Mình đã từng hỏi mọi người câu này trên story của Instagram, bất ngờ là nhận được nhiều điều biết ơn hay ho đến thế. Và mình cũng đã tự đặt câu hỏi ấy cho bản thân: Điều biết ơn nhất đối với cách nuôi dạy của bố mẹ mình là gì?

Thực ra, với mỗi một giai đoạn của cuộc đời, những điều mình biết ơn với bố mẹ cũng thay đổi theo. Ví như hồi mẫu giáo, mình biết ơn vì bố mẹ luôn khích lệ mình nhảy ca, múa hát trên sân khấu để mình có thể dần dần hình thành sự tự tin. Cấp một, mình biết ơn lắm lắm vì được bố mẹ đưa đi học luyện chữ để khi tới lớp, được cô giáo và các bạn trầm trồ khen ngợi (hồi đó là thích lắm rồi). Khi có em trai, bố mẹ không bao giờ đặt sự quan trọng của mình sang một bên. Nếu ai đó dọa mình sẽ “ra rìa” khi có em, bố mẹ sẽ gạt phăng đi và trấn an mình. Nên hồi mẹ có em bé, mình quý em nhất nhà, cũng không lo sợ bị bố mẹ cho “ra rìa” gì cả.

Nhưng dạo gần đây, thêm một điều nữa mình cực kỳ biết ơn về cách nuôi dạy của bố mẹ đó là, luôn luôn đặt câu hỏi: “Bố mẹ để con thiếu thứ gì à?”. Có lúc nó sẽ là câu hỏi, có lúc lại là một câu hỏi tu từ.

Tháng trước, mình có được chứng kiến một câu chuyện, cô gái chạc tuổi chúng mình thôi nhưng đánh đổi vài thứ giá trị của bản thân – cả về thể chất lẫn nhân phẩm, để đổi lấy một thứ gọi là tiền. Mình ngạc nhiên lắm, lần đầu tiên mình được mắt thấy tai nghe có người như vậy. Bố mình thì nói: “Bình thường mà con! Người ta không có công việc, không có tiền nên thế. Cuộc sống đấy!”
Mình hỏi lại: “Nhưng mà chị ấy cũng chỉ tầm tuổi con thôi thì làm gì có công việc và tiền bạc như thế?!”
Bố không trả lời, một điều mình biết ơn nữa là bố không bao giờ bị sự háo thắng của mình “lôi kéo” vào những cuộc tranh luận không hồi kết. Mãi sau, bố mới quay lại hỏi mình: “Bố mẹ có để con thiếu thứ gì không?”
Mình cười: “Không ạ, con thấy rất đủ!”

Hóa ra, đó không phải là một câu hỏi bình thường, mà đó là cả một sự trang bị cẩn thận của bố mẹ cho mình khi bước vào cuộc sống. Cũng bởi những cám dỗ vật chất càng ngày càng nhiều và muôn hình vạn trạng, chúng mình – những cánh chim còn non nớt, có thể sa chân bất cứ khi nào. Nhiều khi, chỉ trong một giây nhỏ nhoi thôi, chúng mình cũng rất dễ bị rơi vào vòng xoáy ấy. Mình nghĩ, sự nhận thức về giá trị bản thân cao hơn giá trị vật chất là vô cùng quan trọng. Và thật biết ơn vì bố mẹ đã dần dần hình thành được cho mình nhận thức quý giá ấy.

Hồi bé, chỉ cần mình lấy nhiều kẹo hơn mọi người hay tranh giành đồ chơi với các bạn khác, bố mẹ  sẽ đặt câu hỏi ấy ngay với mình. Lớn hơn chút, mình vô tư nhận đồ của mọi người cho, bố mẹ sẽ hỏi câu ấy. Vậy nên từ trước tới giờ, mọi người quen đều biết, để cho tiền hai em bé nhà này là rất khó (chúng nó sẽ chối đây đẩy). Nếu hai chị em mình nhận, khi khách ra về, bố mẹ sẽ hỏi: “Bố mẹ để con thiếu thứ gì à?”.

Hồi học cấp Ba, khi ấy mình học dạng kiểu bán trú (nhà mình cách trường 12km nên trưa ở lại), cũng hay phải đóng tiền ăn trưa. Mẹ luôn đưa tiền và nhắc mình đóng tiền ăn rất sớm. Nhưng thật không may, có một lần, mình làm mất 200k tiền quỹ lớp, hoảng loạn ghê mà không dám nói với bố mẹ. Vừa hay, hôm ấy mẹ lại đưa mình tiền ăn, không nghĩ ngợi gì nhiều, mình mang 200k mẹ đưa khi ấy bù vào quỹ lớp. Vậy còn tiền ăn trưa? Vì có quan hệ rộng, mình đưa ra giải pháp: mỗi ngày về nhà một bạn ăn trưa đến khi nào đủ 10 buổi thì thôi (200k tương ứng với 10 buổi ăn trưa). (Nhân đây xin cảm ơn những người bạn thiện lành đã giúp tôi qua cơn hoạn nạn khi ấy ạ). Và rồi cuối cùng, cái kim trong bọc cũng lòi ra, bố mẹ biết chuyện. Hai người tỏ ra rất không hài lòng và rất bực mình vì chuyện đó. Đúng rồi đấy, câu đầu tiên bố mẹ hỏi vẫn là: “Bố mẹ để con thiếu thốn như thế à?”

Thực ra, “không thiếu thứ gì” của bố mẹ không phải là nhà mình có điều kiện khá giả, cái gì cũng có. Mà là, bố mẹ luôn cho chúng mình những gì tốt nhất bố mẹ có. Những thứ thiết yếu, những thứ mình cần để phục vụ học tập, sinh hoạt, bố mẹ luôn cung cấp đủ và kịp thời. Mình thích học gì, bố mẹ cho tiền học. Thích thi gì, bố mẹ cho tiền tham gia thi. Và quan trọng nhất, luôn luôn lấp đầy những bài học đạo đức cực kì thiết thực. Mình tin bố mẹ nào cũng thế, không cho con mình những thứ tốt nhất thiên hạ có nhưng sẽ cho chúng thứ tốt nhất mà họ có.

Đó là một trong những hành trang (mà mãi dạo gần đây mình mới nhận ra) giúp mình có đủ bản lĩnh để lớn lên. Câu hỏi ấy như cho mình một chỗ dựa lớn, không phải chỗ dựa về vật chất, mà là chỗ dựa về giá trị bản thân, về sự tự tin vào giá trị của mình hơn bất cứ giá trị vật chất nào. Nó giúp mình có đủ tỉnh táo và sáng suốt để biết những cám dỗ trước mặt không là gì so với giá trị con người mình. Một câu nói của Billie Eilish mình rất thích: “Tiền thì quyền lực thật đấy, nhưng nhiều khi nói “KHÔNG” với tiền thì còn quyền lực hơn.”

Nên là, “không thiếu thứ gì” không phải là có tất cả, mà là có đủ tiềm lực về giá trị bản thân để khi chúng ta đứng trước những cạm bẫy và tình huống khó khăn, ta có thể tự đặt câu hỏi với bản thân: “Những thứ này có đáng để đánh đổi không?”
Mình mong, chúng ta cũng có thể tự trả lời được điều đó. Thẳng lưng, ngẩng cao đầu lên!