Phần 1: Trước khi bắt đầu khóa huấn luyện bay
Trả lời: Bruno Gilissen, Phi công.
Photo: MICHAEL DUNNING/GETTY IMAGES
Có nhiều truyền thuyết không tưởng về nghề phi công. Một trong số đó, mà tôi phải nghe đi nghe lại và thường xuyên bị hỏi, đó là phi công phải “thực sự giỏi toán”. Hoặc bằng cách nào đó phải là “con Át chủ bài trong ngành vật lý”. Hoặc một truyền thuyết khác đó là họ phải có thị lực hoàn hảo.

Mặc dù bản thân tôi rât thích các môn khoa học có tính chính xác và toán học, cũng thích đọc các câu trả lời thú vị trên Quora của mấy bác Viktor T. Toth, Alan Bustany và Alon Amit. Nhưng tôi đảm bảo là mấy chàng phi công như chúng tôi đây còn khuya mới đạt được trình độ thiên tài như mấy ổng. Sự thật là hầu hết các bạn đại học của tôi sẽ xách đuýt chạy xa ngay khi nhìn thấy chữ x và y trong một phương trình. Họ thường bấm máy tính kể cả với những phép nhân tầm thường nhất.

Vậy nên, tối nay làm ơn hãy ngủ thật ngon và vứt ngay khỏi đầu cái ý niệm về việc phải trở nên đặc biệt xuất chúng. Tụi tôi chỉ là những người bình thường như bao người khác, mỗi người với một cá tính riêng biệt mà thôi.
Dưới đây là những thứ bạn cần để trở thành một phi công:

Sức khỏe và thể chất ở một mức độ nhất định. Khoan hãy vội đi chạy nửa vòng marathon hay ra phòng gym đẩy tạ cật lực nhé. Tất cả những gì tôi nói tới ở đây là một số điều kiện thể chất nhất định sẽ không được phép theo học. Ví dụ như một số dạng mù màu, hay những điều kiện thể chất khác. Tôi khuyến khích bạn nên tìm đến các trung tâm khám sức khỏe hàng không địa phương hoặc trung tâm giám định an toàn bay (tên cụ thể sẽ khác nhau tùy từng quốc gia) nếu bạn có băn khoăn về vấn đề sức khỏe bản thân. Đây là những trung tâm mà phi công phải đến khám hàng năm để được tái cấp giấy chứng nhận sức khỏe. Bác sĩ ở đây là những chuyên gia nằm lòng các quy định, phương pháp điều trị, cách thức xoay quanh những vần đề này. Một vài người không may sẽ phải nhận phán quyết cuối cùng rằng không bao giờ đủ điều kiện sức khỏe để trở thành phi công. Đừng vội nản lòng. Tôi từng biết một cơ trưởng có chân giả, ông phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để hồi phục sức khỏe sau vụ tai nạn làm ổng mất đi một chân. Và đến một lúc nào đó khi gần nghỉ hưu, chúng ta cũng phải cần đến kính hoặc kính áp tròng thôi. Vì thế bạn cũng không nhất thiết phải có thị lực hoàn hảo. Đó là câu trả lời cho một trong những truyền thuyết kể trên rồi nhé.

Một vài khả năng nhất định. Cái mà tôi đang nói đến là bạn phải có khả năng lọc được những thông tin quan trọng trong tiếng ồn và phải có khả năng giải quyết vấn đề ngay lập tức chứ không cần phải bế quan ba tháng để nghiên cứu nó. Ai có đủ điều kiện sức khỏe đều có thể đi bay chỉ khi nào họ có đủ thời gian để trau dồi kiến thức và kỹ năng của bản thân. Tuy nhiên mấy hãng hàng không không thể cho bạn đủ thời gian để nâng cao kỹ năng đến mức thượng thừa. Họ kỳ vọng rằng bạn sẽ học thật nhanh, thích nghi thật nhanh, để đưa ra quyết định nhanh chóng kịp thời. Khả năng có thể được tôi luyện đến một mức độ nhất định, tuy nhiên tôi tin rằng chúng ta ai cũng từng biết hoặc từng gặp một số người “chẳng có tí khả năng nào”.

Trưởng thành đến một mức độ nhất định và không có những vấn đề tâm lý cấm đoán. Nếu bạn nói với một hãng bay rằng bạn đã từng 2 lần cố tự tử năm ngoái, chắc chắn họ sẽ quăng đơn xin việc của bạn vào máy cắt giấy gần nhất. Sự thận trọng của họ về vấn đề tâm lý đã tăng lên kể từ tai nạn của hãng Germanwings, khi cơ phó cố tình đâm máy bay vào núi. Hãy chín chắn ở mức vừa đủ và – tôi biết chẳng có lời khuyên nào thế này, nhưng mà tôi sẽ nói cho bạn biết – hãy thật bình thường. Ý tôi là đừng có các kiểu như là nghe thấy giọng nói trong đầu, không biết sợ là gì, rối loạn nhân cách hay tâm thần phân liệt hay những thứ tương tự như thế. Bạn cũng cần tự tin vừa phải thôi, chứ đừng kênh kiệu quá.

Một số kiến thức phải biết trước. Đây là thứ mà bạn có thể kiểm soát được. Không đòi hỏi bạn phải có bằng cấp cao hay phải là chuyên gia trong những lĩnh vực dưới đây, nhưng bạn cũng không thể là tay mơ một chữ bẻ đôi không biết:
- Tiếng Anh lưu loát. Có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ như ở Trung Quốc, nhưng khi đọc đến đây thì hẳn là bạn có thể hiểu hoặc nói tiếng Anh đôi chút, vậy nên…tiếp tục.
- Toán học. Được rồi, chúng ta đang nói đến truyền thuyết phổ biến nhất. Hãy bỏ ngay cái truyền thuyết đó đi và nói về những thứ cần phải biết, chủ yếu là liên quan đến kiến thức ở cấp 2 cấp 3 (học từ năm 12-18 tuổi). Lý do bạn cần biết những kiến thức này không chỉ bởi vì bạn phải áp dụng chúng hàng ngày khi bay (những cái căn bản thôi), mà còn vì bạn phải hiểu nó để áp dụng cho những kiến thức vật lý khác cũng cần thiết không kém.
  • Đại số cơ bản để có thể giải một số phương trình.
  • Hình học cơ bản: Lượng giác.
  • Những phép tính và biến đổi cơ bản: Khái niệm về biến đổi Fourier là một điểm cộng (dù không thực sự cần thiết) và phương trình tuyến tính.
Tôi chưa bao giờ phải áp dụng trực tiếp tích phân và đạo hàm trong khóa huấn luyện của mình, nhưng nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về vật lý, tôi khuyến khích bạn học cái này. Ngày trước chúng tôi thỉnh thoảng cũng phải học những khóa thế này, nhưng đó là chuyện xưa rồi. Ngày nay những khóa học đó chủ yếu dành cho kỹ sư chứ không phải phi công.
  • Hãy làm quen với các vector.
Chỉ thế thôi! Rất là đơn giản. Cái gì cơ, bạn thực sự cho rằng chúng tôi ngồi giải quyết mấy vấn đề số học phức tạp đó trong khoang lái ư? Không hề nhé, trừ khi rảnh quá thì làm cho vui cũng được.

- Vật lý. Cũng tương tự như toán, chỉ cần một số kiến thức cơ bản chứ không cần đào sâu nghiên cứu. Bạn cần phải có những kiến thức này để có thể theo được những chủ đề trong các khóa học trong tương lai, ví dụ như khí động học, hệ thống điện, điều hướng trên không, thiết bị bay, hiệu suất tàu bay,… Vì vậy, bạn cần phải chọn những môn học phù hợp trong chương trình tự chọn ở bậc phổ thông, nếu không thì bạn sẽ phải tham gia các lớp tự học ngoài giờ khác.
  • Cơ học: chuyển động, định luật Newton, trọng lực (cổ điển), động lượng, định luật bảo toàn năng lượng, chuyển động quay và con quay hồi chuyển, cơ học chất lỏng bao gồm định luật chất khí và nguyên lý Bernoulli.
  • Điện từ cơ bản: điện tích và điện trường, điện thế, dòng điện, điện trở, lực điện động, điện một chiều và điện xoay chiều, từ trường, cảm ứng từ và sóng điện từ.
  • Nhiệt động lực học cơ bản: nhiệt và nhiệt độ, định luật 1 và 2 của nhiệt động lực học, tính chất nhiệt của vật chất, giãn nở và co lại, một số chu trình khí và các ứng dụng thực tế khác.
Chỉ vậy thôi. Không cần phải đào sâu vào những thứ này hoặc cố gắng giải quyết các vấn đề phức tạp. Các kỹ sư và nhà khoa học đã lo phần đó rồi, vậy nên bạn chỉ cần tập trung lái máy bay thôi.

Đó thực sự là tất cả. Những kiến thức này chắc chắn không phải là một trở ngại với bạn. Nếu chẳng may bạn lỡ mất một lớp vật lý ở trường phổ thông, thường thì các trường bay luôn có các lớp vật lý cơ bản cho người mới. Hoặc bạn có thể làm quen với việc tự học, vì đối với các hãng hàng không ngày nay – sau này đi làm rồi bạn sẽ thấy – tự học trong thời gian rảnh đang trở thành tiêu chuẩn.

Có một vài điểm khác biệt trong cách đánh giá và yêu cầu về mặt kiến thức giữa Mỹ - theo tiêu chuẩn của FAA - và châu Âu - theo tiêu chuẩn của EASA. Về tổng thể: Hệ thống của Mỹ thường đánh giá cao kinh nghiệm và không quan trọng lắm các kiến thức lý thuyết, trong khi hệ thông châu Âu có thể ngược lại. Nếu bạn đang ở một đất nước có mức đánh giá gần với kiểu châu Âu, bạn sẽ cần phải học sâu hơn một chút về các kiến thức vật lý kể trên, không cần thiết phải đào sâu nghiên cứu. Nếu bạn theo hệ thống đánh giá kiểu Mỹ, bạn có thể lược bỏ công đoạn này. Một số nước có thể sẽ yêu cầu thêm bằng kỹ sư hoặc các bằng cấp tương tự. Chuẩn bị tinh thần trước nếu bạn không thích vật lý. Tôi cũng hiểu là trong hệ thống của Mỹ, các câu hỏi thi tuyển đều nằm trong ngân hàng câu hỏi, và một số người chỉ ôn thi theo những câu hỏi đó mà thôi. Tôi không thể hình dung được điều này sẽ gây ra sự thiếu quyết đoán và thiếu tự tin như thế nào. Cá nhân tôi là người muốn biết lý do và cách thức hoạt động của mọi thứ và tôi muốn biết càng nhiều càng tốt. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, dù sao tôi cũng chẳng phải người phát minh ra máy bay, và người ta có thể học không bằng cách này thì bằng cách khác.

Tóm lại, hãy quên ngay cái truyền thuyết rằng phi công phải là một thiên tài với thị lực 10/10. Tất cả những gì quan trọng nhất để có thể trở thành phi công, đó là bạn phải có khả năng lấy được cái bằng. Và đó là những gì tôi sẽ tiết lộ trong phần kế tiếp.
________________
Link bài viết gốc: https://qr.ae/TczIz6