"Chú bé mang pyjama sọc" là một trong những câu chuyện khiến tôi trăn trở sau khi đọc, một nỗi trăn trở rất riêng. Bởi nó xuất phát từ việc nội dung câu chuyện không có gì quá phức tạp, mở và kết vô cùng đơn giản, tựa như một lát cắt nhẹ qua cuộc đời nhân vật chính chỉ ở một khoảng thời gian ngắn nhưng thật ý nghĩa và đáng nhớ. Tuy nhiên, toàn bộ cuốn sách là vô số những chi tiết ẩn dụ, nhìn thì đơn giản nhưng lại hết sức sâu cay. Bởi, chúng ta được theo dõi từ góc nhìn của nhân vật trung tâm là một cậu bé 9 tuổi. Người ta vẫn hay nói trẻ con thì thường nhìn đời bằng cặp mắt hồn nhiên cùng với suy nghĩ có phần giản đơn để hình tượng hoá những thứ mà chúng thấy, và đôi khi chính điều này lại có phần hơi đáng sợ nếu ta biết được cái thứ thật sự ẩn sau những hình ảnh có phần hồn nhiên đó.
Tiêu đề cuốn sách, cách phân bổ câu chuyện thành nhiều chương nhỏ cùng từ ngữ và cách diễn đạt mà tác giả sử đụng khiến ta đều nghĩ đây là một câu chuyện dành cho thiếu nhi. Nhưng không, nó dành cho tất cả mọi người và tất cả mọi lứa tuổi. Mỗi độ tuổi sẽ cảm nhận câu chuyện theo một góc độ khác nhau. Và rõ ràng thì tôi không còn nhỏ nữa, do đó tôi lờ mờ biết được chính xác thứ gì ẩn sau câu chuyện này. Còn gì day dứt hơn khi bạn phải đọc những dòng chữ thể hiện sự vui tươi, trong sáng của một đứa bé lên 9 trong khi bạn hoàn toàn biết được thế giới xung quanh nó vô cùng đáng sợ, khốc liệt và u tối?
Câu chuyện kể về Bruno, một cậu bé sinh ra và lớn lên trong một gia đình sung túc. Cuốn sách bắt đầu khi mà Bruno trở về nhà và nhận ra gia đình mình phải chuyển đến một nơi khác. Phần đầu của cuốn sách tác giả đã kể về việc Bruno cảm thấy buồn bã ra sao khi phải rời bỏ ngôi nhà tuyệt vời của mình, một nơi đáng sống cùng những người bạn thân thiết để đến một nơi xa hơn, tẻ nhạt và buồn bã hơn. Tiếp theo đó là việc Bruno phải thích ứng với nhà mới như thế nào và rồi cậu tìm được một người bạn đặc biệt ở "phía bên kia hàng rào" - là Shmuel, một cậu bé Do Thái ở Ba Lan bị Đức Quốc xã bắt đến trại tập trung. Bối cảnh mà câu chuyện diễn ra là trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Nơi mà gia đình cậu phải chuyển đến đó chính là trại tập trung Auschwitz (mà Bruno gọi là "Ao Tuýt") của Đức Quốc xã. Lý do mà nhà cậu phải chuyển đến đây là do cha cậu phải phục vụ cho kế hoạch quân sự trừng phạt những người Do Thái của tên trùm phát xít - Adolf Hitler. Tất cả những sự thật này đều được tác giả phủ lên bằng những "từ khoá" đặc biệt dưới góc nhìn của Bruno, một điều mà mình rất thích trong cuốn sách này.
Từ góc nhìn của một cậu bé 9 tuổi, mọi thứ trong thực tế được hình tượng hoá một cách thật giản đơn và hài hước. Cô chị gắt gỏng khó tính Gretel 12 tuổi của Bruno được gọi bằng cái tên "Trường Hợp Vô Vọng"; phòng làm việc của bố thì là nơi "luôn luôn tuyệt đối tránh xa, không có ngoại lệ"; hành động có phần phân biệt giai cấp của người mẹ chỉ được xem đơn giản như là "mẹ đã tranh công một việc mẹ không làm"; tên trùm phát xít Hitler được gọi dưới cái tên "Quốc trưởng"; hai ký hiệu "Ngôi sao David" - tượng trưng cho người Do Thái và ký hiệu "hình chữ vạn" của Đức Quốc xã với ý nghĩa phản ánh chiến tranh thì chỉ được Bruno xem đơn giản như hai ký hiệu đẹp đẽ trang hoàng trên những chiếc băng tay.... Đặc biệt là hình ảnh bộ đồ kẻ sọc của tù nhân dưới đôi mắt của Gretel và Bruno chỉ là những bộ pyjama sọc. Chúng ta như đang được xem một quyển nhật ký của Bruno viết lại những gì cậu thấy, cậu tiếp xúc hằng ngày với cái nhìn hồn nhiên hơn. Thế đấy, John Boyne không hề đưa mọi thứ sáng tỏ ra trước mắt người đọc. Nhưng chúng ta - những người lớn hoàn toàn biết chính xác thực sự Bruno đang thấy và trải qua những gì. Băng cách chọn hướng kể chuyện từ nhân vật Bruno, tác giả đã để chúng ta tự giải mã và tự có câu trả lời cho những thắc mắc của Bruno, cũng như âm thầm cảm nhận sự đen tối của những vấn đề ẩn sau câu chuyện - chiến tranh, sự bất bình đẳng, sự phân biệt chủng tộc, tội ác của bọn lính Đức Quốc xã.
Kết quả hình ảnh cho phát xít đức

John Boyne đã tô đậm sự bất công và bất bình đẳng giữa những người Đức tự cho mình là thượng đẳng và những người Do Thái bị coi là thấp bé, hèn mọn và bẩn thỉu bằng cách xây dựng nên hai nhân vật vừa tương đồng vừa khác biệt đó là Bruno và Shmuel. Cả hai đều là hai cậu bé 9 tuổi có cùng ngày tháng năm sinh nhưng trong khi Bruno hầu như có tất cả với một cuộc sống sung túc thì Shmuel lại phải trải qua những ngày tháng sống khắt khổ, sợ hãi trong trại tập trung vì thuộc phe thất thế trong chiến tranh. Nhưng suy cho cùng, bọn chúng đều là trẻ con với sự hồn nhiên đến nỗi không hiểu tại sao thế giới xung quanh mình lại vận hành như vậy. Bruno như một viên ngọc sáng giữa cộng đồng người của mình. Trong khi những tên lính Đức Quốc xã luôn thể hiện sự tàn ác lạnh lùng, ba mẹ cậu tuy hiểu chuyện nhưng vẫn phải tuân theo thời cuộc, cô chị Gretel thì vô tâm với mọi thứ xung quanh,...thì Bruno lại cho thấy tấm lòng nhân hậu, cảm thông và đầy trắc ẩn của mình dù là nhân vật nhỏ tuổi nhất.
Tình bạn nảy nở giữa Bruno và Shmuel bất kể có khác nhau về địa vị, giai cấp và cả dãy hàng rào ngăn cách hai thế giới là minh chứng sống động nhất cho thấy giữa người và người không hề có khoảng cách, chúng ta đều là con người bình đẳng như nhau. Đoạn cuối của quyển sách, tôi hồi hộp theo dõi cuộc hành trình khám phá cuối cùng của Bruno, khi cậu vì Shmuel mà mặc lên mình bộ "pyjama sọc" và vượt qua hàng rào để đến với bạn. Mọi thứ ở 2 chương cuối đến với tôi thật dồn dập như kiểu báo hiệu một cái kết bất ngờ sẽ đến. Khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời của Bruno và Shmuel khiến tôi chợt nhận ra rằng đứng trước cái chết chúng ta đều bình đẳng. Tuy nhiên, đó lại là khoảnh khắc ý nghĩa nhất, khi nó đã xoá nhoà mọi rào cản hay sự phân biệt ác độc mà người lớn đã tạo ra. Giây phút đó, Bruno hay Shmuel không hề sợ hãi (có lẽ vì chúng không biết thứ gì sẽ đến) mà chúng đã cảm nhận được tình bạn thiêng liêng nhất trong đời mình.
John Boyne đã kết thúc câu chuyện một cách thật nhanh chóng và bất ngờ, hệt như lúc anh bắt đầu kể câu chuyện này vậy.Không dài dòng lê thê, câu chuyện được kể một cách ngắn gọn nhưng lại khiến người đọc suy nghĩ nhiều về nó. Đoạn cuối kể về tình cảnh người thân của Bruno sau khi cậu mất đi có lẽ chính là sự phản ánh cho thế giới của chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự nhận ra sai lầm và hối tiếc khi mọi thứ đã diễn ra!
Lưu ý: Bài viết có sử dụng một số hình ảnh từ bộ phim cùng tên được chuyển thể từ cuốn sách này.