầu đi học, mình được ba mẹ và thầy cô dạy rằng phải học thật giỏi để sau này không phải vất vả mưu sinh và cũng được dạy rằng phải biết nghe lời người lớn vì như vậy mới được xem là ngoan. Mình thấy không có vấn đề gì ở việc thầy cô và ba mẹ dạy như vậy cả vì rõ ràng những người có thành tích học tập tốt và ngoan hiền mà ba mẹ chỉ cho mình thấy dù họ vẫn kiếm sống nhưng ít vất vả hơn hẳn. Và mình tin đó là những lời dạy đúng đắn cho đến tận những năm gần đây khi mình có dịp trò chuyện cùng và đọc về những cá nhân mà họ không hề có thành tích tốt ở trường cũng chẳng phải ngoan theo chuẩn mực của người thế hệ trước nhưng với mình họ lại rất hay ho, tạo ra được nhiều giá trị cho chính bản thân, gia đình và cộng động của họ. Điều này khiến mình tự hỏi vậy có phải cứ học giỏi và ngoan là tốt, còn học kém ở trường và không nghe lời ba mẹ là xấu không? Nếu đúng như vậy thì thước đó của xấu và tốt là do một tổ chức, cộng đồng hay cá nhân nào nghĩ ra? Nếu có những trường hợp không khớp với quy chuẩn này thì chúng ta nên xem họ là cá biệt hay sẽ kết luận rằng quy chuẩn này vốn dĩ đã quá lỗi thời và do đó nên được xếp vào xó? Rồi mình cũng nhận ra có những thứ đã ăn sâu mộc rễ vào nhận thức quá lâu để biết được chính xác là khi nào và tại sao lại như vậy.
Ở trường học, các em sẽ được xếp loại và xếp hạng bởi các bài kiểm tra và bài thi. Em điểm cao sẽ được tuyên dương và yêu mến còn em điểm thấp sẽ tự ti và khốn đốn vì ba mẹ phải thường xuyên nói chuyện riêng với giáo viên chủ nhiệm. Tan giờ học, ba mẹ sẽ hỏi ‘bài kiểm tra hôm nay con được bao nhiêu điểm?’. Cuối năm học, họ hàng sẽ hỏi ‘năm nay con học lực loại gì?’. Hiếm có ai hỏi các em rằng ‘Hôm nay con nói chuyện với bạn nào, có vui không?’ hay ‘Năm học vừa rồi con thích học môn nào nhất?’. Chúng ta, những đứa trẻ, ngay lập tức hiểu rằng điểm cao là tốt, còn điểm kém là tệ, không hơn không kém.
Sau khi tốt nghiệp đại học, hầu hết chúng ta được kỳ vọng sẽ có một công việc ổn định và theo mình hiểu ‘ổn định’ có nghĩa là mình sẽ đi làm mỗi ngày – rời nhà lúc 9 giờ sáng và về đến nhà lúc 5 giờ chiều – và sẽ nhận một khoản lương vào cuối tháng mà số tiền đó sẽ giúp mình trang trải cuộc sống và tiết kiệm. Việc làm một công việc bán thời gian hay giờ giấc tự do (freelance) dù với mức lương tương tự thì rất có thể sẽ bị gán hai chữ ‘lông bông’. Đi làm được vài năm, chúng ta được hỏi về dự định mua nhà và lập gia đình. Và trong năm năm tiếp theo nữa sẽ là các câu hỏi về chuyện sinh con. Nếu vẽ các mốc thời gian trên theo một đường thẳng, chúng ta sẽ có thể nhận ra một điều khá thú vị rằng có vẻ như cuộc đời mình đã được lập trình ra từ trước đó, trước cả khi chúng ta được sinh ra, và khi chúng ta sinh ra thì cũng là ngày công tắc được bật và bộ máy sẽ chạy, chạy hoài cho đến khi dừng hẳn.
Mình tự hỏi liệu có phải rất nhiều bạn trẻ cũng đã được ba mẹ - trong vài trò là những kỹ sư - lập trình một quỹ đạo cuộc đời không, có bao nhiêu người đủ dũng cảm sống khác với những mong đợi của chính những người sinh ra họ và hiện tại họ có đang cảm thấy hạnh phúc không?
Nhưng rồi đổ lỗi cho ai: gia đình, thầy cô, hay xã hội? Niềm vui hay hạnh phúc quá khó để định lượng vì mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau và cách theo đuổi khác nhau, ngược lại thành công thì dễ đong đếm hơn, với nhiều người đó là số tiền mà họ kiếm được, địa vị xã hội, mức độ nổi tiếng, v.v. Do vậy, lập trình con đường đi đến thành công cũng dễ hơn vạch ra lộ trình đi tìm hạnh phúc, mà cái gì dễ thì người ta làm thôi.
Mình không phải là một ngoại lệ, mình có thể cảm nhận được nhưng mong đợi dù không nói ra từ phía ba mẹ mình và mình hoàn toàn hiểu được điều đó từ góc độ các bậc phụ huynh, nhưng may mắn là trước giờ ba mẹ mình luôn ủng hộ những quyết định của mình từ việc chọn trường đại học và đến lúc chọn nghề.
Và dù làm gì, ở đâu thì mình biết chắn chắn rằng hạnh phúc của mình đã, đang và sẽ gắn liền với họ.
han.fearless
21/6/2021