The Boy in the Striped Pyjamas (Chú bé mang pyjama sọc) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Ireland, John Boyne. Câu chuyện kể về tình bạn giữa cậu bé 8 tuổi người Đức với một cậu bé người Do Thái bị giam đằng sau hàng rào của trại tập trung thời Thế chiến 2.
Xuyên suốt mạch truyện chính là bức tranh về xã hội nước Đức thời chiến tranh thế giới thứ hai qua cái nhìn của cậu bé Bruno . Vì được cảm nhận qua con mắt và tâm hồn một đứa trẻ chín tuổi nên giọng văn trong tác phẩm có phần nào nhẹ nhàng hơn so với một số tác phẩm khác nhưng trong đó vẫn ẩn chứa thực tại đen tối , đáng sợ về Đức quốc xã. Hình ảnh đối lập giữa Bruno và Schmuel : hai đứa trẻ sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm , chỉ bị ngăn cách bởi một hàng rào mà là hai số phận khác nhau hoàn toàn . Một Bruno khỏe mạnh được tự do học tập và chơi đùa , chưa từng phải tiếp xúc với những sự đáng sợ trong công việc mà bố cậu đang làm . Trong khi đó Schmuel lại gầy còm , xanh xao , chưa từng được đi học, ngày nào cũng khoác lên mình pyjama sọc khiến cậu trở thành một tù nhân , bị quản thúc , mất gia đình và ngày nào cũng phải chứng kiến những việc làm độc ác trong trại tập trung . Và Bruno chỉ là đại diện cho một tầng lớp nguời Do Thái thời bấy giờ. Họ cũng bị tước đi quyền con người, phải sống như những tù nhân , đầy bế tắc, không lối thoát . Họ bị chia cắt khỏi gia đình, khỏi những người thân yêu nhất. Họ thậm chí bị đóng dấu, bị coi rẻ, bị xem như một thứ dịch bệnh . Cùng lúc đó người dân Đức cũng không lấy làm hạnh phúc hay tự hào gì khi sống như vậy . Bố mẹ Bruno luôn không cho cậu lại gần trại giam , có lẽ vì hi vọng cậu bé không phải chứng kiến sự tàn sát đó. Hay hình ảnh người mẹ khi bà chỉ mong mọi chuyện sớm kết thúc để bà được rời khỏi Ao Tuýt, được trở về sống một cuộc sống bình thường. Họ có đứng lên phản đối không ? Câu trả lời là có. Như khi bà nội của Bruno phản đối chuyện bố cậu bé làm chỉ huy trại tập trung. Khi đọc truyện , người đọc không khỏi ấn tượng với “plot twist” ở cuối truyện . Chi tiết làm cho câu chuyện đang nhẹ nhàng bỗng trở nên gay cấn rồi đầy đau thương và nước mắt. Bên cạnh đó , nó cũng nêu ra luật nhân quả trong cuộc sống : ông bố cướp đi quyền được làm người của bao nhiêu số phận vô tội nên chính ông đã phải trả giá bằng cái chết của cậu con trai duy nhất . Và để rồi sau đó khi ông bị tước đi chức quyền , ông lại hoàn toàn hạnh phúc với điều đó . Có lẽ bởi ông đã quá mệt mỏi với xã hội tối tăm không lối thoát cho cả hai bên : người Đức và người Do Thái. Tác phẩm còn ẩn chứa trong đó sức tố cáo, sự lên án về tội ác của Đức quốc xã.
Nguồn ảnh : Lu Manh
Với một giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, tác phẩm tuy viết về trẻ em nhưng lại mang đến một bài học sâu sắc cho mọi lứa tuổi. Khoảng 250 trang truyện không phải là quá dài cho một tác phẩm văn học nhưng nó đủ để khiến cho “chú bé mặc pyjama sọc” trở thành “một câu chuyện ám ảnh, tuyệt vời”

“Cậu là bạn thân nhất của tớ , Shmuel ạ , bạn thân nhất đời của tớ”

Nguồn: Book Appreciation Club