Vai trò người lãnh đạo
Lịch sử đã chứng minh rõ ràng một điều rằng, vào giai đoạn nào cũng vậy, biến cố thịnh vượng hay suy tàn của một quốc gia đều xuất phát từ nguyên nhân cốt lõi đó là khả năng của người lãnh đạo đất nước. Nhìn chung, họ phải là người đại diện cho đa số ý chí của nhân dân trong quốc gia. Từ đó, họ có cái quyền hợp pháp để đại diện lợi ích nhằm ban hành nhiều chính sách đối nội và đối ngoại nhằm phát triển đất nước.
Môi trường quốc tế luôn tồn tại nhiều biến động, các quốc gia với những quan điểm hành xử khác nhau sẽ đưa ra những chính sách đối ngoại khác nhau. Từ việc này, người lãnh đạo đất nước sẽ đề xuất những ý tưởng ứng xử đối ngoại phù hợp với lợi ích quốc gia. Từ việc đề xuất, các cơ quan tham mưu và chuyên trách sẽ tổng hợp, phân tích nhằm đưa ra một bản kế hoạch đối ngoại sáng suốt trình lên nhà lãnh đạo. Cuối cùng, chính sách đối ngoại đó có trở thành hiện thực và sử dụng hay không tuỳ thuộc vào sự phê duyệt từ nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, quá trình hình thành chính sách đối ngoại này không chỉ mỗi nhà lãnh đạo đề xuất mà nó còn đến từ những chuyên gia trong nước với các lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, sự thịnh vượng của chính sách đối ngoại phải tương ứng với đa số ý chí chung, nếu không quá trình suy vong ắt sẽ là một sớm một chiều.
Trong giai đoạn phát triển vàng son của Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Park Chung Hee từ khi cầm quyền vào năm 1961 đã được sự tín nhiệm của đa số nhân dân Hàn. Họ mong mỏi một nhà cầm quyền sẽ dẫn dắt họ vượt qua cơn hoạn nạn. Từ đó, Park cho hoạch định nhiều chính sách đối ngoại kết giao với nhiều nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế thoát khỏi viện trợ từ Hoa Kỳ. Những chính sách đối ngoại lẫn đối nội của Park rất được lòng nhân dân và họ đặt nhiều niềm tin vào điều đó biểu hiện qua việc xây dựng xa lộ Seoul – Busan (một công trình được ghép từ trí tưởng tượng và niềm tin cực lớn). Ấy vậy, sau khi cầm quyền độc tài đủ lâu, quyền lực tuyệt đối khiến Park phải đón nhận sự tha hoá bởi cái thứ mê hoặc lòng người đó. Về cuối đời, Park vẫn tiếp tục sử dụng những chính sách đối nội và đối ngoại theo hướng độc tài không phù hợp với bối cảnh xã hội dân chủ hoá của Hàn Quốc ngày càng phát triển. Chính vì vậy, những sự tích luỹ tiêu cực dồn nén được giải quyết bằng một phát súng chí tử dành cho Park, chấm dứt chế độ độc tài ở một xã hội Hàn Quốc dân chủ.
Tuy nhiên, những chính sách đối ngoại cũng cần phải suy xét và loại bỏ được ý chí ngu muội của tâm lý đám đông. Chính sách đối ngoại không phù hợp với đa số ý chí nhưng lại thành công thì nó thể hiện rõ nét trí tuệ thiên tài của nhà lãnh đạo. Trong trận chiến với Napoleon ở nước Nga, tổng tư lệnh Cutudốp đã đưa ra đối sách ngược hẳn với đa số ý kiến. Nhân dân Nga và các tướng soái đều muốn một trận chiến tổng lực, toàn diện nhưng Cutudốp thẳng từng chối bỏ và thực hiện kế hoạch rời bỏ thủ đô Mátx-cơ-va và thực hiện chiến tranh du kích. Sau cùng, sự thắng lợi của trận chiến đẩy lùi quân Pháp được vinh danh cho tổng tư lệnh Cutudốp và nhân dân Nga coi ông như một vị tướng tài ba nhất trong lịch sử nước Nga.
Như vậy, vai trò của nhà lãnh đạo quyết định trực tiếp tới quá trình đề xuất ý tưởng và phê duyệt chính sách đối ngoại. Tuy rằng, chính sách phải phù hợp với ý chí chung nhưng đi kèm với điều kiện phù hợp và đúng đắn với bối cảnh của vấn đề, tình huống trước mắt.
Số lượng và chất lượng dân cư
Con người là chủ thể hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia và cũng chính là nhân tố quan trọng làm chính sách đối ngoại phát triển hoặc sụp đổ. Trong mỗi quốc gia, xã hội loài người có chung đặc tính về dân tộc, nhân khẩu học cùng sinh sống và phát triển với nhau. Sức mạnh của quốc gia đến từ con người mà số lượng càng đông tạo lợi thế lớn về nhân lực nhưng cũng có thể là mối nguy hại nếu không nâng cấp tương thích về chất lượng con người. Ngày nay, các chỉ số đo lượng chất lượng con người như: HDI (chỉ số phát triển con người), IQ, EQ … đã đánh giá khả năng phát triển con người để đo lường sự phát triển chung của quốc gia đó.
Sau đổi mới, Việt Nam đã có bước chuyển mình trên nhiều lĩnh vực, phương diện khác nhau thế nhưng khía cạnh xã hội – con người luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Qua hơn 30 năm, những bước tiến mới về phát triển kinh tế - xã hội trở thành điểm sáng đầu tư và nâng cao vị thế đối ngoại của quốc gia. Cụ thể, chất lượng người Việt đã tăng đáng kể, từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng 45,8%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Song song với đó, mức độ gia tăng dân số tự nhiên đã góp phần thúc đẩy nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiếm nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề già hoá dân số ở khu vực thành thị bắt đầu trở thành điểm tắc nghẽn về gia tăng nhân lực. Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, năm 2019, Việt Nam có gần 11,5 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,8% dân số. Dự báo vào năm 2050, số lượng người già trên 60 tuổi tại Việt Nam gần 30 triệu người, chiếm 27,2% tổng dân số.(1) Có thể thấy, số lượng dân số và chất lượng dân số ở Việt Nam tồn tại nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức trong tương lai. Về cơ bản, chỉ số chất lượng con người ở Việt Nam đang được đánh giá rất cao nhưng vẫn chưa tương xứng với số lượng dân số khi mà tỷ lệ già hoá đang diễn ra mạnh mẽ.
Tóm lại, số lượng và chất lượng dân số có vai trò thúc đẩy hoặc ngăn chặn đến sự hình thành và vị thế của chính sách đối ngoại quốc gia đó. Bởi, yếu tố này trở thành một thước đo giá trị của chính quốc gia đó về tiềm năng phát triển để từ đó mở rộng chính sách ngoại giao với các nước khác. Mặt khác, nó cũng là thang đo của nước ngoài nhìn vào để quyết định việc sẽ thực hiện chính sách đối ngoại với quốc gia đó hay không.
Hệ tư tưởng
Ta hãy nhìn vào quyển sách và thử tưởng rằng, nhà nước là quyền sách, còn những trang sách là những hành động quốc gia - chính sách đối ngoại của nó, phần gáy sách chính là hệ tư tưởng làm bệ đỡ cho cuốn sách và trang sách không tách rời nhau. Hệ tư tưởng như một thứ tôn giáo gieo rắt vào niềm tin nhân dân và trở thành mục đích mà quốc gia muốn hướng tới. Hành động của một quốc gia phải được xem như một véctơ có hướng rõ ràng, trong đó chính sách đối ngoại là một đường thẳng, và hệ tư tưởng sẽ đảm nhận vai trò làm mũi tên cho đường thẳng đó
Ở Việt Nam, ngày nay, hệ tư tưởng chủ đạo được sử dụng đó là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong chủ nghĩa cộng sản, một xã hội cuối cùng, phù hợp nhất và phát triển nhất, đó là mong ước của nhân loại và được Việt Nam lên kế hoạch nhằm đạt được nó trong tương lai. Hệ tư tưởng này đem đến cho Việt Nam không chỉ một mục đích cố định mà còn chi phối tới hành động, ứng xử của đất nước. Trong quá khứ, hành xử đối ngoại của Việt Nam tỏ ra kém phát triển bởi ảnh hưởng từ tư tưởng cộng sản khi từ bỏ mọi quan hệ ngoại giao đối với các nước với chế độ chính trị - xã hội trái ngược. Cho đến nay, sự kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh và nhiều bài học kinh nghiệm từ quá khứ, Việt Nam đã chủ động thay đổi phương châm ngoại giao chủ động, cởi mở hơn với tất cả các quốc gia, “Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội”. Hơn nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ tác động tới phương diện chính sách đối ngoại mà nó còn ảnh hưởng lớn tới hành động, lối sống của nhân dân trong nước.
Trước sự thay đổi chính sách đối ngoại của Việt Nam, nhiều nhận định cho rằng hệ tư tưởng đã bị thay đổi và nó chỉ là một con bù nhìn đánh lạc hướng lũ quạ. Thật ra, bản chất mỗi chính sách nói chung, không chỉ bao hàm bởi một mục đích mà còn đan xen bởi nhiều mục đích khác nhau. Thế nhưng, quan trọng nhất, các chính sách được đan kết nhau bằng việc đưa ra một chính sách không rõ ràng hoặc xa rời mục đích nhằm đánh lạc hướng hoặc làm bệ đỡ cho những chính sách thực chất về sau được hình thành.
Mặt khác, hệ tư tưởng của quốc gia cũng sẽ được nhìn nhận từ phía quốc gia khác như là tiêu chí để hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp. Trong phiên họp Quốc hội Nga, nan đề xuất khẩu thịt lợn được đặt ra trước hội trường, một chuyên nga đứng lên phát biểu rằng nên xuất khẩu sang Indonexia khiến cả hội trường một phen cười giòn rã. Bởi, hệ tư tưởng chủ đạo của Indo là đạo Hồi và việc ăn thịt lợn là một điều cấm kị và dơ bẩn
Tóm lại, hệ tư tưởng góp phần xây dựng chỗ dựa tinh thần định hướng mục đích cho chính sách đối ngoại hình thành và tồn tại. Tuy mỗi chính sách đối ngoại có thể nhìn nhận theo nhiều mục đích rõ ràng khác biệt nhưng mục đích cốt lõi và cuối cùng vẫn phải hướng tới mục đích được hệ tư tưởng đề cập.
Truyền thống của dân tộc
Mỗi giây trôi qua đã thành lịch sử, từ lịch sử ta thấy quá khứ thành công hoặc thất bại của chúng ta. Để từ đó, khi nhìn lại, ta đều rút ra được một bài học kinh nghiệm từ thành công hay thất bại của mình để tiếp tục kế thừa hoặc sửa chữa sai lầm nhằm đạt được kết quả trong tương lai. Trong lịch sử đối ngoại các nước, không thiếu những sai lầm chính sách khiến đất nước suy tàn, thậm chí là mất nước. Trên cơ sở đó, không chỉ bản thân quốc gia đó tự sửa chữa sai lầm mà các quốc gia xung quanh cũng xem đó làm bài học kinh nghiệm cho mình.
Theo Mác, nhà nước ra đời trên cơ sở đối kháng lẫn nhau giữa các giai cấp, hình thành một tầng lớp giai cấp thống trị cầm quyền và điều phối đất nước. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, sự hình thành nhà nước thực chất đến từ sự cố kết với nhau nhằm thực hiện mục tiêu gìn giữ hoà bình cho cộng đồng. Dân tộc Việt Nam ngay từ thời kì thị tộc – bộ lạc đã đối mặt với rất nhiều cuộc xâm lược của quốc gia hùng mạnh phía Bắc, đồng thời do ảnh hưởng của lũ lụt tại nơi sinh sống. Vì vậy, họ đoàn kết với nhau vì mục tiêu của cộng đồng như chống giặc, đắp đê chống lũ. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, người lãnh đạo sẽ được cử chọn để đảm nhận vai trò dẫn dắt nhằm đạt được mục đích.
