Bài viết đã được đăng tải tại Đây vào 17/3 . Hãy like Ăn sách để ủng hộ tác giả.
viễn cảnh cho thế giới trong cuốn Nền Tảng Của Địa Chính Trị (Foundations of Geopolitics) của Alexander Dugin
viễn cảnh cho thế giới trong cuốn Nền Tảng Của Địa Chính Trị (Foundations of Geopolitics) của Alexander Dugin
Tấm bản đồ dưới đây là viễn cảnh cho chiến lược địa chính trị của Nga trong cuốn Nền Tảng Của Địa Chính Trị (Foundations of Geopolitics) của Alexander Dugin. Dugin là một học giả tai tiếng. Ông ta là 1 đại diện tiêu biểu của tư tưởng Eurasia và là kẻ chống trật tự thế giới Tân tự do và toàn cầu hóa. Ông ta được chú ý ở phương Tây bởi tư tưởng cực đoan của mình và nỗi lo về sự bành trướng của Nga qua các tư tưởng đó. Trên thực tế, tầm ảnh hưởng của Dugin với nước Nga không nhiều như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, tư tưởng địa chính trị Âu-Á (Eurasia) thì lại là một tư tưởng, sách lược địa chính trị phổ biến tại Đông Âu và Nga. Nó là phần cực đoan trong chủ nghĩa dân tộc Nga, vốn đang và có thể sẽ còn ảnh hưởng đến quyết định ngoại giao của Nga. Nền Tảng Của Địa Chính Trị được viết năm 1997, nhưng những chính sách của nó có nhiều điểm trùng hợp với nhiều sự kiện đã xảy ra từ 2014 cho đến nay bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Nga. Chủ nghĩa Âu-Á định hình từ sau Cách mạng Tháng 10 bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc di cư sang châu Âu, nhen nhóm suốt thời kì Xô Viết và nổi lên mạnh mẽ hơn trong ở nước Nga hậu Xô Viét. 
Trong Nền Tảng của Địa Chính Trị, đi từ những lý thuyết của Frederich Ratzel (người đầu tiên sử dụng lý thuyết Không gian sinh tồn (Lesbenraum) mà sau này Đức Quốc Xã sử dụng), Lý thuyết Địa Tâm (Heartland theory) của Halford Mackinder, Dugin chỉ ra rằng: phần quan trọng nhất  của Địa chính trị là “Địa”. Điều kiện địa lý là yếu tố quyết điịnh hình thái chính trị, mô hình kinh tế-xã hội và hệ thống giá trị của một quốc gia. Lý thuyết Nguồn gốc chủng tộc (Ethnogenesis) của Gumilev cho rằng con người thích nghi với môi trường xung quanh bằng cách thay đổi thói quen, hành vi, và hệ thống giá trị của mình. Vì vậy mỗi nền văn minh, nền văn hóa đều có hệ thống giá trị, truyền thống tương ứng với một hệ thống địa lý mà nó định cư.
Chủ nghĩa Âu-Á, từ đó, sẽ có một hệ thống văn hóa giá trị riêng so với Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông, Đông Á, Nam Á. Và Đại Dương (Atlantic), bao gồm các nước nói tiếng Anh: Anh, Mỹ, Canada, Úc. Hệ thống trật tự thế giới hiện tại: toàn cầu hóa, Tân Tự do, với Dugin và nhiều người theo Chủ nghĩa Âu-Á khác là hệ thống giá trị của Đại Dương.
Với Chủ nghĩa Âu-Á, nếu mỗi nền văn hóa có hệ thống giá trị khác nhau, mỗi nền văn hóa cần bảo vệ hệ thống giá trị ấy bởi nó là hệ thống giá trị tối ưu cho khu vực địa lý, nhân chủng của họ, mọi sự sao chép, thích nghi với hệ thống khác sẽ bị đào thải hoặc khiến họ trở nên suy yếu. Hiện tại, toàn thế giới đang sử dụng hệ thống giá trị của khu vực Đại Dương. Hệ thống giá trị này xây dựng trên nền kinh tế mua bán, trao đổi nhờ vào điều kiện địa lý giáp biển của Anh, Úc, Mỹ. Trong khi đó, “Lối ra biển” luôn là nỗi ám ảnh xuyên suốt lịch sử Nga. Lịch sử Nga trở thành Đế Quốc luôn được xác định khi Peter Đại Đế thành lập thủy quân và đánh bại Thụy Điển, chiếm được khu vực các quốc gia giáp biển Baltic và kinh đô mới St. Petersburg, mở lối ra biển cho Đế quốc Nga. Và từ đó đến nay, Đế Quốc Nga, sau đó là Liên Xô và Nga luôn phải chật vật trong việc tìm những vùng đất giáp biển hoặc giữ những vùng đất đã có.
Các nền văn minh từ bỏ văn hóa và hệ thống giá trị của mình để sao chép và băt chước một nền văn minh khác sẽ luôn đi sau nền văn minh mà họ bắt chước một bước. Đó là những gì  Người theo Chủ nghĩa Âu-Á cho rằng đang xảy ra với thế giới khi luôn phải du nhập các giá trị Tây phương, từ bỏ những giá trị truyền thống và tuân thủ luật pháp của phương Tây.
Vậy chiến lược của Dugin để chống lại sự bành trướng của Đại Dương là gì?
Các nền văn hóa, hệ thống giá trị khác cần được hỗ trợ để chống lại tư tưởng Đại Dương, và tư tưởng của họ cần được nhìn nhận là có giá trị tương đương và vượt trội. Vì vậy các phong trào chống Mỹ và phương Tây khắp thế giới cần được tài trợ. Cần tìm cách cô lập hệ tư tưởng Atlanticism này trên các mặt trận văn hóa, kinh tế. Dugin cũng trích dẫn nhiều phần trong lý thuyết Địa Tâm của McKinder: Ai kiểm soát Đông Âu kiểm soát Địa Tâm (Siberia, Trung Á cho đến Himalaya), ai kiểm soát Địa Tâm sẽ kiểm soát Đảo Thế Giới (3 lục địa Á-Âu-Phi). Và ai kiểm soát Đảo Thế Giới kiểm soát thế giới. Có 3 viễn cảnh cho sự kiểm soát toàn cầu này với Mackinder: Thứ nhất là một Đế quốc phương Tây (khả năng cao là Đức) chiếm Nga thành công; hoặc Nga và Đức liên minh; Cuối cùng là 1 Đế quốc phương Đông (Nhật hoặc Trung) chiếm Nga thành công.
Chiến lược mà Dugin đề ra như sau:
Ở châu Âu, nước Đức nên là lãnh đạo của châu Âu và Nga nên có mối quan hệ tốt với Đức. Có thể trả lại Kaliningrad cho Đức. Vương Quốc Anh bị Dugin gọi là “pháo đài ngoại quốc của Hoa Kì tại châu Âu” và nên bị tách khỏi châu Âu.
Ở Đông Âu, Estonia sẽ nằm trong tầm ảnh hưởng của Đức, trong khi Litva, Latvia, Ba Lan có những đặc cách về thể chế trong khối Âu-Á. Khu vực Balkan theo Chính thống giáo sẽ hướng về Moscow như “thành Rome thứ 3” và từ chối “văn hóa cá nhân thực dụng của phương Tây”. Riêng Ukraine nên thuộc về Nga. bởi theo Dugin, Ukraine không có giá trị địa chiến lược, tầm quan trọng hay hệ thống nhân chủng, văn hóa riêng biệt nhưng lại có hoài bão về lãnh thổ, về lâu về dài sẽ gây nguy hiểm cho khối Á-Âu.
Ở Trung Đông, thông qua tư tưởng chống phương Tây đã sẵn có, một liên Minh Á-Âu – Hồi giáo có thể hình thành, trong đó Iran là 1 đồng minh chiến lược. Armenia sẽ trở thành căn cứ quân sự của Nga tại đây. Azerbaijan có thể được trao cho Iran, còn Georgia là của Nga. Cần phải gây sự bất ổn định cho Thổ Nhĩ kỳ, bằng cách kích động nhóm dân thiểu số như Kurd, Armenia,... .
Ở châu Á, Trung Quốc là một mối nguy hiểm tiềm tàng và cần có vùng đệm. Cần tìm cách tách Tây Tạng, Nội Mông, Mãn Châu, Tân Cương khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, cần tạo mối quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc khi họ tìm cách bành trướng về phía Nam.
Ở Mỹ, Cần đẩy mạnh những mâu thuẫn sắc tộc tại Mỹ, và tách nước Mỹ khỏi liên minh NATO.
Đánh giá về chiến lược này, hầu hết các nhà nghiên cứu và bình luận chính trị đều cho rằng nó không thực tế và sẽ không có lãnh đạo Nga nào đi theo nó cả. Nhưng không thể phủ nhận là Nga đã cố thực hiện một vài bước tương tự kế hoạch này khoảng 10 năm trở lại đây, với đỉnh điểm là cuộc chiến tại Ukraine. Có thể nó không chính xác như nhũng gì Dugin muốn, hay không ưu tiên tính Âu-Á lên hàng đầu, rõ ràng là nó là 1 mô hình mở rộng quyền lực mà nước Nga đang cố gắng theo đuổi ít nhiều.