Chúng ta đã nói rất nhiều về Bitcoin, Ethereum, hay những blockchain khác. Thời điểm hiện tại, mọi người đã dần có cái nhìn khách quan hơn cho thị trường crypto, thay vì bị xem là một trò lừa đảo như vài năm trước. Để đi xa được đến thế, sức mạnh nội tại không là chưa đủ. Con tàu Bitcoin, may mắn thay, còn nhận được một lực tác động khổng lồ khác, giúp nó không chỉ đi nhanh hơn, xa hơn, mà còn là bền bỉ hơn. Đó chính là sự tin tưởng mạnh mẽ từ cộng đồng ủng hộ.
Gọi đó là sự tin tưởng có lẽ là nói giảm nói tránh, đó phải là một niềm tin tuyệt đối, hay một giáo phái tôn sùng những đồng tiền mà bản thân họ không chạm vào được. Thế, bổ quả cau, hãy xem thử thứ sức mạnh lý trí mạnh mẽ đó đến từ đâu? Có bao nhiêu kiểu niềm tin như vậy? Và sự tồn tại của chúng có tác động như thế nào đến với tương lai của crypto nhé!

Niềm tin từ đâu

Đây là góc nhìn cá nhân, mình không thể đại diện cho ý kiến của toàn bộ mọi người. Tuy nhiên, từ sự quan sát của bản thân, mình thấy có 3 nguồn gốc chính, tạo nên 3 chân cho chiếc kiềng niềm tin vững chãi của Bitcoin hay crypto.

Niềm tin vào sự tăng giá

Trong 10 năm qua, không có tài sản nào có tỉ suất sinh lợi vượt trội như Bitcoin. Từ cái mác “đồng tiền cho chợ đen”, nay BTC đã được xem là vàng kĩ thuật số. Và trong một thế giới bất ổn như hiện tại, lạm phát như một mức thuế vô hình đang ăn mòn tài sản của chúng ta, hiển nhiên Bitcoin trở thành một lựa chọn trú ẩn an toàn mà không ít người lựa chọn.

Niềm tin vào công nghệ

Dù sự thật là Bitcoin và blockchain vốn không phải là một, nhưng cả hai lại có một sự liên hệ chặt chẽ. Crypto là sản phẩm đặc biệt nhất mà blockchain tạo ra, và cũng chỉ trong không gian blockchain, crypto mới thể hiện được giá trị. Khi mà công nghệ chuỗi khối đang dần len lỏi vào các ngành nghề, các khía cạnh cuộc sống, người ta có cớ để tin rằng crypto cũng sẽ sớm phổ biến trong tương lai.
Dẫu vậy, nói đến ứng dụng của các đồng tiền số hiện tại, có vẻ sẽ hơi sớm. Nguyên nhân là vì rào cản của khối hạ tầng khổng lồ mà chúng ta phải giải quyết nếu muốn đưa kỉ nguyên chấp nhận tiền số (mass adoption) đến với thế giới. Sẽ cần nhiều thời gian, nhưng vấn đề sẽ chỉ là sớm hay muộn.

Niềm tin vào một hệ thống tài chính mới

Mở đầu năm 2023, người ta đã lo sợ về một cuộc sụp đổ ngân hàng liên tiếp sau khi một số cái tên lớn như Silicon Valley Bank, First republic bank, Silvergate,... nắm tay nhau đi bụi. Sự thật rằng hệ thống ngân hàng truyền thống đang vận hành một cách ì ạch, thiếu hiệu quả,... đã bị phơi bày ít nhiều trước công chúng. Bắt kịp với guồng quay thế giới gần như là điều không thể với các ngân hàng lớn. Vậy nên, nhiều người tin vào một cuộc đào thải quy mô lớn có thể sẽ xảy ra trong tương lai. (Cơ sở của niềm tin này sẽ được mình nói đến ở phần sau).
Một nền kinh tế phi tập trung, một nền kinh tế minh bạch, nơi mà các cá nhân trực tiếp tương tác với nhau và hạn chế chức năng của bên trung gian,... là thứ có thể được xây dựng nhờ vào blockchain. Đây là một hệ thống tài chính mới, nhanh hơn, mang nhiều lợi ích cho người dùng hơn. Dù những quân cờ domino cũ kia sụp đổ hay không, hạt giống này vẫn sẽ tiếp tục phát triển.

Hệ thống niềm tin

Cộng đồng có thể cùng tin vào điểm cuối của quá trình, đó là sự thịnh vượng của Bitcoin và các đồng tiền điện tử. Nhưng chắc chắn, mỗi người lại có một cách tin khác nhau. Tựa như hệ thống tôn giáo mà con người thế giới đang tham gia vào, phản chiếu vào không gian crypto, ta có một sơ đồ có hình hài tương tự.

Bitcoin Maximalism - Monocoinism

Là những người tôn thờ một vị thần duy nhất, họ cho rằng thế giới số này chỉ có một đồng coin sẽ tồn tại, những cái tên khác, hoặc là ăn theo, hoặc chỉ là những kẻ giả mạo. Bitcoin tuyệt nhiên là vị thần được nhiều người theo chủ nghĩa “độc coin” này thôn thờ nhất. Trong đó, một tín đồ cuồng nhiệt nhất có thể kể đến Michael Saylor, CEO của quỹ đầu tư MicroStrategy đang nắm giữ 158k $BTC. Dưới ngai vàng của Bitcoin, chúng ta có những cụm nhóm đang tôn thờ những đồng coin khác, như Ethereum, Solana, hay thậm chí là … Pi Network.
Tác động của Bitcoin Maxi-er, hay các tín đồ theo chủ nghĩa này lên thế giới crypto là khá đáng kể. Họ là động lực để các dự án có thể đi xa và liên tục phát triển. Tuy nhiên, đôi khi sự va chạm xảy ra, và các cộng đồng maxi rất dễ gây mâu thuẫn với nhau, những cuộc cào phím xảy ra giữa CEO của các blockchain trước đây chẳng hạn. 

Crypto pluralism 

Trái ngược với chủ nghĩa vừa trên, những người theo crypto pluralism hay chủ nghĩa đa coin, lại đặt niềm tin của mình vào nhiều vị thần. Xu hướng này xảy đến khi đám đông cho rằng họ đã trễ chuyến tàu Bitcoin, và mong muốn tìm được một cơ hội tương tự. Với những người ít kinh nghiệm trong thị trường, niềm tin này càng rõ ràng hơn.
Nếu những Bitcoin Maxi, Ethereum Maxi giúp dự án phát triển lâu dài, thì niềm tin vào đa coin đóng vai trò tạo đà cho các dự án nhỏ ở giai đầu, trao cơ hội cho nhiều dự án phát triển hơn.

CBDC-ism

CBDC là viết tắt của Central Bank Digital Currency, hay đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành. Những người theo chủ nghĩa CBDC khá thú vị, họ vốn ủng hộ một nền kinh tế số hóa, nhưng lại không ủng hộ Bitcoin, Ethereum, hay các đồng tiền điện tử khác. Họ là những kẻ vô thần, hoặc cũng có thể nói, chủ nghĩa ủng hộ CBDC được sinh ra để chống lại sự thống trị Bitcoin, chống lại kỉ nguyên phi tập trung của tiền điện tử.
Những người từng tuyên bố Bitcoin là trò lừa đảo, đa số đều ủng hộ CBDC hiện tại. Đó là những chính phủ, những nhà lập pháp đang cố gắng xây dựng nên thứ có thể quản lý, tất nhiên để thích nghi với sự tự do mà Bitcoin tạo nên. 
Chỉ mới thời gian ngắn trở lại đây, tôn giáo này mới thực sự nổi lên mạnh mẽ. Có thể là vì hồi chuông cảnh tỉnh được đánh bởi sự kiện sụp đổ hàng loạt hồi năm 2022, hoặc cũng có thể, giới tài chính muốn tìm một sân chơi mới mà thôi.

Sự hòa hợp 

Đến đây, mọi thứ có vẻ hơi hỗn độn: Những Bitcoin Maxi, Ether Maxi,... chỉ tin vào sự độc tôn duy nhất. Ngược lại, chủ nghĩa đa coin lại khẳng định: sự đa dạng mới là động lực để thế giới tiền điện tử phát triển. Nhưng CBDC, đại diện cho thế lực ở phía bên kia chiến tuyến, đang tìm cách để quản lý mọi thứ. Mọi thứ hỗn độn, một cách hợp lý? 
Hợp lý ở chỗ niềm tin của đám đông sẽ được chuyển biến theo từng giai đoạn của thị trường. Lúc khó khăn, niềm tin vào thế độc tôn của Bitcoin, Ethereum, là cái phao lớn để nhiều người dùng bám vào. Còn khi thời điểm nhẹ nhàng, sôi động tới, sự đa dạng lại tạo đà để thị trường crypto thêm bành trướng. Thế CBDC thì sao?
Sự góp mặt của CBDC là minh chứng rõ ràng cho sự công nhận của các chính phủ đối với Bitcoin và thị trường tiền số. Đó là điều, mà những OG trong thị trường, đã khao khát rất nhiều. (dù điều đó thật sự không quan trọng lắm)
Thời gian tiếp theo, vị thế của CBDC trong thế giới có thể tăng lên đáng kể. Nhưng một lần nữa, mình tin nó sẽ tự điều tiết để tiếp tục phát triển xa hơn, mới hơn, thú vị hơn những gì chúng ta chờ đợi.

Khép lại

Đi một vòng tròn, ta lại về điểm bắt đầu. Dù niềm tin có là loại nào, có ủng hộ chiều hướng nào, thì khởi nguyên vẫn nằm ở bản thân chúng ta. Chọn được niềm tin phù hợp, tôn sùng, khám phá nó với sự tò mò. Liệu bạn có làm được?
Để đoạn kết bài viết thêm phần trọn vẹn, mình sẽ gửi đến bạn câu nói của Michael Saylor, một Bitcoin Maxi chính hiệu với hơn 158k $BTC (và có thể còn tăng thêm), được nắm giữ bởi quỹ MicroStrategy của ông:
Bitcoin là một đàn ong bắp cày điện tử phục vụ nữ thần trí tuệ, nuôi dưỡng ngọn lửa của sự thật, chúng ngày càng thông minh hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn theo cấp số nhân đằng sau bức tường năng lượng được mã hóa.
https://twitter.com/saylor/status/1307029562321231873
(Inspired by @balajis)
(Mình không xin donate 10 cái tên lửa, nhưng bạn có thể giúp mình nhận 10$ bằng cách mở (chỉ cần mở) tài khoản Binance, sàn giao dịch crypto lớn nhất thế giới hiện tại. Link tại đây)