Cách ứng xử đoàn kết, không thích chiến tranh được dân tộc Việt tiếp tục được gìn giữ trong nhiều triều đại lịch sử. Đối với các nước lớn, các triều đại phong kiến luôn đề cao phương châm đối ngoại mềm dẻo, hoà hiếu với các dân tộc và yêu chuộng hoà bình. Đối với nước nhỏ và yếu hơn, các triều đại phong kiến Việt Nam thường tôn trọng độc lập chủ quyền mà ít có hành động xâm chiếm quyết liệt. Đại Việt luôn tôn trọng chủ quyền của Ai Lao. Năm 1479, vua Ai Lao cho quân xâm phạm biên giới Tây Bắc Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông cử năm đạo quân đi tiến sang Luông Pha Băng, truy kích quân Ai Lao tới biên giới Miến Điện. Sau chiến thắng, Lê Thánh Tông không chiếm giữ mà cho quân ta rút về để giữ vững chủ quyền. Do đó, đối với Ai Lao quan hệ hai nước không còn căng thẳng nữa mà trở về bình thường. Nhìn theo góc nhìn lịch đại, trải qua 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã kiến tạo cho Việt Nam một tinh thần yêu nước sâu sắc, đoàn kết và yêu chuộng hoà bình. Những giá trị này được hun đúc và trở thành văn hoá chính trị của Việt Nam, được định hình trong chính sách đối ngoại của quốc gia.
Một ví dụ khác nữa, Ấn Độ vào nửa cuối thế kỉ 20, phương châm ngoại giao liên kết chặt chẽ với Liên Xô đã để lại những hệ quả vô cùng lớn khi Liên xô sụp đổ vào năm 1991. Từ đó, Ấn Độ rút ra bài học kinh nghiệm qua sự kiện này. Vì vậy, Ấn Độ đổi mới ngoại giao, thực hiện nhiều chính sách không liên kết, chủ động trong việc tìm kiếm quan hệ ngoại giao với các nước. Đặc biệt, sau năm 1991, Ấn Độ xây dựng và thực hiện “chính sách Hướng Đông” để tìm kiếm địa bàn hợp tác dồi dào tài nguyên lợi ích.
Như vậy, truyền thống và lịch sử quốc gia – dân tộc được ghi chép lại và từ đó cách ứng xử ngoại giao với các nước được các nhà nước ở hiện tại học hỏi, kế thừa, nhận diện sai lầm để tránh khỏi. Qua đó, họ lấy những giá trị tốt đẹp và loại bỏ những nhân tố độc hại nhằm xây dựng và hoàn thiện chính sách đối ngoại của quốc gia.
Tựu trung lại, những chính sách đối ngoại của quốc gia từ quá trình nảy sinh ý tưởng cho đến thực hiện và tồn tại của nó đều có một diễn biến cực kì phức tạp, đan xen sự tác động nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Việc xem xét, nhìn nhận các yếu tố đằng sau một chính sách đối ngoại giúp bản thân chúng ta cũng như các quốc gia tránh khỏi những sai lầm chính sách và phòng ngừa mục đích chính trị của chính sách đối ngoại của nước ngoài. Vì vậy, 8 yếu tố ngoại sinh và nội sinh mà tác giả đã đề cập chỉ là một bài tổng quát sơ lược được dựa theo sách "tài liệu tham khảo (1) của phần 1". Hơn nữa, các yếu tố này luôn biến đổi khôn lường và khó nhận biết một cách rõ ràng, nên sau cùng các chính sách đối ngoại luôn là một đòn đánh che dậy nhiều mục đích của các quốc gia trong việc thể hiện phương cách hành xử đối với các tình huống trên thế giới.
Tài liệu tham khảo
(1) Bảo Suzu, (2021), “Dân số vàng và áp lực tài chính trong xã hội già hoá”, https://tuoitre.vn/dan-so-vang-va-ap-luc-tai-chinh-trong-xa-hoi-gia-hoa-20210529104324397.htm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất