[Blooming Books] "Lặng yên dưới vực sâu" - Đỗ Bích Thúy
“Lặng yên dưới vực sâu” là câu chuyện chân thực đến trần trụi về những số phận nơi vùng cao U Khố Sủ. Xuyên suốt cả tiểu thuyết là câu hỏi: “Tại sao con người lại làm thế này với nhau?”
Hiếm có cuốn tiểu thuyết văn học Việt Nam đương đại nào lại khiến mình ám ảnh nhiều đến thế. “Lặng yên dưới vực sâu” là câu chuyện chân thực đến trần trụi về những số phận nơi vùng cao U Khố Sủ.
Xuyên suốt cả tiểu thuyết là câu hỏi: “Tại sao con người lại làm thế này với nhau?”
“Lặng yên dưới vực sâu” bắt đầu bằng một tập tục truyền thống của người H’mông là cướp vợ. Vừ và Súa yêu nhau sâu đậm nhưng vì nhà Vừ nghèo, không có đủ tiền sính lễ để xin hỏi cưới Súa, nên Súa đã bằng lòng để Vừ đến cướp dâu. Súa chờ ở điểm hẹn nhưng trớ trêu thay, đến “cướp” Súa không phải là Vừ mà là Phống – con trai của nhà giàu nhất bản, vốn ăn chơi, hống hách, đã muốn gì là phải có được bằng mọi giá. Từ đây, cuộc đời của Súa – một cô gái Mông xinh đẹp, khỏe khắn, tràn đầy sức sống – bước sang một trang mới đầy tăm tối, đớn đau và tủi nhục.
Súa làm vợ kẻ mà mình không yêu, bị giày vò cả về thân xác lẫn tinh thần. Còn gì đau đớn hơn thế? “Súa y như một cái bóng. Cái bóng biết đi lại, làm lụng, nấu nướng, cho con bú, nựng con, ngay trước mặt mà Phống không sao chộp lấy được". Tình yêu bị chà đạp, thân xác bị giày vò, hy vọng bị vùi dập, tự do bị tước đoạt, khát khao bị giam cầm.
Làm sao để giải thoát? Súa có cơ hội để chạy trốn khỏi Phống nhưng hết lần này đến lần khác đều rơi vào sự bế tắc không thể vượt qua được. Tình yêu liệu có thắng nổi danh dự? Con người liệu có thắng nổi định kiến xã hội?
Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa đằng sau bi kịch trong “Lặng yên dưới vực sâu” không phải Phống, cũng không phải Súa mà chính là lớp “trầm tích” của hủ tục và định kiến đã tồn tại đời đời kiếp kiếp, len lỏi trong tâm thức và cuộc sống của những người dân nơi đây.
Với mình, Phống có đáng ghét, có đáng trách nhưng đáng thương nhiều hơn. Phống hung hăng, bạo hành, đay nghiến Súa, nhưng không ít lần Phống khóc, “khóc tu tu”, “khóc như bị đánh, bị chửi”, “khóc như bị chẹt ở cổ”, “vừa khóc vừa van xin”,… Phống bắt được Súa về những chưa bao giờ “có được” Súa. Tình cảm của Phống với Súa là sự sở hữu, lại sai cách, nên Phống mới đau đớn, khổ sở như vậy. Những con người đau khổ lại giày vò nhau.
Thân phận của con người hiện lên qua ngòi bút của Đỗ Bích Thúy chân thực đến mức khiến người ta xót xa và ám ảnh. Cuộc sống sinh hoạt, nét văn hóa và cách cảm, cách nghĩ của người Mông cũng được tái hiện một cách sinh động và gần gũi.Một trong những điều mình tâm đắc ở cuốn sách này, đó là cách sử dụng ngôn ngữ. Lối hành văn giản dị kết hợp với cách dùng từ, lối so sánh rất đậm chất miền núi, rất “đời” nhưng cũng vô cùng tinh tế khiến cho mỗi câu viết ra đều có cái hồn riêng.
Một số câu văn/đoạn văn mà mình rất thích:
“Nước sông chảy buồn như dòng nước mắt".
“Trời cho rơi xuống đâu thì đậu ở đấy. Nắng lên thì sẽ tan ra. Tan ra và biến mất. Súa đã biến mất rồi. Bây giờ hỏi Súa không ai trả lời nữa. Trong nhà ngoài nhà, đều gọi Súa là vợ Phống".
“Vừ à, Súa bây giờ giàu nhất thứ gì Vừ biết không? Không phải tiền, không phải bò dê, mà là giàu buồn. Là buồn ấy. Giàu lắm. Đựng không hết. Không có chỗ nào để cất nữa. Lâu lắm Súa chẳng biết phải làm thế nào để cười một cái".
Sách đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, với nhạc phim cực hay. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một câu chuyện kết thúc có hậu thì cuốn sách có lẽ không dành cho bạn.
“Lặng yên dưới vực sâu” là một cuốn sách mỏng nhưng bạn sẽ phải nghĩ rất lâu về nó. Cảm xúc khi đọc cuốn này thì đúng như tên gọi – sâu thăm thẳm với những trăn trở khôn nguôi về tấn bi kịch của con người.
Điểm: 4,5/5
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất