Bọn nghệ sỹ
Giovanni Boldini - Omnibus in the Place Pigalle Có lẽ chưa bao giờ bố mẹ tôi lại nghĩ rằng mình sẽ sống trong khu nghệ sỹ. Người...
Có lẽ chưa bao giờ bố mẹ tôi lại nghĩ rằng mình sẽ sống trong khu nghệ sỹ. Người ta bảo "đò theo lái, gái theo chồng", đáng lẽ nhà tôi đã yên vị ở khu tập thể Đài Phát Tín Cầu Giấy (tên gọi của khu tập thể Công An phường Quan Hoa cách đây đâu đó cỡ 30 năm) nếu như bố tôi không bị tai nạn và lão thầy địa lý cha căng chú kiết ở đâu đó phán rằng "đất đấy xấu".
Thành ra đầu năm 90 lại về khu mẹ tôi được phân, tên gọi là Khu Tập Thể Văn Công Quân Đội. Mà đã là Văn Công thì hẳn rặt nghệ sỹ, lại còn ngay cạnh cái khu mả sang nhất nước tên gọi Nghĩa Trang Mai Dịch nên số lượng thầy với ma có một sự chênh lệch không nhỏ.
Kể cả giàu, hay nghèo, thì thời đấy, nghệ sĩ hay bị coi là "xướng ca vô loài". Và họ phức tạp. Phức tạp theo cái cách mà những người không phải nghệ sỹ, như bố mẹ tôi chẳng hạn, không hiểu được. Bố tôi vốn là người theo ngành kỹ thuật, cả nhà lại toàn người làm khoa học, nên cho dù cũng có một ít máu nghệ sỹ thông qua việc thổi sáo trúc không sai nốt và đánh đàn bầu không bật bông, ông vẫn coi nghệ sỹ là thứ gì đó phù phiếm lắm. Mà cái thực tế khu nghệ Văn Công đấy đôi khi lại còn chứng thực cho định kiến của ông.
Đến bây giờ, mặc dù đã ở cái tuổi qua lục tuần chuẩn bị nhảy sang thất thập, bố tôi vẫn kể những câu chuyện hồi xa lắc xa lơ, hồi tôi còn quá bé để biết rằng cuộc đời phức tạp, về sự phức tạp của giới nghệ sỹ sống trong cái khu tập thể chẳng bé chẳng to ấy. Rằng nhà một người NSND ngay đầu ngõ lúc nào cũng ẩm thấp và hôi thối, rằng hát thì hay, lên sân khấu thì đẹp, mà mẹ già chẳng chăm nổi một ngày, để nhà cửa đi cả tháng trời không quan tâm. Rằng một ông biên kịch sống một mình mà đến cái cầu giao hỏng không biết đường mà sửa, lúc nào cũng phải nhờ bố tôi xem đường điện nhưng chỉ biết đem chén chè ra đãi bôi chứ tiệt chẳng bao giờ nghĩ rằng cái việc đấy làm không công mãi đâu có được. Rằng chị này mỗi tuần lại dẫn một đứa về, cười đùa chim chuột từ đầu ngõ đến cuối ngõ không để ý quan tâm đến ai cả. Đi kèm với cái lắc đầu ngao ngán và gật gù "xướng ca vô loài".
Nghe những chuyện như vậy thì thường tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua. Bởi nói thì nói thế thôi, chứ với nhiều người nghệ sỹ, bố tôi cũng đem lòng mà cảm phục mặc dù không nói ra. Ý là trong suốt từng đấy năm sống ở trong cái khu Văn Công, chứ chẳng hẳn là bây giờ già rồi nhiều khi lẩm cẩm và đắng cay những thứ nhỏ nhặt dễ quên, khó nhớ. Người già hay sống trong quá khứ, cả quá khứ đẹp và quá khứ xấu, tôi hiểu điều đấy. Chẳng thế mà cứ thi thoảng dăm bữa nửa tháng ông lại rủ tôi ra quán cháo lòng, xem "Tự Long đợt này có hay vào đây không để bố xin bức ảnh" hoặc lắm lúc mấy chú, mấy bác ca sỹ ở dãy cũ đã rời khu về rủ uống bia thì cũng háo hức ra trò.
Những người không phải nghệ sỹ thường có thứ tâm lý mâu thuẫn và phức tạp như thế với những người nghệ sỹ. Nó chẳng tốt, chẳng xấu, nó bình thường và tự nhiên. Con người hay chê bôi những cái phù phiếm vì đôi khi sâu thẳm, họ thèm cái sự phù phiếm đấy, thèm việc được công nhận, được hết mình, được tự do và phóng khoáng như "đám nghệ sỹ".
Mẹ tôi thì không (đôi khi) tỏ ra mặt việc không thích cái cuộc sống có phần phóng túng đấy, nhưng bảo ủng hộ thì thà chết còn hơn, vậy nên mẹ tôi cũng thích có sở thích đàn hát gì đó, nhưng tuyệt đối gặt phắt đi nếu có ai đó nhắc đến việc cho tôi đi theo con đường âm nhạc, cho dù "cháu nó có năng khiếu đấy" như lời cô giáo dạy piano hồi tôi 4-5 tuổi gì đó nói với mẹ.
Đừng nghĩ rằng nhà tôi giàu đến mức cho tôi đi học piano được. Bởi vì tôi không có đàn riêng, tiền học thì cũng chỉ rất ít bởi mẹ tôi là giáo viên dạy con cô dạy đàn. Thời buổi khó khăn, chỉ là trừ đi trừ lại mà thôi. Và tôi thì lại cứ nằn nì phải được đi học, chỉ bởi "anh Hưng đánh đàn hay quá, với cả anh dạy con mấy nốt đây này."
Thời tôi lớn lên không có nhiều nhà trẻ như bây giờ để tiện thì gửi. Còn cái nghề trông trẻ tại nhà chắc phải có sau đấy cỡ hơn chục năm. Vậy nên tiện ai thì "gửi nhờ trông hộ". Và nhà hàng xóm có anh Hưng ở nhờ học Nhạc viện là nơi tôi thường phải ngồi chầu chực cho đến bữa trưa. Anh Hưng lúc nào cũng vui vẻ, và lúc nào cũng chăm chỉ luyện đàn mỗi buổi sáng. Anh học piano, nhưng chỉ có một cái organ phím nặng để tập, "không có chân đạp chán chết" như anh vẫn thường kêu ca.
Anh sẽ khệ nệ lôi ra một cái bao đàn to uỵch, kéo cái phéc-mơ-tuya cũng to không kém, rồi lôi ra cái đàn organ chẳng nhỏ nhắn gì với cái thân hình gầy guộc khẳng khiu của anh, cố gắng nhẹ nhàng đặt xuống cái bàn gỗ cung khẳng khiu chẳng kém. Tiếp đến anh sẽ làm mấy động tác thể dục nửa mùa, ngoáy ngoáy cái cổ và căng căng bàn tay nhằm "đánh cho dễ hơn". Lúc nào cũng thế, anh sẽ bắt đầu bằng đi gam, đi cỡ chục lượt, rồi đến "Carmen Overture" và "Ballade Pour Adeline", tất nhiên hồi đấy tôi làm gì biết tên những bản này, chỉ nghe thấy thích là toe toét miệng và đung đưa chân, tranh thủ vừa nghe vừa đọc cuốn truyện tranh trong một chồng sách vở ngổn ngang của anh mà thôi (nhân tiện, khoe chút là tôi biết đọc từ năm 3 tuổi, một thứ mẹ tôi đến giờ vẫn tự hào.)
Tôi chẳng nhớ nổi anh dạy tôi những phím đàn đầu tiên là lúc nào. Lâu quá rồi. Đến khuôn mặt anh đối với tôi giờ cũng chỉ là thứ nhờ nhờ nhân ảnh, gặp thì nhận ra được chứ nhớ chính xác thì chịu. Có thể là lúc tôi ngân nga bài hát nào đó trong tờ Thiếu Niên mà tôi học mót, chắc là từ cái ti-vi đen trắng thời Linh Hương vẫn hát nhạc thiếu nhi chứ không phải chị Anh Thơ trên youtube bây giờ. Anh thấy tôi hát "chay", mà lại lệch với mấy bài anh đang đánh, thì ra chiều khó chịu mà bảo "hát theo đệm đây này." Rồi anh đánh cho tôi hát, và hỏi "có thích thử không?"
Ai lại nói không được cơ chứ?
*
Đợt lâu lâu đọc bài báo về vợ anh Trần Lập sau khi anh mất, có nhắc đến một người, mà đến giờ tôi vẫn tôn kính: chú Giang. Thực tình lâu quá tôi chẳng thể nhớ nổi tên đầy đủ của chú là gì, chỉ biết chú là một NSƯT chơi ghi-ta và có chơi với ban nhạc của anh Trần Lập.
Bạn biết đấy, học cái gì thì cũng phải học đến nơi đến chốn, và cái đến nơi đến chốn của piano đòi hỏi việc phải mua ít nhất một cái đàn organ phím nặng thì tập mới tử tế được, và loại đàn đấy... rất đắt với nhà tôi. Đấy là khi điểm yếu của việc nhà bạn nghèo và bố mẹ bạn muốn bạn tập trung học văn hóa lộ ra. Nói thế không phải để trách cứ gì các bậc sinh thành, mà chỉ đơn giản là có những thứ trong cuộc đời, vốn với mình chỉ có một đoạn duyên ngắn ngủi mà thôi. Thế nên tôi bỏ dở việc học piano, rồi nghỉ chẳng học nhạc mấy năm, cho đến khi trong một cuộc trò chuyện quán trà hàng nước nào đó, mẹ tôi biết chú Giang đang có lớp dạy ghi-ta, "giá con em" như người ta vẫn nói. Và để đổi lại "giá con em" đó, mẹ tôi lại có "giá con em" khác để dạy văn hóa cho con của chú.
Thói đời luôn là cỏ xanh hơn ở bãi bên kia. Cái khu tập thể cũ rích mà phức tạp đó là nơi mà tôi chứng kiến những câu chuyện đầy màu sắc của những bãi cỏ khác nhau. Cuối những năm 90 là thời điểm cơn bão trắng quét qua cái vùng đất, mà lúc đấy, cũng dở ông dở thằng chẳng khác gì cậu trai mới lớn này. Giới nghệ sỹ là những kẻ đầu tiên may mắn, và xấu số tham gia vào cuộc chơi đam mê đi song hành với chết chóc đó. Thành ra cái khu tôi ở nghiễm nhiên thành cái ổ nghiện. Nghiện nhiều đến mức thằng nào ngáp sái quai hàm ở hàng nước vì thức khuya làm cái trò con tườu gì giời biết đêm hôm trước cũng khiến cho độ căng thẳng trong không khí tăng lên đáng kể. Những người không phải nghệ sỹ, trong cơn hoảng loạn và cảnh giác tột cùng, đã không ngần ngại kiếm một con cừu để hiến tế, và con cừu đó mang tên "bọn nghệ sỹ." Người ta cố gắng tránh xa những con người "phù phiếm", "dùng tiền chơi thuốc" đó, người ta mỗi khi nhìn thấy kim tiêm trong khu lại lập tức nhẩm tính trong đầu xem trong phạm vi bán kính vài mét có "nhà nghệ sỹ" nào không để tiện thể đổ luôn đỡ phải nghĩ. Cái thứ khoảng cách vô hình đó làm kể cả đám trẻ con hay chơi với nhau cũng thành ra nghi ngại. Mà cũng đúng thôi. Anh thằng bạn thân của thằng em tôi, con của một trong nghệ sỹ danh giá nhất Việt Nam thời bấy giờ, nghiện, sida, chết, tệ hơn là ai-cũng-biết. Thành ra mỗi lần tôi với thằng em xin qua nhà nó chơi mẹ tôi cũng ngần ngừ chán chê mê mỏi. Vì hai bác tốt, thật sự tốt, tử tế, chỉ không may là cái môi trường con hai bác sinh hoạt trong trường thời điểm đấy nó trắng ởn mà thôi.
Giai đoạn đấy khiến chính những người nghệ sỹ cũng hoài nghi về cái tương lai nghệ sỹ. Thế nên ngay cả trong khu nghệ thuật, thế hệ tôi, nhiều đứa có bố mẹ trong ngành chẳng còn đi học ở các trường nghệ thuật nữa mà chuyển qua "học văn hóa." Mà cái cụm này cũng buồn cười, thế "nghệ thuật" không phải "văn hóa" à? Có điều đấy là câu chuyện khác. Con chú Giang là một trong những người như vậy. Thế nên tôi được học đàn giá rẻ. Còn hay hơn là đàn ghi-ta cũng rẻ, cái dùng để tập tành tàm tạm rẻ hơn đến gấp chục lần so với một cái đàn organ cũng chỉ để tập tành tàm tạm. May mắn nữa, đợt đấy là hồi phong trào nhạc Rock sinh viên đang có đà lên cao, mà chính Bức Tường là một trong những điểm sáng nhất.
Thế là mùa hè năm đấy, thằng bé con háo hức đeo cái đàn to gần bằng người, dây ni-lông, "tập cổ điển" như lời chú Giang dặn, mua tận NĂM TRĂM NGHÌN, bọc trong cái bao vải thô, đen, đi ngang qua cái khu tập thể, mà lúc này bê tông, nhà cửa đã thay những bãi lau sậy và cỏ mọc hoang khiến cái nóng trở nên hầm hập hơn, để đi tập đàn, một lần nữa.
*
- Thi thoảng chú cũng nhớ anh em trong đoàn, trong khu lắm. Nhất là thằng Giang. Giang rất tốt. Mà đấy, mấy thằng tốt lại thường hay chết trước. Hầy - Chú Tựa vừa nói vừa rót rượu vào cái ly hạt lựu cho tôi từ chiếc bi đông sắt Tây cũ mèm, rồi cất lại vào túi, xong tranh thủ gọi chủ quán - Cho anh bát mắm tôm nhé.
Quán mới, nên nhiệt tình, vừa dứt lời là bát mắm tôm nhỏ nhỏ xinh xinh đã được đưa ra. Để giữa hai tô cháo cùng đĩa lòng dồi còn đang tỏa hơi, nóng hổi.
- Mùa đông chỉ có cái món này là nhất - chú tiếp.
Tôi cười cười, nhón tay lấy một quả quất, toan vắt vào bát mắm tôm.
- Ây, khoan đã - Chú ngăn tôi lại - để chú.
Nói rồi không đợi tôi từ chối, chú cầm bát mắm tôm về phía mình, một lần nữa lôi chiếc bi đông ra. Lạch cạch mở, lạch cạch rót một chút rượu vào nắp, rồi từ nắp đổ vào bát mắm tôi. Thìa, ngoáy đều, chậm rãi, từ từ. Xong mới tới lượt quất. Thìa, bỏ hạt, lại ngoáy đều, chậm rãi, từ từ. Hạt tiêu, ớt, rồi nếm thử, gật gù. Mùi rượu thơm quện với mùi mắm tôm, thêm chút ngây ngấy từ lòng dồi tỏa ra, khó mà cưỡng nổi.
- Thế này mới ngon - Chú cười, bĩu miệng ra chiều tâm đắc lắm.
Mà đúng là ngon thật. Mắm tôm dậy mùi, rượu vợ chú tự tay nấu cũng đậm, mỗi ngụm sau khi thưởng thức miếng lòng trắng vừa vừa, vẫn còn hơi đắng, chứ không trắng ởn như mấy hàng dùng thuốc tẩy như mẹ tôi vẫn bảo, đều khiến người ta cảm thấy rằng việc ăn chơi cũng lắm công phu chứ không có đơn giản.
Chú Tựa rời khu khi tôi còn bé tí, nên cho dù chú có qua nhà tôi vài lần tôi cũng không thể nhớ được. Một lần tôi đang vi vu miền Trung thì nhận được một cuộc điện thoại. Gió máy trên đường lùng bùng thành ra nghe không rõ. Xong bên kia vang lên tiếng đàn và tiếng hát, mặc dù sang sảng và khá hay nhưng trong cái hoàn cảnh xe máy giữa đường nắng cháy thì tôi không có tâm trạng nào để thưởng thức. Nên cứ thế dập máy, chỉ để vài phút sau mẹ tôi gọi chửi "thằng mất dạy, chú Tựa khu nhà mình mà mày dập máy thế à."
- Thằng này được. Chú thích bài thơ trong sách của mày nên phổ nhạc, gọi hát cho, thế mà mày còn không thèm tiếp chuyện. Rất được - cứ mỗi lần ngà ngà là ông chú dễ lại lôi cái chuyện đấy ra để chọc tôi.
- Thôi uống đi chú, lúc đấy cháu có biết đâu, tưởng ông nào gọi nhầm - Tôi vừa cười cười vừa nâng ly lấp liếm.
Cái thứ rượu gạo Bắc Ninh, nặng, ngọt. Đến đâu thấm đến đấy.
Không biết từ khi nào trong khu tôi không còn vang lên những âm thanh âm nhạc nữa. Chỉ biết là lâu rồi. Trước đây cứ buổi sáng, không phải ngày nào cũng thế, ở đâu đó trong khu sẽ vang lên tiếng người luyện thanh. Mì i í i ì, mà a á a à, mồ ô ố ô ồ... Còn buổi tối sẽ là nhạc cụ, gần thì có piano, xa hơn một chút thì có vĩ cầm, xa hơn nữa là bộ kèn, và vang vọng khắp khu là dàn sáo, hoặc là sáo trúc, hoặc là sáo sắt. Chỉ văng vẳng đâu đây những đoạn rất ngắn, đôi khi là chơi lỗi, hát lỗi, rồi lại lặp đi lặp lại. Lặp đi lặp lại, ngày qua ngày, tháng qua tháng.
- Cháu cũng nhớ khu mình. Mặc dù ở đây, nhưng vẫn nhớ - tôi vừa nói vừa rít điếu thuốc, hút với ông chú, còn thì bỏ trước đấy lâu rồi - giờ chẳng còn nghe thấy những tiếng đấy nữa. Hôm nọ cháu có đi qua dãy đấy, toàn nhà mới. Hầu như chuyển hết đi rồi. À, hình như còn mỗi bác Tần. Mà bác giờ cũng lẫn lắm, pác king sơn gì đó, có hát hò được gì đâu.
- Việt Nam, trên đường chúng ta đi, nghe gió thổi, đồng xanh quê ta đó, nghe sóng biển, dồn vang xa tận tới chân trời... - Như hiểu ý tôi, chú cất tiếng hát. Trầm, vang, tròn vành rõ chữ, lúc lên cần lên, lúc xuống cần xuống, lúc ngân cần ngân. Chẳng cần nhạc cụ vẫn hay. Không giống đám ếch nhái nhảy lên làm ca sỹ, lấy phấn son và chân dài để nhét cái danh xưng ca sỹ vào tai, nhồi cái mác nghệ sỹ vào họng người thưởng thức.
Tôi trầm ngâm ngồi nghe. Chú chủ quán cũng người lâu năm trong khu cũng lôi ghế ra gần, nhẹ nhàng ngồi xuống châm điếu thuốc. Tự dưng tôi được sống lại, mấy phút, ở những ngày tháng, mà người ta phải luyện giọng, phải luyện đàn không biết bao lâu mới được đứng lên sân khấu như thế.
*
Tôi phải tập ngồi cho đúng đâu đó cả tháng. Đàn phải kê giữa hai chân, không được ôm sang bên cạnh "như mấy thằng sinh viên đệm hát" theo lời chú Giang. Tay đánh không được co ngón út. Tay bấm không được khuỳnh khuỳnh vào "như bọn bại liệt" vẫn theo lời chú Giang. Người đàn ông lúc bình thường hiền như bụt đấy hoàn toàn khác khi đụng vào đàn. Độc miệng và chua ngoa khôn tả, mỗi khi phải nghe những phím đàn "không gọi là nhạc" do thằng bé con lúc đó, là tôi tầm chục tuổi đầu, cố hết sức để sản xuất ra.
"Cố lên, lại, thế này vẫn còn sướng chán. Đây vẫn là dây ni lông, trước kia toàn phải tập dây sắt bật cả máu ra ấy. Lại."
Và tôi lại cắn răng lại. Cho đến khi bấm được vuông góc, gẩy dây đàn một phần bằng thịt, một phần bằng móng, tiếng làm sao ngồi đầu phóng đến cuối phòng vẫn nghe được, không rè, không thô, không chạm dây, mới được gọi là đạt. Từng nốt một. Lặp đi lặp lại. "Từ từ, chậm đã, sai một nốt đi lại toàn bộ gam." Đó có lẽ là lý do mà tôi bỏ đàn từ lâu rồi, nhưng cứ cầm lên thì kiểu gì cũng sẽ theo phản xạ mà đi gam được. Ngược, xuôi, chậm, nhanh, cơ bản, phức tạp đều được. "Còn đi gam được là sẽ còn học lại đàn được", như chú Giang vẫn nói. Có điều tôi lại lười biếng vin vào cái lý do đấy để chẳng bao giờ ngồi tập lại cho tử tế, rồi từ đó đẻ thêm hàng loạt những lý do khác, cái nào cũng có lý và bùi tai. Đào đâu ra thời gian bây giờ? Đánh cho ma nó nghe à? Mệt lắm... Nhưng đấy là chuyện của sau này (đến tận bây giờ), còn lúc đấy, thì nhất quyết phải làm được.
Bởi giữa buổi tập và sau buổi tập, tôi sẽ được nghe chú Giang đánh những thứ "cứ chăm chỉ sau này cháu sẽ làm được". Chú sẽ bảo tôi ra ngồi ở thềm nhà, cầm theo cái ghế. Chú sẽ lấy trong túi áo ra bao thuốc, châm, kê đàn ngay ngắn giữa hai chân, lấy kệ kê một chân cao hơn, thẳng lưng, hơi hít thở nhẹ, xong một hơi thuốc dài, rồi mới đánh. Say mê, chăm chú, như thể tôi không ngồi đó. Đầu lắc lư, chân đập nhịp, đôi khi nhắm hờ mắt, đôi khi nhíu mày. Mặc dù cái dáng đấy có vẻ không phù hợp lắm với cái áo cộc tay và quần đùi chú mặc ở nhà. Lúc nào cũng là một bản nhạc đầy đủ, mỗi lần một bản. Bởi "đã cầm đàn lên để biểu diễn thì phải làm đến nơi đến chốn". Đấy, lại thêm một lý do để khó mà tập tành lại tử tế được.
Tập được gần năm, tôi đánh tử tế, hoàn chỉnh được một bài, chú cho phép tôi biểu diễn trước trường.
Hôm đấy tôi run lắm. Nhưng cũng phấn khích. Trẻ con tuổi dậy thì được có cơ hội "làm me" với không biết bao nhiêu bạn gái trong trường, làm sao mà lại không phấn khích cho được. Đêm hôm trước còn trằn trọc không ngủ nổi. Trước khi đi học hôm biểu diễn còn phải ngồi đánh đi đánh lại cả tiếng để chắc chắn không sai.
Và khi bước ra sân khấu, tôi chỉ chút tí nữa rơi cả đàn. Thật sự đông. Mặc dù toàn trẻ con, nhưng vẫn đông. Quá choáng ngợp. Môi tôi run run và khô rang, miệng không cảm thấy gì cả, tim đập thình thịch, như khóc đến nơi. Đến lúc ngồi xuống vẫn run. Nhưng tôi nhớ lời chú, "cứ như lúc tập thôi là được". Thế là tôi để đàn giữa hai chân, kê một bên lên, tay bấm không khuỳnh, tay gẩy không co ngón. Tôi nhắm mắt một giây, rồi cứ thế nhìn vào tay bấm, và đánh. Đột nhiên cái sợ đi đâu hết. Giống như lúc tập rồi. Bản nhạc đấy tôi không đánh sai, đánh thô một nốt, có điều cái micrô không phải loại để ghi tiếng đàn nên chẳng có ai nghe thấy gì cả ngoài hàng đầu.
Cũng may là mối tình đầu của tôi cũng ngồi hàng đầu...
Sau đấy không lâu, chú Giang mất. Ung thư. Tôi mếu máo nguyên một tối.
*
- Chị cứ đánh hết cả một đoạn cho em nhé, em sẽ để máy quay giữ nguyên - tôi vừa nói với người nghệ sỹ piano đấy vừa quay ra nói với quay phim - anh lấy cận cảnh thì zoom vào, không được lại gần đàn, đứng xa xa ra.
- Không cần cả đoạn dài đâu, đoạn nhỏ nhỏ là được rồi - ông quay phim có vẻ khó chịu vì không được nhanh nhanh chóng chóng về đài.
- Anh cứ nghe em đi - Tôi nhíu mày và hơi gằn giọng. Mặc dù cảm thông với việc phải đi theo tôi cả ngày làm chương trình, nhưng cái gì ra cái đấy.
- Thế em có nghĩ đến đoạn nào không? - Người nghệ sỹ hỏi tôi.
- Second movement bản Pathetique của Beethoven chị nhé - Tôi đáp mà chẳng nghĩ.
- Em biết chơi đàn à? - Chị hỏi tôi, giọng có chút ngạc nhiên.
- Dạ không, em biết cái gì là nhạc thôi - Tôi pha chút giễu cợt vào câu trả lời.
Chị cười. Nhưng thực sự tôi muốn nghe, cho dù không phải đầy đủ một bản nhạc thì cũng là một đoạn đầy đủ. Hơn nữa đấy là một cây đại cầm. Nữ hoàng của các loại nhạc cụ cần được đối xử tử tế, nên được đối xử tử tế. Tôi nói với mấy người trong đoàn sau khi lắp đặt thiết bị xong thì lùi lại, ngồi ra xa để chị đánh.
Đấy là lý do, đôi khi tôi vẫn đi xem hòa nhạc ở Nhà hát lớn. Không phải trưởng giả cũng chẳng phải học làm sang, bởi thực ra một tháng đi xem phim vài bận có khi còn đắt hơn một tháng nghe hòa nhạc một lần. Còn sang thì đã đi hẳn phòng trà bàn riêng ngồi vắt chân ghểnh râu ăn uống thêm chút rượu đắt tiền rồi. Tôi đi xem hòa nhạc để được thấy một nơi mà những người nghệ sỹ thực thụ được tôn trọng tuyệt đối thôi. Đối với tôi thì họ xứng đáng được như vậy.
Bạn phải im lặng, cho dù rất đông người. Bạn phải hạn chế tạp âm hết mức có thể, cho dù họng đang sưng tướng lên. Bạn phải chăm chú, cho dù mỗi bản đều kéo dài hơn so với thứ nhạc dễ nghe dễ vào hàng ngày bạn bật qua tai nghe. Và hơn cả, bạn sẽ được thấy một thứ kỷ luật nghiêm ngặt của hàng chục con người phối hợp với nhau mà không bị lệch nhịp, lệch điệu, lệch nốt. Họ khổ luyện, để đem đến một thứ âm thanh hoàn hảo nhất có thể cho những người đang ngồi dưới kia.
Thế nên họ xứng đáng được tôn trọng tuyệt đối, họ chính là những vị vua, vị hậu trong cái khuôn viên sân khấu chỉ mấy chục mét vuông đấy.
Đôi khi cũng chỉ là trong mấy chục mét vuông đấy thôi.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất