Người ta sợ những gì người ta không biết. Khi còn nhỏ, chúng ta luôn sợ ma, sợ dưới mặt hồ sẽ tồn tại một con quái vật nào đó bởi rốt cuộc vì chúng ta không hiểu trong bóng tối và dưới mặt nước có gì.
Lĩnh vực Blockchain và crypto cũng vậy. Truyền thông chính thống cũng chia ra làm hai luồng dư luận: Một bên ủng hộ một cách từ tốn, một bên kịch liệt phản đối.
Trong cùng một ngày, mình đã đọc được những bài báo với quan điểm có thể nói là trái ngược nhau dù chúng viết về một đề tài.
Trong bài báo "Các hoạt động giao dịch tiền ảo là vi phạm pháp luật tại Việt Nam", tác giả Hà Linh đầy căng thẳng viết rằng:
"Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo; đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp. "
Trong bài viết này, có thể thấy ngành công nghiệp crypto đối với tác giả là thứ gì đó đáng sợ, tiêu cực. Thậm chí, có phần giống với các bài viết tuyên truyền phòng chống ma túy, cờ bạc, hoặc một dịch bệnh nào đó.... Và ngay ở tiêu đề và bài viết, nhà báo này đã trích dẫn điều luật theo một hướng khiến người đọc có thể sẽ không thực sự hiểu chính xác theo nghĩa của nó.
Trong khi về bản chất, điều này chỉ đơn giản có là tiền mã hóa (không nên gọi là tiền ảo) chưa được xem là một loại tài sản và không được dùng làm phương tiện thanh toán trong lãnh thổ Việt Nam - điều cũng tương tự cũng xảy ra với việc dùng USD để mua sắm hàng hóa trực tiếp ở Việt Nam.
Nhưng cũng cùng ngày, ông Hồ Quốc Tuấn - một trong nhà nghiên cứu và chuyên gia kinh tế hàng đầu, đang là giảng Viên của đại học Bristol (Anh Quốc) lại thẳng thắn đề nghị trên một trong những tờ báo có nhiều người đọc nhất Việt Nam. Trong bài báo trên Vnexpress, ông viết:
"Chính phủ có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như công nhận crypto là một tài sản và do đó nhà nước có thể thu thuế các giao dịch, quản lý bằng luật pháp, và nhà đầu tư cũng được bảo vệ. Thực ra, nhiều chuyên gia đã cho rằng đây là con đường tất yếu các chính phủ phải đi.."
Vậy rốt cuộc blockchain là gì? Crypto là gì? Có đáng sợ, cần "bài trừ" như một số kênh truyền thông đề cập?
Nếu ai đó hỏi mình thị trường crypto có đầu cơ và rủi ro không. Mình sẽ trả lời là "Có!". Nhưng nếu ai đó hỏi blockchain và một trong những ứng dụng của nó là "crypto" cần được khoanh vùng và tránh như tránh hủi thì mình chắc chắn sẽ trả lời là "Không!".
Không phải ngẫu nhiên, người ta nói việc phát minh ra blockchain giống như việc phát minh ra Internet lần thứ hai. Khi tra cứu định nghĩa về blockchain, rất có thể chúng ta sẽ tìm thấy đoạn văn "blockchain là một cuốn sổ cái phân tán....". Chuyện này vô cùng phức tạp để một người non-tech có thể hiểu, nhưng vô tính khái niệm này lại liên tục được copy từ bài viết này sang bài viết khác, khiến cho blockchain đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn.
Đối với mình, khái niệm này vốn có thể giải thích một cách dễ hiểu hơn rất nhiều: blockchain là một kiểu cơ sở dữ liệu mới.Hiểu một cách đơn giản, tất cả những trang web, ứng dụng chúng ta dùng đều được tạo nên từ hai thành phần cơ bản: back-end và front-end.
Trong đó, back-end có thể hiểu là phần dữ liệu bên dưới được lưu trữ dưới dạng bảng, lưu trữ và xử lý thông tin như cách chúng ta xử dụng công cụ Excel để tính bảng lương nhân viên. Điều này cũng như việc cách đây 40-50 năm, các máy tính của Microsoft không hề có giao diện đồ họa mà chỉ tồn tại dưới dạng các dòng code.
Phần front-end là thuộc về phía giao diện, mục tiêu là làm thế nào đó cho thông tin đã được xử lý ấy có thể hiện thị, tương tác với người dùng một cách rõ ràng, hữu ích, trực quan nhất. Tất cả các ứng dụng, web chúng ta đang dùng đều có một mô hình thế này: một nơi lưu trữ dữ liệu, và một giao diện để truy xuất dữ liệu. Vậy thì các dữ liệu của các ứng dụng quen thuộc nhất với chúng ta đang được lưu trữ ở đâu?
Chúng đang được lưu trữ trong một máy chủ tập trung hoặc một cụm máy chủ. Vd Facebook thì có các cụm máy chủ ở Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ... Blockchain chỉ đơn giản là việc thay vì lưu vào một máy chủ, hoặc một cụm máy chủ, dữ liệu được lưu trữ trên hàng trăm thậm chí hàng ngàn máy chủ "tự nguyện" sao lưu, rải rác trên toàn thế giới.
Mỗi khi một dữ liệu nào đó được ghi vào "sổ cái" hay bảng dữ liệu chúng ta đang nói tới, thì tất cả các máy tính trong blockchain đồng thuận với nhau rằng thông tin nào được lưu trữ, thông tin nào không, tiêu chuẩn của nó như thế nào... Cơ chế đồng thuận ấy có nhiều loại khác nhau, giống như mỗi một hội nhóm lại có một quy tắc hoạt động riêng.
Việc lưu trữ phi tập trung cho phép blockchain có nhiều ưu điểm như việc không cần đích danh một ai kiểm soát (vì bảng tính là của chung), không thể tự ý thay đổi dữ liệu trên bảng "excel" bởi ai cũng có thể thấy và kiểm tra cái bảng "excel" chung ấy. Một số cơ chế quy định rằng, những người tự nguyện dùng máy tính của mình vào việc "ghi chép" chung cho cả nhóm sẽ được thưởng và nó góp phần tạo ra một thứ gọi là crypto - tức tiền mã hóa. Hiểu nôm na, ai muốn viết vào "excel" phải trả cho những người lưu trữ kia một khoản tiền.
Tuy nhiên, hệ thống lưu trữ phân tán cũng có những nhược điểm như tốn thời gian (vì phải có sự đồng ý của nhiều máy thay vì một máy), tốn năng lượng (yêu cầu nhiều máy tính cùng hoạt động), có nhiều khó khăn để thể mở rộng ...Đấy, rốt cuộc thì blockchain nó chỉ đơn giản là một cơ sở dữ liệu, một cái bảng excel được dùng chung, nhưng mỗi người giữ một bản để làm chứng. Vậy thì dù là app, web hay bất cứ thứ gì cũng có thể được xây dựng trên blockchain. Giống như việc bạn có thể dùng excel để tính lương thưởng, lập kế hoạch hay đơn giản dùng thay máy tính cầm tay cá nhân.
Vậy thì đầu tư vào các dự án blockchain thực chất là đầu tư vào các tiện ích và giải pháp mà các dự án ấy mang lại. Bảng tính ấy tính lương có nhanh và tiện không? Lập kế hoạch có minh bạch và dễ tương tác hơn không? Chứ không nằm ở công nghệ blockchain hay những quảng cáo, phông bạt hoành tráng.
Lừa đảo luôn là một phần của thị trường crypto
Lừa đảo luôn là một phần của thị trường crypto
Ngành công nghiệp blockchain cũng đang ở giai đoạn "miền Tây hoang dã" mà chúng ta không biết đâu là mô hình thực sự mang lại hiệu quả. Đôi khi để thực sự có được đáp án, chúng ta buộc phải trải qua giai đoạn thử sai như cách mà bong bóng dotcom đã tạo ra hàng loạt gã khổng lồ công nghệ như Yahoo, Google.
Và cũng vì "miền tây hoang dã ấy", không ít những dự án phông bạt đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết để đưa ra những sản phẩm không nhằm mục đích giải quyết vấn đề gì. Nhưng trong vùng đất ấy, những viên ngọc quý cũng đang âm thầm được tạo ra và mở ra cơ hội cho bất kỳ ai nhanh nhạy, có hiểu biết.
Đến đây thì mình nghĩ mọi người đã phần nào đó có câu trả lời cho việc có nên tìm hiểu về công nghệ blockchain và có nên đầu tư vào crypto hay không?
Mình có lập một group này để chia sẻ tất cả kiến thức mình biết về blockchain cũng như các dự án được xây dựng trên đó. Mọi người có thể thoải mái tham gia, vì mình sẽ tổng hợp lại các bài mình đã viết (và sẽ viết) về blockchain ở đây: