Về em và Trịnh, lúc công bố vai diễn Bích Diễm, tôi đã nói, ừm, thế cũng ổn, lúc công bố vai diễn Dao Ánh, thực sự là trên cả ổn. Dao Ánh của Hoàng Hà rất giống với Dao Ánh trong suy nghĩ và niệm tưởng của tôi, chỉ đáng tiếc, ngoài những điều đó ra, em và Trịnh tỏ ra rằng mình đã tham lam quá độ trong việc nhồi nhét các người tình và các mảng miếng vào trong tác phẩm của bản thân, khiến cho nó giống một cái gì đó không tả được, về mặt biên kịch, không hơn.
Trước tiên, tôi muốn phản ứng lại một điều mọi người đang hết sức nhầm nhỡ. Đó là việc Trịnh Công Sơn yêu quá nhiều người như vậy, có khác gì trap boy? Tất nhiên, ý tưởng của bạn có thể được xây dựng dựa trên nhân vật Trịnh Công Sơn của phim, hoặc không của phim, nhưng bạn ơi, dù là đứng trên lập trường nào, thì cũng chưa chuẩn.
Tôi còn nhớ, tác giả Phạm Lữ Ân, trong tác phẩm Nếu biết trăm năm là hữu hạn, đã viết mấy câu văn vô cùng thấm thía:
“Yêu hơn một người?
Nếu bạn đã hỏi thì quan điểm của tôi là: hoàn toàn có thể. Tại sao người ta có thể yêu cùng lúc mười hai đứa con (thậm chí vừa con nuôi lẫn con ruột), yêu cùng lúc năm ông anh bà chị mà lại không thể yêu hai người đàn ông hay đàn bà cùng lúc?”
Thật phi lý! Tất nhiên, tôi cũng cảm thấy việc yêu hai người cùng lúc thì hơi lấn cấn (mặc dù chẳng rõ cấn ở đâu về mặt lý luận), song tôi tin rằng, trong cùng một cuộc đời, chúng ta hẳn phải yêu nhiều hơn một người!
Phải vậy không?
Trừ phi bạn mất đi khả năng cảm thụ thiên nhiên, lẽ nào, không có một ngày nào trong đời, sau những cơn mưa dai dẳng, một sớm kia thức dậy thấy Mặt Trời toả rạng đầy yêu thương, bạn cảm thấy cõi lòng tràn ngập yêu thương và hạnh phúc? Trừ phi bạn mất đi khả năng cảm thụ con người, lẽ nào, không có một ngày kia, bạn thấy bà cụ lom khom với chiếc xe đạp cà rề, sau xe là dăm bông hoa tươi mát, bạn lại nén lòng không mua một đoá hoa?
Nếu bạn là một người yêu hoa lá, giả như có cơ hội đến miền ôn đới, hoặc Đà Lạt thôi, bạn chẳng lẽ không thích nhiều hơn một đoá hoa hồng? Hoa hướng dương đẹp, mà quỳnh hương kia cũng nào chịu thua?
Quay trở lại với Trịnh Công Sơn, em và Trịnh đã dày công “giới thiệu” những cuộc tình lướt ngang qua đời vị cố nhạc sĩ tài hoa này. Xin phép được nói “giới thiệu”, bởi vì cá nhân tôi thấy nó chẳng làm sâu được một cuộc tình nào cả. Xin đặt ra một tình huống cũ kỹ và có phần tàn nhẫn, nếu như những người tình này đều rơi xuống nước, xin hỏi cố nhạc sĩ của chúng ta sẽ cứu ai?
Phải, bạn nghĩ đúng rồi, giữa một vườn đầy những hướng dương, quỳnh, hồng. Bạn có thể yêu tất, nhưng vẫn có khác biệt. Còn nếu bạn cố chấp nói không có, vậy chỉ cần đưa ra câu hỏi lựa chọn, sẽ khắc hoạ rõ rất nhiều thứ. Có thể bác Trịnh sẽ chẳng đời nào tiết lộ, và người làm phim cũng không tiết lộ bao giờ, vì thế thì rất là vô duyên. Nhưng trách nhiệm của người làm phim chính là khắc hoạ rõ nhân vật. Và chính vì thế, tôi nghĩ rằng, tự chúng ta (những người có trí tuệ trên mức bình thường) có thể đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này khi kết thúc bộ phim. Đáng tiếc, bộ phim không thấu được điều này!
Dông dài cũng đủ, quay trở lại câu hỏi chính, Trịnh rốt cuộc nặng lòng nhất với ai?
Cá nhân tôi cho là Dao Ánh. Tình yêu có thể là một ngọn gió lướt ngang qua, hiền hoà dịu nhẹ. Cũng có thể là một buổi tối vang đỏ, với những ngọn nến rực rỡ thiêu đốt không gian. Và cũng có thể là như Trịnh Công Sơn, thấm ướt trong sương mù Đà Lạt, và quạnh quẽ trong gian nhà ở B’Lao.
Phải chắc chắn rằng bởi vì có những cung bậc khác nhau trong tình yêu mà người nghệ sĩ đáng kính của chúng ta mới viết ra được những áng tình ca khác nhau đến thế!
Thôi thì cứ mặc kệ mọi chuyện ở đây, mình xin phép trích lại một số câu trong Thư tình của nhạc sĩ gửi Dao Ánh, để mọi người có cảm nhận gần hơn với B’lao, Dao Ánh, và Trịnh.
Mặc dù được mình tách ra và đưa lên ảnh cho có thêm phần cảm giác, nhưng cả bốn đoạn trên đều nối liền nhau. Nó tạo ra cái buồn từ man mác, đến da diết, đến trầm lặng. Nỗi buồn của không gian bên ngoài, và nỗi ủ ê của thế giới bên trong nhạc sĩ. Và dường như, có lẽ, kể cả đạo diễn cũng chưa cảm được cái buồn tê rợn này.
“Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này anh đã bắt gặp được đủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tượng. Từ đó đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.”
Bạn biết chăng, lúc đọc những dòng này, tôi nghĩ đây là lý do ông viết Cho đời chút ơn...
“Mây đã xuống thấp và tối mù trước mặt. Trời ở đây thật bất thường Ánh ạ. Những cơn mưa chiều đột ngột vô cùng. Bao giờ sắp mưa thành phố không còn biên giới. Trời, đất, núi, nhà, cây cỏ như dán liền với nhau. Anh ngồi nhìn và nghĩ mình như đang được nhốt vào một vòm chum đen nghịt. Thật buồn đó Ánh. ”
Những nỗi buồn tả tơi theo cơn mưa xứ B'lao.
“Những chiều mưa ở đây anh thường mặc áo mưa đến một quán cà phê ngồi nhắm một filtre và nhìn mưa giăng xám trên những đồi trà. Bây giờ thì anh đã hơi quen với không khí ở đây bởi vì ngày nào cũng đối diện với từng ấy khuôn-mặt-nỗi-buồn. Nhưng những buổi trưa thức dậy vẫn còn nỗi bàng hoàng khi nhìn còn đường dốc đất đỏ lầm lì mà mình chưa bao giờ nghĩ là sẽ có lần mình gần ũi nó. Những giấc buồn thật khô. Thật thê thảm, Ánh ạ. Những giờ phút đó, anh thấy mình không còn gì, một con bạc thua sạch vốn liếng. Ôi Thượng đế cũng phải có lần bị căng nọc như anh.”
“Những lần về đây, đi ngang qua khoảng rừng cao su im tối anh như bao giờ cũng thấy được dáng Ánh trắng sáng thuỷ tinh chập chờn trong rừng cây đen và bãi cỏ màu xanh an nghỉ. Những thân cây bổ nghiêng về phía đường che tối một khoảng dài mà ánh sáng là khoảng trời hẹp và dài giữa hai hàng lá.”
Có lẽ phim đã dựa vào đoạn này xây dựng cảnh đi ngang qua rừng cao su tưởng như thấy Dao Ánh. Nhưng mình cứ thấy đoạn này quá “tả chân” thế nào, cũng không biết mọi người có bình phẩm riêng ra sao…
"4 giờ 30 sáng. Anh bật đèn trở dậy vì tình cờ. Anh ra ngoài hiên đứng nhìn. Sương đã mờ từ đêm cho đến bây giờ. Những ánh đèn sáng của nhà thờ ở xa, bây giờ chỉ còn một chấm nhoè như mắt khóc. Tiếc không có Ánh để anh đưa Ánh đi qua vùng sương lạnh này để thấy sương đẫm trên vai tóc."
“Anh sắp phải đi đây nhưng sương-còn nhiều-nên-còn-nhớ-Ánh phải ngồi lại.”
“Anh muốn đóng từng thùng sương gửi về cho Ánh để Ánh trang hoàng căn phòng, ở đó Ánh sẽ một mình mặc áo ấm ngồi cho sương phủ kín, trên bàn một nhánh hoa hồng làm thành chấm đỏ, tóc và mi mắt Ánh sẽ bạc trắng vì sương.”
“Những tiếng súng nổ gần và ầm ĩ. Đã nhiều đêm như thế. Anh nghĩ dại rằng chẳng may một đêm nào đạn vô tình rơi xuống trên thân xác anh và chết đi rất tình cờ buồn thảm. Không hiểu Ánh sẽ có giọt nước mắt nào nhỏ lên mộ phần anh.”
Có lẽ biên kịch và đạo diễn cũng muốn đưa chiến tranh vào trong tác phẩm của mình, nhưng nói thẳng ra, những thước phim ấy rất khập khiễng, và người diễn vai Trịnh cũng không ra dáng vẻ gì đau thương của một người đã qua thời chiến loạn, đã viết ra những bài phản chiến bất hủ ấy.

Và một vài lời cuối cho cuộc tình:

“Ngoài kia, có còn gì đâu ngoài một ánh sáng neon ở xa, một trụ đèn bằng cây và hai màu trời đất.”
“Đêm đã muộn màng, có những lời nói đã trễ tràng.”
“Mỗi người đang từ một thực tại bi đát này vong thân vào một thực tại bi đát khác.”
“Mưa nào cũng tẻ ngắt như nhau nếu chúng mình bỗng dưng thành kẻ lạ.”
Mình nghĩ, chỉ bấy nhiêu thôi, tưởng cũng đủ để phác hoạ một cảnh đời rồi...
Ps. Bài này viết đã lâu, nhưng mãi không có cơ hội trau chuốt lại, giờ nhìn lại cũng không biết trau chuốt từ đâu, nên thôi thì cứ đăng lên cho mọi người đọc vui cuối ngày vậy.